Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09 đến ngày 15-5-2016)

Gia Bảo tổng hợp từ TTXVN, vtv
23:01, ngày 17-05-2016

TCCSĐT - Các Hiệp định thương mại như như FTA, TPP, AEC đang tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế. Nhưng cơ hội này cũng đặt ra thách thức đòi hỏi cần có sự chuẩn bị sẵn sàng khi tham gia. Một trong những yêu cầu cấp bách là cần xây dựng hệ thống quản lý tài chính minh bạch, tiên tiến dựa trên các chuẩn mực quốc tế.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt tìm cách "sống khỏe" trước làn sóng thâu tóm thị trường

Thời gian gần đây, các tập đoàn nước ngoài đã thực hiện liên tiếp nhiều vụ mua bán và sáp nhập nhằm thâm nhập, mở rộng tầm ảnh hưởng ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt thực sự đang bị đặt vào thế khó khăn, có nguy cơ mất thị phần ngay trên sân nhà.

Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp bán lẻ Việt đã chủ động, sớm tìm ra thế mạnh riêng của mình để tính kế cạnh tranh lâu dài trong đó phải kể đến Tập đoàn Vingroup. Ngày 12-5-2016, Tập đoàn Vingroup công bố chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa” nhằm góp sức cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường, Tập đoàn Vingroup quyết định triển khai Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”, theo đó, Tập đoàn sẽ huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện tổng thể 3 gói giải pháp gồm: Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam qua hệ thống bán lẻ hiện đại; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng nội địa; trực tiếp tham gia sản xuất trong một số ngành hàng tiêu dùng.

Cụ thể, Vingroup sẽ xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, Vingroup cam kết phân phối các sản phẩm sạch, an toàn với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng 1 năm. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tình hình thực tế và tiềm năng của từng doanh nghiệp, Vingroup sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ về hiện diện và khuyến mại… Điều kiện để tham gia chương trình là tất cả các sản phẩm phải là sản phẩm sạch, an toàn, phải được công nhận bởi các hệ thống kiểm định chất lượng và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và mạng lưới hiện có gồm hơn 50 trung tâm thương mại Vincom, 800 Siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+; hàng triệu tài khoản thương mại điện tử Adayroi; 59 cửa hàng chuyên biệt VinDS và 123 Trung tâm điện máy VinPro và cửa hàng VinPro+…, toàn bộ hệ thống bán lẻ của Vingroup sẽ là cầu nối hiệu quả để hàng Việt Nam chất lượng cao đến được với đông đảo người tiêu dùng.

Song song với việc hỗ trợ về đầu ra, Vingroup đang xúc tiến phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các cơ quan ban ngành nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Trên cơ sở đó, các bên sẽ cùng xác lập mặt bằng chất lượng một cách bài bản cho doanh nghiệp Việt nhằm tạo dựng lòng tin, bảo đảm sự cạnh tranh bền vững cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế.

Kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Với các doanh nghiệp muốn bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc thay đổi hệ thống quản trị công ty và hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế là yêu cầu cấp thiết. Các Hiệp định thương mại như như FTA, TPP, AEC đang tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế. Nhưng cơ hội này cũng đặt ra thách thức đòi hỏi cần có sự chuẩn bị sẵn sàng khi tham gia. Một trong những yêu cầu cấp bách là cần xây dựng hệ thống quản lý tài chính minh bạch, tiên tiến dựa trên các chuẩn mực quốc tế.

FPT là một trong những tập đoàn đi đầu làn sóng hội nhập quốc tế. Với số vốn cả nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán, lợi nhuận tăng đều qua các năm, FPT hiện là mã chứng khoán được nhiều nhà đầu tư nước ngoài săn đón. Theo Chủ tịch tập đoàn Trương Gia Bình, có được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, FPT phải minh bạch thông tin và quản trị tốt. Và cách FPT làm là sử dụng Kiểm toán độc lập, thực hiện báo cáo tài chính theo quy chuẩn quốc tế.

Hội nhập kinh tế không chỉ là những con số xuất khẩu tính bằng tiền, điều quan trọng là tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu để mở rộng thị trường. Muốn làm được, chúng ta phải sử dụng một "ngôn ngữ tài chính" chung cũng như hệ thống quản trị theo đúng chuẩn mực quốc tế.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp xuất khẩu Nhật

Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, ngày càng có thêm các nhà sản xuất của Nhật Bản nhận thấy Đông Nam Á là địa bàn thuận lợi để đặt cơ sở sản xuất hàng để xuất khẩu ra thế giới. Theo một cuộc thăm dò được báo Nhật Asian Nikkei Review công bố ngày 12-5, Việt Nam ngày càng được ưa chuộng.

Cuộc thăm dò được Viện Nghiên cứu Mizuho thực hiện vào tháng Hai đối với 1.100 công ty Nhật Bản có số vốn trên 10 triệu yen cho thấy, khoảng gần 44% nói rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khu vực họ dành ưu tiên.

So với một cuộc thăm dò tiến hành vào năm 2015, tỷ lệ chọn ASEAN tăng hơn 2% và ASEAN vẫn đứng đầu bảng bốn năm liên tục. Đặc biệt, mối quan tâm đến Việt Nam được thể hiện rất rõ. Trả lời câu hỏi nước nào trong ASEAN được chú ý nhất, hơn 53% các công ty nêu tên Việt Nam, tăng gần 5% so với năm ngoái. Thái Lan, nơi ngành lắp ráp ôtô phát triển chậm hơn, vẫn được gần 60% công ty chọn lựa, nhưng con số này giảm hơn 2% so với năm ngoái. Indonesia cũng được hơn 41% chú ý, nhưng tỷ lệ này giảm gần 5%.

Lợi thế của Việt Nam được các nhà sản xuất Nhật Bản nhìn nhận là quy chế thành viên TPP. Với việc ký kết TPP vào tháng Hai, Việt Nam đã được chú ý hơn trong tư cách là cơ sở xuất khẩu hàng vải sợi và một số sản phẩm khác.

Khi được hỏi về việc dự kiến mở rộng đầu tư ở đâu trong 12 quốc gia ký kết TPP, gần 13% nêu tên Việt Nam, gần 11% nói đến Nhật Bản, và xấp xỉ 5% chọn Mỹ. Ngược lại, giới sản xuất Nhật Bản đang rút khỏi Trung Quốc do tăng trưởng kinh tế tại nước này chậm lại. Chỉ còn hơn 67% công ty được thăm dò cho biết là có cơ sở ở Trung Quốc, giảm 2% so với năm ngoái, và lần thứ hai liên tiếp.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh rời khỏi EU?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 13-5 cảnh báo nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế và tạo ra những biến động trên các thị trường. Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Anh công bố cùng ngày, IMF khẳng định một cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ khiến giai đoạn bất ổn vốn kéo dài càng trở nên trầm trọng, đẩy thị trường tài chính lung lay, đặc biệt tác động lớn tới sản lượng kinh tế. Ngược lại, IMF nhấn mạnh nếu kết quả cử tri Anh nói "không" với quyết định rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày 23-6 tới, kinh tế Anh có thể phục hồi vào 6 tháng cuối năm 2016.

IMF công bố báo cáo trên một ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney cảnh báo nguy cơ Brexit có thể kéo theo một cuộc suy thoái kỹ thuật hoặc ít nhất kinh tế Anh trải qua 2 quý suy giảm liên tiếp. Theo IMF, phản ứng của thị trường toàn cầu cũng được dự báo tiêu cực, thậm chí dữ dội nếu Anh rời khỏi "mái nhà chung" châu Âu.

IMF dự báo những rào cản được tạo ra từ Brexit sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động, và điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực trong thời gian dài đối với sản lượng kinh tế.

IMF: Nạn tham nhũng gây thiệt hại 2% GDP kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mỗi năm, nạn hối lộ gây thiệt hại 1.500 - 2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, làm trì trệ nền kinh tế và ảnh hưởng tới dịch vụ an sinh xã hội cho người nghèo.

Trong bài phát biểu ngày 12-5 tại Hội nghị chống tham nhũng toàn cầu tại London (Anh), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định ngày càng có nhiều lãnh đạo tìm kiếm sự giúp đỡ để đẩy mạnh cuộc chiến chống vấn nạn này. Nghèo đói và thất nghiệp đều có thể là dấu hiệu của tình trạng tham nhũng kéo dài. Theo bà Lagarde, trong khi tác động trực tiếp của tham nhũng đã được biết đến từ lâu, những ảnh hưởng gián tiếp có thể còn nghiêm trọng và đáng quan ngại hơn nhiều, làm trì trệ tăng trưởng và nới rộng bất bình đẳng thu nhập.

Trước đó một ngày, IMF đã công bố một báo cáo về các tác động của tham nhũng tới nền kinh tế, khẳng định những ảnh hưởng này mang tính tiêu cực song khó có thể tính toán cụ thể. Theo báo cáo, tiền hối lộ phục vụ mục đích "mờ ám" nên chúng không được luân chuyển trong nền kinh tế và do đó không giúp thúc đẩy tăng trưởng. Tham nhũng kéo dài bất ổn kinh tế, phá hoại chính sách côngg và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Bà Lagarde cho biết IMF đã cung cấp hướng dẫn về các biện pháp chống tham nhũng trong chương trình hỗ trợ cho các chính phủ. Một số biện pháp đã cho thấy hiệu quả khi áp dụng tại một số quốc gia bao gồm tăng lương cho nhân viên chính phủ, thành lập các tòa án chuyên trách xét xử các vụ tham nhũng, trừng phạt các công ty có hành vi tham nhũng tại nước ngoài và thành lập các văn phòng riêng phụ trách thu thuế từ những đối tượng nộp thuế lớn. Bên cạnh đó, bà Lagarde cũng nhấn mạnh việc củng cố luật pháp và công tác quản lý, lãnh đạo./.