Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 14 đến ngày 20-11-2016

Đức Toàn tổng hợp
15:17, ngày 21-11-2016
TCCSĐT - Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ nêu rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ tinh gọn, kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021

Chính phủ vừa có Nghị quyết 100/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Từng thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về các nhiệm vụ được giao; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; tích cực tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ; đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp công tác; thường xuyên nắm bắt thông tin, chủ động, kịp thời đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh và những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.

Trên cơ sở những nhiệm vụ và nội dung chủ yếu trong Chương trình hành động này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của bộ, ngành trung ương, địa phương mình trong cả nhiệm kỳ và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của kế hoạch hàng năm; tiếp tục xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ của Chính phủ.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN giai đoạn 2016 - 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN. Đồng thời, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Một trong các giải pháp thực hiện Kế hoạch là hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính, trong đó xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với thủ tục hành chính trong nước và các nước, khối - cộng đồng kinh tế. Rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng: Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính; đơn giản hóa bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp hoặc xuất trình theo hướng áp dụng tối đa chứng từ điện tử; sử dụng lại các thông tin, chứng từ điện tử, quyết định hành chính thuộc thành phần hồ sơ đã được lưu trữ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia thay vì yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức nộp hoặc xuất trình các thông tin, chứng từ, quyết định hành chính đó.

Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia được xây dựng và phát triển theo định hướng xử lý tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm đáp ứng tiến độ triển khai theo cam kết của Chính phủ, tiết kiệm và đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng nguồn lực cũng như tăng cường khả năng bảo mật, an toàn thông tin.

Đơn giản hóa 69 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, với việc đơn giản hóa 69 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, số tiền tiết kiệm được mỗi năm lên tới cả trăm tỷ đồng.

Chẳng hạn như thủ tục cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nếu được đơn giản hóa theo hướng sửa mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép, quy định tại Thông tư hướng dẫn Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, loại bỏ yêu cầu kê khai các trường về họ và tên người đại diện chủ đầu tư, địa chỉ liên hệ; họ và tên người chủ nhiệm thiết kế, địa chỉ liên hệ; bổ sung quy định trong thành phần hồ sơ: “Khi cá nhân, tổ chức đi giải quyết thủ tục hành chính đề nghị mang theo mã số định danh cá nhân” thì con số tiết kiệm được đã là trên 3 tỷ đồng/năm, tỷ lệ cắt giảm chi phí lên tới 74,89 %. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được vận hành, cá nhân, tổ chức cần mang theo mã số định danh thì sẽ không phải mang nhiều giấy tờ tùy thân và quá trình kê khai khi giải quyết thủ tục hành chính được thuận tiện, nhanh gọn hơn.

Theo phương án đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, sẽ bổ sung mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt và biểu bản kê khai năng lực, kinh nghiệm thiết kế của tổ chức, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế xây dựng được quy định tại Thông tư hướng dẫn Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, trong đó đề nghị loại bỏ yêu cầu kê khai các trường về họ và tên người nước ngoài, địa chỉ tại chính quốc, địa chỉ tại Việt Nam, họ và tên người đại diện có thẩm quyền ở Việt Nam, địa chỉ liên hệ, sẽ cắt giảm được 67,18% chi phí, tương ứng với giảm 1,24 tỷ đồng/năm.

Theo tính toán, hiện nay chi phí để thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép xây dựng công trình là hơn 4 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện các phương án đơn giản hóa, chi phí còn lại chỉ là hơn 1 tỷ đồng/năm, tiết kiệm tới hơn 3 tỷ đồng/năm (74,89 %). Cũng như vậy, việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng; cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp I, II, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, công trình tượng đài, quảng cáo; sửa chữa, cải tạo công trình thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh cũng giúp mỗi năm tiết kiệm từ 66,7% - 71,08% chi phí so với hiện nay.

Bộ Công an: Đề xuất đơn giản hóa 120 thủ tục hành chính, tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng/năm

Thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các Cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 896), Bộ Công an đã tiến hành rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ. Qua rà soát cho thấy, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi của Đề án 896 được đề nghị đơn giản hóa là 120 thủ tục, trong đó lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh là 17 thủ tục; đăng ký, quản lý con dấu 12 thủ tục; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện 11 thủ tục; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ 18 thủ tục; tổ chức cán bộ 7 thủ tục; chính sách 6 thủ tục; phòng cháy, chữa cháy 9 thủ tục; cấp, quản lý chứng minh nhân dân 16 thủ tục; đăng ký, quản lý cư trú 24 thủ tục.

Trong số này, số thủ tục hành chính đề nghị bãi bỏ, hủy bỏ là 25 thủ tục. Số thủ tục hành chính đơn giản hóa trình tự thực hiện là 12 thủ tục. Số thủ tục hành chính được đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai là 81 thủ tục. Số thủ tục hành chính được rút ngắn thời hạn giải quyết là 2 thủ tục. Theo tính toán, tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 32,70%. Tổng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa là trên 1.239 tỷ đồng mỗi năm, sau khi đơn giản hóa sẽ giảm xuống còn gần 833,9 tỷ đồng/ năm, tiết kiệm được 405,2 tỷ đồng/năm.

Cũng theo kết quả rà soát này, có 31 giấy tờ công dân được đơn giản hóa thông qua việc điều chỉnh trực tiếp biến động về thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia và cấp trích lục các loại giấy tờ theo nhu cầu.

Đồng Nai: Cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí

Năm 2016, tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh, bổ sung bộ thủ tục hành chính của 19/20 sở, ngành. Đến nay, có 1.756 thủ tục hành chính được áp dụng thực hiện 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh có 1.331 thủ tục, cấp huyện 303 thủ tục và cấp xã 128 thủ tục.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trên địa bàn đã giúp người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian. Cụ thể, đối với những thủ tục hành chính liên quan đến đất đai như cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rút ngắn còn 10/20 ngày; đăng ký chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất rút ngắn còn 10/21 ngày. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp như cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư giảm còn 6/15 ngày; cấp giấy phép xây dựng còn 5/20 ngày; cấp phép lao động cho người nước ngoài còn 7/10 ngày…

Tỉnh Đồng Nai đã áp dụng cơ chế một cửa hiện đại tại 100% cơ quan hành chính gồm 20 sở, ban, ngành; 11 UBND cấp huyện và 171 cấp xã. Ngoài ra, đối với cơ chế một cửa liên thông đã được thực hiện đối với 8 thủ tục hành chính gồm: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đầu tư, đăng ký thuế, cấp con dấu; Giấy phép thành lập văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Đồng Nai; Cấp giấy phép vật liệu nổ công nghiệp; Liên thông giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện giải quyết 13 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; Cơ chế một cửa liên thông tại cấp xã thực hiện trong giải quyết 26 thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân.

Trong năm 2016 tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện việc xã hội hóa các dịch vụ công, cho phép các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện theo quy định tham gia cung cấp các dịch vụ công nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đồng Nai đã thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế, giáo dục, công chứng, tư vấn pháp luật, thẩm định giá, đấu giá…

Đồng Nai còn áp dụng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung với 340 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Việc áp dụng hệ thống này đã giúp các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng internet và đóng lệ phí, nhận kết quả tại cơ quan giải quyết hồ sơ. Một số thủ tục đã tổ chức đóng lệ phí trực tuyến qua mạng và nhận kết quả qua đường bưu điện. Để thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, ngoài công tác cán bộ, đào tạo, luân chuyển, việc ứng dụng công nghệ thông tin đóng góp vai trò rất quan trọng. Điển hình, nhờ sử dụng phần mềm một cửa tại 100% các cơ quan hành chính mà tất cả các thủ tục hành chính được các đơn vị công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để người dân trực tiếp theo dõi. Riêng trong 10 tháng năm 2016 tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của 20 sở, ngành 11 huyện và 171 xã đã đạt 94,4%./.