TCCSĐT - Sau hai ngày diễn ra (ngày 22 và 23-1, tại Quảng Ninh), Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh phát triển của thế giới và những vấn đề rút ra cho Việt Nam” đã thành công tốt đẹp.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo khoa học của các nhà khoa học kinh tế, nhà nghiên cứu lý luận, nhà quản lý đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học, cơ quan đảng, nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Trong 3 phiên thảo luận đã có hơn 40 ý kiến phát biểu, trao đổi xung quanh các nhóm vấn đề chính, trong đó có nhiều ý kiến và kiến nghị sắc sảo, khả thi, thiết thực đóng góp cho việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội XI của Đảng, cũng như cho việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới trong bối cảnh mới.

Phân tích và đánh giá thực tiễn trên cơ sở kinh nghiệm của 25 năm đổi mới thành công của đất nước, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn bổ sung, phát triển học thuyết của Mác bằng việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các lý thuyết kinh tế trên thế giới. Mặt khác, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện cơ chế thị trường chưa phát triển đầy đủ và đồng bộ, phải nâng cao vai trò điều tiết kinh tế của Nhà nước nhằm phân bổ nhanh chóng và hiệu quả các nguồn lực, khắc phục các khuyết tật của thị trường, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biết đến vấn đề hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, trong đó, các doanh nghiệp nhà nước được nhiều tác giả đề cập. Về cơ bản, các ý kiến thống nhất cho rằng, cần thiết lập cơ chế kiểm soát hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước, bảo đảm khuôn khổ thể chế thị trường cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, trong thời gian tới, phát triển lý luận là yêu cầu cấp thiết, cần được tiến hành thường xuyên, gắn chặt với việc giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước. Công tác lý luận cần tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề cốt lõi của con đường phát triển của Việt Nam. Việc hoàn thiện mô hình phát triển của đất nước phải trên cơ sở tiếp tục khẳng định những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, đồng thời phát huy những ưu thế của chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển; vai trò điều hành của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực thi chính sách một cách quyết liệt; vai trò quan trọng của hệ thống chính trị trong việc củng cố sự đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò trụ cột của khu vực kinh tế nhà nước trong việc duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng kết Hội thảo, PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Phép biện chứng, linh hồn của chủ nghĩa Mác, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận về kinh tế như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, “không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”(1). Với tinh thần đó, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tập hợp ý kiến của các nhà khoa học để tổng hợp và khái quát thành bản kiến nghị hoàn chỉnh trình lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi tin tưởng rằng, các kiến nghị của Hội thảo sẽ góp phần tích cực vào việc biên soạn các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI - sự kiện được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong sự nghiệp phát triển của đất nước”./.



(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 1, tr 465