Năm năm qua, các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, như giàn khoan dầu khí di động, các loại vắc-xin, thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn… Cùng với những kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để có đánh giá, nhìn nhận khách quan nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.

* Thành tựu nổi bật 5 năm triển khai

Các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia gồm: Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm… Các Chương trình do Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý hoạt động.

Tại hội thảo, đánh giá tình hình triển khai 3 Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia mới diễn ra, ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cho biết: Tính đến tháng 10-2016, các bộ, ngành có liên quan đã xem xét, phê duyệt và bố trí kinh phí cho 69 nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Trong đó, 62 nhiệm vụ đã được ký Hợp đồng thực hiện và các Chương trình cũng đã cho những kết quả bước đầu.

Chương trình sản phẩm quốc gia đã đạt một số kết quả nổi bật như sản xuất vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc với doanh thu dự kiến đến năm 2017 đạt trên 50 tỷ đồng, sau năm 2017 có thể đạt trên 300 tỷ đồng. Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo và chế tạo cầu trục, cổng trục có sức nâng từ 50 tấn đến 1.200 tấn” với các sản phẩm sẽ phục vụ hiệu quả cho việc lắp đặt các thiết bị tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, điển hình là dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thuốc Peginterferon lambda 1, Pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn châu Âu” hay Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo” đã làm chủ công nghệ chế tạo robot 5 bậc tự do ở quy mô sản xuất hàng loạt, tỷ lệ nội địa hóa cao.

Đối với Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các nhiệm vụ có tính cấp bách, khả thi được lựa chọn thực hiện đã cho những kết quả bước đầu quan trọng như xây dựng hệ thống phương pháp, quy trình lập bản đồ công nghệ ở các cấp độ ngành và quốc gia cũng như hệ thống tiêu chí xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Chương trình bước đầu tiếp cận trình độ xây dựng bản đồ công nghệ của Hàn Quốc và Đài Loan giai đoạn 1999 - 2002, từ kinh nghiệm áp dụng cho việc xây dựng hệ thống bản đồ công nghệ cho Việt Nam nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

* Giải pháp phát huy hiệu quả Chương trình

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh đánh giá cao quá trình triển khai Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trong 5 năm qua. Những sản phẩm của Chương trình đã đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng từ kết quả này cần nhìn nhận lại thực tế quá trình triển khai để chỉ ra những khó khăn, hạn chế và cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị các đơn vị quản lý các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia ghi nhận những ý kiến đóng góp trong quá trình triển khai, chia thành các nhóm vấn đề như cơ chế chính sách, tài chính, tổ chức thực hiện… từ đó đề xuất các giải pháp để giải quyết sớm nhất có thể các vấn đề còn vướng mắc để các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Đặc biệt, tại hội nghị tìm giải pháp đưa các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ tích cực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương nhấn mạnh: Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực cho phát triển đất nước cũng như các vùng, các địa phương. Nhưng so với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, việc tìm kiếm, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam nói riêng và đất nước nói chung, có vai trò quan trọng.

Giải pháp nổi bật được các đơn vị đưa ra là cần đẩy mạnh và phát huy vai trò ngân sách khoa học và công nghệ địa phương trong việc triển khai và ứng dụng hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính vẫn tập trung vào cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, cơ chế tài chính thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp… Vì vậy cần nhanh chóng giải quyết tồn tại về chính sách, các vướng mắc của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong việc nghiên cứu sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ…/.