TCCSĐT - Ngày 02-6-2017, tại Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế tổ chức thi hành pháp luật - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo là hoạt động nằm trong quá trình triển khai Đề tài khoa học “Cơ chế tổ chức thi hành pháp luật - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn. Chủ trì Hội thảo là PGS, TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp và TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Trong bài phát biểu đề dẫn Hội thảo, thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, PGS, TS. Hoàng Thế Liên khẳng định, “thi hành pháp luật là một vấn đề lớn ở Việt Nam hiện nay”, bởi mặc dù có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, nhưng thi hành pháp luật lại đang là một trong những điểm yếu. Do đó, PGS, TS. Hoàng Thế Liên mong muốn các bài tham luận, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ góp phần làm rõ nội dung của các vấn đề như: thi hành pháp luật (khái niệm, cơ chế thi hành pháp luật,…); cơ chế tổ chức thi hành pháp luật (chủ thể, cơ chế tổ chức thi hành pháp luật, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan hành pháp trong tổ chức thi hành pháp luật,…); từ đó đưa ra kiến nghị, những giải pháp phù hợp…

Trên cơ sở những vấn đề được gợi ý, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi, làm rõ nội hàm của các khái niệm trong lý luận về tổ chức thi hành pháp luật, như thi hành pháp luật là gì, thi hành pháp luật có phải là thực hiện pháp luật hay không; tổ chức thi hành pháp luật, các hoạt động cơ bản của tổ chức thi hành pháp luật; cơ chế tổ chức thi hành pháp luật, những yếu tố cấu thành và sự tương tác giữa chúng;…

Không chỉ phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham dự Hội thảo còn phân tích, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật ở Việt Nam, được thể hiện qua việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật, việc bảo đảm điều kiện cho thi hành pháp luật, việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, phân tích, làm rõ cơ chế tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam thời gian qua trên từng lĩnh vực cụ thể, như trong lĩnh vực dân sự, hình sự, an toàn thực phẩm,…; chỉ ra những thành công, rút ra những điểm còn hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập. Từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể trong tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam thời gian tới./.