Thông điệp Liên bang Nga: Nêu cao tinh thần đoàn kết
TCCSĐT - Giống như mọi năm, Thông điệp Liên bang Nga luôn thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, bởi thông điệp đề cập đến tình hình hiện thời của đất nước, cũng như xác định đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga trong những năm tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang 2016. Ảnh: Reuteur
Ngày 01-12-2016, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga V. Putin đọc bản Thông điệp liên bang hằng năm trước toàn thể nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện). Đây là thông điệp liên bang thứ 23 trong lịch sử hiện đại nước Nga và là thông điệp thứ 13 của Tổng thống V. Putin. Thông điệp liên bang được coi là cơ sở chính trị và pháp lý thể hiện tầm nhìn định hướng chiến lược phát triển của Nga trong tương lai gần. Trong đó bao gồm cả chủ đề chính trị, kinh tế, vị thế, hệ tư tưởng, và các đề xuất cụ thể cho công tác lập pháp của hai viện thuộc Quốc hội.
Ưu tiên nguồn lực con người
Các vấn đề kinh tế, xã hội và chính sách đối nội đã được Tổng thống V. Putin chú trọng và dành nhiều thời gian đề cập trong Thông điệp Liên bang 2016. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và nước Nga có nhiều biến động và nhiều cuộc khủng hoảng lớn, mở đầu bản thông điệp, Tổng thống V. Putin bày tỏ sự tin tưởng, người dân Nga đoàn kết nhờ tinh thần yêu nước, và càng đối mặt với khó khăn thì càng mạnh mẽ hơn. “Chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn khi mọi người đoàn kết”, Tổng thống V. Putin khẳng định.
Tổng thống V. Putin nhấn mạnh, trong năm qua, nhân dân Nga đã phải giải quyết các nhiệm vụ phát triển đất nước trong những điều kiện khó khăn đặc biệt, tuy nhiên, nhân dân Nga một lần nữa chứng tỏ có khả năng phản ứng trước những thách thức khó khăn, bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và đường lối độc lập của đất nước. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ khó khăn còn nhiều, nhưng Nga có thể tin tưởng sẽ vượt qua với sự đoàn kết của nhân dân. “Dân tộc Nga là một và đất nước Nga là một”, vì vậy, cần nhân lên nguồn lực con người bởi đây là tài sản lớn nhất của đất nước. Nhân lên nguồn lực con người là ưu tiên chính đối với chính quyền Nga, trong đó có duy trì các giá trị gia đình, truyền thống.
Đề cập đến các chính sách xã hội, Tổng thống V. Putin quan tâm tới các vấn đề liên quan đến hệ thống y tế, trường học. Ông V. Putin cam kết sẽ có thêm 187.000 chỗ mới cho các trường học. Ngoài ra, Nga cần có thêm nhiều sáng kiến để tăng cường lợi ích của học sinh. Học sinh Nga cần hiểu rằng, đất nước cần kiến thức và kỹ năng của họ và các công ty Nga sẵn sàng mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn cho họ. Đánh giá hệ thống chăm sóc y tế của Nga không phải là lý tưởng, nhiều bác sĩ có tay nghề còn non yếu dù đã được trang bị công nghệ hiện đại, Tổng thống V. Putin cho biết, Chính phủ Nga đang tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm tăng cường tay nghề của các bác sĩ và chất lượng dịch vụ.
Bày tỏ ngưỡng mộ với các phong trào xã hội, bao gồm các tổ chức tình nguyện và từ thiện, Tổng thống V. Putin thúc giục các cơ quan của Nga cần hỗ trợ các tổ chức này để thúc đẩy nỗ lực của họ trong tương lai. Ngoài ra, Tổng thống Nga kêu gọi các công chức cần phải ra ngoài nhiều hơn và đối thoại trực tiếp với người dân. Theo ông, cách duy nhất để có thể hiểu được người dân mong muốn gì là hỏi trực tiếp người dân và tránh đưa ra quyết định khi vẫn đang “đút chân vào gầm bàn”.
Tổng thống V. Putin cũng khẳng định, Nga sẽ tiếp tục tiến trình định hướng dân chủ. Cụ thể, Nga chú trọng chính sách phát triển hệ thống chính trị và các cơ quan theo hướng dân chủ trực tiếp. “Tôi nhấn mạnh rằng, trong vấn đề văn hóa, chính trị, truyền thông và trong các cuộc thảo luận về những vấn đề kinh tế, không ai bị cấm việc tự do suy nghĩ và công khai bày tỏ quan điểm của mình”, nhà lãnh đạo Nga nói.
Bảo đảm ổn định kinh tế
Kinh tế, một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm hiện nay, Tổng thống V. Putin đề cập thẳng thắn những thách thức mà nước Nga đang phải đối mặt. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế được coi là mảng màu nổi bật trong bản Thông điệp năm nay. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong năm qua, Tổng thống V. Putin đặc biệt ghi nhận các thành tích mà các ngành kinh tế trong nước đạt được trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn từ bên ngoài do thị trường thế giới không thuận lợi, ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh trừng phạt. Dù kinh tế suy giảm năm 2016 vào khoảng 0,3%, song Nga vẫn duy trì được sự ổn định vĩ mô. Lạm phát năm 2016 dưới 6%, ở mức 5,8%, thấp hơn cả mức thấp nhất 6,1% vào năm 2011.
Cải cách nông nghiệp vẫn đang được tiến hành và bắt đầu gặt hái những thành quả tích cực và không còn là “hố đen” hút hết các nguồn đầu tư mà không đem lại mấy kết quả. Xuất khẩu nông nghiệp thậm chí còn đem lại lợi nhuận nhiều hơn cả buôn bán vũ khí. Đóng góp từ xuất khẩu nông nghiệp Nga năm 2016 đạt 16,9 tỷ USD và thực chất đã “nuôi sống” cả nước trong năm qua. Trong khi đó, một số ngành kinh tế khác cũng được ghi nhận ngừng đà suy giảm. Ngành công nghệ thông tin cũng đã thu được 7 tỷ USD, trong khi chỉ 10 năm trước đó, ngành này vẫn chỉ là con số 0. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Nga. Nền công nghiệp quốc phòng cũng tăng đáng kể năng suất lao động. Tổng thống V. Putin cho biết, tỷ lệ sản phẩm dân sự trong công nghiệp quốc phòng tăng từ 16% lên 50% năm 2030. Tăng trưởng trong ngành công nghiệp cơ khí và giao thông vận tải - đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo xe tải và tàu hỏa là rất rõ nét. Tuy nhiên, đối với việc cải thiện hệ thống đường xá, Tổng thống Nga cho rằng, các thành phố lớn như Moscow và St. Petersburg đã đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này nhưng các địa phương khác cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề này. Việc xây dựng đường cao tốc quốc gia phải được coi là ưu tiên hàng đầu.
Khái quát một số kết quả về phát triển công nghiệp, nông nghiệp Nga, Tổng thống V. Putin cho rằng, dù chịu ảnh hưởng của lệnh trừng phạt suốt hai năm qua nhưng yếu tố chính khiến kinh tế Nga sa sút nằm ở vấn đề nội tại, trước hết là thiếu các nguồn đầu tư, công nghệ hiện đại, cán bộ chuyên nghiệp, thiếu cạnh tranh, thiếu môi trường kinh doanh. Trước hai viện quốc hội, Tổng thống V. Putin giao cho Chính phủ trước tháng 5-2017 soạn thảo kế hoạch hành động cụ thể từ nay tới năm 2025 để giúp Nga tăng được vị thế của mình trong kinh tế toàn cầu. Kế hoạch này sẽ giúp kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của thế giới vào năm 2019 - 2020.
Liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, Tổng thống V. Putin cho rằng, không ai có thể tuyên bố một người có tội trước khi có quyết định của tòa án; cuộc chiến này phải chuyên nghiệp và có trách nhiệm bất chấp những thông tin “gây nhiễu”. Tổng thống V. Putin cho biết, nhờ có Ngân hàng Trung ương, hệ thống ngân hàng của Nga đã được “thanh trùng” bằng cách loại bỏ hoàn toàn các tổ chức tài chính hoạt động không hiệu quả hoặc không tuân thủ các quy định của Ngân hàng Trung ương. Số tiền cho các doanh nghiệp Nga vay đang giảm dần và điều này cần phải được giải quyết triệt để cùng với việc ổn định đồng Ruble của Nga. Tổng thống V. Putin nhấn mạnh: “Chống tham nhũng không phải là một màn kịch” và cam kết sẽ đẩy mạnh việc trấn áp các hoạt động kinh tế phi pháp. Tổng thống V. Putin cũng cam kết sẽ cải thiện vấn đề thuế và nhấn mạnh, các biện pháp mới sẽ được đưa ra vào năm 2018 và áp dụng vào năm 2019. Việc phải đối mặt với các rào cản về thương mại và bảo hộ có nghĩa là sản phẩm của Nga sẽ phải ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.
Tổng thống V. Putin dự đoán kinh tế Nga sẽ tiếp tục gặp khó khăn nhưng sẽ không bị tổn hại nhiều bởi người Nga rất có tinh thần lạc quan. “Việc xây dựng nhà cửa vẫn đang tăng nhanh ở mức kỷ lục. Chính phủ bảo đảm những người cần trợ cấp nhà cửa sẽ được tiếp cận dịch vụ này dễ dàng”. Tình hình lạm phát đã bắt đầu suy giảm xuống dưới mức 6% vào cuối năm nay. Đây là một sự cải thiện rất đáng ghi nhận từ mức 12% trong thời gian vừa qua. Chính phủ Nga đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát xuống dưới 4% và coi đây là mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện được.
Sẵn sàng đối thoại về một hệ thống quan hệ quốc tế bền vững
Sau khi đề cập các vấn đề trong nước, Tổng thống V. Putin đã nêu rõ chính sách đối ngoại của nước Nga. Ông V. Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc về việc thiết lập một hệ thống quan hệ quốc tế bền vững, dựa trên đối thoại bình đẳng, thiện chí, khẳng định nguyên tắc công bằng và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế. Nga không muốn đối đầu với ai, không tìm kiếm kẻ thù, Nga cần bạn bè nhưng sẽ không cho phép gây tổn hại lợi ích của mình.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong bài phát biểu là phần đề cập tới quan hệ Nga - Mỹ thời kỳ chính quyền Donald Trump. Tổng thống V. Putin nói rằng, Moscow sẵn sàng phát triển quan hệ với chính quyền mới của Mỹ, bao gồm bình thường hóa và bắt đầu xây dựng quan hệ song phương trên nền tảng bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Theo Tổng thống V. Putin, Nga và Mỹ có chung trách nhiệm về bảo đảm an ninh và ổn định quốc tế, củng cố Hiệp ước không phổ biến vũ khí, do đó, hợp tác hai bên sẽ đáp ứng được lợi ích của toàn thế giới. Tổng thống V. Putin cụ thể hóa quan điểm của mình trong hợp tác với Mỹ: “Chúng tôi hy vọng sẽ đoàn kết lực lượng với Mỹ trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế thực sự, chứ không phải loại hư cấu”; đồng thời nhấn mạnh, “các nỗ lực nhằm lật đổ cán cân chiến lược là cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn tới thảm họa toàn cầu”.
Về đường lối hướng Đông và quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống V. Putin khẳng định, chính sách hướng Đông tích cực của Nga xuất phát từ lợi ích quốc gia lâu dài, cũng như sự phát triển toàn cầu chứ không phải do quan hệ lạnh nhạt với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Nga coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực. Quan hệ đối tác toàn diện Nga - Trung Quốc là một trong những nhân tố bảo đảm ổn định toàn cầu và khu vực. Theo ông V. Putin, đây là “hình mẫu của trật tự thế giới” được xây dựng không theo nguyên tắc một bên thống trị mà hài hòa quyền lợi của tất cả các quốc gia.
Tổng thống Nga bày tỏ hy vọng tiến bộ về chất trong quan hệ với Nhật Bản, hoan nghênh mong muốn của lãnh đạo nước này phát triển quan hệ kinh tế với Nga. Ngoài ra, mối quan hệ chiến lược Nga - Ấn cũng là mối quan hệ đang được đánh giá cao và phát triển rất tốt.
Liên quan đến các vấn đề quốc tế, Nga sẵn sàng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế nếu cần thiết nhưng nhấn mạnh vào vị thế “bình đẳng”. “Chúng tôi cam kết đối thoại thân thiện, công bằng, tuân thủ nguyên tắc hợp lý và tôn trọng lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nghiêm túc về việc thiết lập một hệ thống quan hệ quốc tế ổn định trong thế kỷ XXI”, Tổng thống V. Putin tuyên bố. Mặc dù vậy, ông cũng không quên đề cập đến tình hình căng thẳng giữa Nga với NATO và EU trong thời gian qua.
Đoàn kết vượt qua thách thức
Như vậy sau gần một giờ đọc Thông điệp Liên bang, Tổng thống V. Putin đã đề cập đến những vấn đề thiết thân với người dân Nga như tình hình kinh tế, xã hội, cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như những vấn đề quan trọng trên toàn cầu, như cuộc chiến chống khủng bố, các mối quan hệ Nga - Mỹ, Nga - Trung và Nga - Ấn - những mối quan hệ được coi là mang tính định hình tương lai thế giới trong thời gian tới.
Sau khi Tổng thống V. Putin kết thúc Thông điệp Liên bang, người dân Nga và đặc biệt là các nhà lãnh đạo tham dự tại điện Kremli đã bày tỏ nhiều ý kiến đồng tình và sẵn sàng coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới nhằm đưa nước Nga sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong giới lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội, các vùng, miền của nước Nga, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ. Chủ tịch Thượng viện V. Matvienko tuyên bố, Thượng Viện Nga sẽ hiện thực hóa các nhiệm vụ mà Tổng thống nêu trong Thông điệp. Bà cũng đánh giá, Thông điệp của Tổng thống V. Putin là rất đời thường và rất nhân văn, trong đó vấn đề phát triển kinh tế được đánh giá cao.
Lãnh đạo Hội đồng tối cao đảng Nước Nga Thống nhất B. Gryzlov cho rằng, vấn đề phát triển khu vực hiện hữu của nền kinh tế mà Tổng thống đề cập là rất quan trọng. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga S. Neverov cho rằng, Tổng thống đã đưa ra một thông điệp của niềm lạc quan và sự phát triển.
Phản ứng đầu tiên đối với Thông điệp Liên bang được Bộ trưởng Tài chính Nga nêu ra là, Bộ này sẽ làm cho minh bạch hơn hệ thống phúc lợi dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra sẽ xem xét lại hệ thống thuế khóa và sẽ dỡ bỏ bớt những khoản thuế đánh trực tiếp vào các doanh nghiệp. Bộ trưởng Công thương D. Mantyrov cho rằng, tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của đất nước, ngoài công nghiệp ôtô, khi kết thúc năm 2016 sẽ đạt tăng trưởng khá hơn năm trước. Bộ trưởng Nông nghiệp A. Tkatrev tuyên bố, nước Nga sẽ chiếm được thị phần trong tổ hợp nông - công nghiệp. Theo ông, khi cấm vận được gỡ bỏ thì không có gì đáng ngại xảy ra.
Có thể khẳng định, sự đồng thuận trong xã hội Nga chưa bao giờ cao hơn lúc này. Mọi người dân, mọi thành phần trong các cơ quan, các tổ chức xã hội đều sẵn sàng bắt tay vào triển khai ngay những nhiệm vụ mà Thông điệp Liên bang của Tổng thống V. Putin vừa đưa ra. Khác với các năm trước, Thông điệp Liên bang năm nay của Tổng thống V. Putin tập trung vào các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại. Thông điệp được kết thúc bằng lời kêu gọi toàn thể nhân dân Nga cùng thống nhất nỗ lực, bởi: “Tương lai đất nước phụ thuộc vào tất cả mọi người dân. Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ của hôm nay và ngày mai”./.
Đảng ủy Công an Trung ương đánh giá kết quả hoạt động năm 2016  (10/12/2016)
Thế hệ trẻ hai nước cần cùng chung lòng vun đắp quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào  (10/12/2016)
Trung Quốc mong muốn củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam  (09/12/2016)
Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường và mở rộng giao lưu hợp tác với các đối tác quan trọng  (09/12/2016)
Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh  (09/12/2016)
APEC ủng hộ các hướng ưu tiên Việt Nam đề xuất cho năm 2017  (09/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay