Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-6-2016
Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức về pháp luật quốc tế
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế cho công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác này.
Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Đề án là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế, khoảng 150 - 200 công chức được lựa chọn từ các bộ, ngành, địa phương.
Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là xây dựng các nhóm chuyên gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại một số bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, mỗi bộ, ngành chủ chốt trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giao cho đơn vị pháp chế (pháp luật) của mình xây dựng nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thông báo tên, địa chỉ đơn vị được giao việc này cho Bộ Tư pháp.
Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, UBND thành phố trực thuộc trung ương và UBND tỉnh có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có thể giao cho Sở Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế thích hợp của một trong các cơ quan chuyên môn của mình xây dựng nhóm chuyên gia về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thông báo tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị được giao việc này cho Bộ Tư pháp.
Tinh giản biên chế còn nhiều khó khăn
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ , cho hay cả nước sẽ kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của bộ, ngành ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương so với biên chế được giao của năm 2015. Đây được xem là nhiệm vụ then chốt được cụ thể hóa trong kế hoạch của Chính phủ nhằm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách nhà nước. Tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước lớn (67,7%), trong đó phần chi lương cho bộ máy chiếm tỉ lệ cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển. Tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ vẫn khá phổ biến; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; nhiều thủ tục hành chính phiền hà chưa được loại bỏ, gây bức xúc trong người dân. Còn tình trạng lạm phát cấp phó của các sở, ngành ở nhiều địa phương. Mặc dù đã có quy định mỗi sở, ngành không quá 3 cấp phó nhưng hiện nay, một số sở, ngành ở tỉnh Đắk Lắk có 4 - 5 cấp phó như: Sở Công Thương, Sở Nội vụ… Ở Hà Tĩnh, tình trạng này cũng khá phổ biến. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 6 phó giám đốc, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng có tới 5 phó giám đốc, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh có 6 người làm phó trưởng ban quản lý khu kinh tế... Tại Bình Định, nhiều sở có 4 phó giám đốc như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương; 5 phó giám đốc như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Văn phòng UBND tỉnh cũng có 5 phó chánh văn phòng (hàm tương đương phó giám đốc sở).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng quá trình thực hiện quản lý biên chế sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Đó là sức ép thành lập các tổ chức mới. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì sẽ thêm thầy giáo, thầy thuốc… “Chúng tôi thấy trong việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế hiện nay, sức ép từ các cơ quan, đơn vị cũng rất lớn vì vẫn lấy lý do là phải có người để làm việc” - ông Trần Anh Tuấn nêu.
100% địa phương hoàn thành liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, đến nay, 63 tỉnh, thành phố, 10 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã hoàn thành liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ qua trục liên thông Chính phủ.
Trong đó, 10 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã hoàn thành gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Như vậy, liên thông văn bản điện tử theo Kế hoạch giai đoạn 1 đã hoàn thành (30 bộ, ngành, địa phương). Giai đoạn 2 đã có 42 bộ, ngành, địa phương liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, chỉ còn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là chưa hoàn thành.
Theo Kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, đến 01-8-2016, 15 bộ, cơ quan sẽ hoàn thành liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ gồm: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Việc liên thông văn bản điện tử sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Thủ tục phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp
Sáng 16-6, hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng đến nay kết quả mang lại không như kỳ vọng. Nguyên nhân là những tồn tại chưa được giải quyết.
Theo khảo sát của VCCI thì có 70% doanh nghiệp thừa nhận phải hối lộ, còn theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB) thì đến 91% doanh nghiệp thừa nhận phải trả chi phí không chính thức - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, chính các khoản chi không chính thức đã cản trở con đường hội nhập của Việt Nam.
TS. Trần Du Lịch khẳng định Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam rất thông thoáng nhưng vì sao doanh nghiệp lại kêu, đó là vì ở con người. Vì các quy định dưới luật không minh bạch, không rõ ràng nên dễ nảy sinh tiêu cực. Do vậy, TS. Trần Du Lịch cho rằng cải cách thể chế phải đi kèm với cải cách con người, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong công vụ. Các đại biểu khác cũng đồng tình và cho rằng chính việc thân quen trong xử lý hành chính đã làm méo mó hoạt động bộ máy nhà nước. Luật ban hành là công bằng nhưng khi thực thi thì không đồng nhất. Ông Võ Tân Thành cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp phải gánh nặng rủi ro về chính sách, nặng thủ tục xin cho, phiền hà. Các doanh nghiệp nước ngoài ngại nhất ở Việt Nam là thủ tục hành chính. Mỗi bộ, ngành áp dụng luật mỗi kiểu nên nảy sinh… phong bì. Do vậy, cải cách hành chính, giảm thủ tục, bớt phiền hà, giảm “chi phí ngoài” sẽ có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia WB, bổ sung: Cải cách thể chế thì phải cho dân kiểm soát tham nhũng. Bà nhận định rằng bộ máy hành chính hiện nay chưa chuyên nghiệp, cơ chế kiểm soát chưa hiệu quả, chưa minh bạch, trách nhiệm chưa rõ ràng. Theo khảo sát của VCCI thì có 10% doanh nghiệp cho rằng chính sách không được thực hiện nhất quán ở địa phương.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị, cải cách con người phải cải cách ngay “đầu vào”. Hiện nay, hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm dựa vào quan hệ chứ không chỉ dựa vào năng lực trình độ. Chính cán bộ yếu kém ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của bộ máy nhà nước.
Bí thư Hà Nội nhận trách nhiệm vì hệ thống hành chính kém hiệu quả
Sáng 18-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với đại diện Bí thư, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Tại cuộc gặp, nhiều ý kiến tập trung kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát triển thành phố ở các lĩnh vực: phát triển kinh tế tri thức, hình thành thị trường khoa học - công nghệ; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính;…
Phát biểu tại cuộc gặp, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, rất xúc động vì nhận được khoảng hơn 100 kiến nghị, đề xuất rất nghiêm túc, sát sườn, thể hiện sự quan tâm đến Hà Nội. “Hà Nội rất may mắn, tự hào vì có nguồn tài sản trí tuệ rất lớn. Nếu không phát huy được nguồn tài sản trí tuệ này thì đánh mất đi một cơ hội vô cùng quý giá”, Bí thư Hải nói.
Về công tác cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận trách nhiệm vì hệ thống hành chính kém hiệu quả, “càng xuống dưới thì càng thấy hẹp lại" và cho biết, sẽ xây dựng hệ thống chính quyền điện tử thân thiện, minh bạch hiệu quả. “Đây chính là vấn đề ai cũng mong muốn. Như các đồng chí vừa nói, đến gặp lãnh đạo thì vui vẻ, ông nào cũng thông thoáng nhưng càng xuống dưới thì càng thấy hẹp lại. Việc này chúng tôi xin nhận trách nhiệm, nhận lỗi với các đồng chí. Hệ thống hành chính của chúng tôi chưa có hiệu quả cao, chưa được minh bạch thì trong thời gian tới sẽ tập trung, phải làm tốt hơn nữa, xứng đáng với mong muốn, với lòng tin của các đồng chí”, Bí thư chia sẻ.
Lâm Đồng: 80% người dân hài lòng trong việc giải quyết thủ tục hành chính
Báo cáo Cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2016 tại Lâm Đồng cho biết, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã xác định mục tiêu của kế hoạch cải cách thủ tục hành chính là chuẩn hóa, công bố công khai đầy đủ, kịp thời và tuân thủ giải quyết đúng quy định; thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời 100% những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; đảm bảo tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%.
Tính đến đầu tháng 6-2016, Lâm Đồng đã ban hành 11 quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó có 7 quyết định thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm các lĩnh vực: Tư pháp, lao động, tài chính, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, ban quản lý khu công nghiệp. Tổng số thủ tục hành chính đã công bố là 246 thủ tục hành chính thay thế các thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố trước đây gồm 212 thủ tục hành chính.
Tính đến nay, số lượng thủ tục hành chính đã được chính quyền địa phương công bố, công khai thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.754 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh có 1.345 thủ tục. Bộ phận một cửa cấp tỉnh được bố trí chung tại Trung tâm hành chính tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông cho người dân và doanh nghiệp không để chậm trễ, ách tắc. Cơ chế một cửa liên thông vẫn tiếp tục triển khai thực hiện tại 20/20 sở, ban, ngành, 12 huyện, thành phố và 147/147 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Nghệ An: Lựa chọn cán bộ có năng lực phục vụ hoạt động một cửa liên thông
Sau 2 năm thực hiện đề án, đến nay đã có 462/480 xã thực hiện cơ chế một cửa, đạt tỷ lệ 96,25%. Về mô hình một cửa liên thông hiện đại ở cấp huyện đã triển khai 13 đơn vị. Có 7 sở, ngành đã được phê duyệt để hiện đại hóa bộ phận 1 cửa trong giai đoạn 2014 - 2015.
Qua thực hiện cho thấy kết quả xử lý hồ sơ ở 1 bộ phận 1 cửa có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2014, kết quả xử lý hồ sơ đúng hẹn ở cấp tỉnh đạt 99,76%, và cấp huyện là 99,37%; năm 2015 cấp tỉnh là 99,98% và cấp huyện là 99,40%.
Cơ chế vận hành và quy chế hoạt động được đánh giá cao về trình tự, thủ tục cũng như việc rút ngắn thời gian xử lý so với các quy định của pháp luật liên quan, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại đó là cơ chế một cửa ở một số sở ngành, địa phương còn hình thức. Sự phối hợp trong thực hiện cơ chế một cửa liên thông ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao. Vẫn còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ một nơi, lấy kết quả ở nhiều nơi gây tùy tiện và trái quy định.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các sở ngành, đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận: Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu; bộ phận báo cáo cần cập nhật lại các số liệu để phản ánh đúng thực trạng của mô hình một cửa và một cửa liên thông. Tiến tới cần phải xây dựng mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại, hướng tới mục tiêu giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Phải xem người dân và doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ; giảm các chi phí không chính thức có vậy mới cải thiện được chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PAPI (chỉ số hài lòng người dân) - PAR-INDEX (chỉ số cải cách hành chính).
Để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông có hiệu quả cần ý chí quyết tâm của người lãnh đạo; lựa chọn cán bộ trực cơ chế một cửa có năng lực chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trực một cửa; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý; tạo sự đồng bộ, thống nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin có sự kết nối giữa các sở, ngành./.
Nỗ lực tối đa tìm 9 quân nhân trong vụ rơi máy bay CASA-212  (19/06/2016)
Thăng quân hàm Đại tá cho phi công SU30-MK2 Trần Quang Khải  (19/06/2016)
Thủ tướng Chính phủ: Giải quyết ngay kiến nghị của người dân  (19/06/2016)
Thiết thực các hoạt động nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6  (19/06/2016)
Ấn tượng hình ảnh Việt Nam tại Liên hoan Văn hóa châu Á ở Séc  (19/06/2016)
Thủ tướng làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên  (19/06/2016)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay