TCCSĐT - Trong phiên đối thoại của Cao ủy Liên hợp quốc về những thách thức trong việc bảo vệ trẻ em diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết, hiện có khoảng 28 triệu trẻ em trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột và bạo lực trong nước, cũng như xuyên biên giới.

Diễn đàn 3 bên Đông Bắc Á kêu gọi thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực

 

Diễn đàn 3 bên Đông Bắc Á lần thứ 11. Ảnh: koreajoongangdaily.joins.com

Ngày 05-12-2016, tại kỳ họp lần thứ 11 Diễn đàn 3 bên Đông Bắc Á, các cựu quan chức cấp cao và các chuyên gia từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhóm họp tại Shizuoka, Nhật Bản, đã kêu gọi đẩy mạnh hợp tác 3 bên nhằm tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Diễn đàn 3 bên Đông Bắc Á được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006 với mục đích tăng cường các hoạt động trao đổi phi chính phủ giữa 3 quốc gia láng giềng.

Phát biểu tại Diễn đàn, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tăng Bồi Viêm cho rằng toàn cầu hóa và hội nhập khu vực vẫn là xu thế chung trên thế giới, và xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á là mục tiêu chung của cả 3 nước Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Ông kêu gọi 3 nước láng giềng thúc đẩy hợp tác để xây dựng khu công nghiệp tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, tăng cường liên kết và truyền thông, cải thiện hợp tác công nghiệp trong các lĩnh vực như kinh tế internet, chế tạo cao cấp và công nghiệp dịch vụ hiện đại. Về phần mình, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda nhấn mạnh trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng trên thế giới, 3 quốc gia cần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và hợp tác, đóng góp cho hòa bình và ổn định của thế giới. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hong-koo cho rằng 3 nước láng giềng này cần đạt được đột phá về ngoại giao và sáng tạo để xây dựng một cộng đồng Đông Bắc Á.

Thế giới chung tay bảo tồn đa dạng sinh học

 

Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP 13). Ảnh: most.gov.vn

Ngày 06-12-2016, Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP 13) với 196 nước tham dự tại thành phố du lịch Cancun của Mexico, đã thông qua tuyên bố chung về bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, các nước cam kết nỗ lực mạnh mẽ bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và cùng phối hợp các hành động bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như thúc đẩy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội và lĩnh vực tư nhân. Tuyên bố Cancun nhấn mạnh việc bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái là một cơ sở để đạt được môi trường sống tốt, nước sạch, an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông qua công tác này, chính phủ các nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững với mục tiêu giảm thiểu tác hại đối với hệ sinh thái toàn cầu nhằm chống suy thoái đất và xóa nghèo đói.

Tại Hội nghị trên, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã kêu gọi các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe cùng chung tay bảo vệ môi trường và thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu. FAO nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp để đảm bảo tính bền vững của tăng trưởng và hoàn tất Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ tháng 11 vừa qua.

GCC cam kết chống khủng bố và bạo lực trong khu vực

 
 Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz (giữa, phía trước) tại Hội nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ở Manama, Bahrain ngày 06-12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 07-12-2016, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 37 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã bế mạc tại Thủ đô Manama của Bahrain, với tuyên bố chung, nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa vùng Vịnh Arab và Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, song nêu rõ các nước có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Về cuộc xung đột ở Yemen, GCC cam kết ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy đoàn kết ở Yemen trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và độc lập của nước này, đồng thời phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào vấn đề nội bộ của Yemen. Các nhà lãnh đạo vùng Vịnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị, phù hợp với sáng kiến vùng Vịnh cũng như kết quả của Hội nghị Đối thoại Dân tộc và thực hiện vô điều kiện Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. GCC cho rằng việc phiến quân Houthi và các lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Abdulla Saleh thành lập Hội đồng chính phủ ở Yemen là vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các nỗ lực tiến tới một giải pháp chính trị lâu dài. Tuyên bố chung cũng kêu gọi Iran tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc “láng giềng hữu hảo” trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, kiềm chế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong khu vực. Hội đồng tối cao GCC cho rằng Iran nên thay đổi chính sách về vấn đề khu vực nhằm duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

28 triệu trẻ em trên thế giới phải tha hương do xung đột và bạo lực

 

Hiện có khoảng 28 triệu trẻ em trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột và bạo lực trong nước, cũng như xuyên biên giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên đối thoại của Cao ủy Liên hợp quốc về những thách thức trong việc bảo vệ trẻ em diễn ra trong hai ngày 08 và 09-12 tại Geneva (Thụy Sĩ), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết, hiện có khoảng 28 triệu trẻ em trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột và bạo lực trong nước, cũng như xuyên biên giới. Ông F. Grandi nhấn mạnh mỗi ngày, có hàng chục nghìn trẻ trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bất ổn an ninh và bị ngược đãi. Tỷ lệ trẻ em trong số những người tị nạn trên toàn cầu cũng đang gia tăng và hiện chiếm tới 51%, trong khi trẻ em chỉ chiếm 1/3 dân số toàn thế giới. Tỷ lệ trẻ em di cư vì nội chiến, xung đột với mong muốn có được một tương lai tươi sáng hơn cũng đang tăng nhanh. Vấn đề đặc biệt quan ngại đó là số lượng trẻ nhỏ rời bỏ nhà cửa, đất nước hoặc đơn độc đi tới các nơi khác trong lãnh thổ quốc gia mà không có sự che chở, bảo vệ của gia đình và cộng đồng.

Các số liệu thống kê của Liên hợp quốc chỉ ra rằng trong năm 2015, 112.000 trẻ không có cha mẹ đi cùng đã nộp đơn xin tị nạn tại 83 quốc gia, con số này cao gấp 3 lần so với năm 2014. Từ đầu năm đến nay, có tới 24.000 trẻ đơn độc trong hành trình trên biển tìm đường đến Italy, cao gấp đôi so với năm ngoái. Trước tình hình trên, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã kêu gọi toàn thế giới khẩn trương chung tay hành động nhằm bảo đảm rằng các trẻ nhỏ phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và người tị nạn luôn được bảo vệ, cũng như được tạo cơ hội hồi hương.

Tổng thống đắc cử Mỹ đặt câu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc”

 
 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN
Ngày 11-12-2016, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên duy trì chính sách “Một Trung Quốc” hay không nếu chính quyền Bắc Kinh không có những nhượng bộ về thương mại cũng như một số vấn đề khác. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, ông D. Trump nhấn mạnh: “Tôi không hiểu vì sao chúng ta phải bị ràng buộc với chính sách “Một Trung Quốc”, trừ phi chúng ta đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc có liên quan đến những vấn đề khác, trong đó có thương mại”. Ngoài ra, tỷ phú D. Trump cũng cho rằng Trung Quốc vẫn chưa hợp tác với Mỹ trong một số vấn đề như tiền tệ, Triều Tiên hay những căng thẳng trên Biển Đông.

Tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ được đưa ra sau khi ông có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn ngày 02-12 vừa qua. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ suốt gần 4 thập niên qua và được giới chuyên gia nhận định là tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc trước khi ông Trump nhậm chức. Ông D. Trump được cho là tổng thống hoặc tổng thống đắc cử đầu tiên nói chuyện với một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979, khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau khi công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Ngày 04-12 vừa qua, ông D. Trump cũng chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và áp thuế cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ vào nước này./.