Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 14-12 đến ngày 20-12-2015)
Khai mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Tại Thủ đô Hà Nội, sáng 14-12-2015, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn về các nội dung: Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; Dự thảo Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại Đại hội lần thứ XII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác.
Trung ương cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Báo cáo công tác tài chính đảng và Báo cáo các công việc quan trọng của Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 12 đến Hội nghị Trung ương 13.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số vấn đề để Trung ương thảo luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào báo cáo giải trình, tiếp thu và toàn văn các dự thảo với tinh thần thực sự cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn hệ thống chính trị và nhân dân; tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn Dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau. Đồng thời cũng cần bày tỏ chính kiến đối với những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng. Từ đó, xem xét thông qua toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra.
Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 22-12-2015.
Thông tấn xã Việt Nam thông tin tuyên truyền mạnh mẽ về ba vùng chiến lược
Chiều 15-12, tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chủ trì, phối hợp với các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện “Thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giữa Thông tấn xã Việt Nam và các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”.
Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giữa các bên giai đoạn 2013-2015; đề ra phương hướng trong giai đoạn tiếp theo. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng; Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ đã dự hội nghị.
Sau khi ký Thỏa thuận phối hợp thông tin với các Ban Chỉ đạo (tháng 5-2013), TTXVN đã chỉ đạo các đơn vị thông tin xây dựng chiến lược dài hạn thông tin về 3 vùng chiến lược, tập trung làm các tuyến thông tin chuyên đề, thông tin thời sự.
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh đối với TTXVN, thông tin về miền núi, dân tộc, biên giới, hải đảo luôn là tuyến thông tin đặc biệt quan trọng, trong đó có 3 vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trên cơ sở Thỏa thuận phối hợp, thông tin của TTXVN về Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được định hướng là thông tin chiến lược, làm sâu sắc hơn những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tuyến thông tin này của TTXVN đã hướng về những nội dung cần điều chỉnh khi triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước trên thực tế, để các chính sách khắc phục được những bất cập, trở nên hoàn thiện hơn, thực sự đi vào cuộc sống.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đánh giá cao thời gian qua, TTXVN đã thông tin tuyên truyền mạnh mẽ về 3 vùng chiến lược này. Những thông tin truyên truyền của TTXVN đến với bà con vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là một việc làm có ý nghĩa hết sức sâu sắc. Đặc biệt, từ khi ký Thỏa thuận hợp tác với TTXVN, 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã coi đây là một diễn đàn; một kênh thông tin chính thức đến với cán bộ, nhân dân trong 3 vùng chiến lược của Tổ quốc.
Thống nhất cao phương hướng hợp tác trong thời gian tới, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ nhất trí cùng với TTXVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác thông tin tuyên truyền ở 3 vùng chiến lược này.
Công bố Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại
Ngày 17-12-2015, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tổ chức họp báo công bố Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ hai năm 2015 (lĩnh vực báo chí) nhằm ghi nhận và tôn vinh những tác giả và tác phẩm báo chí xuất sắc trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
Thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển đáng ghi nhận: Nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được nâng cao; các hoạt động thông tin đối ngoại đã được tổ chức bài bản, đi vào thực chất hơn; nội dung thông tin phong phú và kịp thời hơn; phương thức hoạt động đã có sự đổi mới, linh hoạt hơn; các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại được tăng cường, đông đảo và đa dạng hơn; đối tượng, địa bàn hoạt động ngày càng được mở rộng; hiệu quả đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch được nâng cao một bước.
Việc tổ chức Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ hai năm 2015 (lĩnh vực báo chí) nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, đồng thời tạo động lực cho các phóng viên, các cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền đối ngoại; tăng cường sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị báo chí đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tăng cường hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Những tác phẩm báo chí được xét trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ hai năm 2015 là những tác phẩm bằng tiếng Việt và các thứ tiếng nước ngoài, thuộc 5 loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí dành cho công chúng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, hoặc trên báo chí nước ngoài, trong thời gian từ ngày 01-01-2015 đến hết ngày 31-12-2015.
Giải thưởng theo cơ cấu Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích sẽ được công bố và trao vào tháng 5-2016. Ban Tổ chức Giải thưởng hằng năm do Ban Tuyên giáo Trung ương ra quyết định thành lập, các cơ quan thông tấn, báo chí đối ngoại chủ lực của Việt Nam thay phiên là cơ quan thường trực của giải thưởng này.
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật, Bộ luật
Chiều 18-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Bộ luật: Dân sự, Hình sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự; các Luật Tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Nghị quyết thi hành một số Luật, Bộ luật và Nghị quyết về việc thực hiện chế định Thừa phát lại. Đây là những Luật, Bộ luật và Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua.
Kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam
Ngày 18-12 tại Khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước (20-12-1960 – 20-12-2015).
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình cho biết năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, dựng lên chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, thực hiện chế độ thực dân kiểu mới, phản bội lại những nguyện vọng tha thiết của nhân dân là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và cải thiện đời sống.
Chúng chủ trương xóa bỏ ý nghĩa thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám và thành quả của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời thực hiện chính sách khủng bố, trả thù những người yêu nước, chia rẽ dân tộc, tôn giáo.
Đáp ứng yêu cầu của lịch sử và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20-12-1960, tại ấp Rùm Đuông, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, thuộc Khu rừng vùng giải phóng Bắc Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, dân tộc, tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau đó, để tập trung thống nhất lực lượng cách mạng, Mặt trận đã cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam (ra đời 20-4-1968) hiệp thương thống nhất, tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam (từ ngày 6 đến ngày 10-6-1969 tại Tây Ninh) để cử ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ; lãnh đạo quân và dân miền Nam đấu tranh làm thất bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc đã anh dũng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhân dịp này, các đại biểu đã đến thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nhà bia Mặt trận; thăm nhà làm việc (di tích) của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; nhà các Phó Chủ tịch; di tích giếng nước và bãi tắm của cán bộ, chiến sỹ Mặt trận tại suối Mây.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc gửi thư chúc mừng Giáng sinh 2015
Nhân dịp lễ Giáng sinh 2015, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi thư chúc mừng đến các vị chức sắc, tu sỹ và toàn thể đồng bào Kitô hữu Việt Nam.
Thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chí ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào Công giáo và đồng bào Tin Lành Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng chí khẳng định, trong năm qua, đông đảo các vị chức sắc, tu sỹ đã tích cực vận động bà con tín đồ hưởng ứng các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Đồng chí nhấn mạnh, Giáng sinh về cũng là lúc đất nước chuẩn bị bước sang một năm mới Bính Thân 2016. Tôi tin tưởng rằng, đồng bào Công giáo và đồng bào Tin Lành Việt Nam sẽ luôn phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, sống "Tốt đời, đẹp đạo", đoàn kết cùng nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách về quyền trẻ em
Ngày 19-12-2015, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Mạng bảo vệ quyền trẻ em (CRnet) tổ chức Diễn đàn phát huy vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Mạng bảo vệ quyền trẻ em trong thực hiện chính sách của Nhà nước về quyền trẻ em.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số bộ, ban, ngành; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tỉnh, thành phố; đại diện 33 tổ chức thành viên thuộc Mạng bảo vệ quyền trẻ em cùng các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động về trẻ em.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Trần Thị Thanh Thanh cho biết: Những năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cùng các Hội Bảo vệ quyền trẻ em ở các tỉnh, thành phố và Mạng bảo vệ quyền trẻ em cũng không ngừng phát triển. Mặc dù không phải Hội đặc thù nhưng với sự nỗ lực truyền thông, vận động nên đã thu hút nhiều người tham gia hoạt động vì mục đích chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, làm cho chất lượng cuộc sống của trẻ em ngày càng tốt hơn. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với việc bổ sung nguồn nhân lực làm việc vì trẻ em, trong khi Nhà nước đang thiếu nguồn nhân lực làm việc cho trẻ em ở cộng đồng.
Các đại biểu đến từ Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Mạng CRnet khuyến nghị: cần xây dựng cơ chế phát huy vai trò các mô hình dịch vụ can thiệp, hỗ trợ giáo dục hòa nhập của các tổ chức xã hội đối với trẻ tự kỷ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Mạng CRnet tham gia thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống và tham gia đánh giá các trường đạt chuẩn, điều kiện để bảo đảm phòng chống bạo lực cho học sinh giai đoạn 2012-2020.
Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thu hút 150 nhà toán học quốc tế
Ngày 20-12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm hoạt động Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (2010-2015).
Tới dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán Ngô Bảo Châu, lãnh đạo các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, trường phổ thông chuyên, các nhà toán học, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh, sinh viên.
Ngày 17-8-2010, Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và 23-12-2010 ban hành quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán - giải pháp trung tâm của Chương trình. Trong những năm qua, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đã xét thưởng cấp học bổng trên 23,2 tỷ đồng cho 682 lượt sinh viên Toán và 1.139 lượt học sinh trung học phổ thông chuyên Toán.
Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là môi trường học thuật và làm việc tiên tiến, được cộng đồng Toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Từ ngày thành lập đến nay, Viện đã thu hút được 150 lượt các nhà toán học quốc tế đến từ 18 quốc gia, 47 lượt nhà toán học người Việt Nam ở nước ngoài tới làm việc.
Các hoạt động của Viện cũng rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu và thu hút được nhiều đối tượng, có tác động tích cực đến việc giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học.
Theo Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), trong 3 năm qua, số lượng công trình Toán học công bố quốc tế tăng 20%/ năm, số lượng bài báo quốc tế về Toán của các nhà toán học Việt Nam ở trong nước giai đoạn 2010-2015 đã tăng gấp đôi so với giai đoạn 2005-2010.
Ngày càng có nhiều ứng viên nghiên cứu trẻ tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán có công bố quốc tế. Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và những hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã có đóng góp và tác động tích cực để tăng nhanh công bố quốc tế về Toán học.
Trong khuôn khổ chương trình, các nhà nghiên cứu hàng đầu về Toán học cũng đã có buổi tọa đàm chuyên môn và tổ chức Triển lãm Toán học giữa không trung, Khu vườn toán học S3, Xưởng toán S3... với nhiều hoạt động thú vị như lắp ráp mô hình hình học.
Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức gặp mặt quân dân nhân Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam  (22/12/2015)
Hoạt động đối ngoại đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14-12 đến ngày 20-12-2015)  (22/12/2015)
Thông báo Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI  (21/12/2015)
Lãnh đạo các địa phương chúc mừng Giáng sinh 2015  (21/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển