Tân chủ nhân Điện Élyseé và những “bài toán” khó
TCCSĐT - Tân Tổng thống Pháp E. Macron (Ma-crông) đã đi vào lịch sử đương đại Pháp khi trở thành chủ nhân trẻ tuổi nhất của Điện Élyseé (Ê-li-dê). Tuy nhiên, “chào mừng” chiến thắng của ông là cuộc biểu tình trong chưa đầy 24 giờ sau bầu cử, với lời cảnh báo Tổng thống đắc cử “chớ nên đụng vào quyền lợi xã hội của người lao động”.
Trong khi đó, báo chí thế giới sớm đưa ra các dự báo cho rằng, đằng sau cánh cửa Điện Élyseé, ông E. Macron sẽ không có nhiều thời gian để nhâm nhi chén rượu mừng. Ở tuổi 39 và chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường, ông E. Macron sẽ phải nỗ lực hết sức, nếu không muốn phụ lòng tin của 66,1% số cử tri đã bỏ phiếu cho ông. Dư luận thế giới hiện cũng đang ngóng về nước Pháp, giống như các cử tri nơi đây kỳ vọng vị tân Tổng thống theo đường lối trung dung này có thể vực dậy một nước Pháp đang chia rẽ sâu sắc và phải vật lộn với khó khăn kinh tế lẫn những thách thức an ninh.
Những “di sản” kinh tế không mấy dễ chịu
Liệu trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống đắc cử E. Macron có phép màu gì giúp giải thể “đội quân” thất nghiệp hiện lên tới 3,7 triệu người, chiếm hơn 5% dân số Pháp và là gần 10% số người trong độ tuổi lao động; biến đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, đem lại sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; cũng như hóa giải tâm lý “nhấp nhổm” của một bộ phận cử tri đang dần mất niềm tin vào Liên minh châu Âu (EU), mà ngả theo xu hướng phi toàn cầu hóa - đe dọa chia năm xẻ bảy thế giới...
Hài hước vốn được coi là bản tính của người dân Pháp cũng không giúp xua tan tâm trạng bi quan về tương lai đất nước ngự trị nhiều năm qua, cho dù tình hình kinh tế - xã hội Pháp không đến mức tồi tệ như ở một số quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cuộc thăm dò dư luận do Viện Ipsos tiến hành hồi đầu năm 2017 cho thấy, chỉ có 15% số người Pháp được hỏi tin rằng Pháp đang đi đúng hướng, trái ngược hẳn với tỷ lệ 91% số người Trung Quốc và 75% số người Ấn Độ được hỏi tin tưởng vào tương lai đất nước, hoặc chí ít có tới 38% số người Anh và 26% số người Ba Lan được hỏi tin tưởng vào tương lai đất nước.
Cũng phải thừa nhận không phải vô cớ mà nhiều người dân Pháp có tâm trạng bi quan. Theo thống kê, trong gần một thập niên qua, tăng trưởng kinh tế Pháp gần như bị giữ ở nút “pause” (“tạm dừng”). So với năm 2008, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Pháp chỉ tăng 2% trong vòng 9 năm và đây là mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ số này trong cùng kỳ tăng hơn 7%, tại Đức là 6,8% và mức trung bình trong Eurozone là 1,8%.
Pháp hiện đang nợ hơn 2.000 tỷ euro, tương đương 96% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone. Tỷ lệ này vượt quá cao so với mức quy định của châu Âu là 60% GDP và cao gấp 3 lần so với thời điểm năm 1990.
Xuất thân từ một ông chủ ngân hàng, rồi trở thành cố vấn Tổng thống F. Hollande (Ph. Hô-lăng-đơ), trước khi trở thành Bộ trưởng Kinh tế, ông E. Macron hiểu rõ “bài toán” khó về kinh tế mà ông sẽ phải giải ở Điện Élyseé. Nếu duy trì được và thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình bất chấp giá xăng dầu, hàng hóa leo thang, trong khi lương trung bình tăng rất chậm, thì ông E. Macron mới có thể hóa giải tâm lý chán nản của giới đầu tư. Còn như cắt giảm các khoản đóng góp xã hội bắt buộc đối với các doanh nghiệp cũng khó lòng khiến họ đổ vốn ra sản xuất, trừ khi mức tiêu thụ thực sự khởi sắc. Không có tiêu thụ, sẽ không thúc đẩy sản xuất cũng như đầu tư, và điều đó tỷ lệ thuận với tình trạng thất nghiệp. Hơn ai hết, cựu Bộ trưởng Kinh tế E. Macron hiểu rõ điều này.
Hòa giải đất nước - bài toán không dễ
So với những khó khăn về kinh tế, xem ra việc đoàn kết các giai tầng trong xã hội Pháp cũng là một bài toán hóc búa. Những ngày sau chiến thắng của ông E. Macron, các tờ báo lớn của Pháp, như nhật báo Le Monde, tờ Libération, tờ Le Figaro, hay nhật báo La Croix… đều cho rằng, “hòa giải đất nước đang bị chia rẽ” là nhiệm vụ quan trọng trước hết của chủ nhân Điện Élyseé lúc này. Ông E. Macron sẽ phải tìm kiếm những gương mặt tài năng trong đảng của mình ra tranh cử Quốc hội vào các ngày 11 và 18-6-2017, để có được đa số phiếu ủng hộ trong cơ quan lập pháp, nhằm thuận lợi hơn khi thông qua các chính sách mới cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản khi ông E. Macron không được chính đảng uy tín nào hậu thuẫn, và Phong trào Tiến bước do ông thành lập (nay đã đổi tên thành Đảng Cộng hòa Tiến bước) vẫn còn non trẻ. Trong trường hợp 2 lực lượng chính trị chủ chốt hiện nay là Đảng Xã hội của những người cánh tả và Đảng Những người Cộng hòa của những người cánh hữu giành ưu thế trong cuộc bầu cử Quốc hội, ông E. Macron sẽ buộc phải thỏa hiệp để điều hành đất nước, nếu không muốn bị Quốc hội “thổi còi” trong các vấn đề đối nội.
Ông E. Macron đã gặp nhiều thuận lợi trên con đường vận động tranh cử, nhưng giải quyết bài toán chia rẽ nội bộ lại là câu chuyện khác. Nó không dễ dàng như việc ông có thể bỏ lại bên ngoài Điện Élyseé những đối thủ, vốn đã tự đánh mất uy tín chính trị khi sa lầy trong các vụ tai tiếng “thu vén” lợi ích cá nhân.
Thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa các đảng phái chính trị, ông E. Macron cũng phải nhanh chóng “lấp đầy” nhiều hố sâu ngăn cách nội bộ khi không chỉ giới tinh hoa chính trị mà các nhóm dân cư cũng đang xung đột lẫn nhau, chủ yếu giữa một bên giữ chính kiến hội nhập, tiếp tục xây dựng một EU đoàn kết, khi đâu đó nhen nhóm những quốc gia muốn theo chân Anh rời khỏi “mái nhà chung” và bên kia muốn quay lại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, bảo hộ các lợi ích quốc gia, phản đối di dân và “bỏ mặc” các vấn đề quốc tế cho “ai đó” giải quyết.
Thẳng thắn mà nói, thắng lợi của ông E. Macron không phải chỉ dựa vào uy tín chính trị cá nhân, bởi thực tế có một bộ phận cử tri đã bỏ phiếu cho ông khi họ không có lựa chọn nào khác nếu không muốn một nhân vật cực hữu lên nắm quyền. Thế nên, khôi phục lòng tin của người dân đối với các thể chế hiện hành cũng như các tư tưởng chính trị chủ lưu có lẽ không đơn giản như khi ông mở được cánh cửa Điện Élyseé. Tân Tổng thống sẽ phải nỗ lực hết sức để thực hiện đầy đủ những cam kết đưa ra khi tranh cử, cũng như phải bảo đảm không tiếp nối những chính sách kém hiệu quả mà người tiền nhiệm vốn không được lòng dân để lại trong 5 năm cầm quyền vừa qua.
Những ưu tiên trong chính sách đối ngoại
Bước chân vào Điện Élyseé, ông E. Macron phải trả lời những câu hỏi chưa có lời giải về vị thế của Pháp trên trường quốc tế; về tương lai mối quan hệ của Pháp với các cường quốc Nga, Mỹ và Trung Quốc; hay chính sách ngoại giao trong 5 năm tới.
Cử tri Pháp chờ đợi cách thức ông E. Macron đem lại các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Pháp, trước hết là những vấn đề liên quan đến vai trò quan trọng của Pháp trong EU. Từng là một trong những nước sáng lập EU, có ảnh hưởng lớn trong các cuộc thảo luận và được các đối tác trông đợi, thời gian qua, so với nước láng giềng Đức, vai trò của Pháp có phần “lép vế”, ít nhiều do sự bất cân xứng kinh tế giữa 2 nước không ngừng tăng lên trong thập niên qua. Do đó, Paris cần khôi phục uy tín chính trị và kinh tế thông qua xây dựng một chương trình cải cách cơ cấu nhằm bảo đảm sự ổn định của Pháp và cho toàn thể EU. Đòi hỏi này cũng lý giải vì sao ông E. Macron đã quyết định chọn Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống. Ông xác định cần phải nâng vị thế nước Pháp “cân bằng hơn trong trục Paris - Berlin”.
Trong quan hệ với Mỹ, ông E. Macron khẳng định thực thi chính sách ngoại giao độc lập hơn, dù đây vẫn là mối quan hệ “thiết yếu”, khi mà Pháp còn cần đến Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ chống khủng bố đến hợp tác quân sự. Tuy nhiên, đối với một vị tổng thống nổi tiếng khó đoán định như ông D. Trump (Đ. Trăm), tân Tổng thống Pháp cần phải ý thức rõ trọng trách gánh vác trong trường hợp Washington “buông tay” với những khu vực có xung đột mang tính sống còn với Paris. Tuy nhiên, Pháp xác định chỉ có thể gánh vác trách nhiệm này trong khuôn khổ của một EU vững mạnh.
Đề cập đến quan hệ với Nga, với những bất đồng nổi cộm mang tên Ukraina và Syria, những năm gần đây Pháp cho rằng châu Âu và Nga không thể cứ “ông chẳng bà chuộc”, mà cần thống nhất cách ứng xử, kiên định lập trường và đối thoại một cách cởi mở. Trong vấn đề Ukraina, ông E. Macron thiên về giải pháp duy trì các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi Thỏa thuận Minsk được các bên tôn trọng.
Chính sách ngoại giao của Pháp với Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á hiện vẫn đang là ẩn số. Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Pháp năm 2017, các ứng cử viên có nhiều triển vọng đều không công du châu Á. Điều đó cho thấy khu vực này hiện không nằm trong phạm vi quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo Pháp.
Khủng bố - bài toán không thể giải một mình
Cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác, ông E. Macron luôn coi cuộc chiến chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu. Hơn thế, trong số những quốc gia châu Âu, Pháp là mục tiêu số 1 của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong gần 3 năm qua, người dân Pháp luôn sống trong nỗi ám ảnh thường trực của hàng loạt vụ tấn công đẫm máu, làm dấy lên tâm lý bất an và lo sợ trong xã hội. Hiện xã hội Pháp bị chia rẽ và dễ bị tổn thương, trong khi các đối tượng khủng bố càng tìm cách khoét sâu, phá hủy sự gắn kết dân tộc bằng cách tạo thêm căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo và bộ phận người dân còn lại. Mặt khác, nguy cơ những công dân nhiễm tư tưởng cực đoan gia nhập lực lượng khủng bố, hay tìm cách thực hiện các vụ tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” ngay trong lòng nước Pháp cũng ngày càng gia tăng.
Với đặc thù của một châu Âu thống nhất, những nét ưu việt của EU giờ đây đang bị các thế lực khủng bố lợi dụng; chúng thoắt ẩn, thoắt hiện, gây ra những cuộc khủng bố đẫm máu tại một thành phố hay một quốc gia nào đó ở châu Âu, rồi “cao chạy xa bay”, thậm chí không còn lai vãng ở những nơi chúng vừa gây án. Châu Âu và Pháp cần đoàn kết, thống nhất trong cuộc chiến chống khủng bố; chính quyền mới của Pháp cần góp phần phát huy sức mạnh tập thể của châu Âu mới mong tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố.
Bên cạnh đó, khi đề cập đến tình hình Trung Đông, đặc biệt là việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, ông E. Macron coi trọng việc tiêu diệt các lực lượng khủng bố tại đây, khi không đòi hỏi nhất thiết ông Bashar al-Assad (Ba-sa an Át-xát) phải từ nhiệm. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi đầu tháng 4-2017 mà phương Tây cho rằng chính quyền ông Bashar al-Assad là thủ phạm, ông E. Macron đã thay đổi quan điểm và khẳng định “ông Bashar al-Assad không thể tại vị” và cuộc khủng hoảng ở Syria không thể chỉ do Nga và Iran giải quyết.
Bất luận đường lối đối nội và đối ngoại của Pháp ra sao, thì trong bối cảnh nước Pháp hiện nay có tới 9,5 triệu người sống dưới mức nghèo khó, hẳn tân Tổng thống E. Macron phải hiểu rằng, nếu những cải cách của ông không đem lại thành quả cụ thể, trong 5 năm tới, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn và phe cực hữu sẽ vươn lên. Hơn ai hết, tân Tổng thống Pháp E. Macron và những người đã bầu chọn ông không mong muốn điều đó. Trên thực tế, một châu Âu tự do, thống nhất, luôn đề cao các giá trị nhân văn cũng không mong muốn điều đó. Lúc này chưa dễ đoán định về tương lai nước Pháp, trong đó ít nhiều chi phối tương lai châu Âu. Có điều chắc chắn rằng, châu Âu, nước Pháp và những người yêu chuộng tự do, hòa bình không thể nào phù hợp với những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi./.
Tọa đàm: “Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện”  (02/06/2017)
Agribank và Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) ký kết thỏa thuận hợp tác  (02/06/2017)
Agribank và Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) ký kết thỏa thuận hợp tác  (02/06/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên