TCCSĐT - Diễn ra trong bối cảnh lễ tưởng niệm 15 năm các vụ tấn công khủng bố (11-9) vừa được tổ chức, phiên họp lần thứ 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York và nước Mỹ đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho bầu cử vào tháng 11 tới, 3 vụ tấn công liên tiếp tại Mỹ - quốc gia đứng đầu thế giới về vấn đề chống khủng bố đã như một hồi chuông cảnh báo và khiến cả thế giới quan ngại về cuộc chiến chống khủng bố trong lòng nước Mỹ.
Tính phức tạp của cuộc chiến

Chiến dịch chống khủng bố do Mỹ phát động đến nay đã trải qua hơn 15 năm. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của nó đã ngày càng mở rộng, các vụ khủng bố ban đầu thường diễn ra tại các nước Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ và châu Âu nay đã lan sang cả khu vực châu Á. Nếu như trước đây chiến trường Áp-ga-xtan là nơi trú ngụ chính của quân khủng bố quốc tế thì nay các mạng lưới khủng bố đã dàn trải ở khắp nơi và đi sâu trong lòng nước Mỹ. Điều này càng làm cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ khó khăn hơn trong việc truy tìm và tiêu diệt các tổ chức khủng bố.

Từ tổ chức Al-Qaeda ban đầu, nay đã có thêm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và hàng chục nhóm khủng bố với các tên gọi khác nhau như: Al-Qaeda ở bán đảo Ả-rập (AQAP), Taliban, Al-Nusra Front, Boko Haram, Jemaah Islamiyah (JI), Abu Sayyaf, Lashkar-e-Taiba (LeT)… Thủ đoạn tấn công khủng bố cũng đa dạng hơn trước. Từ các tổ chức có chỉ huy, chỉ đạo, thậm chí có cả nhà nước thì nay hình thức đa dạng hơn khi xuất hiện loại hình khủng bố mới “những con sói đơn độc”. Từ chỗ mỗi chiến binh gia nhập tổ chức được huấn luyện rồi mới tham gia tác chiến, nay chúng chủ động và độc lập hơn trong việc “tự tìm mục tiêu, lên kế hoạch và tổ chức thực hiện”.

Tính linh hoạt của “những con sói đơn độc” với việc vận dụng mạng thông tin toàn cầu càng làm cho việc nhận biết chúng trở nên khó khăn hơn ngay cả đối với hoạt động tình báo. Tính từ năm 2006-2010, khoảng 70% các vụ tấn công bị phát hiện hoặc đã diễn ra trên lãnh thổ châu Âu đều là do các cá nhân hoặc một nhóm rất nhỏ tiến hành. Trong số đó có 27% là có sự tham gia phối hợp chỉ đạo từ nước ngoài nhưng nay chỉ còn khoảng 3% và xu hướng ngày càng giảm.

Mới đây hôm 17-9-2016, cảnh sát Mỹ cho biết họ chưa tìm thấy mối liên kết giữa 3 vụ tấn công ở Mỹ trong đó có 02 vụ nổ ở Niu Óoc (New York) và Niu Giơ-xi (New Jersey), 01 vụ tấn công bằng dao ở Min-nét-xô-ta (Minnesota), được nghi là khủng bố, nhưng IS lại không lên tiếng về các vụ nổ mới này. Tần suất các cuộc tấn công khủng bố không chỉ tính bằng tháng như trước đây, nay đã được tính bằng tuần, thậm chí chỉ tính bằng ngày như mới diễn ra ở Mỹ.

Thử nhìn lại nguyên nhân


Cách đây 5 năm Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã tuyên bố lạc quan sau khi trùm khủng bố Ô-sa-ma bin La-đen bị tiêu diệt. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc chiến này khó bề đi đến hồi kết. Giới nghiên cứu buộc phải nhìn lại sai lầm bắt nguồn từ Mỹ - từ cuộc chiến tranh I-rắc do Mỹ phát động. Với cái cớ I-rắc có vũ khí hủy diệt hàng loạt để tiến hành cuộc chiến ở đây nhưng trên thực tế cho đến nay vẫn không có bằng chứng nào chứng tỏ điều đó. Ngày 07-7 vừa qua, nước Anh đã tuyên bố nhận ra sai lầm và xin lỗi về việc quốc gia này đã tham gia chiến dịch quân sự tại I-rắc (2003-2009) do nhận được thông tin tình báo không chính xác.

Đây cũng có thể coi là sai lầm đầu tiên của Mỹ khêu gợi lòng hận thù của một nhóm người Hồi giáo cực đoan với khẩu hiệu “thánh chiến”, “liều chết”, “tử vì đạo”… và hậu quả là gần 70.000 lính Mỹ đã bị chết, 50.000 binh sĩ bị thương. Ngoài ra còn phải kể đến 327.000 binh sĩ bị chấn động về tâm lý và hơn 300.000 người bị căng thẳng hay còn gọi là hội chứng bị “stress” do các cuộc chiến không có hồi kết gây ra. Hình ảnh “văn minh” của nước Mỹ và phương Tây bị chôn vùi ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và giờ đây là ở Trung Đông đang khiến cả thế giới quan ngại.

Phong trào “Mùa Xuân A-rập” một thời được ca ngợi, một phần bị kích động bởi cuộc chiến tranh của Mỹ nhằm loại bỏ các nhà lãnh đạo độc tài ở Trung Đông, đã biến thành một cuộc tàn sát trong thế giới A-rập. Hàng trăm nghìn người đã bị giết, các cuộc nội chiến vẫn diễn ra ác liệt ở Li-bi, Y-ê-men, I-rắc và Xi-ry, trong khi người dân vẫn không được hưởng các quyền tự do dân chủ hơn so với dưới thời các chế độ độc tài mà họ lật đổ.

Đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy việc sử dụng sức mạnh quân sự một cách thái quá để đối phó với khủng bố đã làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của sự kiện 11-9 đối với an ninh nước Mỹ và là nguyên nhân kéo dài hàng loạt cuộc xung đột, nội chiến trên khắp thế giới. Vì thế mà cuộc chiến tranh tổng lực chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ đã trở nên phản tác dụng dưới nhiều góc độ. Về kinh tế, chi phí quá lớn; về đối tượng tác chiến ngày càng khó nhận biết; về mục tiêu và không gian tác chiến ngày càng phình ra... Cuộc chiến dường như là “giữa nền văn minh hiện đại với nền văn minh Hồi giáo”. Tâm lý chống Mỹ ngày càng tăng lên ở các nước đạo Hồi và cả người Hồi giáo ngay trong nước Mỹ và các nước phương Tây.

Nếu như Mỹ thành công trong việc tiêu diệt Bin La-đen thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc chủ nghĩa khủng bố đã bị tiêu diệt. Xong thực tế cho thấy không chỉ có một mà thậm chí nhiều “Bin Laden” khác lập tức đã xuất hiện, ở nhiều nơi với các tên gọi khác nhau nhưng bản chất khủng bố vẫn là một, điều làm cho kẻ thù của Mỹ và phương Tây ngày càng gia tăng và khó đoán định hơn. Vị thế siêu cường của nước Mỹ ngày càng suy giảm tương đối. Dù nước Mỹ vẫn là số một về kinh tế, quân sự nhưng những khó khăn nội tại của nền kinh tế khiến Mỹ phải tập trung vào tình hình trong nước. Trên mặt trận đối ngoại với chủ thuyết Obama “chia sẻ trách nhiệm, hạn chế rủi do”, khiến gánh nặng chống khủng bố vốn do Mỹ khởi xướng nay lại đổ lên vai nhiều nước trên thế giới.

Thế giới tự do Mỹ, phương Tây ngày càng ít tự do và ít an toàn hơn, điều đó cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại chính sách chống khủng bố của Mỹ - “cái cách mà Mỹ phản ứng đã khiến thế giới trở nên tồi tệ hơn”. Đó cũng là cách đặt vấn đề của Đại tá về hưu Đa-ni-en L. Đa-vít (Daniel L. Davis), đã từng tham chiến tại Áp-ga-ni-xtan, có bài đăng trên tờ The National Interest. Theo tác giả, người Mỹ mất nhiều quyền tự do hơn, cả khi đón người thân ở sân bay hay đi xem đá bóng... cũng bị làm phiền vì phải đi qua cổng từ. Các quyền tự do dân sự đã bị ngăn cản, NSA bị phát giác là đã do thám hàng triệu công dân Mỹ; việc giám sát nội bộ mà không cần giấy phép, các chính sách giam giữ và thẩm vấn khắc nghiệt...

Ông Đ.Đa-vít nhận xét: Quân đội Mỹ không phải đi chiến đấu ở một nơi xa xôi nào mà chỉ chiến đấu tại chỗ. Tuy nhiên, mọi thứ đều bị đảo lộn. Không phải thế giới sau ngày 11-9-2001 kém an toàn hơn thế giới trước ngày đó “mà chính cái cách mà Mỹ phản ứng đã khiến thế giới trở nên tồi tệ hơn”.

Với nguồn lực bị phân tán nhiều nơi Mỹ đã lơ là việc hỗ trợ NATO, làm suy giảm khả năng chiến đấu của chính mình. An ninh quốc gia của Mỹ đang bị đe dọa. Oa-sinh-tơn cần phải nhận ra thực tế này và từ bỏ chính sách ngoại giao sai lầm khi ủng hộ can thiệp quân sự thường xuyên, để xây dựng một chính sách mới nhằm tìm cơ hội giải quyết các vấn đề quốc tế mà vẫn duy trì được sức mạnh quân đội Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ sớm bị mắc kẹt trong một trận chiến lớn không đảm bảo chiến thắng.

Hơn 15 năm đã đi qua với hàng vạn người dân bị chết và đang phải hứng chịu những tàn tích do khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố gây ra với hệ lụy lâu dài của nó. Giờ đây, tại Trung Đông đang tồn tại 3 liên minh chống khủng bố, trong đó liên minh mạnh nhất là Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu và hoạt động trong vài năm gần đây, nhưng hồi kết vẫn không thể đoán định. Vì thế, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách quân sự - quốc phòng và dư luận quốc tế đang đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện về chiến lược chống khủng bố do Mỹ khởi xướng mà nhân loại đang phải chịu tác động hàng chục năm nay./.