Khai mạc Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
TCCSĐT - Ngày 13-6-2016, Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong ba ngày, từ ngày 13 đến ngày 15-6-2016, để xem xét những nội dung gồm: Xem xét, thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm; cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong Tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Các đại biểu cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2014, về Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015; về việc xử lý, phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, còn gần 1 tháng nữa sẽ tiến hành kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Tất cả những công việc liên quan sau bầu cử đã được Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo chặt chẽ và bảo đảm tiến độ theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tại Phiên họp lần này, ngoài các nội dung thường xuyên, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các đại biểu xem xét cho ý kiến về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Thể hiện rõ địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần mở đầu phiên họp sáng 13-6. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo quy chế, tổ chức và hoạt của Đoàn Hội thẩm nhân dân.
Theo đó, tại phiên họp thứ 46 ngày 8-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (là cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế.
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến tập trung vào 5 vấn đề của Báo cáo, gồm: Về địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm và tổ chức của Đoàn Hội thẩm; Về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm; Về tổ chức Đoàn Hội thẩm quân nhân; Về số lượng Hội thẩm của một Đoàn Hội thẩm; kinh phí hoạt động của Đoàn Hội thẩm, chế độ, chính sách đối với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về cơ bản Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo báo cáo. Báo cáo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan tổ chức liên quan.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, tiếp thu các ý kiến, Điều 3 được đưa vào trong Điều 1, sửa thành “Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của các Hội thẩm hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch...” thể hiện rõ được địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm.
Về cơ bản, Thường vụ Quốc hội nhất trí Điều 5 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nên cân nhắc một số điểm, câu chữ để toát lên được đây là một tổ chức tự quản, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ.
Về một số ý kiến đề nghị quy định Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm, số lượng Hội thẩm, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất với các ý kiến cho rằng, quy định Đoàn Hội thẩm có Trưởng đoàn và Phó Trưởng Đoàn không tùy thuộc vào số lượng thành viên đoàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý với nội dung chính sách trong dự thảo, có kinh phí cho Đoàn hội thẩm hoạt động nhưng cơ chế dự toán, phân bổ, quản lý, thanh quyết toán giao cho 1 chủ thể, đó là tòa án, nơi có Đoàn Hội thẩm.
Hằng năm, tòa án các cấp lập dự toán kinh phí lên Tòa án tối cao để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét, về hoạt động phí của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm, các đại biểu đều tán thành Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân được hưởng hoạt động phí hằng tháng bằng 40% mức lương cơ sở.
Phó Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân được hưởng hoạt động phí hàng tháng bằng 30% mức lương cơ sở.
Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân có quy định “Hội thẩm được hưởng phụ cấp xét xử...” thống nhất với quy định trong Quy chế là: “Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn hưởng phụ cấp xét xử...”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.
Nhân sự cấp cao - nội dung trọng tâm Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV
Cũng tại phiên họp sáng 13-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo và cho ý kiến về những công việc mà Quốc hội sẽ triển khai tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Tại phiên họp thứ 47 diễn ra vào tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự kiến nội dung, thời gian và cách thức tiến hành kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Dự kiến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ được khai mạc (có truyền hình và phát thanh trực tiếp) vào thứ Tư ngày 20-7 và bế mạc có phát thanh truyền hình trực tiếp vào ngày 30-7.
Các đại biểu cơ bản nhất trí tán thành dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; cho rằng nội dung xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên phần lớn thời gian của kỳ họp dành cho việc xem xét, quyết định công tác nhân sự.
Theo dự kiến, tại kỳ họp này, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.
Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết hoặc quyết định các vấn đề cần thiết; về một số báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Kết luận phiên họp sáng 13-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với những hồ sơ đại biểu trình được chuẩn bị cẩn thận để Quốc hội phê chuẩn, những đại biểu có thông tin mới cần được cập nhật bổ sung theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc tích hợp 3 loại thẻ thành 1 thẻ, với kích thước nhỏ, gọn, chứng nhận là đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo luật, sau khi bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội và cấp giấy chứng nhận.
Trên cơ sở chứng nhận của Hội đồng bầu cử quốc gia, Quốc hội sẽ làm thẻ đại biểu Quốc hội.
Về huy hiệu, đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chọn mẫu truyền thống, chỉ đổi tên thành Quốc hội khóa XIV.
Kết luận phiên họp buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, Ban Công tác đại biểu Quốc hội triển khai tất cả nội dung đã bàn, từ chương trình kỳ họp thứ nhất đến hướng dẫn làm hồ sơ, thể lệ bỏ phiếu và làm thẻ đại biểu Quốc hội cũng như giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại Phiên họp thứ 50.
Tán thành bổ sung thêm Thẩm phán cao cấp
Tiếp tục Phiên họp thứ 49, chiều 13-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong Tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Cho ý kiến về việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp tại Tòa án nhân dân cấp cao, các ý kiến cho rằng, 3 Tòa án nhân dân cấp cao là các đơn vị mới được thành lập, có khối lượng công việc rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng công tác xét xử, không kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hiện, 3 Tòa án nhân dân cấp cao mới được giao chỉ tiêu 103 Thẩm phán. Để đáp ứng yêu cầu công việc, cần bổ sung thêm 67 Thẩm phán cao cấp cho các Tòa án này như đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao.
Qua thảo luận, các ý kiến tán thành với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ sung 65 Thẩm phán cao cấp cho 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh (mỗi Tòa án nhân dân cấp tỉnh có 1 Thẩm phán cao cấp; riêng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có 2 Thẩm phán cao cấp) tương tự như số lượng Kiểm sát viên cao cấp tại 63 Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo Nghị quyết số 1155/NQ-UBTVQH, ngày 02-3-2016.
Về việc bổ sung Thẩm phán trung cấp tại Tòa án nhân dân cấp huyện, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: căn cứ vào số lượng các vụ án mà Tòa án nhân dân cấp huyện phải giải quyết hàng năm là rất lớn. Vì vậy, cần tăng Thẩm phán cho Tòa án nhân dân cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng xét xử, khắc phục tình trạng quá tải, án tồn đọng. Đồng thời, để phục vụ công tác điều động, luân chuyển Thẩm phán, mỗi Tòa án nhân dân cấp huyện có 2 Thẩm phán trung cấp. Theo đó, sẽ có 1.420 Thẩm phán trung cấp bổ sung cho Tòa án nhân dân cấp huyện.
Góp ý việc bổ sung Thẩm phán sơ cấp, có ý kiến cho rằng, số lượng vụ án tại các Tòa án nhân dân cấp huyện có tăng nhưng không nhiều, vì vậy, trước mắt chỉ bổ sung 243 Thẩm phán sơ cấp là phù hợp. Sau khi có Đề án về vị trí việc làm theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét. Ý kiến khác cho rằng, Tòa án nhân dân cấp huyện đã được giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, loại việc này đang có xu hướng tăng. Do đó, ngoài việc bổ sung 243 Thẩm phán sơ cấp như trên, cần bổ sung thêm 111 Thẩm phán sơ cấp tại Tòa án nhân dân cấp huyện để giải quyết các vụ, việc.
Đối với việc bổ sung Thẩm phán cao cấp của các Tòa án quân sự, các ý kiến tán thành với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc điều chỉnh giảm số lượng Thẩm phán cao cấp tại Tòa án quân sự Trung ương xuống còn 15 Thẩm phán (giảm 4 Thẩm phán so với hiện nay) trên cơ sở Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án quân sự các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp do Tòa án Quân sự Trung ương xây dựng, đã được Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao bổ sung 12 Thẩm phán cao cấp tại các Tòa án quân sự cấp quân khu.
Thảo luận về chế độ lương, phụ cấp đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các ý kiến đồng ý với mức 1,25, vì đây không phải là chức danh lãnh đạo. Các chức vụ lãnh đạo khác của Tòa án nhân dân tối cao thực hiện như quy định hiện hành./.
Đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế  (13/06/2016)
Hỗ trợ huấn luyện người lao động  (13/06/2016)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Bí thư tỉnh Vân Nam Lý Kỷ Hằng  (13/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên