APEC 2017: Thúc đẩy tăng trưởng vì lợi ích của tất cả người dân

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
21:43, ngày 02-03-2017

TCCSĐT - Ngày 02-3, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 bắt đầu ngày làm việc đầu tiên, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 02 và 03-3.

Chủ tịch các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ khởi động triển khai các kế hoạch hành động chung nhằm mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực để người dân, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung tận dụng được các cơ hội của một thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh mặc dù có những dự báo tích cực, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn còn chậm.

Các nền kinh tế thành viên APEC cũng đang phải đối mặt với quan ngại rằng lợi ích của toàn cầu hóa không được phân bổ một cách đồng đều và công bằng. Nhưng khu vực APEC vẫn tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế và hội nhập, là khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư.

Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng APEC có đầy đủ các nguồn lực, tiềm năng và khả năng để vượt qua thách thức này và biến chúng thành động lực cho tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ hơn. Là một khu vực năng động, APEC có thể và sẽ tiếp tục tiến lên phía trước trên con đường phát triển và thịnh vượng.

Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong suốt 12 ngày vừa qua, các Ủy ban, nhóm làm việc đã họp, thảo luận các ưu tiên và kế hoạch làm việc cho năm 2017, trong đó có các chương trình và sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy những ưu tiên này và những mục tiêu chung của APEC.

Tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần này, các đại biểu sẽ nghe những báo cáo và khuyến nghị từ những cuộc thảo luận, trao đổi những quan điểm về các biện pháp nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của APEC trong những lĩnh vực ưu tiên, để duy trì vai trò của APEC như là Diễn đàn kinh tế khu vực hàng đầu.

Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong đợi các cuộc thảo luận sâu rộng về cách thức nhằm thúc đẩy sự bao trùm của APEC cũng như bảo đảm rằng, tăng trưởng, toàn cầu hóa thương mại và đầu tư tự do mà APEC đang theo đuổi sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Ngay sau khai mạc hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo vắn tắt về những kết quả chính của Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp (ISOM); về công tác của tiến trình Bộ trưởng tài chính năm 2017 trong đó có kết quả của Hội nghị Thứ trưởng tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương; về tiến trình Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC; Báo cáo của Ủy ban Kinh tế...

Các đại biểu sẽ đánh giá những đề xuất về thúc đẩy và bao trùm kinh tế, tài chính xã hội trong khu vực APEC; đề xuất khung APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số; đề xuất về thu hẹp khoảng cách trong phát triển và hội nhập kinh tế ở vùng sâu, vùng xa nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững ở khu vực APEC.

Các quan chức cao cấp thông qua báo cáo của Chủ tịch Ủy ban kinh tế, ghi nhận kết quả của đối thoại chính sách Ủy ban kinh tế về mua sắm Chính phủ.

Tiếp tục phiên họp, buổi chiều, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tập trung nghe Báo cáo về kết quả cuộc họp của Ủy ban Thương mại và Đầu tư, bao gồm những lĩnh vực ưu tiên và kế hoạch công tác trong năm 2017; Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo về hợp tác kinh tế kỹ thuật về những cuộc thảo luận gần đây trong đó có những ưu tiên và kế hoạch trong năm 2017.

Hội nghị thảo luận các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, trong đó có việc thúc đẩy các bước nhằm đạt được Mục tiêu Bogor cũng như hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); Việc thực hiện lộ trình cạnh tranh dịch vụ APEC, trong đó bao gồm các báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế; Các báo cáo của Nhóm bạn của Chủ tịch về kết nối, Nhóm chỉ đạo công tác về Ủy ban đặc biệt về nền kinh tế mạng; Những công việc thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư.

Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận những biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; trao đổi ý kiến về những sáng kiến nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên kỹ thuật số; việc xây dựng chiến lược về các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa bền vững./.