TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 06-6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động thủy sản

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày trước Quốc hội, sau 13 năm triển khai thực hiện, Luật Thủy sản 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Một số quy định chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành thủy sản Việt Nam như quy định về điều tra nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; cấp phép khai thác thủy sản... Một số nội dung chưa được quy định trong Luật như quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, quy định về kiểm ngư...

Bên cạnh đó, một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế như quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản, quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp... Tờ trình cũng nêu rõ sự phát triển ngành thủy sản chưa bền vững; năng lực, kinh nghiệm quản lý, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản còn hạn chế. Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường; nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm... là những thách thức lớn đối với ngành cần phải giải quyết.

Việc xây dựng dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về thủy sản; phù hợp với chiến lược phát triển ngành thủy sản, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, tái cơ cấu ngành thủy sản, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Luật Thủy sản 2003 được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động thủy sản. Dự án Luật gồm có 8 Chương, 100 Điều.

Thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững. Nhiều ý kiến nhấn mạnh nguồn lợi thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng, nhất là ở một số vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...

Các ý kiến đánh giá, dự án Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, đã có nhiều cố gắng để xử lý những bất cập, chồng chéo liên quan trực tiếp đến nhiều đạo luật trong hệ thống pháp luật của nước ta, nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản (Điều 6), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với dự án Luật quy định các chính sách về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho các hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản hiện nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gần bờ gặp nhiều khó khăn, việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong chuỗi các hoạt động thủy sản, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa hơn nữa các chính sách này trong dự thảo Luật; cần nghiên cứu, xem xét lại chính sách về “hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản xa bờ” (điểm g Khoản 1) vì hiện nay vấn đề này đang thực hiện thí điểm, chưa có tổng kết, đánh giá.

Các quy định về “bố trí khoản chi riêng cho quan trắc, dự báo, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; bố trí khoản chi riêng cho công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động thủy sản” và “hỗ trợ một phần quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”, “chi khác có tính đặc thù phục vụ công tác thủy sản” (điểm d, m, n Khoản 1) cũng cần được nghiên cứu, làm rõ, rà soát lại cho phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.

Nhiều ý kiến khác nhau về lực lượng kiểm ngư

Chương VI trong dự án Luật về Lực lượng Kiểm ngư là chương mới so với Luật Thủy sản 2003, quy định cụ thể về chức năng kiểm ngư; nhiệm vụ kiểm ngư; quyền hạn và trách nhiệm của kiểm ngư; phối hợp trong hoạt động của lượng kiểm ngư.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết có ba loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư Trung ương như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh; nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức, hoạt động của Kiểm ngư trong dự án Luật.

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản chưa đánh giá kỹ về hoạt động, hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản cũng như lực lượng kiểm ngư. Vì thế, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là chưa phù hợp mà chỉ cần tăng nguồn lực, chế độ cho thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng.

Ngoài ra, các quy định về Kiểm ngư trong dự án Luật còn chung chung, khá đơn giản tuy về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư đã qua bốn năm triển khai thực hiện. Vì thế, Ban soạn thảo cần rà soát, luật hóa các quy định để bảo đảm tính cụ thể của Luật, tính pháp lý cao nhất cho lực lượng Kiểm ngư hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân và phối hợp cùng với các lực lượng chấp pháp khác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.

Có đại biểu đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự án Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tại các chi cục thủy sản. Hiện nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ do đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm cũng chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương.

Chính phủ sẽ căn cứ tính chất, yêu cầu của từng địa phương để quy định thành lập lực lượng kiểm ngư tại một số tỉnh cho phù hợp, như tỉnh có bờ biển dài, có địa hình phức tạp, có lượng tàu thuyền hoạt động lớn... Việc chuyển đổi từ lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản sang kiểm ngư tại một số tỉnh có vùng biển đặc thù cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm biên chế.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Tờ trình về việc phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Quốc hội thảo luận tại hội trường về hai nội dung này./.