Xây dựng và phát triển xã hội thông tin an toàn, lành mạnh ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Cùng với sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của công nghệ thông tin và truyền thông, thế giới ngày nay đã và đang dịch chuyển theo hướng phát triển xã hội thông tin. Tiến trình này liên tục đặt ra nhiều thách thức mới cho cả người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý chức năng. Việc tổ chức triển khai một chương trình hành động hiệu quả nhằm xây dựng và phát triển xã hội thông tin an toàn, lành mạnh ở Việt Nam hiện nay là một yêu cầu quan trọng và cấp bách, góp phần phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Xu hướng phát triển
Sự ra đời và phổ cập mạng in-tơ-nét từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thực sự. Trong khoảng 20 năm gần đây, số lượng người sử dụng in-tơ-nét trên khắp thế giới đã gia tăng khoảng 90 lần (từ 35 triệu lên đến hơn 3 tỷ). Cũng trong thời gian đó, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng lên khoảng 60 lần (từ 80 triệu lên đến trên dưới 5 tỷ). Theo thống kê, hiện nay, cứ hai ngày là con người lại tạo ra một lượng thông tin bằng với lượng thông tin mà con người đã tạo ra từ lúc xuất hiện văn minh nhân loại cho đến năm 2003.
Có thể nói, in-tơ-nét là xu thế phát triển chung của thời đại khoa học - công nghệ. Nhờ có in-tơ-nét mà nhân loại trở nên gần nhau hơn khi con người có nhiều cơ hội tiếp cận với những kho dữ liệu khổng lồ của thế giới vẫn luôn được cập nhật hằng ngày, hằng giờ từ khắp nơi trên thế giới. Thông tin trên in-tơ-nét vô cùng phong phú và đa dạng, giúp tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tăng tính dân chủ, minh bạch và công khai trong xã hội. In-tơ-nét mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội với hệ thống các dịch vụ phong phú về các lĩnh vực, như giáo dục, tăng cơ hội học tập qua mạng, dịch vụ tìm kiếm việc làm, kinh doanh, tạo ra được sân chơi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, góp phần cải cách hành chính và mang lại những hiệu quả nhất định cho hoạt động quản lý nhà nước... thông qua việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, báo và tạp chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên in-tơ-nét.
Đến năm 2025, phần lớn dân số trên thế giới lúc đó, ước tính vào khoảng 8 tỷ người, sẽ có thể kết nối mạng in-tơ-nét thông qua thiết bị nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay. Việc tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển xã hội thông tin đã trở thành lựa chọn chung của các nước trên thế giới trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tìm kiếm sự phồn vinh, thịnh vượng một cách bền vững.
Xét về mặt bản chất, mạng in-tơ-nét đã tạo ra một xã hội trên mạng gần giống với xã hội đời thực, ở đó con người tương tác, giao tiếp, chia sẻ thông tin hằng ngày với nhau. Giống như xã hội đời thực, xã hội trên mạng cũng có những mặt trái. Nếu như chính phủ các nước đã tương đối quen thuộc với cách thức tổ chức quản lý nhà nước đối với xã hội đời thực, thì lại đang rất bỡ ngỡ với những thách thức mới, mang tính “phi truyền thống” trong việc quản lý xã hội trên mạng. Một số điểm khác biệt nổi bật mang tính “phi truyền thống” của xã hội trên mạng gồm:
Thứ nhất, xã hội trên mạng là xã hội mang tính toàn cầu, không có biên giới cụ thể như xã hội đời thực. Mọi hoạt động của xã hội đời thực được điều chỉnh và quản lý bởi luật pháp. Trong khi đó, luật pháp của một quốc gia cũng chỉ có hiệu lực điều chỉnh trong phạm vi biên giới của quốc gia đó.
Thứ hai, khác với xã hội đời thực, do bản chất mở của môi trường in-tơ-nét nên công dân của xã hội trên mạng (người sử dụng) có thể dễ dàng che giấu danh tính thật sự của mình.
Thứ ba, xã hội trên mạng in-tơ-nét là xã hội có tính tương tác cao và mang tính tức thời, thông tin được tạo ra liên tục, không ngừng, đồng thời được chia sẻ, phát tán, truyền tin gần như ngay lập tức trên phạm vi toàn cầu, nhanh hơn rất nhiều so với các loại hình thông tin truyền thống của xã hội đời thực.
Để ứng phó với những thách thức mang tính “phi truyền thống” này, nhiều nước trên thế giới đã và đang nghiên cứu, thực hiện hai phiên bản chính sách với tư duy quản lý khác nhau, một phiên bản dành cho xã hội đời thực và một phiên bản dành cho xã hội thông tin trên mạng.
Tuy nhiên, để quản lý được xã hội trên mạng lại là vấn đề không đơn giản và chưa từng có tiền lệ. Trong lịch sử phát triển xã hội, con người cần đến hàng thiên niên kỷ để hoàn thiện thể chế quản lý, trong khi đó, xã hội thông tin mạng mới chỉ phổ biến trong vài thập niên gần đây. Đó là cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thực tiễn Việt Nam
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và in-tơ-nét, chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, báo và tạp chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên in-tơ-nét ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, mặt trái của in-tơ-nét đã có những tác động rõ nét tới nhiều mặt của đời sống xã hội nước ta, trong đó có không ít tác động tiêu cực, như việc tạo ra hàng loạt các trang web lừa đảo, đưa thông tin bịa đặt, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, phát tán vi-rút, phần mềm độc hại... Không chỉ người dân, mà cả những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến trên môi trường mạng đều bị ảnh hưởng, thiệt hại về mặt kinh tế, uy tín, mức độ tin cậy...
Nghiêm trọng hơn, lợi ích và chủ quyền số của quốc gia cũng đang bị đe dọa. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng in-tơ-nét để bôi xấu cá nhân, kích động dư luận, thực hiện do thám, tình báo mạng, phá hoại quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhiều nước trên thế giới đã coi không gian mạng và xã hội thông tin là không gian phát triển thứ năm của một quốc gia, bên cạnh mặt đất, đại dương, bầu trời và vũ trụ.
Trong bối cảnh thực tiễn Việt Nam hiện nay, có thể thấy, nếu như trong đời thực vai trò của Nhà nước và hoạt động quản lý nhà nước giúp khuyến khích yếu tố tích cực, răn đe, xử lý những hành vi sai trái, duy trì trật tự xã hội thì các biện pháp quản lý nhà nước mang tính truyền thống sẽ không còn phù hợp để quản lý mạng xã hội trên in-tơ-nét.
Nguyên nhân chính là các nền tảng mạng xã hội lớn được quản lý và vận hành bởi các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài với hệ thống máy móc, thiết bị nằm rải rác trên khắp toàn cầu. Các biện pháp quản lý truyền thống của cơ quan chức năng nước ta, như cấp phép, thanh tra, kiểm tra, yêu cầu gỡ bỏ tin, bài... không áp dụng được trong hầu hết các trường hợp. Các biện pháp kỹ thuật, như chặn, lọc truy cập yêu cầu đầu tư tốn kém, không mang lại hiệu quả thực sự, gây hiệu ứng xã hội không tốt, ảnh hưởng tới hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tính chất không biên giới của mạng in-tơ-nét ngày càng làm việc quản lý bằng các biện pháp truyền thống trở nên kém hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm một giải pháp hợp lý nhằm quản lý xã hội thông tin theo pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam, biến thách thức thành cơ hội, “vì một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh”, cần được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Kinh nghiệm và những bài học lịch sử cho thấy, khi cần phải giải quyết một vấn đề lớn, người Việt Nam thường có cách giải quyết linh hoạt, phù hợp với điều kiện trong nước. Trong thời gian ngắn hạn từ 3 đến 5 năm, việc xây dựng thành công một mạng xã hội thuần Việt để thay thế hoàn toàn mạng xã hội lớn của nước ngoài là khó khả thi. Tư tưởng chủ đạo trong ngắn hạn và trung hạn là thúc đẩy tính sáng tạo từ phía cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.
Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, những cơ chế, chính sách để quản lý được người sử dụng và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, theo pháp luật Việt Nam. Cơ chế, chính sách, quy định quản lý phải tạo ra được “sân chơi” cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp cần phát huy mạnh hơn nữa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong việc tận dụng lợi thế cạnh tranh đặc thù của Việt Nam để từng bước thúc đẩy phát triển nguồn tài nguyên thông tin số.
Chương trình hành động cụ thể
Chương trình hành động cụ thể để hiện thực hóa được một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh cần có phương hướng, mục tiêu rõ ràng, kết hợp hài hòa giữa chiến lược lâu dài với giải pháp cấp bách trước mắt, trong đó quan điểm, tư duy giải quyết vấn đề cần có những đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Quan điểm phát triển
Quan điểm định hướng xuyên suốt của Chương trình hành động đặt ra là phát triển xã hội thông tin Việt Nam an toàn, lành mạnh; góp phần bảo vệ chủ quyền số quốc gia; thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế về công nghệ thông tin và truyền thông; nâng cao dân trí, góp phần quan trọng định hướng văn hóa, lối sống của toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mạng xã hội nói riêng và mạng in-tơ-nét nói chung, phải nằm dưới quyền tài phán chủ quyền của Việt Nam. Pháp luật của Việt Nam cần phải được tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc. Cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực thực thi pháp luật một cách tương ứng.
Mục tiêu cụ thể
Từ quan điểm định hướng nêu trên, mục tiêu cụ thể được đặt ra là hạn chế tác động tiêu cực của in-tơ-nét, bảo vệ người sử dụng in-tơ-nét tại Việt Nam trước những nguy cơ, rủi ro mất an toàn thông tin trên mạng; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật của Việt Nam về in-tơ-nét; quản lý và quản trị xã hội thông tin bằng pháp luật; xây dựng môi trường mạng tin cậy, làm nền tảng để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch trực tuyến.
Nhiệm vụ, giải pháp lâu dài
Chương trình hành động đề ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lâu dài, mang tính trung hạn và dài hạn như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động, làm cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện quản lý, quản trị xã hội trên mạng phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù thực tiễn của Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các văn bản chỉ đạo về mặt chủ trương của Đảng, các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba, huy động nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong phát triển xã hội thông tin Việt Nam an toàn, lành mạnh.
Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách
Bên cạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp lâu dài, Chương trình hành động đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách như sau:
Một là, nâng cao năng lực quản lý, thiết lập và vận hành hệ thống thu thập, tổng hợp thông tin, kịp thời phát hiện các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên mạng để hỗ trợ cho cơ quan chức năng trong việc theo dõi, xử lý. Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin tức thời, hiệu quả giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét và cộng đồng trong việc điều phối, xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Thiết lập và vận hành hệ thống hỗ trợ người sử dụng truy cập in-tơ-nét an toàn.
Hai là, phát triển tài nguyên thông tin số. Phát triển các nhóm chuyên trang cộng đồng trên một số mạng xã hội lớn có nội dung hấp dẫn, hướng đối tượng cụ thể, thu hút được sự tham gia của đông đảo người sử dụng. Tăng cường cung cấp thông tin chính thống lên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, gắn liền với việc quản trị, điều hành chặt chẽ nội dung trên các trang thông tin chính thống theo đúng quy định của pháp luật. Phát triển mạng xã hội Việt Nam thu hút được sự tham gia của đông đảo người sử dụng. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ khác tận dụng thế mạnh kết nối của mạng in-tơ-nét tại Việt Nam.
Ba là, hỗ trợ và phát triển cộng đồng. Thiết lập cơ chế liên lạc đơn giản, thuận tiện, sẵn sàng để người sử dụng phản ánh về các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thông tin gây nguy hại đến cá nhân, tổ chức tới cơ quan chức năng. Xây dựng và phổ biến rộng rãi bộ quy tắc, chuẩn mực xã hội đối với người sử dụng in-tơ-nét tại Việt Nam, thúc đẩy hình thành văn hóa ứng xử, chia sẻ thông tin lành mạnh, lên án, tẩy chay hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia trên mạng in-tơ-nét. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ năng sử dụng in-tơ-nét an toàn và hiệu quả.
Bốn là, hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế trong việc ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn thông tin bắt nguồn từ Việt Nam và nhằm vào Việt Nam. Hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin qua biên giới, đặc biệt là các doanh nghiệp là chủ quản mạng xã hội có nhiều người sử dụng tại Việt Nam để hình thành đầu mối phối hợp xử lý thông tin vi phạm pháp luật; chia sẻ thông tin, hướng dẫn chính sách và định hướng hoạt động đầu tư, cải thiện chất lượng các dịch vụ thông tin qua biên giới tại Việt Nam. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ xuyên biên giới an toàn, hiệu quả.
Để triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên cần huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự tham gia của các doanh nghiệp, thực hiện theo hình thức xã hội hóa, khai thác tối đa năng lực quản trị, vận hành của doanh nghiệp để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Mạng máy tính và in-tơ-nét là một trong những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn lao của nhân loại, mở ra một thời kỳ mới với nhiều tiến bộ vượt bậc trên toàn thế giới. Trong kỷ nguyên công nghệ số, đất nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức đan xen. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Việt Nam chúng ta đang có những thuận lợi nhất định khi đã đặt được nền móng ban đầu cho sự phát triển. Vì vậy, chúng ta cần vừa thúc đẩy ứng dụng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhằm tận dụng tối đa những lợi ích mà công nghệ mang lại, vừa phải bảo đảm duy trì được sự ổn định về chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước. Việc xây dựng và triển khai Chương trình hành động vì một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh để cụ thể hóa chỉ đạo về mặt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tinh thần kiến tạo sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phát huy nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước./.
Hợp tác Tiểu vùng Mê Công: triển vọng phát triển  (16/11/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 07 đến ngày 13-11-2016)  (15/11/2016)
Phát triển nghề công tác xã hội: Muốn chuyên nghiệp phải có luật riêng  (15/11/2016)
Ba vấn đề nóng sẽ được Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục  (15/11/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên