TCCSĐT- Ngày 26-10-2016, Diễn đàn Mekong Connect - CEO Forum 2016 (lần 2) chính thức khai mạc tại thành phố Cần Thơ. Diễn đàn này do Mạng lưới liên kết 4 tỉnh, thành ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đồng phối hợp tổ chức.

Tham dự diễn đàn có hơn 600 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, các doanh nhân, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà báo đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với chủ đề “Tìm Cơ trong Nguy - Đối mặt Biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và Thách thức hội nhập”, Mekong Connect - CEO Forum 2016 tập trung bàn về những vấn đề sống còn của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất những giải pháp vượt qua và biến những nguy cơ, thách thức thành cơ hội phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm nhất là những vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập quốc tế đang ảnh hưởng ngày một nhiều đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và kinh tế của vùng.

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn với chủ đề “Từ các vấn đề thời sự của kinh tế và nông nghiệp Việt Nam: Gợi ý các giải pháp đổi mới nông nghiệp”, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhấn mạnh 4 mối lo lớn của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là: Năng suất lao động thấp và sụt giảm; hệ thống đổi mới sáng tạo còn yếu kém; quá trình đô thị hóa chưa tạo động lực giúp tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng “xám” và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, những vướng mắc lớn đang nổi lên là: Tài nguyên đất và nước ngày càng khan hiếm; thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều; thị trường thường xuyên biến động; đầu tư thấp; ứng dụng khoa học - công nghệ yếu; cơ sở hạ tầng yếu kém; một số chính sách kinh tế vĩ mô chưa tạo thuận lợi cho nông nghiệp; liên kết trong ngành nông nghiệp kém; công nghiệp dịch vụ hỗ trợ yếu; nhân lực trong nông nghiệp ít được đào tạo, năng suất lao động thấp. Để vượt qua những vướng mắc này, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, trong định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, cần quan tâm vấn đề cải cách thể chế, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để phát triển các trang trại trung bình và lớn; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất; tạo điều kiện cho nông dân chủ động và linh hoạt hơn trong sử dụng đất; gia tăng quy mô ngành chăn nuôi và thủy sản. Trong hệ thống kinh doanh nông nghiệp, cần gia tăng vai trò của các hợp tác xã giúp nông dân liên kết lâu dài với nông nghiệp; củng cố chuỗi giá trị trong nông nghiệp; tăng cường hệ thống phân phối hiện đại;…

Vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 17 triệu dân, chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu gạo và gần 60% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước, đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đầu năm 2016, toàn vùng hứng chịu những thiệt hại nặng nề nhất trong gần 100 năm qua do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Tác động của biến đổi khí hậu và những vấn đề về môi trường càng làm cho đồng bằng sông Cửu Long đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức. Để vượt qua những nguy cơ, thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, PGS,TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, đề nghị thời gian tới cần chú trọng triển khai thực hiện một số giải pháp sau: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên mọi mặt sinh thái - môi trường, sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn - đô thị, y tế cộng đồng, xã hội- sinh kế của người dân; đề xuất và thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới; tìm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết - khí hậu khắc nghiệt hơn; rà soát lại các quy hoạch phát triển xem có thích ứng với sự thay đổi khí hậu và nước biển dâng để điều chỉnh cho phù hợp; dự báo diễn biến kinh tế - sức khỏe - xã hội theo các kịch bản biến đổi khí hậu; điều chỉnh lại các chính sách phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng phức tạp; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin với các quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu;…

Tại diễn đàn, hơn 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học có uy tín trong nước đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung: “Những vấn đề chính hiện nay của nông nghiệp Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long”; “Kinh nghiệm thích ứng biến đổi khí hậu thế giới và gợi ý cho Việt Nam”; “Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế đồng bằng sông Cửu Long”; “Cấu trúc nông nghiệp trong nền kinh tế, vai trò của đồng bằng sông Cửu Long - Thành phố Hồ Chí Minh và chiến lược đầu tư nông nghiệp”; “Lựa chọn và kỳ vọng mới cho nông nghiệp Việt Nam hội nhập: coi trọng chất lượng, liên kết ngành, đa chức năng”; “Những giải pháp thu hẹp khoảng cách và tối ưu hóa chuỗi giá trị nông nghiệp”; “Ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao và mô hình nông nghiệp thích ứng, những gợi ý cho đồng bằng sông Cửu Long”; “Phép giải bài toán nhân lực cho nền kinh tế “xanh” và lò xo khởi nghiệp”; “Gạo Việt sạch và ngon - những nỗ lực chinh phục thị trường”; “Tư duy mới về nông nghiệp sạch - nông nghiệp thông minh thời hội nhập”.

Bên cạnh những ý kiến chia sẻ, thảo luận tại diễn đàn, Mekong Connect 2016 - CEO Forum 2016 còn dành không gian triển lãm rộng lớn để giới thiệu những thành tựu đổi mới công nghệ trong nông nghiệp, giới thiệu các loại gạo Việt sạch và ngon từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, có 22 dự án khởi nghiệp nổi bật trong nông nghiệp được chọn lọc giới thiệu tại khu vực triển lãm để tìm kiếm cơ hội kết nối với các nhà đầu tư và tiếp nhận sự bảo trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ./.