Những dự án tái thiết không hiệu quả của Mỹ ở I-rắc
Trong nỗ lực tái thiết lớn nhất kể từ Kế hoạch Marshall (kế hoạch tái thiết Tây Âu của Chính phủ Mỹ), đến nay Mỹ đã chi khoảng 53 tỉ USD cho các hoạt động cứu trợ và tái thiết I-rắc kể từ khi nhà cầm quyền Mỹ phát động chiến tranh ở quốc gia giàu dầu mỏ này năm 2003.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại I-rắc sẽ không đủ khả năng tự bảo đảm và duy trì các cơ sở hạ tầng đó khi quân đội Mỹ rút khỏi đây.
Trong kế hoạch tái thiết I-rắc, Mỹ đã đổ hàng tỉ USD để xây dựng hàng chục nghìn bệnh viện, trường học, các nhà máy nước, điện và cầu đường. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành với trang thiết bị hiện đại thì việc đưa vào vận hành các công trình này lại gặp nhiều khó khăn. Nhà máy xử lý nước ở Nasiriyah được đầu tư 270 triệu USD nhưng trên thực tế lại hoạt động với công suất thấp hơn nhiều so với dự kiến do thiết bị quá phức tạp và với tay nghề non kém, không được đào tạo bài bản, công nhân I-rắc khó có thể vận hành. Những khu chợ xây xong nhưng người nông dân I-rắc không sử dụng vì không hợp với họ. Một bệnh viện lớn của Mỹ đã phải đóng cửa ngay sau khi chuyển giao cho người I-rắc do Chính phủI-rắc không đủ khả năng cung cấp thiết bị, điện và nhân viên y tế để đưa vào hoạt động. Thực tế này đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng của Chính phủ I-rắc trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân nước này.
Trong suốt hai năm qua, Chính phủ I-rắc đã từ chối hoặc hoãn việc tiếp nhận các dự án do Mỹ xây dựng do không thể điều hành và duy trì những dự án này. Một phân tích của Viện Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho rằng, các dự án xây dựng trên diện rộng như nhà máy điện, hệ thống xử lý nước, nhà máy lọc dầu đã hoàn thành, song điều họ quan tâm là khả năng bảo đảm duy trì các hoạt động của chính quyền I-rắc khi Mỹ chuyển giao. Các nhà thanh tra các dự án tái thiết I-rắc cũng đưa ra báo cáo trong vài tháng qua về khả năng thất bại của các dự án được Mỹ tài trợ khi họ chuyển giao cho chính quyền I-rắc... Trong khi I-rắc bị đổ lỗi về quản lý yếu kém, thì chính quyền Mỹ đã thất bại trong việc thực hiện các dự án phù hợp và thiết thực đối với I-rắc, cũng như giúp người I-rắc có đủ năng lực tiếp quản.
Mặc dù Chính phủ I-rắc cam kết sẽ chi tiêu nhiều hơn vào công cuộc tái thiết đất nước, song nước này đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách đáng kể do giá dầu thế giới giảm. Chính phủ I-rắc cần tới 400 tỉ USD trong khi nguồn ngân sách này chưa biết lấy từ đâu. Cố vấn của Thủ tướng I-rắc A.Al Alak cho biết, nước này sẽ dùng lợi nhuận thu từ dầu mỏ để phục vụ các dự án tái thiết đất nước. Mỹ đã chi khoảng 53 tỉ USD cho các dự án này, thế nhưng các nỗ lực tái thiết của Oa-sinh-tơn vẫn bị chỉ trích là lãng phí, hơn 40% người I-rắc vẫn thiếu nước sạch. Theo tổ chức Oxfam, 90% trong số 180 bệnh viện của I-rắc không được cung cấp thiết bị y tế cơ bản, tỷ lệ chết ở trẻ em nước này rất cao. Một vấn đề đặt ra là hàng trăm nghìn người I-rắc có chuyên môn và tay nghề trong lĩnh vực y tế đã chạy ra nước ngoài hoặc chết do chiến tranh. Tại Hilla, cách Bát-đa 95 km về phía nam, một bệnh viện phụ sản mà Mỹ đã đầu tư 4 triệu USD, với các trang thiết bị y tế công nghệ cao, nhưng các nhân viên I-rắc không đủ trình độ để đưa vào sử dụng. Bệnh viện Ibn Sina ở Bát-đa, một trung tâm y tế lớn nhất của quân đội Mỹ, đã được lực lượng I-rắc đảm nhiệm việc bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, bệnh viện này đã bị đóng cửa do Bộ Y tế I-rắc thiếu nhân viên và trang thiết bị, mặc dù quân đội Mỹ cho biết khi chuyển giao đã để lại số trang thiết bị trị giá 7,9 triệu USD. Dự án tái thiết tai tiếng nhất của I-rắc là xây dựng bệnh viện nhi Basra trị giá 165 triệu USD, được Phu nhân cựu Tổng thống Mỹ, bà Lau-ra Bu-sơ bảo trợ khi còn là đệ nhất phu nhân, đã bị đình trệ hơn 4 năm. Giám đốc bệnh viện, ông Ahmed Kasim, thừa nhận, khi bệnh viện này được mở cửa, dự định vào tháng 3-2010, sẽ có rất ít bác sĩ và nhân viên y tế có thể sử dụng các trang thiết bị tiên tiến.
Một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về tính khả thi của việc đưa vào sử dụng các dự án tái thiết khi Mỹ chuyển giao cho chính quyền I-rắc, nhất là vào thời điểm nước này tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 1-2010, trong tình hình an ninh mất ổn định và bạo lực bao trùm một số khu vực. Bế tắc về chính trị, kinh tế, xã hội cùng với bạo lực tiếp tục gia tăng ở I-rắc sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch rút quân Mỹ khỏi quốc gia vùng Vịnh này, dự kiến với số lượng lớn vào năm 2010./.
Nghị định số 113/2009/NÐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư  (03/01/2010)
Ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2009  (02/01/2010)
Nga dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt  (02/01/2010)
Nhiều luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2010  (02/01/2010)
Công bố cách tính chỉ số giá tiêu dùng mới  (02/01/2010)
Hàng nghìn tỉ đồng đóng góp cho người nghèo  (01/01/2010)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên