TCCSĐT - Quý I-2016, cả nước có 53,29 triệu người có việc làm: nữ có 25,74 triệu người (chiếm 48,30%), khu vực thành thị có 16,88 triệu người (chiếm 31,68%). Trong đó có 1,07 triệu lao động bị thất nghiệp, số thanh niên (15 - 24 tuổi) không có việc làm lên đến 540,7 nghìn người.

Chiều 26-5, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội thảo công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 9, quý I - 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, năm 2016, kinh tế tăng trưởng chậm lại đã tác động trực tiếp đến lao động việc làm của cả nước. Quý I-2016, cả nước có 53,29 triệu người có việc làm, trong đó: nữ có 25,74 triệu người (chiếm 48,30%), khu vực thành thị có 16,88 triệu người (chiếm 31,68%). So với quý IV-2015, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I-2016 giảm; số người có việc làm giảm 211,12 nghìn người; số lượng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, cả nước có 1.072,3 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 nghìn người.

Nhóm thanh niên (độ tuổi từ 15-24 tuổi) chiếm đến 50,4% tổng số người thất nghiệp. Trong số đó có 441,1 nghìn người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Số lượng lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học vẫn giữ ở mức cao. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật thất nghiệp vẫn ở mức cao là do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời điểm nền kinh tế tăng trưởng chậm. Các doanh nghiệp tăng nhu cầu với lao động phổ thông, lao động có tay nghề thấp nhưng lại giảm lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Cũng theo Bản tin cập nhật, có thể thấy rõ, quý I-2016, trong tổng số 1,6 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần, có 821,1 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thiếu việc làm, tăng 62,8 nghìn người so với quý IV năm trước. Khu vực nông thôn chiếm 86,8% tổng số lao động thiếu việc làm; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 79,7%; lao động tự làm và lao động hộ gia đình chiếm 77,0%.

Tỷ lệ thiếu việc làm là 1,76%, tăng nhẹ so với quý IV-2015 (1,61%). Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,28%, cao gấp 3 lần so với khu vực thành thị (0,70%); của lao động ngành nông, lâm, thủy sản là 3,64%; của lao động hộ gia đình là 3,67% và lao động tự làm là 2,19%.

Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 28,03 giờ, bằng 59,9% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (46,83 giờ/tuần), tăng 3,57 giờ so với cùng kỳ năm 2015.

Theo thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, so với quý IV-2015, ở 3 tháng đầu năm 2016, bốn ngành có lao động tăng nhiều nhất là: xây dựng (tăng 127 nghìn người); tài chính, ngân hàng (tăng 36 nghìn người); dịch vụ khác (tăng 34,2 nghìn người); cung cấp nước, quản lý, xử lý rác thải, nước thải (tăng 28,5 nghìn người). Cũng theo đó, ba ngành giảm lao động nhiều nhất là: công nghiệp chế biến - chế tạo (giảm 94,2 nghìn người); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 82,3 nghìn người) và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và động cơ khác (giảm 74 nghìn người). Tuy nhiên, so với quý I-2015, số lao động trong ngành “công nghiệp chế biến, chế tạo” vẫn tăng cao nhất (1.072 nghìn người), còn số lao động trong ngành “nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” giảm khá mạnh (1.044 nghìn người).

Một điểm khác đáng chú ý trong Bản tin cập nhật, đó là số lượng các vụ tai nạn lao động tăng cao, tập trung ở một số ngành/lĩnh vực có nguy cơ cao như: xây dựng, nông nghiệp, cơ khí chế tạo, khai thác khoáng sản. Nguyên nhân chủ yếu được xác định bắt nguồn từ người sử dụng lao động là chủ yếu (chiếm 53% số vụ tai nạn lao động).

Để giảm tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, thiết nghĩ Nhà nước cần phải mở rộng hơn nữa cơ chế chính sách việc làm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mỗi người đang trong độ tuổi lao động, đều có thể tiếp cận với công việc phù hợp với khả năng bản thân. Bên cạnh đó, lực lượng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật cần phải chú ý đến nhu cầu của thị trường lao động để chọn ngành nghề cho phù hợp, tránh tình trạng học xong, ra trường trở thành thất nghiệp./.