Một số nét về kinh tế thế giới năm 2016 và triển vọng năm 2017
TCCS - Kinh tế thế giới năm 2016 đan xen những gam màu sáng, tối khác nhau. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy nhiều nền kinh tế đẩy mạnh cơ cấu lại nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và khuyến khích đổi mới - sáng tạo. Dù vậy, kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro, thách thức, từ nợ công đến đầu tư và thương mại quốc tế trì trệ, tác động khó lường của các diễn biến chính trị nội bộ phức tạp ở nhiều nước và các điểm nóng địa - chính trị... Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam nổi lên là một điểm sáng về phục hồi kinh tế nhờ ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô và nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Kinh tế thế giới năm 2016 tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro và bất định
1- Kinh tế thế giới cơ bản ổn định, nhưng còn nhiều biểu hiện trì trệ
Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2016 tăng trưởng khoảng 3%(1) - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Tăng trưởng chậm xảy ra ở cả nhóm nước phát triển lẫn nhóm nước đang phát triển.
Kinh tế Mỹ tiếp tục đà hồi phục, ước tăng trưởng 1,5% trong năm 2016 nhờ tiêu dùng và thương mại phục hồi mạnh; tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,6%; giá trị đồng USD đạt mức cao. Do các tiến triển của kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất vào tháng 12-2016 và dự kiến tiếp tục động thái này trong năm tới. Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng trưởng 1,7% với một số dấu hiệu phục hồi, song về tổng thể vẫn trì trệ; tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Kinh tế Nhật Bản ước cả năm 2016 tăng trưởng 0,8% nhờ phục hồi xuất khẩu, song vẫn khó khăn do sức ép giảm phát, đầu tư và tiêu dùng yếu, già hóa dân số.
Kinh tế Trung Quốc cơ bản ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt 6,7%, sản xuất công nghiệp và dịch vụ đều tăng khá. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính - tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá trị đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010; việc xử lý vòng xoáy nợ xấu do tăng tín dụng, giảm đầu tư và năng suất chậm được cải thiện. Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khác sau 5 năm suy giảm, bước đầu có sự phục hồi, trong đó các nền kinh tế đang nổi ở châu Á phục hồi nhanh nhất, khu vực Trung Đông và châu Phi vẫn gặp khó khăn. Ấn Độ là điểm sáng với tăng trưởng cao, đạt 7,6% nhờ đẩy mạnh cải cách, tăng tiêu dùng tư nhân và hưởng lợi từ giá hàng nhập khẩu thấp. Các nước Đông Nam Á tăng trưởng 4,9%, trong đó Việt Nam và Phi-líp-pin phục hồi tích cực nhất. Nga và Bra-xin đã chặn được đà suy thoái.
2- Đầu tư và thương mại toàn cầu suy yếu, xu hướng bảo hộ gia tăng
Sau khi phục hồi mạnh vào năm 2015, dòng vốn đầu tư quốc tế giảm mạnh trong năm 2016. Theo OECD(2), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong nửa đầu năm 2016 giảm 5%. FDI sụt giảm mạnh ở một số nước, như Nam Phi (giảm 45%), Bra-xin, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a (giảm khoảng 20%). Mặc dù vẫn là một trong những nước thu hút nhiều FDI nhất, song FDI vào Trung Quốc đã giảm mạnh: 37% trong nửa đầu năm 2016.
Thương mại toàn cầu năm 2016 tiếp tục trì trệ, dự báo chỉ tăng 1,7% mức thấp nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009(3). Xu hướng bảo hộ ở các nước G20 vẫn tiếp tục tăng. OECD ước tính có khoảng 85 biện pháp hạn chế thương mại mới được các nước G20 áp dụng từ tháng 5 đến tháng 10-2016, bình quân 17 biện pháp/tháng. Tuy số biện pháp áp dụng bình quân theo tháng giảm so với kỳ trước(4), nhưng tổng số biện pháp hạn chế thương mại còn hiệu lực tăng 5,6% với 1.263 biện pháp.
Đàm phán thương mại đa phương chững lại trong năm 2016. Vòng đàm phán Đô-ha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tuy có một số tiến triển nhất định nhưng vẫn chưa thoát khỏi bế tắc. Các hiệp định tự do thương mại (FTA) đa phương tiến triển chậm trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang nổi lên ở nhiều nước... Tổng thống Mỹ mới đắc cử Đô-nan Trăm tuyên bố sẽ rút khỏi các FTA, như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP)... Ở châu Âu, các lực lượng hậu thuẫn thương mại tự do có dấu hiệu suy yếu phần nào sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh với kết quả nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)(5); TTIP hầu như ít tiến triển trong ba năm qua và theo một số lãnh đạo châu Âu, Hiệp định này khó kết thúc trước bầu cử ở Pháp và Đức năm 2017. Đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiến triển chậm do lập trường các bên tham gia khác nhau về giảm thuế trong các lĩnh vực nhạy cảm.
Khu vực ASEAN với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được đánh giá là thị trường mở cửa hơn về thương mại so với EU và Mỹ. Khu vực Mê Công đặc biệt năng động với các quốc gia có những tiến bộ vượt bậc trong mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại(6). Trung Quốc tiếp tục nỗ lực thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường” kết nối giao thông châu Á và châu Âu. Tháng 2-2016, Trung Quốc đã chính thức khai trương Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) để tài trợ các dự án này.
3- Giá dầu thô phục hồi nhẹ với một số tín hiệu tích cực
Giá dầu trong năm 2016 có sự phục hồi nhẹ, dao động quanh mức 40 - 50 USD/thùng. Lần đầu tiên kể từ năm 2001, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày (ngày 30-11-2016), đồng thời một số nước ngoài OPEC (đứng đầu là Nga) cũng quyết định cắt giảm sản lượng 558 nghìn thùng/ngày (ngày 10-12-2016). Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường dầu, nhóm lên hy vọng về việc hạn chế cung để ổn định giá dầu. Giá dầu ngày 12-12-2016 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7-2015.
Bảng 1: Triển vọng kinh tế thế giới (tăng trưởng GDP thực tế %)
Các nước 2015 2016 2017 2018 Thế giới 3,1 2,9 3,3 3,6 Mỹ 2,6 1,5 2,3 3 EU 1,5 1,7 1,6 1,7 Nhật Bản 0,6 0,8 1 0,8 Anh 2,2 2 1,2 1 Trung Quốc 6,9 6,7 6,4 6,1 Ấn Độ 7,6 7,4 7,6 7,7 Nga -3,7 -0,8 0,8 1 Bra-xin -3,9 -3,4 0 1,2 Thương mại thế giới 2,6 0 1,2 3,2
Tuy nhiên, giá dầu chưa thể phục hồi mạnh, vẫn còn ở mức thấp hơn các năm gần đây(7) do tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu về dầu tăng chậm, xuất phát từ triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn chậm, trong khi hiệu quả sử dụng năng lượng ngày càng được cải thiện. Tình trạng dư cung chưa thể khắc phục triệt để khi giá dầu tăng sẽ tạo động lực để các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ tăng sản lượng.
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2017
Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu năm 2017 tăng trưởng tích cực hơn năm 2016, khoảng 3,3% - 3,4%(8). Có thể thấy nổi lên một số yếu tố hỗ trợ như: 1- Kinh tế Mỹ tăng trưởng khá hơn nhờ gói kích thích tài khóa của chính quyền mới của Tổng thống Đ. Trăm; 2- Kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc và các nền kinh tế mới nổi có khả năng thoát khỏi đà suy thoái; 3- Giá dầu thô phục hồi nhẹ sau một thời gian ở mức thấp kỷ lục. OECD cho rằng, thế giới có thể sử dụng các kích thích tài khóa, được thực hiện đồng bộ cùng với các chính sách tiền tệ và thương mại để thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp”. Các kích thích tài chính có thể là chất xúc tác trong các hoạt động kinh tế tư nhân và đẩy kinh tế toàn cầu tăng nhẹ ở mức khoảng 3,5% trong năm 2018.
Kinh tế các nước phát triển có thể đạt tốc độ tăng trưởng 1,7% (Mỹ tăng 2,3%, EU tăng 1,6%, Nhật Bản tăng 1%...), các nước đang phát triển tăng 4,5% (Trung Quốc tăng 6,4%, Ấn Độ tăng 7,6%, Nga và Bra-xin ra khỏi suy thoái với tăng trưởng 0,8% và 0%...).
Một số tổ chức quốc tế, như OECD, IMF,... nhận định, kinh tế thế giới trong năm 2017 còn nhiều bất trắc, đứng trước nguy cơ rơi vào “bẫy tăng trưởng thấp kéo dài” do sức mua và sức sản xuất phục hồi chậm, nợ công cao đeo đẳng, thu hẹp dư địa tài chính của nhiều nước. Trong ngắn hạn, kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không kiểm soát tốt, có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi, trong đó nổi lên một số rủi ro lớn sau đây:
- Thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc tăng lãi suất ở Mỹ tạo sức ép thúc đẩy đồng USD tăng giá, có tác động mạnh đến tỷ giá và lãi suất của nhiều nước, hút vốn đầu tư về Mỹ, có thể kích hoạt biến động giá tài sản và bất ổn thị trường tài chính, thúc đẩy thoái vốn mạnh hơn ra khỏi các nền kinh tế đang nổi.
- Cơ cấu lại kinh tế của Trung Quốc có tác động lan tỏa ngày càng lớn hơn đến kinh tế thế giới thông qua kênh thương mại, giá hàng hóa cơ bản, đầu tư - tài chính toàn cầu. Các khó khăn và rủi ro lớn nhất của Trung Quốc là nợ công cao, “bong bóng” tín dụng ngầm, “bong bóng” bất động sản, dư thừa công suất và già hóa dân số. Tuy nhiên, nếu thực hiện nhất quán, hiệu quả và đồng bộ các cải cách, tranh thủ tốt tiềm năng và không gian phát triển, có nhiều khả năng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tránh được “hạ cánh cứng”.
- Giá cả hàng hóa nguyên liệu và dầu thô tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp do các nhân tố cung - cầu đều khó tiên liệu.
- Tính bất định tăng lên do tác động khó lường của các sự kiện địa - chính trị. Các tác động của sự kiện Brexit sẽ thể hiện rõ hơn từ năm 2017 trở đi khi Anh và EU bắt đầu tiến hành đàm phán về Brexit. Các tuyên bố chính sách chính trị, kinh tế của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đưa ra trong tranh cử nếu được thực thi, cũng như những phản ứng khó lường của ông Đ. Trăm sẽ tác động sâu sắc đến chính trị, kinh tế Mỹ và thế giới. Chủ nghĩa bảo hộ, hướng nội và thực dụng của chính quyền ở nhiều nước có thể sẽ tác động mạnh đến tự do hóa thương mại, đầu tư và xa hơn nữa là tác động đến trật tự kinh tế thế giới.
Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần tích cực phục vụ phát triển đất nước
Mặc dù chịu tác động bất lợi của môi trường kinh tế thế giới, của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và sự cố ô nhiễm môi trường ở một số tỉnh miền Trung, kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Đánh giá về kinh tế Việt Nam, nhiều tổ chức và giới doanh nhân quốc tế cho rằng, Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng trên 6% nhờ phục hồi tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, ngành ngoại giao trong năm qua đã đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm đóng góp thiết thực vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đã đạt được những kết quả nổi bật:
Thứ nhất, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác theo hướng thực chất, hiệu quả. Các hoạt động đối ngoại sôi động trong năm 2016 đã góp phần quan trọng làm mở rộng và sâu sắc hơn nội dung kinh tế trong các quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng, đối tác tiềm năng và các bạn bè truyền thống. Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu (tăng 7,5%), FDI thực hiện tăng 8,3%(9)...
Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Năm 2016, thông qua vận động chính trị - đối ngoại, đã có thêm 6 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, nâng tổng số nước công nhận lên 65 nước; thúc đẩy để Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam - EU (PCA), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu kết thúc phê chuẩn và có hiệu lực từ tháng 10-2016.
Ngành ngoại giao cũng đã thực hiện tốt vai trò điều phối Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh và quốc phòng, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngành ngoại giao đã được Đảng và Chính phủ giao xây dựng đề án tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5-11-2016, Về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ ba, tiếp tục chú trọng công tác tham mưu, thông tin về kinh tế thế giới, kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như phục vụ các cơ quan trong nước tham khảo trong điều hành kinh tế - xã hội, góp phần vào củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Thứ tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả quảng bá quốc gia thông qua nhiều hoạt động xúc tiến kinh tế, quảng bá môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam nhân các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng như trong công tác ngoại giao kinh tế của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Năm 2016, ngành ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến kinh tế đối ngoại có ý nghĩa thiết thực, như Ngày Việt Nam tại Đan Mạch và Thụy Sĩ, Lễ hội Việt Nam tại Ka-na-ga-oa (Nhật Bản), Gặp gỡ địa phương - ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk...
Năm 2017, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể có tác động nhiều chiều đối với phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ sau:
Một là, tham mưu hiệu quả cho Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội, nắm bắt các xu thế phát triển lớn của thế giới, khai thác các kinh nghiệm quốc tế, giải pháp chính sách... góp phần thực hiện ba nhiệm vụ đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, chủ động, tích cực thúc đẩy mở rộng và đa dạng hoá thị trường, nỗ lực vận động thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là các nguồn vốn có chất lượng cao gắn với chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao đa phương, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích của Việt Nam; tranh thủ tối đa việc tổ chức các hoạt động của Năm APEC 2017 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tích cực chuẩn bị để thực hiện hiệu quả các FTA đã ký.
Năm là, chú trọng hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, mở rộng kết nối với các đối tác, tiếp cận thị trường và các nguồn vốn quốc tế./.
------------------------------------------
(1) Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 4-10-2016 dự báo mức 3,1%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 29-11-2016 dự báo mức 2,9%
(2) Số liệu tháng 10-2016
(3) Báo cáo về các biện pháp thương mại và đầu tư của các nước G20 do OECD, UNDP và WTO công bố ngày 10-11-2016
(4) Từ tháng 10-2015 đến tháng 5-2016, áp dụng bình quân 21 biện pháp/tháng
(5) Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện EU- Ca-na-đa (CETA) ký tháng 10-2016 đã suýt bị sụp đổ do vùng Oa-lô-ni-a của Bỉ phủ quyết tham gia Hiệp định
(6) Theo báo cáo Thuận lợi thương mại toàn cầu 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Liên minh Thuận lợi hóa thương mại toàn cầu công bố ngày 30-11-2016
(7) Giá dầu tăng 41% so với 1 năm trước đây nhưng giảm 55% so với tháng 1-2014
(8) Theo IMF tháng 10-2016; OECD tháng 11-2016
(9) Số liệu tính đến cuối tháng 11-2016
Công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số: Giải pháp thoát nghèo bền vững  (01/03/2017)
Đổi mới tư duy chính sách giáo dục bậc cao vì phát triển bao trùm, bền vững ở Việt Nam  (01/03/2017)
Họp báo thường kỳ tháng 02-2017 của Văn phòng Chính phủ  (01/03/2017)
Binh chủng Tăng Thiết giáp tổ chức ra quân huấn luyện năm 2017  (01/03/2017)
Binh chủng Tăng Thiết giáp tổ chức ra quân huấn luyện năm 2017  (01/03/2017)
Cộng đồng người Việt Nam giúp đỡ người dân Thái Lan bị lũ lụt  (28/02/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay