TCCSĐT - Sau hai năm triển khai thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 30-4-2009, đã có 1.335.000 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập với tổng dư nợ đạt hơn 13.600 tỉ đồng. Như vậy, tính trên tổng số học sinh, sinh viên, cứ 100 người, có 27 người được vay vốn để học tập, tăng gấp 14 lần so với trước đây.

Ngày 16-6, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Hội nghị được tổ chức qua cầu truyền hình tại bốn điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tham dự và chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Dự Hội nghị tại 4 điểm cầu có gần 1.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng đông đảo đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố, các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và một số tổ chức chính trị - xã hội...

Kết quả thực hiện Quyết định 157

Quyết định 157/2007/QĐ-TTg mở rộng đối tượng vay vốn học tập: học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo (trên một năm hay dưới một năm).

Mức cho vay tăng từ 300.000 đồng lên 800.000 đồng/học sinh(sinh viên)/tháng; lãi suất cho vay được áp dụng là 0,5%/tháng, thấp hơn mức lãi suất cho vay hộ nghèo. Trong thời gian đang theo học, cộng với một năm sau khi ra trường, học sinh, sinh viên chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay; trường hợp trả nợ trước hạn được giảm 50% lãi suất cho vay.

Sau hai năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, đến nay, đã có hơn 1,33 triệu học sinh, sinh viên học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc 1,2 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tín dụng phục vụ việc học tập với tổng số 13.517 tỉ đồng. Kết quả này là nỗ lực lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất đất nước.

Tại Hội nghị, cùng với việc khẳng định ý nghĩa to lớn của Quyết định 157, những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện quyết định này, các đại biểu cũng nêu những tồn tại cần khắc phục. Đó là: một số địa phương, ủy ban nhân dân cấp xã còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí, cách tính toán, lập danh sách thống kê hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn; nhiều trường khi xác nhận còn để trống một số nội dung, làm chậm quá trình giải ngân cho vay tại cơ sở; nhiều trường dạy nghề còn chưa làm tốt công tác tổ chức tuyên truyền chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; nguồn vốn cho vay của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên vẫn bị động.

Qua hai năm thực hiện, số hộ gia đình không đúng đối tượng vay vốn được các đoàn kiểm tra phát hiện là 913 hộ với số tiền 5,4 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07% tổng số hộ vay. Trong cơ cấu đối tượng được vay vốn từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, đối tượng là hộ nghèo chiếm gần 35,5%, số hộ cận nghèo 50%, hộ gia đình có khó khăn đột xuất do thiên tai, bệnh tật… chiếm 14,6%.

Không để một học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên được triển khai cách đây 2 năm đã đi vào cuộc sống và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo cơ hội học tập chất lượng cao cho thanh thiếu niên Việt Nam. Phó Thủ tướng cho biết, trong học kỳ 1 của năm học tới, số vốn cho học sinh, sinh viên vay sẽ tương đương với 1 tỉ USD, và chắc chắn còn tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới… Chưa bao giờ một khoản ngân sách lớn như vậy được dành chi cho mục tiêu này. Có thể khẳng định rằng, không có một học sinh nào đã được chấp nhận vào trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề mà lại phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.
 
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, khi Chính phủ phê duyệt chương trình đào tạo nghề cho một triệu lao động ở nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các bộ, ngành liên quan để rà soát lại và đồng bộ hóa chính sách tài chính này với chương trình cho vay tín dụng học sinh, sinh viên, tránh trùng lắp. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát để xây dựng đề án chuẩn bị triển khai thực hiện thu hồi vốn trước ngày 15-8.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian tới, mức vay sẽ căn cứ vào mức độ trượt giá, và, nếu học phí tăng thì mức cho vay cũng sẽ tăng tương ứng để không gây khó khăn cho người học./.