Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 07 đến ngày 13-11-2016)

Nhân Hòa (Tổng hợp theo TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn)
23:46, ngày 15-11-2016
TCCSĐT - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội dâng hoa tại tượng đài Lê-nin; Chính phủ cầu thị, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và Nghị quyết sửa đổi về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ kỷ niệm và trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội; Vinh danh 42 thầy cô giáo công tác tại các vùng biển đảo khó khăn; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại tỉnh Bắc Ninh… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Sáng 07-11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập (07-11-1981 - 07-11-2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ; đại diện các ban, bộ, ngành và đông đảo chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tại Đại lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ đã tuyên đọc thông điệp của đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhấn mạnh với tinh thần nhập thế, kế thừa tinh hoa 2000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, mọi Phật sự của Giáo hội đều định hướng theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội.

Điểm lại những kết quả sau 35 năm thành lập, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, hiện nay Giáo hội quản lý gần 49.500 Tăng Ni, 17.376 ngôi chùa và tự viện. Công tác giáo dục luôn được lãnh đạo các cấp Giáo hội quan tâm, chú trọng và tạo điều kiện để giáo dục Phật giáo luôn được phát triển. Thành tựu nổi bật trong công tác đào tạo sau 35 năm là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động giới thiệu và gửi 476 Tăng Ni sinh đi du học nước ngoài. 115 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp trình độ thạc sỹ, tiến sỹ về nước phục vụ công tác Giáo hội.

Tại Đại lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trang trọng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do đã có thành tích xuất sắc trong phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội dâng hoa tại tượng đài V.I. Lê-nin


Nhân kỷ niệm 99 năm Cách mạng tháng Mười Nga (07-11-1917 - 07-11-2016), sáng 07-11, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dẫn đầu đã đến dâng hoa tại tượng đài V.I. Lê-nin ở Vườn hoa Chi Lăng, quận Ba Đình, Hà Nội.

Lẵng hoa mang dòng chữ: Kỷ niệm 99 năm Cách mạng tháng Mười Nga (07-11-1917 - 07-11-2016).

Trước tượng đài V.I. Lê-nin, các lãnh đạo thành phố Hà Nội đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của V.I. Lê-nin đối với sự nghiệp cách mạng thế giới, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và toàn thể nhân loại cần lao.

Chính phủ cầu thị, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu

Chiều 10-11, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn đã đồng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số viện nghiên cứu về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời trao đổi về các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Việc làm này thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Đây là buổi mở đầu cho việc cầu thị của Thủ tướng với các nhà khoa học, của Chính phủ với các viện nghiên cứu, muốn nói sự tôn trọng, sự cầu thị rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Đồng thời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lắng nghe ý kiến đó với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, để có hiệu quả.

Các nhà khoa học đều bày tỏ cảm kích trước sự cầu thị này, cho rằng cần khai thác nguồn lực tri thức từ đội ngũ các nhà khoa học, mà trước hết là nhà khoa học ở các viện nghiên cứu trong những cơ quan của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải nhà khoa học nào cũng dám nói, cũng dám đề xuất, nhất là đề xuất những vấn đề “động chạm” đến lợi ích của một bộ, ngành nào đó, thậm chí là chính bộ, ngành mình. Chính vì vậy, như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nói, “Văn phòng Chính phủ chưa nhận được ý kiến đề xuất nào của các Viện nghiên cứu thuộc Bộ, đó là điều đáng suy nghĩ”.

Phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực


Tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam diễn ra sáng 10-11 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ sẽ cùng doanh nghiệp hành động để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân, hướng đến xuất khẩu.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ: Công Thương, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay ngành sản xuất ô tô có trên 400 doanh nghiệp, đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. Giai đoạn 2001 - 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, đạt 17%/năm.

Mỗi năm, chỉ tính riêng các khoản thuế, ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng trên 1 tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động trực tiếp.

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, xe tải đến 7 tấn sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%. Xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, tỷ lệ nội địa hóa trên 45%.

Mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 đã hoàn toàn thất bại. Thực tế cho đến nay mới đạt bình quân khoảng 7% - 10%, trong đó cao nhất là Toyota Việt Nam với riêng dòng Inova, đạt 37%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cũng chưa tạo ra được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa trong sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp túi tiền người dân cũng không đạt được. Giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất với những đánh giá trong báo cáo của Bộ Công Thương về ngành công nghiệp ô tô và cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng cũng đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế như tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng...

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, tạo động lực phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xuất khẩu. Muốn đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng khẳng định phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, sự đồng thuận giữa Chính phủ và doanh nghiệp, phải lấy mục tiêu phát triển để hành động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hay các doanh nghiệp phụ trợ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Bốn bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội


Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 11-11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các Bộ trưởng: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thực tiễn phát biểu của các đại biểu Quốc hội trên Nghị trường, Văn phòng Quốc hội đã tập hợp lại 16 nhóm vấn đề; sau đó Tổng Thư ký Quốc hội làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn 11 vấn đề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 5 vấn đề.

Ngày 10-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 vấn đề để trên cơ sở đó đưa ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới. Bốn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ... sẽ do các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn.

Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và Nghị quyết sửa đổi về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Chiều 11-11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Với 79,31 % đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Theo đó, Quyết nghị nêu rõ thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.212.180 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.390.480 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 172.300 tỷ đồng, tương đương 3,38% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỷ đồng, tương đương 0,12% GDP. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước là 340.157 tỷ đồng.

Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với 81,34% đại biểu biểu quyết tán thành. Cụ thể như sau:

1. Sửa đổi khoản 3 Điều 1 và bổ sung khoản 4 vào Điều 1 như sau:

“3. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:

a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng, cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất;

b) Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.

4. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. 

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau: “Điều 4. Thời hạn miễn thuế. Thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 31-12-2020”. 

3. Bãi bỏ Điều 2, Điều 3 và khoản 2 Điều 5; bỏ từ “giảm” tại tên Nghị quyết số 55/2010/QH12.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không quy định tại Nghị quyết này và tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ kỷ niệm và trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội


Chiều 12-11-2016, tại Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống (1956-2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ kỷ niệm và trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội.

Dự Lễ kỷ niệm có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện các đơn vị đối tác trong và ngoài nước; các thế hệ cán bộ giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cách đây 60 năm, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập theo quyết định của Chính phủ và là trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên ở miền Bắc sau hòa bình lập lại. Năm học đầu tiên bắt đầu với 430 sinh viên; Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập trên cơ sở tiếp nối, kế thừa truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhà trường là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước triển khai đào tạo học sinh trung học phổ thông chuyên, các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng, các bậc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ và tiến sỹ khoa học. Kết quả đào tạo các chương trình này đã được Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đối tác nước ngoài đánh giá cao, góp phần tích cực thực hiện phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Nhà trường giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực thực hiện chiến lược phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài của Đảng, Nhà nước. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm tính hiệu quả, sát thực tiễn; xây dựng và phát triển một số chương trình đào tạo liên ngành mới mang tính ứng dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng đầu ra và tăng cường khả năng có việc làm của người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định vai trò, vị thế là trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực khoa học cơ bản của Việt Nam, đạt mục tiêu thuộc nhóm 100 trường đại học hàng đầu châu Á vào năm 2020 và một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của châu Á vào năm 2030.

Chủ tịch Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Bến Tre

Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930-18-11-2016), ngày 12-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Khu dân cư ấp Thới Hòa, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm.

Khu dân cư ấp Thới Hòa, xã Châu Hòa có diện tích tự nhiên 223ha, diện tích đất canh tác 212 ha. Ấp có 396 hộ dân với 1.560 nhân khẩu.

Nhờ làm tốt công tác phát triển kinh tế nên cuộc sống của người dân ổn định, thu nhập bình quân 29 triệu đồng/người/năm. Ấp hiện còn 78 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,69%.

Ấp Thới Hòa được công nhận là ấp văn hóa năm 2007. Hưởng ứng cuộc vận động “ Chung sức xây dựng nông thôn mới ” người dân nhiệt tình tham gia hiến đất, cây trồng, ngày công lao động thực hiện các tuyến đường giao thông, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang.

Bên cạnh đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" mang lại kết quả. Thông qua các hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, người tốt việc tốt, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo môi trường văn hóa của ấp lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phát biểu tại ngày hội, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa của ấp Thới Hòa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không khí khởi nghiệp thực sự lan tỏa

Trong 02 ngày 12 và 13-11-2016, tại Hà Nội diễn ra "Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - TECHFEST Vietnam 2016". Đây là sự kiện được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ. Sự kiện là nơi quy tụ tất cả các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp, các nhóm khởi nghiệp mới.

Tại lễ khai mạc ngày hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Không khí khởi nghiệp thực sự đã có sự lan tỏa. Đối với cộng đồng khởi nghiệp, từ năm 2003-2004, Việt Nam đã có khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng sau này Việt Nam sử dụng từ khởi nghiệp với một nghĩa khác như bắt đầu kinh doanh cho doanh nghiệp nói chung. Bây giờ sử dụng một khái niệm chung gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện giúp doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thu hút khoảng 2.000 lượt người tham dự và 100 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp. Điểm mới của ngày hội năm nay hướng đến mục tiêu kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Các tọa đàm được tổ chức theo hướng chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm giữa các chuyên gia - khách mời và người tham dự.

Vinh danh 42 thầy cô giáo công tác tại các vùng biển đảo khó khăn

Tối 12-11, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2016, vinh danh 42 thầy cô giáo đang công tác tại các vùng biển đảo khó khăn của Tổ quốc.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô đã kiên nhẫn bám trường, bám lớp, bám biển để chăm lo cho các thế hệ học sinh.

Với những cống hiến lớn lao ấy, theo ban tổ chức, lễ tuyên dương chính là một trong những hoạt động thiết thực để tri ân những hy sinh của các thầy cô giáo.

Năm 2015, chương trình đã vinh danh những giáo viên cắm bản ở các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới. Năm 2016, chương trình hướng đến những giáo viên biển đảo.

Chương trình là hoạt động thiết thực để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại tỉnh Bắc Ninh


Sáng 13-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Cùng tham dự Ngày hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; lãnh đạo nhiều ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn.

Nói chuyện thân mật với bà con trong thôn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước cách mạng; được hòa chung không khí hồ hởi, vui tươi của các tầng lớp nhân dân trong ngày hội lớn và chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng đổi mới, phát triển, bộ mặt nông thôn, thành thị có nhiều khởi sắc.

Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đạt được của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, đường xá ngày càng khang trang, hiện đại, các khu công nghiệp mọc lên, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, bình quân thu nhập đầu người tăng cao, con em được học hành đến nơi đến chốn. Từng thôn, xóm đã có nhiều hình thức hoạt động hiệu quả, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà con đoàn kết thân ái xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tại Ngày hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng quà cho cán bộ, nhân dân thôn Phật Tích. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho 5 gia đình nghèo trong thôn./.