TCCSĐT - Ngày 11-5-2016, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.
Thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh trong đó có ung thư phổi, ung thư vòm họng, phổi tắc nghẽn và nhồi máu cơ tim. Người nghiện thuốc có nguy cơ tử vong cao gấp nhiều lần so với người không hút. Đáng chú ý hơn, khói thuốc thụ động cũng là nguyên nhân gây các bệnh về tim mạch, phổi, suy giảm chức năng hô hấp và sinh sản.

Nhận thức sâu sắc tác hại của thuốc lá đối với việc duy trì nòi giống và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã quyết tâm cam kết thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Cụ thể, ngày 11-11-2004, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước và Công ước có hiệu lực từ ngày 17-3-2005; ngày 18-6-2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện về phòng, chống tác hại của thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-5-2013. Ngày 25-01-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 và nhiều nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong năm vừa qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước tổ chức, triển khai các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng như mô hình xây dựng nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học không khói thuốc. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thực hiện Luật, Phòng chống tác hại của thuốc lá, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Đến nay đã có 62 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá. Đây là những hoạt động đã đạt được kết quả đáng ghi nhận mà Quỹ đã làm được.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, hiện nay, công tác xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng còn chưa được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá điếu, các sản phẩm như shisha, thuốc lá điện tử đang được các nhà sản xuất quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút và duy trì hành vi hút thuốc trong giới trẻ, vì vậy công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, 70% người bệnh nội trú tại các bệnh viện là mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp... Đây cũng là những bệnh có liên quan nhiều đến việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc lá thụ động.
Hơn nữa, theo số liệu điều tra trên thế giới hiện nay có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Mỗi ngày Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.Vì vậy mà việc phòng, chống tác hại thuốc lá cần sự chung tay và vào cuộc của toàn xã hội để hạn chế thấp nhất những tác hại mà thuốc lá gây ra cho cộng đồng và hạn chế gánh nặng cho ngành y tế.

Theo các đại biểu, công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá đã được triển khai tại 6 bệnh viện đại diện cho 3 vùng, miền trên cả nước, trong đó bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm tư vấn cai nghiện và tổ chức tập huấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2015, hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá cũng đạt được các kết quả đáng ghi nhận, với hơn 10.000 cuộc gọi tới tổng đài từ tháng 7 đến tháng 12-2015. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao trên thế giới và công tác xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng vẫn chưa được triển khai đồng bộ.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, hướng về Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31-5-2016, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá; chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Các địa phương thành lập các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; lãnh đạo các cơ quan gương mẫu không hút thuốc, vận động cán bộ thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá../..