An ninh toàn cầu 2017: Dưới góc nhìn dự báo

Linh Linh
21:54, ngày 02-02-2017
TCCSĐT - Chào mừng năm 2017, dư luận lại đang để tâm đến đánh giá về năm cũ và dự báo cho năm tới về an ninh toàn cầu của giới nghiên cứu. Trên cơ sở nhận định, đánh giá năm 2016, giới phân tích đã đưa những dự báo mới về an ninh toàn cầu cho năm 2017 với những điểm nhấn, được dư luận quan tâm.
Phức tạp với nhiều biến số

Năm 2017, tình hình quốc tế tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường; đấu tranh giữa xu hướng cấu trúc an ninh mới đang hình thành với cấu trúc an ninh cũ ngày càng quyết liệt hơn, bộc lộ những mâu thuẫn phản ánh xu thế mới của thời đại. Trong quá trình chuyển hóa cấu trúc an ninh toàn cầu từ định hướng đa cực, đa trung tâm sang định hình một hay nhiều trung tâm, từng nước hay nhóm nước, khu vực hay liên khu vực…, các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích quốc gia tạo ra sự cân bằng mới trong cán cân quyền lực các khu vực và toàn thế giới.

Mỹ vẫn là cường quốc số một, có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ và sức mạnh quân sự với ít đối thủ, nhưng đang chuyển đổi quan điểm chiến lược về đối ngoại quân sự. Sự kiện ngày 12-11-2016 càng chứng minh tính “đột phá” của bước chuyển quan trọng này với việc ông D. Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và những chính sách “khác lạ” gây “sốc” cho chính giới Mỹ và dư luận toàn cầu.

Với chủ trương “Nước Mỹ là trên hết” trong chính sách đối nội, và “chủ nghĩa dân tộc” trong chính sách đối ngoại, ông D. Trump đã vượt qua cả chính sách hướng nội khi quyết định không đưa quân ra nước ngoài như người tiền nhiệm B. Obama. Tuy nhiên, quan điểm đối ngoại của ông D. Trump vẫn chưa được định hình rõ nét, nên rất khó tiên lượng.

Liên bang Nga tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sức mạnh quốc gia, vượt cấm vận, lấy lại vị thế của nước Nga, bảo vệ và mở rộng lợi ích tại các khu vực, thúc đẩy hợp tác với các nước lớn, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phát huy hiệu quả của việc “ra đòn” tấn công IS ở Syria buộc phương Tây phải thừa nhận vai trò quốc tế của mình; chấp nhận quan điểm “kinh tế đi trước” trong quan hệ với Nhật Bản, tạo ra bước “đột phá” trong giải quyết vấn đề quần đảo Nam Kuril, hướng tới một Hiệp định hòa bình giữa hai cường quốc Nga - Nhật.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược, gia tăng ảnh hưởng và lợi ích trên thế giới; tranh chấp quyết liệt với Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương; mở rộng quan hệ với các đối tác lớn, áp dụng sách lược hòa dịu với các nước láng giềng, nhất là với Philippines, Malaysia, Campuchia, Lào, Thái Lan… nhưng vẫn cứng rắn trong bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi”. Mới đây, ngày 26-12-2016 Trung Quốc đã cho vận hành lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tiến về phía Tây Thái Bình Dương để tập trận, khiến dư luận khu vực quan ngại.

Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách an ninh đối ngoại mới, độc lập tự chủ hơn; sẵn sàng để quân đội Nhật tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài; sửa đổi Hiến pháp, chia sẻ trách nhiệm với Mỹ thông qua các hoạt động tuần tra trên biển, thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”; chủ động “đảo chiều” tư duy trong giải quyết vấn đề vùng Lãnh thổ phương Bắc đang tranh chấp với Nga. Theo đó, 68 thỏa thuận hợp tác kinh tế, năng lượng đã được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin ngày 16-12-2016, quan hệ Nhật - Nga sẽ ấm dần lên trong năm 2017.

Liên minh châu Âu (EU) vẫn phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế, đồng thời đối mặt với các thách thức từ nạn di cư, khủng bố, vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga… sự chia rẽ nội bộ sẽ gia tăng với việc chủ nghĩa dân túy lên ngôi, nguy cơ một số nước ly khai khỏi Liên minh theo kiểu Brexit (Hy lạp, Scotland, Bắc Ireland, Italia…); vấn đề người di cư tiếp tục nan giải trong việc bảo đảm an ninh; các phần tử khủng bố tăng cường xâm nhập, khiến EU ngày càng gia tăng bất ổn.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển, lợi ích quốc gia giữa các nước sẽ diễn biến phức tạp hơn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hoà bình và phát triển của khu vực, nhất là khả năng gia tăng các cuộc đấu tranh, xung đột “phi vũ trang” và nguy cơ chạy đua vũ trang trong năm 2016 kéo sang cả năm 2017 và năm 2018.

Một số nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn để đạt tham vọng trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tìm kiếm lợi ích quốc gia khiến cho tình hình khu vực ngày càng căng thẳng, nguy cơ xảy ra va chạm và xung đột tại các vùng tranh chấp có xu hướng tăng lên, khiến quá trình xây dựng lòng tin chiến lược ngày càng khó khăn hơn.

Cuộc chiến chống IS lôi kéo nhiều nước tham gia, song thiếu hợp tác chặt chẽ do tính toán lợi ích của các bên, nhất là giữa Nga - Mỹ - phương Tây nên tính phức tạp sẽ còn kéo dài, nhất là trong bối cảnh quan điểm “đối ngoại” của tân Tổng thống Mỹ D. Trump vẫn chưa định hình và chiến lược “Đại Trung Đông” mới vẫn có thể được duy trì, khiến cho nền hòa bình Trung Đông khó có thể được vãn hồi trong năm 2017.

Mặc dù đã có những bước tiến thỏa thuận giám sát ngừng bắn tại Alepo theo Nghị quyết mới về Syria của Liên hợp quốc nhưng để biến sự tách rời của 3 liên minh chống khủng bố thành mặt trận duy nhất do Liên hợp quốc lãnh đạo như Liên bang Nga đề nghị hiện vẫn còn khó đoán định, do Mỹ không chấp nhận việc phân định, tách rời quân khủng bố với phe đối lập ở Syria.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang tiệm cận là “trung tâm quyền lực” của thế giới, các cường quốc đều đẩy mạnh triển khai chiến lược tại khu vực và sự cạnh tranh, tương tác của các chiến lược trên đã và sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức về an ninh. Vấn đề tiền an ninh đang tiềm ẩn trong khu vực này vẫn khó bề giải mã do chính sách “khác lạ” của tân Tổng thống D. Trump, nhất là quan hệ Mỹ - Trung và với các đồng minh, đối tác khu vực. Số phận của chiến lược “xoay trục” của người tiền nhiệm B.Obama vẫn có thể chưa được định đoạt.

Tiềm ẩn nguy cơ tái khủng hoảng


Bất ổn gia tăng, rủi ro phát tác, công cụ tài chính ít hiệu quả, đó là bức tranh an ninh kinh tế thế giới năm 2016 được giới chuyên gia phác họa. Điểm nhấn đặc biệt phải kể đến đó là nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu 3 cơn “tài chấn” từ sự kiện “thủng sàn” ở Trung Quốc, Brexit ở Anh và D. Trump ở Mỹ, làm thị trường “rung lắc” mạnh, khiến các tổ chức kinh tế có uy tín như WB, IMF cũng phải nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Năm 2017 với nhiều biến số, khiến cho công tác dự báo được giới chuyên gia hết sức cẩn trọng. Ngày 04-10-2016, IMF đã có bản báo cáo về “Triển vọng kinh tế thế giới” tổ chức này đã giữ nguyên mức dự báo điều chỉnh hồi tháng 7 cho năm 2017 là 3,4%, đồng thời cảnh báo về sự thụt lùi của xu thế tự do hóa thương mại và nguy cơ tăng trưởng thấp sẽ kéo dài.

Nền kinh tế số một thế giới là Mỹ đã bị hạ mức tăng trưởng từ 2,2% xuống còn 1,8 cho năm 2017, do nước này đã để mất động lực phát triển, khi dầu đá phiến bị OPEC đánh bại, đầu tư doanh nghiệp yếu và số dư hàng dự trữ quá kéo dài. Tuy nhiên, OECD lại cho rằng Mỹ sẽ đạt 2,3% trong năm 2017 và tiến tới đạt mức 3% trong năm 2018, do chính sách giảm thuế, kích cầu đầu tư vào cơ sở hạn tầng của ông D. Trump.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, chỉ tăng trưởng 6,2% trong năm 2017. IMF đặc biệt quan ngại về tốc độ gia tăng tín dụng của nước này (30,1% GDP), mức cao vượt xa ngưỡng rủi ro lớn 10%. Các nền kinh tế mới nổi khác cũng sẽ chỉ ổn định trở lại trong năm 2017, nên chưa có bước đột phá nào đáng kể.

Nhật Bản được IMF nâng mức dự báo tăng trưởng lên 0,6% cho năm 2017 nhờ vào các giải pháp kích cầu kinh tế. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo Nhật về nguy cơ giảm phát vẫn tồn tại, do chỉ số giá tiêu dùng thấp và đồng Yen đang mạnh lên so với USD và Euro sẽ tác động xấu đến xuất khẩu.

Đối với kinh tế Anh, IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2016 thêm 0,1% lên 1,8% nhưng hạ dự báo cho năm 2017 tới 0,2% xuống 1,1%, do tác động của Brexit dẫn đến những rào cản về thương mại gia tăng. Ngày 20-11-2016, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond lại phát biểu bi quan và thừa nhận nước này đang phải đối mặt với những thách thức rõ rệt liên quan đến Brexit.

Tại châu Á, khu vực được coi là điểm sáng của thế giới năm 2017 với sự tăng trưởng 7,6% của Ấn Độ, 4,8% của các nước Đông Nam Á; còn khu vực Mỹ Latinh chỉ tăng 1,6% trong năm 2017, riêng khu vực châu Phi tuy có tăng trưởng nhẹ trong năm 2017 nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, cả IMF và WB đều lo ngại những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài, cuộc chiến tại Syria, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu, nhất là những thiệt hại của kịch bản Brexit và việc ông D. Trump lên cầm quyền tại Mỹ là những tác nhân chính khiến kinh tế thế giới chưa thể vượt qua giai đoạn trì trệ.

IMF tiếp tục cảnh báo kịch bản Brexit sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ đối với kinh tế Anh, châu Âu và thế giới. Tổng Thư ký OECD cũng nhận định: “Brexit sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả nước Anh, châu Âu và toàn thế giới, trong đó có Mỹ”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, vẫn còn nhiều điều “bí ẩn” trong chính sách kinh tế của ông D.Trump khi ông chính thức nắm quyền điều hành đất nước với một quân đội mạnh nhất thế giới. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa ai dự đoán được ông sẽ sử dụng quân đội và bộ máy ngoại giao của chính phủ như thế nào.

Sau ngày 20-01-2017, ông D. Trump sẽ sử dụng toàn bộ quyền lực Tổng thống của Mỹ, cùng với ưu thế đa số của đảng Cộng hòa tại lưỡng viện để tạo ra những sự thay đổi sâu sắc và lâu dài trong nền kinh tế Mỹ, ông D. Trump đã từng chỉ trích sự lựa chọn chính sách tiền tệ của người lãnh đạo FED (bà Yellen), nếu tư duy này của ông D. Trump tiếp tục duy trì thì FED sẽ buộc phải ngả theo hướng cứng rắn hơn, khiến một cuộc suy thoái kinh tế ngắn hạn của nước Mỹ là không loại trừ.

“Dòng xoáy trái chiều” khó tiên lượng


Sau hai sự kiện Brexit và D. Trump, giới quan sát cho rằng đây có thể là bước “đột phá” quan trọng của quá trình chuyển từ định hướng sang định hình của trật tự toàn cầu mới “đa cực, đa trung tâm”. Nước Anh là một trong những quốc gia không thừa nhận một thế giới đa cực. Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit giới lãnh đạo nước này đã thừa nhận một thực tế rằng, London không thể phụ thuộc vào châu Âu và Mỹ mà phải có vị trí xứng đáng hơn với vai trò trung tâm tài chính và tiềm lực quốc phòng.

Sự kiện ngày 12-11-2016 càng chứng minh thêm tính “đột phá” của bước chuyển quan trọng này khi ông D. Trump đắc cử Tổng thống ở Mỹ. Với chủ trương “Nước Mỹ là trên hết”, chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ lên ngôi, ông D. Trump còn ghi dấu ấn trong quan hệ với đồng minh truyền thống, thay vì chính sách “chia sẻ trách nhiệm, hạn chế rủi ro” của ông B. Obama, tân Tổng thống D. Trump sẽ đòi hỏi các đồng minh phải tự bảo vệ mình kể cả việc phát triển vũ khí hạt nhân, và trả tiền cho quân đội Mỹ nếu họ được yêu cầu bảo vệ.

Đỉnh cao của sự “khác lạ” là ông D. Trump tuyên bố “NATO không còn lý do để tồn tại”, sẵn sàng hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với Hiệp định TPP, đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa chiến lược “tái cân bằng” châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm. Trong kế hoạch tài chính của mình ông D. Trump vẫn kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng, nhưng là để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ chứ không phải chức năng cảnh sát quốc tế, ông cũng không ngần ngại xem xét lại cả những Hiệp định đã có hàng trăm nước ký kết như Hiệp ước về cắt giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu toàn cầu…

Về đối tác và đối tượng, chính sách của ông D.Trump cũng có những điểm nhấn được dư luận đặc biệt quan tâm. Nếu như trong chiến lược quân sự của người tiềm nhiệm B. Obama thì nước Nga là “kẻ thù”, nhưng ông D. Trump lại coi ông V. Putin là nhà lãnh đạo tốt hơn cả Tổng thống Mỹ B. Obama, ông thực sự ngưỡng mộ ông V. Putin và sẽ “hâm nóng” quan hệ với nước Nga. Ông D. Trump còn dự kiến bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao đối với ông Tillerson, một nhà kinh doanh dầu khí có quan hệ thân hữu với Tổng thống Nga V. Putin.

Đối với Trung Quốc ông D. Trump tuy có tuyên bố cứng rắn về các quan hệ thương mại, tiền tệ nhưng lại ít đề cập đến việc kiềm chế tham vọng khu vực và toàn cầu bằng biện pháp quân sự, và còn dự kiến nhân sự Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh là ông Branstad - người có quan hệ thân quen với Chủ tịch Tập Cận Bình từ cách đây 30 năm. Đối với Triều Tiên, ông D. Trump lại có quan điểm mềm mỏng và còn đề cập đến khả năng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ngoài ra còn phải kể đến vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng buộc các nước dù muốn hay không đều phải hợp tác liên kết với nhau để đối phó. Kết quả của Hội nghị COP-21 là một điển hình cho xu thế này. Tuy nhiên, quan điểm của người đứng đầu nước Mỹ D. Trump là nếu không được điều chỉnh so với cương lĩnh tranh cử thì vấn đề an ninh khí hậu toàn cầu còn bị giáng một đòn nặng nề bởi quốc gia có tỷ lệ đóng góp cao nhất thế giới.

Như vậy, với những yếu tố tiền an ninh của năm 2016 có thể làm gia tăng bất ổn toàn cầu năm 2017, đó là sự phản ánh quá trình chuyển đổi trật thế giới “đa cực, đa trung tâm” từ định hướng sang định hình. Tuy nhiên, những động thái chiến lược có tính “đột phá” diễn ra ở hai trong ba trung tâm quyền lực của thế giới là châu Âu và Mỹ thể hiện dòng “xoáy ngược” (chống toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch), khiến cho bức tranh an ninh toàn cầu tiếp tục ảm đạm với nhiều biến số khó lường không chỉ trong năm 2017 mà còn có thể cả năm 2018./.