Vì sao G7 chưa đồng thuận về giải pháp tổng thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu?
Từ các chủ đề đi sâu bàn thảo…
Các chủ đề về kinh tế được hội nghị thảo luận bao gồm: tăng trưởng kinh tế thế giới, các vấn đề về đầu tư, thương mại, năng lượng; các nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết tình trạng tham nhũng, trốn lậu thuế…
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng đi sâu thảo luận các khía cạnh của nền kinh tế thế giới, như: các cam kết liên quan để củng cố hơn nữa chính sách kinh tế, bao gồm cả các biện pháp về cơ cấu, tiền tệ và tài chính, nhằm đối phó với tình trạng kinh tế ngày càng bấp bênh trầm trọng. Hội nghị G7 cho rằng, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi và cuộc trưng cầu ý dân ở Anh ngày 23-6 tới về vấn đề đi hay ở lại EU (Brexit) cũng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh tới khoảng cách giữa cung và cầu không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, mà còn đề cập cả nguy cơ dư thừa nguồn cung hàng hóa trên thế giới, đồng thời tìm giải pháp thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Các bên cũng thảo luận những cam kết đầu tư nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững như: tăng trưởng xanh, năng lượng sạch và nền kinh tế số… Giới quan sát cho rằng, các nước thành viên G7 đã ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động thương mại tự do, coi đây là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời kêu gọi củng cố hơn nữa hệ thống thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc đã đề ra và củng cố các chức năng của WTO.
Trên cơ sở các cam kết đã có trước đó của các tổ chức quốc tế như G20 và OECD, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi những hành động cụ thể hơn trên mặt trận minh bạch thuế, nhằm khôi phục lòng tin của dư luận đối với hệ thống thuế trên phạm vi toàn cầu, nhất là sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”. Vì thế, để thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trách nhiệm và sự minh bạch sẽ là những nguyên tắc cốt lõi của G7 để duy trì sự tin cậy và hiệu quả của các quyết định do lãnh đạo các nước ban hành.
Đến sự khác biệt vẫn còn lớn…
Tuy nhiên, qua bàn thảo các bên đã bộc lộ những quan điểm khác biệt liên quan đến việc gia tăng chi tiêu công hay tiết kiệm. Trong khi Mỹ, Nhật Bản kêu gọi tăng cường áp dụng chính sách tài chính, gia tăng chi ngân sách nhằm kích cầu nền kinh tế, thì Đức và Anh lại nhấn mạnh giải pháp tiết kiệm, thận trọng với ý tưởng tăng chi tiêu công, cảnh báo rủi ro nợ công kéo dài khi quá lạm dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã đề xuất với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 nên đầu tư vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng hơn là tập trung vào cắt giảm chi tiêu công.
Những thành công ở Mỹ và Nhật Bản với chính sách tài chính, nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp cùng với các gói kích cầu kinh tế được áp dụng rộng rãi trong thời gian dài đã khiến cả hai nền kinh tế có những dấu hiệu lạc quan.
Tại Mỹ, kinh tế quý II năm 2016 đã tăng trưởng khả quan, GDP tăng 2,3% so với năm ngoái, nhờ vào sức mua của các mặt hàng lâu bền như: xe hơi mới, xe tải và nhà ở. Tình hình lao động, việc làm được cải thiện, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng 7 tới.
Tại Nhật Bản, cũng nhờ chính sách tài chính tiền tệ, giải pháp kích cầu, gia tăng chi tiêu ngân sách nên nền kinh tế nước này đã có hai quý tăng trưởng liên tiếp. Theo đó, GDP quý I tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi được coi là ngoạn mục so với đà suy giảm đã điều chỉnh trong quý IV/2015 là âm 1,7%. Ngay trong Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói kích thích tài khóa mới, một phần của chương trình “Abenomics 2.0”.
Còn với nước Đức và Anh, thì kinh nghiệm thực tế lại ngược lại. Kinh tế Đức vẫn giữ được vai trò dẫn đầu EU là do chính sách khắc khổ, tiết kiệm chi tiêu. Trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag ngày 06-3-2016, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách “thắt lưng buộc bụng” bất chấp những gánh nặng tài chính do cuộc khủng hoảng di cư tạo ra. Nước Đức hiện đã đạt được sự cân bằng ngân sách trong những năm gần đây, không phát sinh nợ mới và điều này là cần thiết với một nước có dân số đang già hóa như Đức. Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” công bố hồi tháng 4-2016, IMF đã dự báo tăng trưởng kinh tế Đức 1,5% năm 2016 và 1,6% năm 2017.
Nước Anh, cũng áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong nhiều năm và cũng có thành công nhất định, giữ được vị thế của Anh trong khu vực EU. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu tài chính (IFS) vừa lên tiếng cảnh báo việc Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ buộc nước này phải kéo dài chính sách “thắt lưng buộc bụng” thêm 2 năm nữa so với kế hoạch trước đây.
Và chỉ đồng thuận trên những vấn đề chung…
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết Hội nghị đã đi đến nhất trí, về những vấn đề chung như: quy mô và thời gian tung ra các gói kích thích tài chính “cần được xem xét tùy theo tình hình của mỗi nước”. Ngay trong phiên họp thứ nhất, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thực hiện linh động các biện pháp tài chính, đồng thời đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.
Một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết các nhà lãnh đạo “đã chia sẻ quan điểm rằng, Nhóm G7 sẽ không chần chừ đưa ra các gói kích thích tài chính nhằm thúc đẩy nhu cầu và đối phó với vấn đề người tỵ nạn, thảm họa và các vấn đề khác mà mỗi quốc gia G7 đối mặt”. Theo giới quan sát, Bắc Kinh cũng đã bị phê phán mạnh bởi hoạt động sản xuất thép. Nước Anh đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc giảm lượng thép của nước này sản xuất để cứu lấy ngành công nghiệp thép thế giới. Mặt khác, việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày càng giảm giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính toàn cầu.
Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về các nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời cam kết tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Tuyên bố nhấn mạnh: “Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và không đúng với tiềm năng, trong khi các nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn tồn tại. Vì vậy, tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp”. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tránh phá giá đồng nội tệ để tạo sự cạnh tranh, trong khi cảnh báo không áp dụng các biện pháp tỷ giá một cách bừa bãi.
Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh rằng, cần phải tăng cường liên kết nhằm thực hiện một cách linh hoạt các chiến lược tài chính, xúc tiến mạnh mẽ các chính sách cải cách kinh tế. Hội nghị cũng đã nhất trí cao với việc tiếp tục đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế thế giới. Nhận thức rằng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục, song vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro, G7 có trách nhiệm nỗ lực hơn nữa đưa ra những biện pháp thích hợp nhằm giải quyết những vấn đề đang tồn tại, tránh để nền kinh tế rơi vào nguy cơ suy thoái mới.
Như vậy, trong bối cảnh an ninh kinh tế toàn cầu đang bất ổn, nhiều yếu tố thuận, nghịch đan xen, các nhà lãnh đạo G7 và G7 mở rộng đã có những bàn thảo tập trung vào những chủ đề nóng. Tuy không đạt được sự đồng thuận trên những giải pháp then chốt, tổng thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tháo gỡ những khó khăn, nhưng cũng đã đạt được sự thống nhất về những vấn đề có tính nguyên tắc chung. Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, hiệu quả thực sự của các quyết định mà Hội nghị thượng đỉnh G7 đưa ra vẫn còn đang ở phía trước./.
Ban hành quy chế quản lý hoạt động Cảng quốc tế Cam Ranh  (30/06/2016)
Hồ Tùng Mậu - nhân cách mẫu mực và lý tưởng cao cả của người cộng sản  (30/06/2016)
“Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”  (30/06/2016)
Cần Thơ: Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố  (30/06/2016)
Cần Thơ: Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố  (30/06/2016)
Chủ tịch nước gửi điện hỏi thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ tấn công khủng bố  (30/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên