TCCSĐT - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đã đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo quốc tế “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” diễn ra sáng 21-9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng rất rõ ràng, nhất quán; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ là sẽ luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng start-up nói riêng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chủ trương coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là chủ trương nhất quán của Đảng”; vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đã được hiến định tại Khoản 3, Điều 51, Hiến pháp 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó gần đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, đặt mục tiêu tới năm 2020 cả nước ta có 1 triệu doanh nghiệp (hiện nay mới có trên 500.000 doanh nghiệp). Trong kỳ họp Quốc hội tới, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nội dung quan trọng.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng tin tưởng hội thảo là cơ hội tốt để Chính phủ và Hà Nội học hỏi lý luận và kinh nghiệm thực tiễn từ Israel - Quốc gia khởi nghiệp mà cụ thể là kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp vĩ mô và vi mô. Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ, thể chế vận hành của cộng đồng start-up ở một số ngành nghề chủ đạo; đề xuất chương trình hành động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp…

Hội thảo quốc tế “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Israel và FPT tổ chức, thu hút hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế như WorlBank, ADB, IMF…, các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, start-up…

Chủ trì phiên tọa đàm chính sách khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ giải thích với cộng đồng start-up và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thay mặt Chính phủ phát biểu với cộng đồng start-up, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những điều đã làm được từ hội thảo về “văn hóa khởi nghiệp”.

Đó không phải đơn thuần là giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường như trước, mà nay, khởi nghiệp phải là của cả quốc gia, của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn, diễn ra không ngừng nghỉ; phải học văn hóa chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm; là văn hóa chia sẻ - hợp tác của những start-up đã thành công với những ý tưởng mới hình thành.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lý giải mức độ rủi ro cao thì tại sao các nhà đầu tư và Nhà nước lại tham gia vào, vì rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và khởi nghiệp là cuộc chơi của người tiên phong, dám chấp nhận mạo hiểm. Mười ý tưởng khởi nghiệp thì có tới 7 ý tưởng “thua”, 3 “thắng” nhưng có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư.

Còn Nhà nước khi tham gia, hỗ trợ cho khởi nghiệp sẽ có lợi ở nhiều thứ: Tăng việc làm, thu nhập, tăng trưởng kinh tế để có điều kiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, là những lợi ích không tính được bằng tiền, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Mặt khác với tư cách nhà đầu tư mạo hiểm (thông qua các quỹ đầu tư) thì Nhà nước sẽ có lợi thế kinh tế từ thoái vốn, hoàn lại các tài sản đầu tư ban đầu.

Tóm lược, các công việc mà Chính phủ, các bộ, ngành cần thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xác định các vấn đề cần thực hiện: Một là xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia và các trung tâm hỗ trợ cho khởi nghiệp. Hai là đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức khởi nghiệp cho xã hội. Ba là xây dựng khung khổ pháp lý cho các chính sách tài chính, tiếp cận tín dụng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, có các thể chế chính sách liên quan tới thuế, thuế thu nhập cá nhân trong các giai đoạn phát triển của các start-up, có chính sách tín dụng sử dụng trí tuệ như tài sản và tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp.

Trong xây dựng thể chế, chính sách, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải coi trọng vai trò của các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học, thậm chí các bộ nghiên cứu việc phát triển doanh nghiệp trong các viện, trường đại học để gắn ý tưởng với thị trường hàng hóa.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ mong muốn các start-up mạnh dạn hơn nữa, chấp nhận rủi ro, tăng cường chia sẻ hợp tác, xây dựng văn hóa khởi nghiệp; cộng đồng start-up đổi mới hơn sáng tạo hơn nữa; chủ động đề xuất sáng kiến chính sách cho Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính phủ luôn lắng nghe và thảo luận các kiến nghị chính sách với cộng đồng start-up./.