Một số chính sách của Trung Quốc đối với nông dân và tham chiếu kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. Lê Xuân Cử Đại học Lao động và Xã hội
12:09, ngày 12-11-2015
TCCSĐT - Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề như mất đất sản xuất nông nghiệp, nông dân đổ ra thành phố, khu công nghiệp tìm việc làm, các vấn đề xã hội phát sinh,… Chính sách của Chính phủ Trung Quốc trong xử lý các vấn đề này có giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Một số chính sách của Trung Quốc đối với nông dân

Thứ nhất, chính sách ruộng đất đối với nông dân

Hiện nay, diện tích đất trồng trọt ở Trung Quốc vào khoảng 0,092 ha/người, chỉ bằng 40% mức bình quân của thế giới. Trung Quốc chỉ còn chưa đầy 4,7 triệu ha được coi là đất dự trữ sản xuất nông nghiệp. Tình trạng mất đất ngày càng tăng lên do công nghiệp hoá và đô thị hoá làm cho hơn 200 triệu người phải lang thang đi tìm việc ở khắp nơi. Hiện nay, đã có 70 triệu nông dân mất đất mà không còn phúc lợi tập thể để hỗ trợ họ. Một thực tế khác là ruộng đất ở Trung Quốc rất manh mún, mỗi nông hộ “sử dụng” một khoảnh đất nhỏ, bình quân 0,67 ha/hộ gia đình, bằng 1/4 bình quân thế giới. Chính vì quá nhỏ và manh mún như vậy nên việc sản xuất kém hiệu quả, gây mất an toàn cho an ninh lương thực, cán cân thu nhập lệch hẳn về các đô thị.

Hiến pháp Trung Quốc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý; nông dân chỉ có “quyền sử dụng” đất nông nghiệp theo hợp đồng 30 năm. Điều đó có nghĩa là chính quyền địa phương có thể thu hồi đất vào bất cứ lúc nào. Lợi dụng điều này, nhân danh sự phát triển, quan chức ở một số địa phương cấu kết với các chủ doanh nghiệp tiến hành “thu hồi” đất canh tác của nông dân với khoản bồi thường rất ít hoặc không bồi thường gì cả.

Nông dân ra thành phố kiếm việc làm phải nhờ người thân canh tác những khoảnh ruộng của họ hoặc bỏ ruộng hoang mà không thể bán đi được. Trong khi đó, nhiều người có vốn, có khả năng lại khó mở rộng quy mô trang trại, vì luật pháp không cho phép mua bán đất, cách giải quyết của họ là chuyển sang thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ ruộng đất thuê mướn trong tổng diện tích đất canh tác ở Trung Quốc thời gian qua tăng lên liên tục, diện tích thuê chiếm tới hơn 10% trong cả nước. Có tỉnh như Triết Giang, diện tích thuê chiếm tới 30%. Nhờ đó, quy mô bình quân ruộng đất/hộ của Trung Quốc từ năm 2000 đến nay có xu hướng tăng lên. Cho thuê đất nông nghiệp là một giải pháp để chuyển lao động nông thôn sang thị trường lao động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi “bẫy quy mô sản xuất nhỏ” mà các nước công nghiệp mới đi trước mắc phải.

Trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu nâng sản lượng lương thực hàng năm lên trên 550 triệu tấn vào năm 2020, tăng 50 triệu tấn so với năm 2007. Nhưng, giới chuyên gia cảnh báo tình trạng thiếu đất trồng trọt và thiếu nước tưới ngày càng trầm trọng như hiện nay có thể cản trở nước này đạt mục tiêu sản lượng lương thực đầy tham vọng trong thập kỷ tới, và thậm chí, xa hơn, đe dọa an ninh lương thực của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Sản lượng lương thực khó có thể tiếp tục tăng một khi Trung Quốc không còn khả năng mở rộng diện tích canh tác trong tương lai.

Trước tình hình đó, nhằm bảo vệ đầy đủ quyền lợi của nông dân cũng như đảm bảo an ninh lương thực, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII đã chính thức thông qua kế hoạch cải cách ruộng đất với quyết tâm lấy lại thế cân bằng cho hơn 800 triệu nông dân.

Theo chiến lược phát triển nông thôn, Trung Quốc sẽ thực thi chế độ bảo hộ ruộng đất, bảo hộ quyền tự chủ kinh doanh của nông dân, bồi thường thích đáng cho các trường hợp người dân bị chiếm dụng ruộng đất. Tiền chuyển nhượng ruộng đất phải thuộc về nông dân. Ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, nhưng quyền sản xuất kinh doanh nằm trong tay nông dân và quyền của họ được bảo đảm, không thay đổi. Yêu cầu này xuất phát từ một thực tế: người nông dân Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được đất đai của mình. Hiện tại, họ chỉ được thuê đất trong 25-30 năm và không thể sử dụng đất làm phương tiện thế chấp để vay vốn ngân hàng và đầu tư tăng gia sản xuất. Có lẽ chính vì thế mà một khi nhà nước cần lấy đất để triển khai các khu công nghiệp hay các công trình công cộng…, giá đền bù thường rất rẻ và không thỏa đáng. Và mâu thuẫn xung quanh quyền sở hữu ruộng đất là nguyên nhân của các vụ biểu tình ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trước tình hình đó, Trung Quốc đã quyết định đưa ra một thay đổi cơ bản. Trước hết là nâng thời hạn quyền sử dụng đất lên 70 năm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, nông dân sẽ được phép chuyển nhượng, cho thuê và cầm cố quyền sử dụng mảnh đất của mình để thu lợi nhuận trên thị trường giao dịch ruộng đất. Đối tượng được chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng ruộng đất có thể là cá nhân hoặc công ty.

Để hạn chế tình trạng lấy đất nông nghiệp, Trung Quốc quy định việc thu hồi đất nông nghiệp rất ngặt nghèo. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải đúng với chiến lược lâu dài của vùng và phải nằm trong chỉ giới đỏ. Mục tiêu là bảo đảm cả nước luôn duy trì 1,8 tỷ mẫu đất nông nghiệp trở lên. Hiện ở Trung Quốc, nhiều địa phương thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp đã phải trả lại cho nông dân để sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Trung Quốc cũng cho phép nông dân có thể dùng đất canh tác để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Ngoài ra, Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc bảo vệ đất canh tác, đặc biệt là “đất ruộng cơ bản” đã được chính quyền xác định dùng vào sản xuất lương thực, bông, dầu ăn, rau, hoặc đã có công trình thuỷ lợi tốt. Luật pháp còn quy định cụ thể đất ruộng cơ bản phải chiếm 80% trở lên đất canh tác của mỗi tỉnh. Nguyên tắc bảo vệ đất canh tác là “chiếm bao nhiêu, khẩn bấy nhiêu”, nếu không có điều kiện thì nộp phí khai khẩn cho cấp tỉnh dùng để khai hoang. Cấm không được chiếm dụng đất canh tác để xây lò gạch, mồ mả hoặc tự ý xây nhà, đào lấy đất cát, khai thác đá, quặng... Việc trưng thu các đất sau đây phải được Quốc vụ viện (Chính phủ) phê chuẩn: 1/ Đất ruộng cơ bản; 2/ Đất canh tác vượt quá 35 ha; 3/ Đất khác vượt quá 70 ha. Trưng thu các đất khác do chính quyền cấp tỉnh phê chuẩn rồi báo cáo Quốc vụ viện.

Khi trưng thu đất đai thì phải bồi thường theo hiện trạng sử dụng đất lúc đó. Chi phí bồi thường bao gồm tiền bồi thường đất, tiền trợ giúp an cư tính theo số nhân khẩu của hộ gia đình và tiền hoa màu. Tiền bồi thường đất bằng 6 - 10 lần, còn tổng số tiền trợ giúp an cư tối đa không quá 15 lần giá trị trung bình sản lượng hàng năm của 3 năm trước trưng thu.

Thứ hai, một số chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn

- Giảm thuế để thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Hiện ở Trung Quốc, số doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn chiếm 30% tổng số doanh nghiệp cả nước, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ Nông nghiệp đã trình Chính phủ đề án thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc; trong đó chú trọng phát triển công nghệ sinh học để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị; bảo đảm an toàn vệ sinh của sản phẩm sau thu hoạch.

- Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao: Trung Quốc đã xây dựng 4.139 khu công nghiệp tiêu chuẩn hóa cấp tỉnh và quốc gia; làm bùng nổ phát triển nông nghiệp, nông thôn chuyên sâu theo cách “Nhất thôn, nhất phẩm” (Mỗi thôn có một sản phẩm). Đến nay, Trung Quốc đã có 154.842 doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp kéo theo sự phát triển của 90.980.000 hộ sản xuất trên 1,3 tỷ mẫu đất trồng cây các loại; 95,7 triệu mẫu đất chăn nuôi thủy, hải sản.

- Chính sách “Tam nông” trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc với tiêu chí “hai mở, một điều chỉnh”: Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay hỗ trợ tài chính cho Tam nông với ba mục tiêu: “Nông nghiệp gia tăng sản xuất, nông thôn phát triển và nông dân tăng thu nhập.” Định hướng hỗ trợ tài chính cho Tam nông ở Trung Quốc hiện nay là: “Nông nghiệp hiện đại, nông thôn đô thị hóa, nông dân chuyên nghiệp hóa”. Để tăng thu nhập cho nông dân, Trung Quốc đã tăng đầu tư hỗ trợ về giá thu mua giống, hỗ trợ mua lương thực không thấp hơn giá thị trường, mua máy móc thiết bị đi cùng với chính sách xây dựng cơ chế hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng làm việc, đặc biệt là cho lao động trẻ.

Chính sách Tam nông ở Trung Quốc đã đạt hiệu quả khá tốt, năm 2009 thu nhập bình quân của dân cư nông thôn đạt 8.000 tệ/năm, tăng 8,5% so với năm 2008. Năm 2009, Trung Quốc đã làm 300.000 km đường bộ nông thôn; hỗ trợ 46 triệu người nghèo đảm bảo đời sống tối thiểu, triển khai 320 huyện thực hiện thí điểm bảo hiểm dưỡng lão xã hội ở nông thôn.

- Chính sách khuyến nông và tăng quyền cho nông dân: Nội dung cốt lõi của chính sách này là nông dân được trao đổi, sang nhượng không hạn chế quyền sử dụng đất nông nghiệp miễn là không chuyển đổi mục đích sử dụng. Nông dân cũng sẽ được thế chấp, cầm cố quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn vào công ty nông nghiệp. Những quy định đó đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các nông trại quy mô lớn canh tác công nghệ cao.

Tham chiếu một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, quy hoạch, quản lý, sử dụng và tích tụ đất nông nghiệp

Cần hạn chế tối đa lấy đất nông nghiệp cho mục đích công nghiệp và nên ban hành mức thuế đánh mạnh vào việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Mặt khác, cũng cần ban hành chính sách và giám sát chặt chẽ việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên cả nước và từng địa phương một cách có căn cứ, ổn định, lâu dài. Kiên quyết giữ các vùng đất tốt chuyên canh lúa đồng bằng sông Cửu Long ở mức 2,5 triệu ha, đồng bằng sông Hồng 0,8 triệu ha.

Khi cần thu hồi đất của nông dân phải đền bù thỏa đáng và bố trí công ăn việc làm thích hợp cho người nông dân. Phần lợi nhuận thu từ đất thu hồi trích theo tỷ lệ nộp lại cho địa phương sử dụng cho mục đích công cộng và xã hội.

Để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, cũng cần tạo điều kiện cho quá trình tích tụ ruộng đất, nên nới rộng hạn điền và thời gian giao quyền sử dụng đất, chẳng hạn từ 50 đến 100 năm, để người dân an tâm đầu tư lâu dài. Trong trường hợp người dân chuyển sang các ngành nghề khác thì Nhà nước mua và cho thuê nhằm bảo đảm diện tích đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ ruộng đất ở nông thôn.

Thứ hai, hỗ trợ tích cực cho nông dân bằng việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn

Hiện nay, nhiều nông dân Việt Nam đã làm ra các nông sản xuất khẩu sang thị trường các nước, nhưng về cơ bản thì cơ cấu nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa đổi về chất, nông dân vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nông dân còn bị thua thiệt. Do vậy, cần phải chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng đầu tư nghiên cứu và khuyến khích chuyển giao sử dụng các kết quả khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học. Muốn vậy, phải hỗ trợ nông dân cách sử dụng công nghệ sinh học từ những nguyên liệu sẵn có như mía, sắn, ngô, khoai,… Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu chọn lọc và hoàn thiện bộ giống chuẩn quốc gia về các cây lương thực chủ yếu như lúa cao sản, ngắn ngày, các giống cây ăn trái Nam Bộ, chè, cao su, cà phê và thủy, hải sản thế mạnh của Việt Nam. Ở đây, Chính phủ có vai trò và trách nhiệm chuẩn bị tốt tri thức nhiều mặt để nông dân bắt kịp với nền nông nghiệp hiện đại.

Thứ ba, có biện pháp đột phá về thị trường xuất khẩu nông sản, nâng cao sức cạnh tranh và hoàn thiện thể chế lưu thông hàng nông sản

Việc gia nhập WTO và các hiệp định tư do hóa thương mại là thách thức lớn nhất với nông dân và hàng hóa nông sản Việt Nam do phương thức canh tác nông nghiệp còn lạc hậu, năng xuất thấp và chi phí cao, chất lượng và quy cách sản phẩm không đồng đều,...

Để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam cần có biện pháp đột phá thị trường nhằm chiếm lĩnh thị phần ở các thị trường EU, Úc, Nhật, Hoa Kỳ,... Trách nhiệm này không thể phó thác cho nông dân hay một doanh nghiệp cụ thể, mà phải là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ chuyên ngành, các cơ quan hoạch định chiến lược quốc gia cùng phối hợp thực hiện.

Thứ tư, có biện pháp hỗ trợ có hiệu quả cho nông dân

Hiện nay, việc tăng giá bình quân đầu vào của các vật tư sản xuất nông nghiệp cao hơn đầu ra của sản phẩm nông sản đang đặt ra cho chính sách hỗ trợ nông dân những thách thức mới. Ở các nước nông nghiệp phát triển, người ta rất quan tâm và có điều kiện tài chính để trợ cấp, bảo hộ rất mạnh cho nông nghiệp. Và các nước này luôn dựng lên một hàng rào bảo hộ ở mức cao; từ đó gây khó khăn cho hàng nông sản của các nước đang phát triển như Việt Nam thâm nhập. Còn ở nước ta, do chưa đủ điều kiện lại chưa nhận thức đúng nên sự hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân bị xem nhẹ. Vì thế, việc hỗ trợ có hiệu quả cho nông dân là một thực tế đặt ra và cũng là bài học rút ra từ kinh nghiệm Trung Quốc và các nước khác. Cụ thể:

- Phải hỗ trợ đúng nguyên tắc của WTO và các cam kết quốc tế khác. WTO cho phép trợ cấp nông nghiệp (trừ trợ cấp xuất khẩu) đến 10% GDP của ngành (WTO chỉ cấm hỗ trợ bóp méo giá cả thị trường hoặc hàng hóa xuất khẩu gây tổn hại cho xuất khẩu của nước nhập khẩu mà thôi).

- Nên tập trung hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật thủy, hải sản và phát triển đồng bộ giao thông nông thôn, đào tạo và nâng cao dân trí, chuyển dịch lao động nông thôn, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ cho vùng khó khăn, chi trả trực tiếp cho người sản xuất, trợ cấp chi phí tiếp thị và vận chuyển trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị thông qua các chương trình lớn của Chính phủ.

- Việc hỗ trợ của Nhà nước phải là chất xúc tác để phát huy hiệu quả đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện nay mức đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 14% tổng đầu tư ngân sách là chưa hợp lý, vì nông dân chiếm đa số trong dân cư. Vì vậy, cần phải nâng tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp, chẳng hạn lên gấp đôi hiện nay để tạo bước phát triển có ý nghĩa cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn./.