Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran
TCCSĐT - Ngày 04-01-2016, Bahrain đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đồng thời yêu cầu tất cả các thành viên phái bộ ngoại giao Iran rời khỏi nước này.
Động thái trên của Bahrain diễn ra chỉ một ngày sau khi đồng minh của Bahrain là Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến việc chính quyền Riyadh xử tử ông Nimr al-Nimr, một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite.
Bất đồng lan rộng
Hãng thông tấn Bahrain BNA dẫn tuyên bố nêu rõ quyết định trên được đưa ra sau khi xảy ra các vụ tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran cũng như việc “Iran liên tục can thiệp vào công việc nội bộ của Bahrain và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)”. Các vụ tấn công vào phái bộ Saudi Arabia cho thấy, “các chính sách phe phái nguy hiểm cần phải giải quyết... nhằm bảo vệ an ninh và ổn định của toàn khu vực”. Bộ Ngoại giao Bahrain đã triệu đại biện lâm thời của Iran Murtada Sanawbari để trao thông báo chính thức.
Trước đó, ngày 03-01-2016, Saudi Arabia đã bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi người biểu tình Iran tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran nhằm phản đối chính quyền Riyadh xử tử ông Nimr al-Nimr, một giáo sĩ Shi'ite bị buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông Saudi Arabia năm 2011. Saudi Arabia cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.
Việc Saudi Arabia - quốc gia vùng Vịnh có đa số dân theo dòng Hồi giáo Sunni - xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr đã làm dấy lên hoạt động biểu tình lan rộng ở các quốc gia có đa số dân theo dòng Shi’ite trong khu vực. Ngoài vụ việc này, quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran còn mâu thuẫn về cuộc chiến tranh kéo dài gần 5 năm tại Syria, trong đó, Iran ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar An Assad, và cuộc xung đột tại Yemen, nơi liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi dòng Shi’ite.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari khẳng định trong cuộc họp báo hàng tuần, ngày 04-01-2016, Iran “không theo đuổi căng thẳng và xung đột trong các chính sách trong nước và quốc tế, và nước này không tạo căng thẳng với Saudi Arabia”. Ông J. Ansari nhấn mạnh, Tehran tôn trọng các công ước quốc tế và có nghĩa vụ bảo vệ các nhà ngoại giao cũng như các phái bộ ngoại giao. Liên quan đến các vụ tấn công phái bộ Saudi Arabia tại Iran, quan chức ngoại giao Iran khẳng định cảnh sát và bộ máy tư pháp nước này đã nỗ lực hết sức nhằm kiểm soát tình hình và xử lý các đối tượng tấn công theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, theo ông J. Ansari, “trong khi mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát, không có mối đe dọa nào đối với các nhà ngoại giao Saudi Arabia (ở Iran), Chính phủ Saudi Arabia đã quyết định cắt đứt quan hệ với Iran”.
Bất đồng vẫn lan rộng. Sau khi Saudi Arabia và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Iran, đồng thời hạ cấp quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Hồi giáo, với lý do Tehran “can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Vùng Vịnh và Arab”. Hãng thông tấn WAM của UAE dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ, UAE đã quyết định “hạ cấp đại diện ngoại giao hiện nay xuống còn đại biện lâm thời và giảm số nhân viên ngoại giao Iran tại nước này”. Bộ Ngoại giao UAE cho rằng, các vụ tấn công vào các cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran thể hiện “sự vi phạm hiến chương và quy tắc quốc tế”. Ngày 02-01-2016, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan tuyên bố nước này hoàn toàn ủng hộ Saudi Arabia trong bất cứ biện pháp răn đe nào mà Riyadh thực hiện nhằm chống cực đoan và khủng bố.
Trong khi đó, Chính phủ Sudan cũng tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan, nước này cũng quyết định trục xuất toàn bộ phái bộ ngoại giao Iran cũng như triệu hồi đại diện ngoại giao của nước này tại Tehran. Quyết định trên được Sudan đưa ra sau khi xảy ra các vụ tấn công mà Khartoum cho là “rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế” nhằm vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran và Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Mashhad.
Giải quyết căng thẳng bằng đối thoại
Trước những căng thẳng ngoại giao leo thang giữa Iran và Saudi Arabi sau khi Riyadh hành quyết 47 phạm nhân, trong đó có Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shii'te Nimr al-Nimr, ngày 04-01-2016, hàng loạt quốc gia đã lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng đối thoại.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh, Berlin hối thúc Iran và Saudi Arabia đối thoại với nhau và sử dụng mọi biện pháp có thể để cải thiện quan hệ song phương sau khi Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran ngày 03-01-2016. Theo ông S. Seibert, mối quan hệ giữa hai quốc gia chủ chốt như Iran và Saudi Arabia có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria và Yemen cũng như đối với sự ổn định của toàn khu vực. Tuy nhiên, Đức cũng cho biết nước này không có ý định áp đặt lệnh trừng phạt đối với Saudi Arabia sau khi vương quốc này xử tử 47 phạm nhân hôm 02-01-2016.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong cuộc họp báo thường kỳ, nêu rõ Bắc Kinh đang theo dõi sát sao những diễn biến trong quan hệ Iran - Saudi Arabia, đồng thời quan ngại bất đồng giữa hai nước có thể khiến xung đột trong khu vực leo thang. Trong tuyên bố trên, Trung Quốc kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết bất đồng thông qua kênh đối thoại và tham vấn nhằm duy trì hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực.
Cùng ngày, Pháp cũng đã hối thúc Saudi Arabia và Iran hạ nhiệt căng thẳng. Thông cáo của Chính phủ Pháp nhấn mạnh Paris cần theo dõi sát diễn biễn trong quan hệ Iran và Saudi Arabia.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết mâu thuẫn hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia. Quan chức ngoại giao Nga này nhấn mạnh: “Là những người bạn, chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò trung gian nếu được đề nghị, trong việc giải quyết mâu thuẫn hiện nay, cũng như mọi căng thẳng mới nảy sinh giữa hai nước”./.
Những ký ức không thể phai mờ về các kỳ họp Quốc hội khóa VI  (04/01/2016)
Những ký ức không thể phai mờ về các kỳ họp Quốc hội khóa VI  (04/01/2016)
Kéo dài một số chính sách với trẻ em và giáo viên mầm non  (04/01/2016)
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,5%  (04/01/2016)
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,5%  (04/01/2016)
Tăng trưởng kinh tế châu Âu được cải thiện  (04/01/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển