Trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 60 của Ủy ban về địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 24-3, ngày 15-3, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có bài phát biểu trực tiếp tại hội nghị nêu rõ những thành tựu mà Việt Nam đạt được về nâng cao quyền năng cho phụ nữ.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao chủ đề và nội dung của Khóa họp năm nay về nâng cao quyền năng của phụ nữ và mối liên hệ với phát triển bền vững.

Bộ trưởng nêu rõ Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Từ năm 2010 đến nay đã có 40 đạo luật được lồng ghép giới và hàng loạt các văn bản dưới luật được xem xét lồng ghép giới, đồng thời việc xây dựng và thông qua, thực hiện các chương trình, chính sách dự án về bình đẳng giới hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia vẫn được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.

Năm 2015, chương trình mới về nâng cao quyền năng cho phụ nữ phải kể đến là Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu “Giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020".

Đặc biệt, trong chương trình này, lần đầu tiên Việt Nam có “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15-11 đến 15-12 hằng năm.

Bên cạnh đó, trong năm qua, Việt Nam cũng đã ban hành những chính sách đặc thù giải quyết những vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt như Chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; Đề án “Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”...

Với nỗ lực này, thành tựu về nâng cao quyền năng cho phụ nữ của Việt Nam đã ngày càng đạt kết quả đáng khích lệ. Nổi bật là, trong lĩnh vực chính trị, lần đầu tiên Việt Nam có 3 thành viên của Bộ Chính trị là nữ và chiếm 15,78%; hơn 50% bộ, ngành cơ quan Trung ương có cán bộ chủ chốt là nữ. Phụ nữ tham gia tích cực trong các hoạt động chính trị của đất nước và giữ nhiều vị trí trọng trách trong lãnh đạo và quản lý, hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn cán bộ nữ tiềm năng cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới đây.

Trong lĩnh vực lao động - việc làm, lao động nữ vẫn duy trì ở mức cao và đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước, tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%.

Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ tử vong ở người mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233 bà mẹ/100.000 trẻ vào năm 1990 xuống còn 59 bà mẹ/100.000 trẻ vào năm 2014 và ước năm 2015 là 58,3 bà mẹ/100.000 trẻ.

Với những thành tích trên, Việt Nam đã được ghi nhận “đạt được những thành tựu to lớn về bình đẳng giới, trong đó hầu như không có khác biệt về giới trong tỷ lệ nhập học và khoảng cách giới về lương cũng đã thu hẹp dần theo những chuẩn mực mà thế giới quy định..." trong báo cáo Việt Nam năm 2035 “Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” vừa được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố hồi tháng Hai vừa qua.

Để duy trì được những thành công và nỗ lực trong công tác bình đẳng giới, bài học kinh nghiệm của Việt Nam là phải nắm bắt được nhu cầu và nguyện vọng của phụ nữ trong phát triển; xây dựng và thực hiện giải pháp thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực và có những sự can thiệp kịp thời nhằm giải quyết các vấn đề về phụ nữ trên thực tế.

Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia thành viên khác của CSW, Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này.

Cụ thể, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa giảm và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ và trẻ em gái còn bị ràng buộc bởi phong tục tập quán lạc hậu; chỉ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội liên quan; biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực đối với cuộc sống của cả nam giới và phụ nữ.

Thêm vào đó, một số chính sách công vẫn còn cản trở sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo và những lĩnh vực khác của đời sống xã hội; công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều khó khăn, lúng túng trên thực tế...

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và những mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cam kết đẩy mạnh việc xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; đưa những ưu tiên về nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái vào chương trình nghị sự về phát triển bền vững của quốc gia; phát triển kinh tế đi liền với việc bảo đảm tốt hơn nữa các quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào các phiên họp và thảo luận chuyên đề của Khóa họp năm nay để cùng các quốc gia thành viên xác định những giải pháp và ưu tiên phù hợp về trao quyền cho phụ nữ trong bối cảnh các nước bắt đầu thực hiện cam kết về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)./.