Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương
Là tỉnh miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ ngày tái lập tỉnh (01-01-1997), Bình Dương đã trỗi dậy với chủ trương đổi mới, được cụ thể hóa qua những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt chảy về Bình Dương, nhà máy mọc lên khắp nơi, nguồn nhân lực bốn phương quy tụ về... đã biến vùng đất thuần nông, khô cằn, kém hiệu quả trở thành những khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước. Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tập trung các cơ quan hành chính vào toà tháp đôi 23 tầng với tên gọi Trung tâm hành chính tập trung, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20-02-2014.
Kết thúc năm 2016, tổng sản phẩm của Bình Dương (GRDP) tăng 8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, theo đó, công nghiệp chiếm tỷ lệ đa số lên đến 63%, dịch vụ là 23,5% và nông nghiệp chỉ còn chiếm 4,3%. Giai đoạn 5 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương đều tăng gần 11% mỗi năm. Tổng thu ngân sách năm 2016 thực hiện vượt dự toán đề ra với số thu 40.000 tỷ đồng, đạt 103% dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ, góp phần tạo động lực phấn đấu cho chu kỳ ngân sách mới. Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện; thu hút đầu tư nước ngoài đến thời điểm hiện tại đạt 25,7 tỷ USD; tính riêng trong năm 2016, tỉnh thu hút được trên 2 tỷ đô la Mỹ, trong đó có một số dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và mang ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh trong nhiệm kỳ mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp; trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An… Bằng những chính sách phù hợp, năm 2016, Bình Dương đã thu hút được 2,4 tỷ USD dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có 2.827 dự án với tổng số vốn lên đến 25,7 tỷ USD (chiếm 13% về số dự án và 8,5% về số vốn so với cả nước). Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh thu hút đầu tư vượt mốc 20 tỷ USD.
Kết luận buổi làm việc, đánh giá tổng quan tình hình kinh tế-xã hội của Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau 20 năm chia tách, Bình Dương đã trở thành địa phương có vóc dáng một tỉnh công nghiệp, là tỉnh đi đầu về “trải thảm đỏ đón nhà đầu tư.” Nhờ những cách làm sáng tạo, Bình Dương đã có sự bứt phá ngoạn mục và nổi lên như một điểm sáng, một điển hình về trung tâm công nghiệp của Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về thành tựu kinh tế-xã hội của Bình Dương, trong quá trình phát triển, địa phương này luôn coi trọng đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với công nhân, người lao động. Bình Dương cũng là một trong những địa phương đi đầu về cải cách hành chính được nhân dân đồng tình và là một trong số ít tỉnh có Trung tâm hành chính tập trung hoạt động hiệu quả. Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Bình Dương coi người nhập cư là đối tượng phát triển chứ không phải đối tượng quản lý và phát huy sức mạnh của đối tượng này vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh đã xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, chủ động xây dựng thành phố thông minh; phát triển công nghiệp nhưng quan tâm đến khu vực nông thôn và đang quyết tâm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào 2018.
Chỉ ra một số hạn chế của địa phương, Thủ tướng cho rằng, Bình Dương chưa khai thác hết lợi thế vị trí cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển những ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, các dịch hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị. Năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng còn thấp (PCI ở vị trí 25/63, đứng thứ 4 vùng Đông Nam bộ). Tỉnh cũng chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao; tính liên kết trong phát triển còn hạn chế vùng còn yếu, liên kết trong khối doanh nghiệp khu vực FDI và tinh thần khởi nghiệp chưa cao. Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều nguy cơ, còn hiện tượng xả thải gây ô nhiễm ở một số dự án, địa bàn; đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận công nhân còn thấp.
“Tầm nhìn của Bình Dương phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm công nghiệp của cả nước, một thành phố thông minh, một điểm đến cho các nhà đầu tư và những ý tưởng sáng tạo,” Thủ tướng nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến định hướng phát triển của địa phương giàu tiềm năng này.
“Chính phủ kỳ vọng Bình Dương trở thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất của cả nước trong nhiệm kỳ này, Bình Dương sẽ giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Để đạt được tầm nhìn này, theo Thủ tướng, điểm cốt lõi nhất là phải tạo đột phá về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện tốt hơn kết nối hạ tầng giữa đô thị của tỉnh và cả vùng.
Muốn đạt được yêu cầu này, Thủ tướng cho rằng Bình Dương trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch, phải là tỉnh đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.
“Động lực tăng trưởng của Bình Dương phải dựa trên tăng năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo, cần tạo sự gắn kết tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI,” Thủ tướng chỉ đạo.
Mong muốn Bình Dương phấn đấu trở thành một trung tâm khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thành công của vùng Đông Nam bộ và cả nước, Thủ tướng giao chỉ tiêu đạt 50 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020, gấp đôi so với mức 25.000 doanh nghiệp hiện nay tại Bình Dương.
Đi liền với đó, Bình Dương không được xem nhẹ việc phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm xuất khẩu, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động phổ thông. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng chỉ rõ, mặc dù tỷ trọng khu vực nông nghiệp thấp nhưng người dân sống ở nông thôn còn nhiều nên Bình Dương phải tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết theo chuỗi sản xuất nông sản an toàn phục vụ tại chỗ và tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Với đặc thù nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung, trong quá trình phát triển, Bình Dương cần thực hiện tốt các chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trong phát triển đô thị, tỉnh cần chú ý đến quy hoạch, tránh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tỉnh cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu, vi phạm pháp luật, nhất là sớm hoàn thiện Đề án thành phố thông minh trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở chính quyền các cấp của Bình Dương quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; chăm lo thiết thực các gia đình chính sách, người lao động đón Tết Đinh Dậu sắp tới vui vẻ, an toàn.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.
Tổng thống Erdogan tố cáo âm mưu gây hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ  (01/01/2017)
Tổng Thư ký Lê Lương Minh: ASEAN phát triển phù hợp với tình hình mới  (01/01/2017)
Tổng Thư ký Lê Lương Minh: ASEAN phát triển phù hợp với tình hình mới  (01/01/2017)
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế  (01/01/2017)
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế  (01/01/2017)
Kỷ niệm 20 năm tái lập các tỉnh Hà Nam, Cà Mau  (01/01/2017)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên