Ngày 13-11-2015, Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới được tổ chức. Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở vùng đồng bào Chăm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống của đồng bào Chăm được nâng lên rõ rệt và là một trong các dân tộc thiểu số có mức sống khá.

Nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho thấy, dân tộc Chăm là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hiện nay, người Chăm của cả nước có khoảng 170.600 người, sinh sống trên địa bàn thuộc 35 huyện, thị của 10 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Nam Bộ. Dân tộc Chăm có mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn khá chặt chẽ với một số quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới và là một trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời, nền văn hóa đa dạng, độc đáo và phong phú. Trước thời điểm năm 2004, vùng đồng bào Chăm có nhiều vấn đề khó khăn, bất cập như tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển; đời sống của một bộ phận đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mức trung bình của cả nước; công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa còn nhiều hạn chế; nhiều nơi đồng bào thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, lực lượng đảng viên cốt cán là người Chăm còn mỏng.

Nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, bất cập trên, tạo động lực cho đồng bào Chăm nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển chung, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần vùng đồng bào Chăm đã có chuyển biến rõ nét. Cùng với sự hỗ trợ của trung ương, các tỉnh, thành phố đã ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, 100% xã đã có đường ô tô được kiên cố hóa đến trung tâm xã, có trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, 100% xã và trên 80% thôn có điện lưới; vấn đề thiếu và không có đất sản xuất cơ bản được giải quyết. Ngành, nghề truyền thống của đồng bào Chăm được khôi phục, bảo tồn, phát huy, gắn phát triển làng nghề với du lịch cộng đồng đã tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đời sống kinh tế người Chăm được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Các địa phương đã chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc Chăm; tạo điều kiện cho đồng bào sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của dân tộc Chăm ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường ở hầu hết các địa phương vùng đồng bào Chăm đều đạt trên 97,5%, cao nhất trong các dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Chăm được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển Đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc Chăm được quan tâm phát triển tương đối hợp lý; chất lượng cán bộ, công chức người Chăm từ cơ sở đến huyện, tỉnh đa số có trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ ngày càng đáp ứng trước yêu cầu của tình hình mới. An ninh trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Chăm cơ bản được giữ vững và ổn định. Đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Chăm nói riêng chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đề cao cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đoàn kết nội bộ và đoàn kết giữa dân tộc Chăm với cộng đồng các dân tộc được duy trì và giữ vững; ý thức quốc gia, dân tộc và lòng tin của đồng bào Chăm với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, Chỉ thị 06 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, đúng và trúng với yêu cầu thực tế, từ đó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định chính trị vùng đồng bào Chăm, tạo động lực để cộng đồng dân tộc Chăm nhanh chóng bắt nhịp và hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc Chăm, đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Tìm giải pháp căn cơ

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí, giải pháp căn cơ nhất là phát triển ngành nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào, tập trung khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất có được, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Trong đó, cần quan tâm đúng mức đến đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu là thủy lợi và giao thông; đồng thời đẩy mạnh công tác dạy nghề, soát xét lại danh mục ngành nghề cần đào tạo để chọn nghề đúng với nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí; giải quyết tốt khâu đầu ra cho các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Biểu dương và đánh giá cao Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt hai mục tiêu quan trọng của Chỉ thị 06 phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự, song, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những mặt hạn chế, bất cập, đó là còn có một số bộ, ngành và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị. Kinh tế vùng đồng bào Chăm tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sức cạnh tranh còn kém; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, người dân còn thiếu đất, thiếu nước sản xuất. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền ở các xã thuần Chăm chưa hiệu quả, đặc biệt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật nhà nước còn hạn chế. Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm còn khó khăn, một số công trình văn hóa xuống cấp chưa được bảo tồn kịp thời. Phát triển giáo dục của đồng bào Chăm còn hạn chế. Hoạt động tôn giáo còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, các thế lực thù địch người Chăm lưu vong thường xuyên xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù dân tộc, gây mất ổn định.

Nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề bình đẳng dân tộc là nguyên tắc rất quan trọng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Chăm, đặc biệt là Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đối với vùng đồng bào Chăm nói riêng, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, Chỉ thị 38/2004/CT-TTg về đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc Chăm đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng có đông đồng bào Chăm sinh sống.

Trước thực tiễn nơi đồng bào Chăm sinh sống đông, nhất là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, tình hình hạn hán, thiếu nước đang diễn ra, trong khi người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, các tỉnh tập trung giải quyết vấn đề khô hạn, bảo đảm nước tưới sản xuất, tăng cường chuyển giao kỹ thuật, phát triển các sản phẩm, nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phù hợp điều kiện tự nhiên và điều kiện sống của người Chăm, đi liền với đó, tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với tình hình hạn hán, sa mạc hóa. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc phát triển làng nghề truyền thống là thế mạnh của đồng bào Chăm, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên huy động nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế đồng bào dân tộc Chăm. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng để đồng bào Chăm phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề. Các bộ, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát danh mục ngành nghề, quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020 trong đó có quy hoạch cụ thể các cơ sở dạy nghề trong vùng dân tộc Chăm, triển khai hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ở vùng đồng bào Chăm, thuần Chăm, chống những tập tục lạc hậu.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch, chống đối, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại về chủ trương chính sách, chủ động cung cấp thông tin khách quan về các kết quả đạt được trong chính sách đối với đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào Chăm nói riêng. Tăng cường xây dựng cốt cán trong đồng bào người Chăm, hướng dẫn hoạt động truyền giáo, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hiện các hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ của pháp luật. Các địa phương, Ban Tôn giáo Chính phủ kịp thời nắm tâm tư của đồng bào để giải quyết hợp lý, hợp tình để các tôn giáo đoàn kết một lòng xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ xã, phường, thị trấn là người dân tộc nói chung và người Chăm nói riêng, quan tâm bồi dưỡng phát triển đảng viên là người dân tộc Chăm, đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ là người Chăm trong hệ thống chính trị, đảm bảo tỷ lệ cơ cấu hợp lý, nhất là ở những nơi có đồng bào dân tộc Chăm chiếm số lượng lớn./.