TCCSĐT - Trong thời điểm chỉ còn 3 ngày nữa chính thức diễn ra cuộc bầu cử, hai ứng cử viên đang nỗ lực các cuộc vận động giờ chót để giành dật lá phiếu của cử tri khi mà các cuộc thăm dò cho thấy hai ứng cử viên đang bám đuổi nhau khá sít sao.

Lịch trình di chuyển dày đặc

Hiện cả hai ứng cử viên đều đang chạy đua để tăng thêm những điểm vận động tranh cử vào phút chót. Với ứng cử viên Clinton, sáng 06-11 (giờ Hà Nội), bà đã tiến hành vận động tại Philadelphia (Phi-la-đen-phi-a), và dự kiến sẽ tới Michigan (Mi-si-gan), North Carolina vào ngày 07-11. Trong khi đó, danh sách di chuyển của ông Trump lại dày đặc với Florida, North Carolina, Nevada (Nê-va-đa), Iowa (Ai-ô-oa), Minnesota (Mi-nê-xô-ta), Michigan, Pennsylvania và Virginia (Vơ-gi-ni-a). Dự kiến vào đêm trước ngày bầu cử, ông Trump sẽ trở lại Florida, North Carolina và Pennsylvania trước khi có mặt tại New Hampshire (Niu Hem-sai). Đáng chú ý, tại sự kiện ở Reno (Rê-nô), Nevada, ông Trump đã phải dừng phát biểu và được các đặc vụ Mỹ hộ tống vào trong khán đài do có báo cáo về một đối tượng mang súng trong đám đông người ủng hộ. Đối tượng này sau đó đã bị dẫn đi và ông Trump đã trở lại hoàn thành bài vận động tranh cử.

 
 Ứng viên Cộng hòa Donald Trump.


Trong khi các ứng viên đang tiếp tục vận động bầu cử thì ngày 06-11, cử tri Mỹ tại bang Florida (Phlo-ri-đa) và North Carolina (Ca-rô-lai-na Bắc) tiếp tục đi bầu trong cuộc bỏ phiếu sớm. Đây là hai trong số các bang "trung dung" được coi là mang tính quyết định đối với kết quả cuộc bầu cử. Kết quả thăm dò dư luận đang cho thấy sự bám đuổi sít sao giữa hai ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn) và Cộng hòa Donald Trump (Đô-nan Trăm).

Tại bang Florida, đã có hơn 5 triệu cử tri đi bầu trong cuộc bỏ phiếu sớm. Kết quả thăm dò do Real Clear Politics tiến hành cho thấy hiện bà Clinton đang dẫn trước đối thủ 1% tại bang này. Trong khi đó, tại bang North Carolina, ngày 06-11 là ngày cuối cùng của đợt bỏ phiếu sớm tại đây.

 
 Ứng viên Dân chủ Hillary Clinton.


Trong diễn biến liên quan, đa số cử tri Mỹ, 52%, cho rằng truyền thông Mỹ thiên vị ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Đây là kết quả điều tra mới đươc viện Gallup tiến hành ngày 27 và 28-10 vừa qua. Theo Galllup, tỷ lệ cử tri Mỹ cảm thấy có sự thiên vị trong công tác truyền thông cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2004 giữa ông John Kerry (Giôn Ke-ri) và cựu Tổng thống George Bush (Gioóc-giơ Bu-sơ). Theo đó, vào tháng 10-2004, tới 45% cử tri đăng kí cho rằng không hề có tình trạng thiên vị trong truyền thông, cao hơn 7% so với hiện nay. Tỷ lệ cảm thấy thiên vị cũng khác biệt nhóm các cử tri, trong khi 90% những cử tri ủng hộ Trump được hỏi cho rằng truyền thông thiên vị bà Clinton thì gần 2/3 những người ủng hộ Clinton cho rằng không hề cảm thấy sự thiên vị của truyền thông đối với cả hai ứng viên. Ngoài ra, 63% cử tri đảng Dân chủ và 52% cử tri độc lập cho rằng không có sự thiên vị trong truyền thông. Trong khi, 86% cử tri Cộng hòa cảm thấy có sự thiên vị, và 80% trong số này cho rằng truyền thông "ưu ái" ứng cử viên Clinton hơn.

Tân tổng thống có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý

Truyền thông Mỹ cũng dự báo vị tổng thống Mỹ tiếp theo dù thuộc đảng nào đều có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý do phe đối lập thúc đẩy.

Theo báo "The Hill", nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong tuần qua đã cảnh báo các văn kiện tố cáo sẽ được đưa ra nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Clinton đắc cử sau cuộc bỏ phiếu ngày 08-11 tới. Trong khi đó, phe Dân chủ cũng sẵn sàng đưa ra những yêu cầu điều tra riêng đối với tỷ phú Donald Trump ngay khi ông thắng cử. "The Hill" nhận định việc điều tra với bà Clinton sẽ chủ yếu liên quan đến vụ bê bối sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân để xử lý công việc khi còn đương chức Ngoại trưởng Mỹ của bà. Trong khi đó, đảng Dân chủ lại có kế hoạch nhắm vào các vụ kiện tụng vốn có liên quan đến công việc kinh doanh của ông Trump. Theo "The Hill", đảng Dân chủ sẽ sử dụng các cuộc điều trần không chính thức, các cuộc họp báo hay những cách khác để gây chú ý trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang nắm cả 2 viện Quốc hội.

"The Hill" dẫn lời một cựu thành viên cấp cao của phe Dân chủ tại Hạ viện khẳng định không khí căng thẳng trong chính trường Mỹ sẽ không thay đổi vào ngày 09-11.

Ứng cử viên D.Trump kêu gọi cử tri quay lưng với đối thủ H.Clinton

"Đã đến lúc cử tri Mỹ nói lời tạm biệt với Hillary (Hi-la-ri) và Bill Clinton (Bin Clin-tơ)". Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump (Đô-nan Trăm) đã nói như vậy trong bài phát biểu đầu tiên trên đài phát thanh tuần của đảng Cộng hòa, 3 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 45 của nước Mỹ.

Theo vị tỷ phú bất động sản này, đã đến lúc đóng lại những trang lịch sử về gia đình Clinton và mở ra một chương mới tập trung vào những công dân "vĩ đại" của nước Mỹ. Ông Trump nói: "Tôi muốn kêu gọi lá phiếu cũng như sự giúp đỡ của các bạn để bầu ra một quốc hội có đa số là nghị sĩ Cộng hòa, để chúng ta có thể thay đổi được hệ thống hiến pháp tồi tệ hiện nay và mang lại cho người dân Mỹ một cuộc sống tuyệt vời hơn." Một lần nữa ông Trump lại đề cập đến chủ đề chính đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử như cam kết tạo 25 triệu việc làm, cắt giảm thuế đối với tầng lớp trung lưu, bãi bỏ chương trình chăm sóc y tế của Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma), ngăn chặn người nhập cư trái phép... Ông khẳng định trong suốt 17 tháng qua, ông đã đi khắp nước Mỹ, gặp gỡ nhiều nhân vật làm ông kinh ngạc và nhận thấy rằng hy vọng của họ cũng là hy vọng của ông, và giấc mơ của họ cũng là giấc mơ của ông. Theo ông Trump, nó không chỉ đơn giản là chiến dịch vận động, nó là một phong trào và nó chỉ xảy ra một lần duy nhất trong cuộc đời để trao lại quyền cho người dân Mỹ.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa đưa ra nhận xét trên trong bối cảnh quan hệ giữa ông và các nhà lãnh đạo trong đảng Cộng hòa căng thẳng, khi nhiều nghị sĩ đã rút quyết định ủng hộ ông sau khi đoạn băng ghi lại những lời lẽ xúc phạm phụ nữ của ông được công bố.

Nhà Trắng lo ngại về nguy cơ tấn công khủng bố trong ngày bầu cử

 
 An ninh siết chặt trước thềm bầu cử.

Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sắp tới sau khi xuất hiện cảnh báo từ các nguồn tin tình báo Mỹ về các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng tại 3 bang của nước này.

Lời cảnh báo trên được cho là nhắm vào 3 bang New York (Niu Y-oóc), Texas (Tếch-dớt) và Virginia (Vơ-gi-ni-a), song không đưa ra địa điểm cụ thể. Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh nội địa Mỹ đã được cảnh báo về mối đe dọa được cho là xuất phát từ tổ chức khủng bố quốc tế al Qaeda.

Trước đó, cảnh sát New Yorkđược cảnh báo rằng các điểm bỏ phiếu có thể sẽ là mục tiêu của những "con sói đơn độc". Giới chức điều hành các sân bay, cầu cảng ở bang New York và New Jersey (Nuy Giơ-xi) cũng được thông tin về các nguy cơ khủng bố. FBI và Sở Cảnh sát New York đang đánh giá về độ tin cậy của các cảnh báo đe dọa tấn công trong ngày bầu cử 08-11.

Cùng ngày, một quan chức giấu tên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết giới chức nước này vẫn lo ngại về các phần tử cực đoan trong nước và người dân sẽ tiếp tục thấy lực lượng an ninh được tăng cường tại các địa điểm công cộng.

Những lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các mối lo ngại về an ninh đang gia tăng khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ./.