Nước Pháp không “gục ngã”
TCCSĐT - “Chúng tôi cẩn tắc hơn, thu mình lại. Cá nhân tôi thì đã từng luôn vô tư nhưng giờ thì không thể như vậy” - một người dân Paris nói. Song, người dân Pháp không gục ngã và không bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Chính phủ và nhân dân Pháp tưởng niệm một năm sau vụ khủng bố ngày 13-11-2015 với sự đoàn kết, mạnh mẽ.
Bà Thị trưởng Paris A. Hidalgo và Tổng thống Pháp F. Hollande cùng người dân Pháp tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố ngày 13-11-2015 tại thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: Reuteurs
Nhìn lại “ký ức” kinh hoàng
Gây thương vong nhiều nhất cho nước Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một loạt vụ tấn công khủng bố vào thủ đô Paris một năm trước đây đã khiến nước Pháp và cả châu Âu choáng váng về một kế hoạch bài bản và mức độ thương vong chưa từng thấy (130 người thiệt mạng, 350 người bị thương).
Nước Pháp chưa “hồi phục” sau vụ khủng bố đẫm máu Tòa soạn báo Charlie Heddo 10 tháng trước đó, thì lại tiếp tục hứng chịu những cảnh tượng kinh hoàng. Ký ức của người dân Pháp vẫn chưa thể quên được những hình ảnh này. Ngày 11-11-2016, tại sân vận động Stade de France, Tổng thống Pháp F. Hollande cùng người dân Pháp tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Nhiều hoạt động mặc niệm cũng được tổ chức tại thủ đô Paris và vùng phụ cận.
Một năm trước, 20h20 phút, ngày 13-11-2015, một vụ đánh bom tự sát xảy ra ở sân vận động quốc gia Stade de France, mở đầu cho loạt vụ nổ súng tấn công kéo dài 3 giờ đồng hồ tại thủ đô Paris (Pháp). Các tay súng khủng bố đã xả súng vào các thực khách tại quán bar và nhà hàng ở các phố Bichat, Fontaine-au-roi, Charonne - những khu phố trung tâm vốn nhộn nhịp về đêm. Cùng thời điểm, ba tên khủng bố xông vào Nhà hát Bataclan, xả súng vào người nghe nhạc, làm 90 người thiệt mạng và bắt giữ con tin trong suốt 2 giờ đồng hồ. Đến 0h20 phút, lực lượng chống khủng bố của Pháp đã tiêu diệt 3 tên khủng bố. Các vụ khủng bố tại Paris vào đêm kinh hoàng đó kết thúc, 8 tên khủng bố bị tiêu diệt.
Loạt khủng bố đã làm thay đổi nước Pháp. Đã có nhiều thay đổi không chỉ với cuộc sống của gần 400 nạn nhân bị thương và 1.000 người dân Paris mất đi người thân, mà còn đối với hơn 50 trẻ em đã mất cha hoặc mẹ trong tấn thảm kịch này. Vụ tấn công nhằm vào Nhà hát Bataclan đã gây thiệt hại lớn cho ngành nghệ thuật của “kinh đô ánh sáng”. Hai tuần sau vụ thảm sát, doanh số vé giảm tới 80%. Văn hóa xem hát ở Pháp, với không ít người cũng thay đổi từ đó. Thay đổi lớn nhất ở Pháp dễ dàng nhận thấy là giờ đây, người dân phải làm quen với những hoạt động kiểm tra an ninh, báo động hành lý khả nghi hay thậm chí trẻ em được huấn luyện chống khủng bố.
Theo các nhà phân tích, không phải ngẫu nhiên mà nước Pháp liên tục trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử khủng bố. Việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống các phần tử “thánh chiến”, trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch trên. Trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Pháp đã triển khai hơn 10.000 binh sĩ ở nước ngoài, trong đó có 3.000 binh sĩ tại Tây Phi, 2.000 binh sĩ tại Trung Phi, 3.200 binh sĩ tại Iraq,… Đặc biệt, Pháp còn là “cánh tay phải” của Mỹ trong các cuộc không kích nhằm vào IS tại Syria và Iraq. Bên cạnh đó, mâu thuẫn từ các vấn đề xã hội, sắc tộc và tôn giáo cũng là “mồi lửa” kích động khủng bố ở Pháp. Dù IS không đại diện cho Hồi giáo, nhưng trong xã hội Pháp không phải ai cũng phân biệt rạch ròi điều đó. Một số lượng không ít người Pháp khá cực đoan và luôn có thái độ kỳ thị, phân biệt đối với những người có nguồn gốc Arab. Trong khi đó, làn sóng người di cư đến từ Syria và Iraq cũng tạo cơ hội cho các phần tử khủng bố trà trộn vào nước Pháp. Dù vẫn chưa có con số chính thức về số lượng phần tử “thánh chiến” ở Pháp, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, con số này có thể lên tới vài nghìn người, trong đó 10% luôn sẵn sàng hành động. Người ta còn cho rằng, Paris cũng là nơi mà IS gặt hái thành công nhiều hơn trong chiến dịch tuyển mộ chiến binh phương Tây. IS lôi kéo được nhiều người từ thủ đô nước Pháp hơn so với bất cứ thành phố châu Âu nào. Vấn đề gốc rễ từ những mâu thuẫn xã hội âm ỉ, bắt nguồn từ sự cực đoan hóa về văn hóa và tôn giáo khó bề giải quyết. Để hàn gắn những chia rẽ này, nước Pháp cần kết hợp nhiều chính sách kinh tế - xã hội nhằm tạo cơ hội phát triển cho tất cả các tầng lớp dân cư, để các vùng ngoại ô nghèo, nơi sinh sống của những người nhập cư, không trở thành “vườn ươm khủng bố”.
“Bóng ma” khủng bố
Một năm đã trôi qua kể từ sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do những kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện gần như đồng thời ở các địa điểm công cộng tại thủ đô Paris và vùng ngoại ô nước Pháp. Thế nhưng, bóng đen khủng bố vẫn “phủ bóng” bao trùm nước Pháp, trở thành thách thức đối với các lực lượng an ninh và mối đe dọa thường trực đối với người dân Pháp. Mặc dù chính phủ Pháp ngay lập tức có những động thái mạnh tay nhằm thắt chặt an ninh nội địa bằng việc tuyên bố tiến hành “cuộc chiến không khoan nhượng chống khủng bố”, ban bố “tình trạng khẩn cấp”, đồng thời tăng cường quân số cho lực lượng cảnh sát và quân đội, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, nước Pháp vẫn liên tục là mục tiêu của khủng bố, tiếp tục hứng chịu đau thương trong nhiều vụ tấn công với những hình thức biến tấu khác nhau nhưng đều mang “dấu ấn” của IS.
Sau loạt vụ tấn công, chính phủ Pháp đã tăng cường trang thiết bị cho các lực lượng tình báo và an ninh. Quốc hội Pháp cũng đã thông qua đạo luật trao thêm nhiều quyền cho lực lượng cảnh sát và giới chức tư pháp nhằm ngăn chặn các vụ tấn công, như tăng thời hạn giam giữ các nghi phạm khủng bố mà không cần đưa ra cáo buộc, được phép sử dụng vũ lực đối với các nghi phạm đang chuẩn bị gây ra một vụ tấn công chết người… Biên chế của các lực lượng này cũng được tăng lên đáng kể. Dưới thời Tổng thống N. Sarkozy (2007-2012), Pháp đã giảm 12.000 cảnh sát và hiến binh. Tuy nhiên, hiện nay, chính phủ Pháp đã bổ sung gần 9.000 biên chế, chủ yếu cho lực lượng tình báo, đồng thời tổ chức lại các đơn vị với việc thành lập Tổng cục Tình báo An ninh nội địa (DGSI) và Cơ quan Trung ương tình báo lãnh thổ (SCRT). Trong khuôn khổ chương trình chống khủng bố Sentinelle, năm 2016, Pháp đã triển khai lực lượng an ninh lên đến 100.000 người, gồm 53.000 cảnh sát, 36.000 hiến binh và 10.000 binh sĩ nhằm bảo đảm an ninh trên toàn lãnh thổ. Trong số 10.000 binh sĩ trên đường phố, 4.000 người tuần tra tại Paris và vùng Ile-de-France, 6.000 người tại các tỉnh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, chính quyền Pháp cũng đã kêu gọi các công dân từ 17 đến 30 tuổi gia nhập lực lượng dự bị tác chiến. Theo kế hoạch, nhà chức trách Pháp sẽ huy động khoảng 25.000 quân dự bị hoạt động song song với lực lượng quân đội để giám sát những địa điểm nhạy cảm. Chính phủ Pháp cũng đã thông qua sắc lệnh thành lập Lực lượng vệ binh quốc gia nhằm tăng cường an ninh trước các vụ tấn công cực đoan trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, bất chấp những phương tiện tối tân, hiện đại cùng hồ sơ theo dõi các đối tượng cực đoan của các cơ quan an ninh, nguy cơ khủng bố vẫn luôn hiện hữu, thách thức các lực lượng an ninh Pháp. Từ gần hai năm qua, lực lượng này luôn phải “căng mình” để đối phó với những kẻ thù vô hình sẵn sàng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên đường phố bằng các vụ đánh bom liều chết. Sau mỗi vụ tấn công, lực lượng IS đều tuyên bố đây là hành động đáp trả việc Pháp tham gia lực lượng tiêu diệt khủng bố với lời đe dọa, yêu cầu Pháp ngừng tấn công vào Syria và Iraq - vốn là lãnh địa của IS.
Một thực tế cần phải nhìn nhận mà báo chí Pháp những ngày gần đây đăng tải, đó là những lỗ hổng an ninh và yếu kém của các cơ quan tình báo trong việc lập hồ sơ và theo dõi các đối tượng cực đoan. Phải thừa nhận rằng, đây là công việc hết sức khó khăn do các đối tượng khủng bố giờ đây đã trở nên “muôn hình vạn trạng”, rất khó nhận diện. Đó có thể là những phần tử đã tham gia thánh chiến ở Trung Đông, nhưng cũng có thể là những thanh niên sinh ra và lớn lên trong những khu phố nghèo trên đất Pháp. Thực tế cho thấy, đến tận ngày 08-11 vừa qua, tức là gần một năm sau, danh tính của kẻ dàn xếp các vụ tấn công đêm 13-11 tại Paris mới được các cơ quan an ninh Pháp công bố. Trong bối cảnh phần lãnh thổ do IS kiểm soát tại Syria và Iraq đang bị thu hẹp đáng kể, cuộc chiến chống khủng bố tại Pháp ngày càng trở nên phức tạp do các phần tử cực đoan sẵn sàng tiến hành cuộc “thánh chiến” ngay trong lòng nước Pháp.
Không thể “gục ngã”
Không chỉ nước Pháp, tại châu Âu đã có sự thay đổi sau sự kiện ngày 13-11. Nước Pháp và châu Âu đang phải gánh chịu thêm các vụ khủng bố khác trong năm 2016. Cuộc chiến chống khủng bố vì thế đang bước sang giai đoạn khó khăn hơn do những kẻ khủng bố áp dụng những phương thức khó lường hơn. Hàng trăm phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn đổ về châu Âu và nguy hiểm không kém những kẻ cực đoan vốn đã ở sẵn trong lòng châu Âu. Vào thời điểm nước Pháp nhìn lại sự kiện 13-11, vẫn còn những câu hỏi cần lời giải đáp về nguy cơ khủng bố ở nước Pháp cũng như châu Âu. Các biện pháp an ninh hiện nay sẽ phải như thế nào trước sự biến tướng của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới.
Bóng ma khủng bố tiếp tục bao phủ châu Âu suốt một năm qua. 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương trong vụ khủng bố nhằm vào sân bay và nhà ga tại thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 22-3-2016. Còn tại Pháp, ngay trong đêm quốc khánh ngày 14-7, đại lộ La Promenade des Anglais ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, lại chứng kiến một vụ tấn công khủng bố bằng xe tải kinh hoàng, làm ít nhất 80 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Nước Đức cũng là nạn nhân của ba vụ tấn công liên tiếp chỉ trong tháng 7-2016. Tất cả đều có một điểm chung, hung thủ đều là những người nhập cư và hành động theo kiểu “những con sói đơn độc”.
Trung tuần tháng 11-2016, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ J. Jambon cho biết, có thể khoảng 3.000 đến 5.000 chiến binh mang quốc tịch châu Âu, đang hiện diện tại Libya và Iraq, sẽ quay trở lại châu Âu. Ông J. Jambon cảnh báo, các phần tử này có thể sẽ tiếp tục ở lại Raqqa và Mosul để tham chiến trong hàng ngũ của IS, hoặc các tổ chức khủng bố sẽ gửi những đối tượng trên trở về nước xuất xứ của mình. Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ khủng bố nghiêm trọng nhất, ít nhất trong một thập niên qua. Ít nhất 5.000 công dân châu Âu đã bị cực đoan hóa và một số đã trở về từ Iraq và Syri. Rất khó để có thể kiểm soát các đối tượng này. Ngay trong lòng châu Âu, nguy cơ khủng bố vẫn âm ỉ. Tâm lý bài ngoại và kỳ thị người Hồi giáo ở châu Âu, thất nghiệp, nghèo đói và mặc cảm, tự ti đang tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức khủng bố dễ dàng lôi kéo, gieo các mầm mống tội ác trong các đối tượng bất mãn và kích động tấn công ngay từ bên trong. Đây là thách thức lớn đối với tình báo châu Âu, bởi nguy cơ xuất phát từ ngay trong lòng châu lục này.
Nước Pháp sẽ làm gì?! Những thay đổi này sẽ ngày càng rõ nét trong những năm tới khi nước Pháp và cộng đồng thế giới bị đặt trước sức ép phải giải quyết một loạt điểm nóng tại Trung Đông để tạo một mặt trận chung trong cuộc chiến chống khủng bố. Có thể thấy, trong một năm qua, Pháp đã phải tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” lại hệ thống an ninh nội địa của mình. Bởi, các cuộc tấn công nhằm vào nước Pháp chỉ là đòn cảnh báo phủ đầu. Nếu như bom có thể phát nổ tại Paris, một trong những “pháo đài” được canh phòng cẩn mật thì không có lý gì nó lại không thể diễn ra tại những nơi khác trên nước Pháp và châu Âu. Nhưng mặc dù chính sách an ninh đã được chú trọng hơn, song khủng bố vẫn là nguy cơ thường trực, luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân Pháp trong một năm qua.
Nước Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp đồng thời tăng cường lực lượng binh sỹ và cảnh sát nhằm đối phó với các âm mưu khủng bố. Ưu tiên hàng đầu của Pháp là rà soát lại hệ thống pháp luật để từng bước ngăn chặn đà hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố nước ngoài, vốn đang đào tạo những công dân từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, Paris là thành phố được xác định phải theo dõi chặt chẽ những công dân Pháp có tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài khi về nước. Kể từ đầu năm 2016, Chính phủ Pháp cũng đã tăng ngân sách cho quốc phòng và an ninh thêm gần 4 tỷ euro trong vòng 4 năm, bất chấp việc ngân sách Pháp liên tục bị bội chi trong những năm qua. Tổng thống F. Hollande cho rằng, trong bối cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa, vấn đề an ninh phải được ưu tiên hơn việc cân đối ngân sách. Ngoài ra, cũng giống như nhiều nước châu Âu khác, nước Pháp đã siết chặt các quy định về nhập cư đối với những người đến từ Syria, các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi.
Ngày 15-11, Tổng thống Pháp F. Hollande đã đề xuất tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp tại nước này đến tháng 5-2017 nhằm bảo đảm an toàn cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2017. Trước đó, ngày 13-11, Thủ tướng Pháp M. Valls cho rằng, sẽ rất khó để có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh vào năm 2017, Pháp sẽ tiến hành chiến dịch vận động tranh cử tổng thống kéo dài nhiều tuần với các cuộc meeting tập trung đông người. Ông M. Valls cũng nêu rõ quan điểm rằng, các vụ tấn công liều chết được tổ chức thành nhiều nhóm với những kẻ thực hiện được huấn luyện tại Syria hay Iraq hiện ít khả năng xảy ra, thay vào đó có thể là những cuộc tấn công đơn độc, trong đó thủ phạm được IS “truyền cảm hứng” qua internet và mạng xã hội giống như vụ tấn công bằng xe tải tại thành phố Nice hôm 14-7.
Sắc lệnh mở rộng phạm vi cuộc chiến chống các phương pháp tài trợ khủng bố tại Pháp cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14-11-2016. Sắc lệnh này được Thủ tướng Pháp M. Valls, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính M. Sapen và một số bộ trưởng, quốc vụ khanh khác đồng thuận ký kết. Theo các điều khoản của sắc lệnh, cơ quan tình báo tài chính Tracfin, trực thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp được trao thêm các quyền mới, như quyền tiếp cận rộng hơn cơ sở dữ liệu đặc biệt C của cảnh sát và các cơ quan mật vụ, trong đó có thông tin về các đối tượng có nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Sắc lệnh này cũng giúp ngăn chặn quyết liệt hơn khả năng các phần tử khủng bố sử dụng thẻ ngân hàng trả trước. Bắt đầu từ ngày 01-01-2017, số tiền tối đa trong các thẻ này không vượt quá 250 euro, số tiền mà các thẻ này có thể bổ sung trong thời hạn 30 ngày cũng không được vượt quá 250 euro. Các thẻ này chỉ được sử dụng trên lãnh thổ Pháp. Ngoài ra, mức tiền cho vay tiêu dùng cũng giảm từ 4.000 euro xuống còn 1.000 euro, nếu vượt quá sẽ bị các cơ quan giám sát kiểm tra. Trước đó, các đạo luật của Pháp bắt buộc phải khai báo hải quan mọi hoạt động chuyển tiền và thanh toán vượt quá 10.000 euro ra và vào Liên minh châu Âu (EU). Theo sắc lệnh trên, bắt đầu từ ngày 01-12-2016, quy định này cũng áp dụng đối với việc chuyển tiền, cổ phiếu và các tài sản khác qua bưu điện. Các quy định trên sẽ áp dụng đối với việc chuyển tiền và tài sản từ Saint-Barthelemy, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở khu vực Bắc Mỹ, trước đây có quy chế đặc biệt cho phép thực hiện một số giao dịch rửa tiền và tài trợ hoạt động bất hợp pháp.
Khủng bố vẫn là một vấn đề gai góc của thế giới trong năm 2016. Đánh giá về tính hiệu quả của các biện pháp chống khủng bố của châu Âu hay sự suy yếu của các lực lượng khủng bố là chưa thể. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các biện pháp an ninh chưa phải là tối ưu trong cuộc chiến chống khủng bố, mà một trong những điểm mấu chốt chính là các biện pháp xã hội mang tính dài lâu. Khi nhìn vào sự lạc quan của người Pháp, một nghiên cứu của Viện Thống kê quốc gia Pháp cho thấy, người Pháp không còn cảm thấy bất an dù những ký ức của sự kiện ngày 13-11 vẫn còn đọng lại. Để có được điều này, cần đến sức mạnh của một dân tộc, đó là sự hòa thuận, bình đẳng, đoàn kết và lòng vị tha./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên trực tiếp trả lời chất vấn  (17/11/2016)
Mua và đọc báo, tạp chí của Đảng là để nâng cao nhận thức, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương  (17/11/2016)
Tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề được chất vấn  (17/11/2016)
Tiếp tục các hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Cuba  (17/11/2016)
Về quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen xung quanh vấn đề nông dân  (17/11/2016)
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01-01-2017  (17/11/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên