Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Phiên toàn thể thứ hai APEC 2016
Chiều 20-11 theo giờ địa phương (sáng 21-11 theo giờ Hà Nội), tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo APEC đã tham dự Phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước” và “Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: Hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực”.
Đây là những nội dung hợp tác then chốt của APEC trong năm 2016.
Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của an ninh lương thực và nguồn nước đối với tăng trưởng chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thông qua “Khuôn khổ chương trình nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu”, “Khuôn khổ chiến lược APEC về phát triển nông thôn - thành thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng” trong năm 2016.
Các nhà lãnh đạo khẳng định, tăng cường kết nối là nhu cầu tất yếu giữa các thành viên APEC trong thế kỷ XXI trước xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy kết nối hạ tầng, kết nối số, kết nối thể chế và con người nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, biến đổi khí hậu cùng với thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực.
Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một trong những vựa lúa quan trọng của thế giới, đang chịu tác động của nạn hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của hàng chục triệu người dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu ra năm đề xuất cụ thể. Một là, các nền kinh tế APEC cần có quyết tâm chính trị và các giải pháp quyết liệt, sáng tạo để thực hiện các thoả thuận khí hậu toàn cầu.
Hai là, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguồn nước trên các cấp độ, bao gồm quản lý nguồn nước xuyên biên giới.
Ba là, tích cực triển khai Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và phát triển nông thôn bền vững.
Bốn là, đẩy mạnh nỗ lực kết nối vùng sâu, vùng xa, tăng cường đối tác công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, viễn thông, internet, nhất là ở những vùng kém phát triển.
Năm là, APEC cần coi trọng và tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong triển khai các biện pháp nêu trên nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gắn kết các chương trình kết nối khu vực, trong đó có kết nối của ASEAN và các chương trình kết nối tiểu vùng Mekong...
Tại phiên bế mạc hội nghị, với tư cách lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà APEC năm tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được mời phát biểu về năm APEC 2017 tại Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Chủ tịch nước chào mừng các nhà lãnh đạo và đại biểu các nền kinh tế thành viên đến tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Chủ tịch nước chúc mừng Peru đã đăng cai thành công Năm APEC 2016, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 và cảm ơn chính phủ và nhân dân Peru cùng Tổng thống Pedro Paplo Kuczynsky về sự chuẩn bị chu đáo và đón tiếp nồng hậu dành cho các lãnh đạo và đại biểu APEC.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 đã thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC với hai văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tối 20-11 theo giờ địa phương (sáng 21-11 theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Lima, Peru, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 17 đến ngày 20-11.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Italia Sergio Mattarella, Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đi thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Italia từ ngày 21 đến ngày 24-11-2016, thăm Tòa thánh Vatican ngày 23-11-2016./.
Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác hàng đầu và lâu dài  (22/11/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị Cấp cao APEC 2016 tại Peru  (21/11/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 14 đến ngày 20-11-2016  (21/11/2016)
Hoạt động song phương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Peru  (20/11/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên