TCCSĐT - Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Cộng hòa Liên bang Đức theo lời mời của Tổng thống Joachim Gauck đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, được hai bên đánh giá là sự kiện đỉnh cao, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc

Năm 2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) kỷ niệm 70 năm thành lập. Hưởng ứng lời kêu gọi các quốc gia thành viên cùng tổ chức Lễ kỷ niệm của UNESCO, ngày 23-11-2015, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức UNESCO tại Khu Di tích Trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long Hà Nội, với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội bà Katherine Muller-Marin và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Bà Mechtild Rossler cùng đại diện thành phố Hà Nội, các Đoàn Ngoại giao và nhiều cơ quan tỉnh thành khác. Đây là một dịp quan trọng đánh dấu sự phát triển của UNESCO trong suốt 70 năm. Những thành tựu UNESCO đạt được trên chặng đường đã đi qua chính là lời khẳng định mạnh mẽ nhất mục tiêu mà Tổ chức đã đề ra.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi lời cám ơn chân thành sâu sắc sự ủng hộ quý báu của UNESCO, các tổ chức khác của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên UNESCO, các lãnh đạo và cán bộ UNESCO qua các thời kỳ, đã góp phần gây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO. Việc UNESCO hỗ trợ giáo dục Việt Nam ngay sau khi chiến tranh vừa chấm dứt; công nhận 31 danh hiệu uy tín, gồm 8 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 9 di sản phi vật thể của thế giới, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới; và đặc biệt tôn vinh các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, đồng thời tô đậm và làm phong phú hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế”.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện đẩy đủ những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, triển khai hiệu quả sáng kiến và chương trình hợp tác, đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO. Tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38 vừa mới kết thúc, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỷ 2015-2019. Việc tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO cũng cho thấy vị trí quan trọng của UNESCO đối với Việt Nam, đồng thời vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại Tổ chức này, qua đó góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Đại sứ Việt Nam trình Thư ủy nhiệm tại Liên bang St.Kitts và Nevis

Ngày 23-11-2015, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang St. Kitts và Nevis Dương Minh đã trình Thư ủy nhiệm lên Ngài Samuel Weymouth Tapley Seaton, Toàn quyền Liên bang St. Kitts và Nevis. Tại buổi tiếp sau lễ trình Thư ủy nhiệm, Ngài Samuel Weymouth Tapley Seaton đã chúc mừng Đại sứ Dương Minh, cảm ơn và gửi lời chào hữu nghị tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ và đánh giá cao những thành tựu của công cuộc đổi mới và phát triển tại Việt Nam. Ngài Toàn quyền khẳng định Chính phủ và nhân dân Liên bang St. Kitts và Nevis luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là nông nghiệp.

Về phần mình, Đại sứ Dương Minh bày tỏ vinh dự được là Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên bang St. Kitts và Nevis, trân trọng chuyển lời chào và chúc mừng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ngài Toàn quyền và nhân dân St. Kitts và Nevis, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Liên bang St. Kitts và Nevis. Bên cạnh việc giới thiệu một số nét về tình hình Việt Nam, thành tựu của công cuộc đổi mới và những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, viễn thông, điện tử, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng... để hai bên cùng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ cũng đề nghị Ngài Toàn quyền, Chính phủ St. Kitts và Nevis hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại và đầu tư tại đảo quốc Caribe này và cam kết sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước. Sau lễ trình Thư ủy nhiệm, Đại sứ Dương Minh đã tới chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Franklyn Brand, Bộ trưởng Ngoại giao Mark Brantley, Bộ trưởng Thương mại Charleton Edwards, Bộ trưởng Nông nghiệp Vance Amory và Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Damion Hobson của St. Kitts and Nevis.

Hội thảo Quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông

Từ ngày 23 đến ngày 24-11-2015, tại Vũng Tàu, Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đã tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Qua 7 phiên làm việc, với 32 tham luận và trên 100 ý kiến thảo luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các khía cạnh pháp lý của tranh chấp Biển Đông, triển vọng giải pháp về quản lý và giải quyết tranh chấp, mô phỏng tình huống đàm phán giữa các bên có yêu sách tại Biển Đông và kiến nghị các biện pháp thúc đẩy an ninh, ổn định và xây dựng lòng tin trong khu vực. Bên cạnh các phiên làm việc chính, hội thảo đã tổ chức Chương trình Các lãnh đạo trẻ nhằm thiết lập mạng lưới nghiên cứu giữa các học giả trẻ đang nghiên cứu về vấn đề Biển Đông tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu trên thế giới để chuẩn bị thế hệ kế cận tiếp nối và phát triển những ý tưởng hợp tác ở Biển Đông.

Đánh giá về tình hình chung, các đại biểu cho rằng tình hình thế giới có tác động tới tranh chấp trên Biển Đông theo hai hướng. Một mặt, các quốc gia đều có lợi ích với một Biển Đông hòa bình, ổn định và mong muốn bảo đảm quyền tự do, an toàn hàng hải, hàng không qua Biển Đông. Các quốc gia đều mong muốn thúc đẩy hợp tác biển, trong đó hợp tác kinh tế biển đóng vai trò chủ đạo. Mặt khác, Biển Đông là khu vực còn nhiều cạnh tranh, bất đồng, mất lòng tin, thiếu thống nhất giữa các nước về giải thích các khái niệm pháp lý, và tồn tại những ranh giới chiến lược chưa rõ ràng, dễ dẫn đến hiểu lầm và xung đột. Về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, trên khía cạnh chính trị, chiến lược, các học giả nhất trí rằng để đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên Biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo trái phép với quy mô lớn, xây dựng đường băng và khả năng lắp đặt các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc tại các công trình nhân tạo ở Biển Đông. Các diễn biến mới này có thể dẫn đến chạy đua vũ trang tại Biển Đông và đe doạ đến hoà bình, an ninh của khu vực.

Trên khía cạnh pháp lý, các học giả tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là cơ sở để xác định các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia tại các vùng biển ở Biển Đông. Một số học giả Trung Quốc lập luận về quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể vận dụng để giải thích đường chín đoạn ở Biển Đông từ góc độ tập quán quốc tế. Tuy nhiên, lập luận này không nhận được sự đồng tình của nhiều học giả vì lịch sử đường chín đoạn được các học giả Trung Quốc xây dựng trên cơ sở số lượng hạn chế các tài liệu chính trị, không tham khảo các nguồn tài liệu khoa học đa dạng khác nhau của các nước. Đồng thời, một số học giả đã đặt câu hỏi với học giả Trung Quốc về một số vấn đề như giá trị pháp lý của đường chín đoạn, phạm vi rộng của quyền lịch sử, thực tiễn sử dụng biển trong lịch sử còn hạn chế, cũng như sự thiếu vắng tuyên bố giải thích chính thức của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số đại biểu chia sẻ về các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trong đó có phán quyết gần đây của Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc và tác động của vụ kiện với triển vọng giải quyết và quản lý tranh chấp tại Biển Đông.

Trên khía cạnh hợp tác, nhiều mô hình hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và hợp tác khai thác, quản lý tài nguyên đã được nhiều học giả thảo luận sôi nổi. Trong đó, mô hình hợp tác về tìm kiếm cứu nạn tại Bắc Cực và Bộ quy tắc về chống đâm va bất ngờ trên biển của Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương (CUEs) được đặc biệt chia sẻ như là các bài học khả thi cho hợp tác tại Biển Đông. Tại phiên đàm phán giả định, các đại biểu cũng thảo luận về đề xuất thành lập Hội đồng chuyên gia của Liên hợp quốc để tư vấn cho các bên về lĩnh vực và khu vực hợp tác. Đề xuất này được các học giả của các bên có yêu sách tại Biển Đông ủng hộ trên cơ sở thực hiện nguyên tắc của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và chấm dứt các hành động đơn phương tại Biển Đông. Ngoài ra, các học giả cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động đơn phương trên Biển Đông đã dẫn đến tình trạng hủy hoại và cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên, gây căng thẳng và làm ảnh hưởng đến lòng tin trong khu vực. Do đó, thực hiện nghĩa vụ kiềm chế, không thực hiện các hành động đơn phương là việc làm cần thiết để thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông. Để ứng phó với sự tàn phá hệ sinh thái biển gần đây, các bên cần nhanh chóng xây dựng một cơ chế quản lý môi trường biển trên Biển Đông vì chiến lược phát triển bền vững.

Chuyến thăm đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đi vào chiều sâu và thực chất

Nhận lời mời của Tổng thống Đức Joachim Gauck, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Đức từ ngày 24 đến ngày 26-11-2015. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ song phương, là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Đức kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Các nhà lãnh đạo Đức bày tỏ coi trọng và đánh giá chuyến thăm là dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo Đức đã đón tiếp Chủ tịch nước trọng thị, thân tình với các nghi lễ cao nhất dành cho chuyến thăm cấp Nhà nước. Tại các cuộc hội đàm, hai bên đã xác định những phương hướng và biện pháp cụ thể đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức trong thời gian tới, nhất là về hợp tác thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Nhiều cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng đã được thiết lập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại Frankfurt, góp phần tạo xung lực mới, khơi thông dòng chảy giao thương giữa hai nước. Chuyến thăm đã củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai bên. Các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch nước diễn ra trong không khí cởi mở và tin cậy, thể hiện nhiều điểm tương đồng và nhất trí cao về việc tăng cường quan hệ song phương cũng như thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đồng thời, chuyến thăm cũng tạo ra cú hích mạnh để thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư, một trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược.

Nhân dịp này, hai bên đã mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng là giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và lao động. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục nỗ lực đưa trường Đại học Việt - Đức sớm trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, đạt đẳng cấp quốc tế; tạo thuận lợi cho các chương trình giảng dạy tiếng Đức và tiếng Việt tại hai nước và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao theo mô hình đào tạo nghề “song hành” của Đức. Với thế mạnh là có lực lượng lao động dồi dào, trẻ và năng động, có thể hỗ trợ cho nhiều ngành nghề cần nhân lực ở Đức, Việt Nam cũng đã đề nghị phía Đức quan tâm mở rộng hợp tác lao động trong thời gian tới. Các hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cũng thể hiện vai trò chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Chính giới và học giả Đức đánh giá cao cuộc trao đổi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Viện Koerber, trong đó Chủ tịch nước đã chia sẻ những đánh giá, nhận định về sự vận động của tình hình thế giới và khu vực, vai trò của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình hiện nay và mong muốn của Việt Nam về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Chủ tịch nước khẳng định duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; các quốc gia cần nỗ lực, thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu chung này.

Một điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm là các cuộc gặp gỡ rất thân mật và cảm động giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bạn bè Đức và cộng đồng người Việt tại Đức, thể hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tri ân những người bạn Đức của Việt Nam, những người đã dành tình cảm hữu nghị và ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Quan hệ lâu dài, tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức vốn được xây dựng trên nền tảng gắn kết và sự thấu hiểu về văn hóa giữa nhân dân hai nước. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Đức cũng đang phát triển rất năng động, hòa nhập, có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của nước Đức cũng như hướng về quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc và văn hóa dân tộc. Đây là tài sản chung quý báu của lịch sử hai nước và là cầu nối gắn kết, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ trong tất cả các lĩnh vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm, các bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác: Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập; Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác khoa học và công nghệ; Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994; Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên; Hợp đồng dịch vụ kỹ thuật giữa VietJet với Tập đoàn Lufthansa về động cơ máy bay A320. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã tạo bước chuyển biến mới và đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Đại sứ Lào Thongsavanh Phomvihane đến chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam

Chiều 26 và 27-11-2015, Đại sứ Lào Thongsavanh Phomvihane đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhân dịp đại sứ sang nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp thân mật Đại sứ Thongsavanh Phomvihane. Tại buổi tiếp, Đại sứ Thongsavanh Phomvihane đã cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp và dành cho Đại sứ những tình cảm tốt đẹp; trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng mà nhân dân Việt Nam anh em đã đạt được trong thời gian qua. Đại sứ bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam trong thời gian qua đã không ngừng được củng cố và phát triển; cảm ơn về sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, hiệu quả, kịp thời mà Việt Nam đã dành cho Lào từ trước đến nay. Đại sứ khẳng định sẽ làm hết sức mình góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chúc mừng Đại sứ Thongsavanh Phomvihane được Đảng và Nhà nước Lào cử làm Đại sứ tại Việt Nam; hai lãnh đạo tin tưởng Đại sứ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào giao phó, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam -Lào ngày càng phát triển. Khẳng định Việt Nam luôn hết sức coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong rằng Đại sứ sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng giúp phát huy hơn nữa tình cảm hữu nghị truyền thống hai nước, tạo điều kiện để các bộ, ban, ngành, đoàn thể và địa phương hai nước tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Thông qua Đại sứ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng về đối nội và đối ngoại mà nhân dân Lào anh em đã đạt được trong thời gian qua; bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân Lào sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lãnh đạo Đảng ta đã nhờ Đại sứ chuyển lời thăm hỏi sức khỏe và lời chúc tốt đẹp nhất đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Chummaly Saynhasone cùng các lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước Lào.

Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Liên đoàn các nhà báo ASEAN

Ngày 27-11-2015, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) do Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN nhiệm kỳ 2013-2015 Benny Antiporda cùng các nhà báo lão thành của Việt Nam, đại diện các thành viên trong Liên đoàn đã tham dự buổi lễ. Đến dự còn có các đoàn đại biểu hội nhà báo các nước liên kết; hội nhà báo khách mời đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc...

Liên đoàn các nhà báo ASEAN là một tổ chức nghề nghiệp của các nhà báo trong khu vực, được thành lập tại Indonesia vào năm 1975, đến nay vừa tròn 40 năm. Qua bốn thập kỷ hoạt động và phát triển, từ 5 nước thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, đến nay Liên đoàn các nhà báo ASEAN đã phát triển, mở rộng thành viên, thành một tổ chức mạnh với 7 quốc gia thành viên chính thức, 3 thành viên liên kết và 5 quan sát viên từ các quốc gia ngoài khu vực. Tháng 7-1995, Hội Nhà báo Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của Liên đoàn các nhà báo ASEAN cùng thời điểm nước ta chính thức gia nhập ASEAN. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với tư cách là một quốc gia thành viên, trong 20 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động chung của Liên đoàn. Báo chí Việt Nam cùng với báo chí các nước ASEAN thực hiện sứ mệnh cao cả, góp phần vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Báo chí các nước ASEAN đã thực sự là cầu nối văn hóa, giúp nhân dân các nước trong khu vực gần gũi và hiểu biết nhau hơn.

Nhân dịp Liên đoàn các nhà báo ASEAN sang Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và Đại hội đồng CAJ lần thứ 18, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp thân mật Đoàn. Cùng dự buổi tiếp có Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt với các quốc gia Đông Nam Á, là năm Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Điều này cũng đặt ra cho Liên đoàn các nhà báo trong khu vực trách nhiệm góp phần xây dựng ASEAN thành một thực thể gắn kết về chính trị-an ninh; liên kết về kinh tế, cùng hợp tác và chia sẻ trách nhiệm về văn hóa-xã hội... Nhấn mạnh đến thời điểm lịch sử và ý nghĩa to lớn của việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hy vọng thông qua hoạt động nghiệp vụ báo chí, các nhà báo CAJ sẽ truyền bá và duy trì tình đoàn kết, hữu nghị; làm tốt hơn nữa vai trò kết nối, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia ASEAN; đẩy mạnh việc giới thiệu hình ảnh các con người và đất nước thành viên cộng đồng ASEAN với quốc tế, vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển của toàn nhân loại.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Margarita Popova


Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Margarita Popova thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26 đến ngày 29-11-2015. Trong chuyến thăm này, Phó Tổng thống Bulgaria Margarita Popova đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hội đàm với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Tại cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó Tổng thống Margarita Popova đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; trao đổi ý kiến và thống nhất phương hướng, biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, an ninh - quốc phòng. Lãnh đạo hai nước bày tỏ hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế và nhất trí cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Phó Tổng thống Margarita Popova khẳng định Bulgaria ủng hộ quan điểm giải quyết mọi tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lãnh đạo hai nước cùng nhất trí thúc đẩy triẻn khai hiệu quả Mô hình hợp tác kinh tế đã được Nguyên thủ hai nước thông qua năm 2013 nhằm đưa quan hệ hai nước hướng tới đối tác chiến lược trong tương lai và tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Bulgaria đúng dịp hai nước kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2015) sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ Việt Nam - Bulgaria đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.

Tại buổi tiếp Phó Tổng thống Bulgaria, bà Margarita Popova đang có chuyến thăm làm việc tại nước ta theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhiệt liệt chào mừng Phó Tổng thống Margarita Popova và các thành viên trong Đoàn đại biểu Bulgaria sang thăm Việt Nam. Đánh giá cao kết quả hội đàm tốt đẹp giữa Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó Tổng thống Margarita Popova, với việc hai bên thống nhất về phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị của hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng, trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam-Bulgaria sẽ lên một tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Trên cơ sở nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ, triển khai thiết thực, hiệu quả các nội dung hợp tác mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Việt Nam-Bulgaria cần tiếp tục tăng cường hợp tác về kinh tế, giao lưu nhân dân, trao đổi Đoàn các cấp; Quốc hội, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trên các diễn đàn song phương, đa phương.

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên

Nhận lời mời của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Pak Yong Sik, Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Triều Tiên thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 28-11-2015. Trong chuyến thăm này, Đại tướng Pak Yong Sik đã có cuộc hội kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội đàm với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại hội đàm, hai Bộ trưởng đã khẳng định sự coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của mỗi nước cũng như xu thế thời đại, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Hai bên trao đổi một số vấn đề cùng quan tâm và điểm lại kết quả hợp tác giữa quân đội hai nước thời gian qua; đồng thời cho rằng kết quả hợp tác trong lĩnh vực trao đổi đoàn, đào tạo, văn hóa, thể thao đã góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai Bộ trưởng thống nhất tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống qua tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi học viên học ngôn ngữ, hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng, thư viện và văn hóa, thể thao.

Tại buổi hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sau khi báo cáo kết quả hội đàm giữa đoàn Triều Tiên với Đại tướng Phùng Quang Thanh, đặc biệt là những nội dung hai bên cam kết thực hiện trong thời gian tới như giao lưu với cấp cao, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh, Đại tướng Triều Tiên Pak Yong Sik đã bày tỏ ấn tượng với những bước phát triển về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, xây dựng quân đội chính quy, ngăn chặn hiệu quả âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Đại tướng Pak Yong Sik khẳng định cá nhân mình sẽ làm hết sức để góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Bày tỏ vui mừng trước những thành quả cách mạng đất nước Triều Tiên đã đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Đại tướng Pak Yong Sik và lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam; mong muốn hai Bộ triển khai thật tốt những nội dung cam kết. Chủ tịch nước tin tưởng nhân dân Triều Tiên tiếp tục đạt được nhiều thành tựu dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Triều Tiên. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam ghi nhớ quan hệ bạn bè truyền thống lâu đời, đồng thời trước sau như một muốn tăng cường hợp tác quan hệ với Triều Tiên. Bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước thời gian qua, Đại tướng Pak Yong Sik nhấn mạnh quan hệ truyền thống giữa Triều Tiên và Việt Nam được Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp, đã được các thế hệ lãnh đạo hai nước tiếp tục kế thừa và nâng tầm phát triển./.