Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tri ân các thầy giáo, cô giáo cả nước
Sáng 20-11, phát biểu trong lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2016) tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xúc động bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến toàn thể các thầy giáo, cô giáo trên cả nước, đặc biệt là những thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và nhân dân ta luôn ghi nhớ, biết ơn tấm lòng, sự hy sinh và mọi cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo.
Trải qua 34 năm, ngày 20-11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam, Thủ tướng xúc động bày tỏ: “Ở nhiều nơi có những thầy cô giáo không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho các em học sinh trong những điều kiện khó khăn, mà còn kiêm cả vai trò là người cha, người mẹ, chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em”.
Thủ tướng đánh giá cao thành tích của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn đi tiên phong cả nước về công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, với việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết các lĩnh vực khoa học trọng điểm. Trung bình mỗi năm công bố từ 180 - 200 bài báo trên các tạp chí danh tiếng quốc tế. Trường cũng đã hợp tác với quốc tế, với cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.
Thủ tướng biểu dương những thành tích đầy tự hào của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã thực hiện rất tốt tầm nhìn và sứ mệnh, triển khai bước đầu rất thành công dự án đô thị đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Trao đổi với tập thể Ban Giám hiệu Nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành công khi và chỉ khi từng trường thành viên thành công. Mỗi trường đều cần những có chiến lược chương trình hành động cụ thể để có thể phát huy tốt nhất đặc thù, lợi thế của từng trường, có như vậy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mới phát triển vững mạnh. Đặt vấn đề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thách thức với hệ thống giáo dục đại học, Thủ tướng phân tích điều này cũng là sức ép đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó, thầy và trò tương tác với nhau, cách thức mà tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức cũng thay đổi đáng kể. Kiến thức không phải từ một phía mà có tính đa chiều, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tận dụng tính đa chiều của thông tin và kiến thức dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Cho rằng, cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới, khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp, Thủ tướng đề nghị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng xây dựng những kỹ năng cần thiết, ươm trồng những tài năng và ước mơ khởi nghiệp. Những hoạt động nghiên cứu khoa học có sự tham gia của sinh viên, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; các đề án, ý tưởng do sinh viên đề xuất, nhằm đem đến những thay đổi tích cực cho nhà trường. Nếu khuyến khích những điều này chính là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong thế hệ trẻ bởi khởi nghiệp chính là thước đo thành công của chính phủ kiến tạo, Thủ tướng khẳng định.
Tâm sự với các em sinh viên - tương lai của đất nước, Thủ tướng nêu rõ sinh viên hiện nay có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất. Vấn đề là sinh viên tận dụng và phát huy những điều kiện đó. “Trong bài phát biểu đầu tiên khi được Đảng và nhân dân giao phó trách nhiệm làm Thủ tướng, tôi đã nói rõ, chúng ta phải làm sao để con em nông dân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Cá nhân tôi thấy không có gì ý nghĩa hơn khi được trò chuyện với các tài năng trẻ của đất nước. Các bạn không chỉ là tiềm năng, tương lai mà còn là động lực, là những người quyết định đến vận mệnh phát triển của dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng kêu gọi các bạn sinh viên hãy có trách nhiệm hơn nữa với sự nghiệp học tập của chính mình. “Sinh viên phải là người có trách nhiệm cao nhất với quyết định của mình, là người gánh chịu nhiều thiệt hại nhất nếu để lãng phí thời gian, tiền của trong quá trình học đại học phải chủ động nghiên cứu, tăng cường trao đổi với bạn bè, với thầy cô giáo, tham gia hoạt động cộng đồng, thực tập ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, kỹ năng qua khảo sát thực tiễn và hãy nhớ học thật tốt ngoại ngữ vì đó chính là chìa khóa không giới hạn…” - Thủ tướng nhắn nhủ.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Nhà giáo Nhân dân - GS, TS. Phan Thị Tươi - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Nhà giáo Ưu tú - PGS, TS. Dương Ái Phương - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)./.
Quan hệ Việt Nam - Italia đang trải qua thời kỳ sôi động nhất  (20/11/2016)
Bộ Chính trị ra Nghị quyết về chủ trương, giải pháp quản lý nợ công  (20/11/2016)
Lãnh đạo các nước thành viên TPP cam kết nỗ lực thực thi hiệp định  (20/11/2016)
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải phấn đấu vào tốp đầu châu Á  (20/11/2016)
Kỷ niệm 130 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình  (20/11/2016)
Người bên lề  (20/11/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên