Phải làm cho dân hiểu, tự ý thức
17:58, ngày 02-04-2009
Từ nhiều năm nay, Phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hóa đã trở thành một phong trào mang tính toàn quốc, được triển khai đến tận những khu dân cư hẻo lánh nhất, vào từng hộ gia đình trong cả nước. Phong trào đã mang lại nhiều kết quả to lớn, tác động tích cực đến đời sống xã hội.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng của phong trào, về tính hình thức đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Nguyễn Duy Hy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên về kinh nghiệm và giải pháp của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào tại địa phương.
PV: Thưa đồng chí, sau hơn 10 năm phát động, nhìn một cách thực chất, phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hóa ở Hưng Yên có tác động như thế nào đến đời sống xã hội?
Ðồng chí Nguyễn Duy Hy: Việc xây dựng Làng, Khu phố văn hóa được Hưng Yên xem là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Sau hơn 14 năm triển khai (từ năm 1995) đến nay, Hưng Yên đã có 587 làng, khu phố văn hóa được công nhận, trong đó 45 xã, thị trấn có 100% số làng được công nhận là Làng văn hóa.
Tại phần lớn các Làng, Khu phố văn hóa của tỉnh, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương được chuyển tải đến nhân dân nhanh và tốt hơn; đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển, xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh giỏi, điển hình như các làng Hồng Châu, Mai Xá... với nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Các đối tượng chính sách được quan tâm, chăm sóc; người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống; hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi với các loại hình: chèo, dân ca, trống quân... thu hút hàng nghìn hạt nhân văn nghệ ở cơ sở tham gia. Các nguồn lực trong xã hội, trong nhân dân được phát huy cao độ để xây dựng cơ sở vật chất cho Làng, Khu phố văn hóa như hệ thống các thiết chế văn hóa, đường làng, ngõ xóm, hệ thống thoát nước... Công tác y tế, giáo dục được quan tâm, đầu tư thích đáng, nên có nhiều tiến bộ.
PV: Ðiều gì, theo đồng chí, đã tạo nên sức sống mạnh mẽ của phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hóa ở tỉnh, trong khi, về nội lực, Hưng Yên không có nhiều ưu thế như một số địa phương khác?
Ðồng chí Nguyễn Duy Hy: Một trong những yếu tố tác động lớn đến thành công của việc thực hiện phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hóa ở Hưng Yên là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương. Ngay từ khi tái lập tỉnh năm 1997, xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Làng, Khu phố văn hóa có tác động rất lớn đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng Làng văn hóa, Khu phố văn hóa.
Các huyện, thị xã và cơ sở đều ra các văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chủ trương của tỉnh, coi chỉ tiêu xây dựng Làng, Khu phố văn hóa là một trong những chỉ tiêu "phần cứng" để công nhận cơ sở Ðảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh, gắn việc xây dựng Làng, Khu phố văn hóa với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hằng năm, các huyện, thành phố và nhiều xã, phường, thị trấn đều tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá, bàn biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng Làng, Khu phố văn hóa, động viên khen thưởng kịp thời những mô hình hay, những cách làm tốt trong phong trào để từ đó phổ biến, nhân rộng.
PV: Có được sự quan tâm, ưu ái như vậy, lẽ ra phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hóa ở Hưng Yên phải đạt được kết quả cao hơn?
Ðồng chí Nguyễn Duy Hy: Thời gian đầu, phong trào phát triển khá rầm rộ, nhưng trong những năm gần đây, khi tỉnh nhấn mạnh yếu tố chất lượng, thì phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hóa của Hưng Yên cũng bộc lộ một số mặt còn hạn chế. Một số Làng, Khu phố văn hóa sau khi được công nhận đã không có biện pháp duy trì và phát huy danh hiệu, nên có những giảm sút vi phạm tiêu chí ảnh hưởng đến phong trào chung của cả tỉnh. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chưa được đẩy mạnh, các mô hình, điển hình tiên tiến chưa được nhân rộng. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn lãng phí, phô trương. Việc thực hiện quy trình công nhận ở một số nơi có lúc còn chưa được chặt chẽ theo đúng quy định... Vì vậy cần phải nâng cao chất lượng của các Làng, Khu phố văn hóa.
PV: Tại nhiều địa phương trong cả nước, hiện đang có những ý kiến băn khoăn về "căn bệnh thành tích", tính hình thức đang có chiều hướng gia tăng trong hoạt động xây dựng Làng, Khu phố văn hóa. Ðể khắc phục tình trạng này, Hưng Yên có kinh nghiệm gì?
Ðồng chí Nguyễn Duy Hy: Từ nhiều năm nay, Hưng Yên luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng Làng, Khu phố văn hóa. Việc đó, không thể chỉ hô hào, hình thức, mà phải thực chất với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí để hướng đến mục tiêu chất lượng sống cao hơn. Tỉnh đã đề ra chủ trương kiểm tra lại những Làng, Khu phố văn hóa đạt chuẩn sau năm năm được công nhận. Từ năm 2001 đến 2004, đã tổ chức kiểm tra lại được 170 Làng văn hóa, đề nghị tỉnh tặng Bằng khen cho 65 Làng văn hóa tiêu biểu, kèm theo tiền thưởng mỗi làng ba triệu đồng, như công nhận lần đầu. Tiếp tục thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng xây dựng Làng, Khu phố văn hóa, ngày 13-7-2007, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 09/QÐ-UBND ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", theo đó, Làng, Khu phố văn hóa được công nhận định kỳ ba năm một lần, nếu vi phạm tiêu chuẩn thì sẽ không được tiếp tục công nhận, nếu vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị thu hồi danh hiệu.
Những Làng, Khu phố văn hóa được công nhận mới sẽ được hỗ trợ năm triệu đồng, được công nhận lại sau ba năm được hỗ trợ ba triệu đồng. Mục tiêu hoạt động của phong trào trong thời gian hiện nay và những năm tới là chú trọng tìm giải pháp nâng cao chất lượng, rà soát và đánh giá kịp thời những đơn vị, cách làm được và chưa được, không chú trọng số lượng (trung bình mỗi năm chỉ công nhận mới thêm được từ 15 đến 20 Làng, Khu phố văn hóa). Ðiều quan trọng, từ thực tế công tác, chúng tôi cho rằng, để phong trào đạt kết quả tốt và bền vững, thì cán bộ thực hiện phải tìm cách làm cho dân hiểu. Khi người dân đã ý thức được hiệu quả thiết thực của việc thực hiện phong trào, họ sẽ mong muốn hướng tới và gìn giữ danh hiệu. Ðó mới là biện pháp lâu dài để phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hóa thật sự ăn sâu, bám rễ và có tác động thúc đẩy sự phát triển của đời sống xã hội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 Chính phủ thảo luận về năm dự án Luật  (02/04/2009)
Bổ sung thành viên UBND tỉnh Thái Bình  (02/04/2009)
Phát hiện sắc chỉ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa  (02/04/2009)
Nhật Bản - nước tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam  (02/04/2009)
Bảo hiểm... "phong tỏa" cán bộ nữ!  (02/04/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên