TCCS - Thời gian qua, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) tuy được Đảng bộ huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) chú trọng, nhưng thực tế vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng TCCSĐ hiện đang là một trong những vấn đề cấp thiết nhất của địa phương.

Là huyện đồng bằng ven biển phía nam của tỉnh Quảng Ngãi, đa số nhân dân Mộ Đức sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Hằng năm, nhiều lao động chính vào các tỉnh, thành phố phía Nam làm ăn gây ra những tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Từ thực trạng trên, quán triệt quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng, nhất là xây dựng, củng cố TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Từ năm 2006 đến nay, huyện gắn chặt công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ nói riêng với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhờ đó, TCCSĐ trên địa bàn huyện phát triển mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2005, Đảng bộ huyện có 48 TCCSĐ với 2.876 đảng viên (trong đó, có 29 TCCSĐ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, chiếm 60,41%; 27 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 35,43%; 2 TCCSĐ yếu kém, chiếm 4,16%), thì đến năm 2008 toàn huyện có 37/53 TCCSĐ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; 11 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 5 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách thường xuyên về công tác phát triển Đảng, trong đó chú trọng địa bàn ít đảng viên hoặc chưa có đảng viên, nên đến nay đã có 100% số thôn, tổ dân phố, trường học (từ bậc tiểu học đến THPT), trạm y tế xã, thị trấn đều có chi bộ hoạt động ngày càng có nền nếp và đạt được những kết quả nhất định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ chính trị ở địa phương: Kinh tế - xã hội liên tục phát triển; tổng giá trị sản xuất năm sau tăng cao hơn năm trước (năm 2006 tăng 16% so với năm 2005; năm 2007 tăng 16,4% so với năm 2006); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; y tế, giáo dục, văn hóa thông tin ngày càng phát triển về chất lượng; đời sống nhân dân từng bước cải thiện và ổn định; an ninh chính trị được giữ vững...

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác xây dựng TCCSĐ nói riêng, Huyện ủy Mộ Đức rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, phải thường xuyên kiện toàn cấp ủy và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là người đứng đầu, thực sự vững mạnh để đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả. Đồng thời, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, từng cơ quan, đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ đảng viên, công chức để phát huy trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Công nghiệp chế biến gỗ, đồ mộc dân dụng xuất khẩu, đồ gỗ tinh chế, công nghiêp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công... phát triển mạnh. Đặc biệt, công nghiệp chế biến thủy sản và dịch vụ thủy sản được chọn làm khâu đột phá của Mộ Đức giai đoạn 2006 - 2010.

Thứ hai,
trong quá trình lãnh đạo, điều hành các cấp ủy, TCCSĐ giữ vững, tuân thủ triệt để các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc và điều hành theo quy chế, ngăn chặn và khắc phục nghiêm túc tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật trong tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, TCCSĐ. Nội dung sinh hoạt đảng bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Đổi mới chất lượng ra nghị quyết và triển khai thực hiện nghị quyết. Cấp ủy, TCCSĐ cụ thể hóa nghị quyết đại hội của chi bộ, đảng bộ thành nghị quyết hằng năm và trong các kỳ sinh hoạt đảng theo từng nhiệm vụ, thời gian cụ thể. Khi có nghị quyết phải phân công, phân nhiệm rõ ràng để bảo đảm thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả. Trong thời gian thực hiện nghị quyết, luôn liên hệ đánh giá sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác quản lý và phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên. Mỗi đảng viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh. Phải liên hệ đánh giá việc đảng viên thực hiện nhiệm vụ được phân công trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, trong đánh giá phân loại chất lượng đảng viên hằng năm.

Thứ năm, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đối với các TCCSĐ gắn với trách nhiệm cá nhân của các ủy viên thường vụ và huyện ủy viên phụ trách địa bàn; phải sâu sát cơ sở, am hiểu thực tiễn, chú ý giải quyết kịp thời, hiệu quả những đề xuất, kiến nghị chính đáng và những vấn đề nổi cộm ở cơ sở. Qua đó tạo sự thống nhất giữa cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới và sự đồng thuận trong xã hội.

Thứ sáu, mỗi TCCSĐ và cán bộ đảng viên phải làm tốt công tác quần chúng, xác định và thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhân dân giao phó.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác xây dựng TCCSĐ của Mộ Đức vẫn còn một số hạn chế:

- Một số cấp ủy và TCCSĐ còn hạn chế về năng lực lãnh đạo, điều hành; chưa thực hiện đầy đủ chức năng là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; nội dung, phương phức lãnh đạo có lúc còn lúng túng hoặc chưa phát huy tốt tinh thần trách nhiệm; thực hiện công tác tự phê bình và phê bình chưa thành nền nếp, thường xuyên, còn biểu hiện cảm tình, nể nang, xuê xoa trong đấu tranh xây dựng nội bộ; chất lượng sinh hoạt, chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết còn hạn chế; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có lúc còn buông lỏng; công tác phát triển Đảng tuy đạt chỉ tiêu đề ra nhưng chưa đồng bộ; đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên chưa phản ánh đúng thực chất; quy trình thực hiện một số nội dung về công tác nghiệp vụ đảng viên còn nhiều thiếu sót.

- Một số cấp ủy, TCCSĐ chưa quan tâm đúng mức công tác đánh giá, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đánh giá không gắn chức trách nhiệm vụ được phân công với hiệu quả công tác, chưa phản ảnh thực chất ưu, khuyết điểm của cán bộ, còn cảm tình nể nang, thiếu tính chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm.

- Một số TCCSĐ chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên. Một bộ phận đảng viên thiếu quan tâm trong việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng và sinh hoạt chi bộ, tinh thần đấu tranh xây dựng nội bộ yếu; tính tiền phong gương mẫu và tác dụng lãnh đạo quần chúng còn hạn chế.

Từ kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm, thời gian tới, huyện Mộ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng TCCSĐ, nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Huyện đã và đang chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1 - Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X; gắn công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác xây dựng TCCSĐ nói riêng với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đưa nội dung chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ. Tiếp tục củng cố, kiện toàn TCCSĐ, bảo đảm TCCSĐ thực hiện đúng với chức năng, nhiệm vụ, thật sự là nền tảng của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Đồng thời chăm lo, kiện toàn bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở thật sự vững mạnh để đủ sức tổ chức thực hiện những nghị quyết, chủ trương của Đảng đề ra.

2 - Nâng cao phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy, TCCSĐ; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của từng cấp ủy, đảng viên theo Kế hoạch 19-KH/HU, ngày 23-11-2007, của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới theo chương trình hành động số 15-CTr/HU của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển nguồn nhân lực; xem xét, đánh giá toàn diện sâu sắc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới, ưu tiên phát triển đảng viên trong lực lượng đoàn viên thanh niên có trình độ và kiến thức nhằm bổ sung đảng viên trẻ cho các chi bộ, tổ chức cơ sở đảng.

Trên địa bàn huyện Mộ Đức hiện có 2.123 hộ kinh doanh cá thể, với 3.891 lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung và hàng chục làng nghề mới phát triển.

3 - Bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, TCCSĐ, bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, phát huy đầy đủ chế độ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy phải tuân thủ thực hiện theo quy chế nhằm phát huy dân chủ, chế độ trách nhiệm và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Giữ vững chế độ sinh hoạt định kỳ hằng tháng của các cấp ủy, tổ chức đảng đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng. Qua đó, nâng cao chất lượng ra nghị quyết, bảo đảm nghị quyết phản ánh sát, đúng, toàn diện, đáp ứng yêu cầu bức thiết của từng địa phương, đơn vị.

4 - Tiếp tục phân công trách nhiệm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ phụ trách trong từng lĩnh vực công tác, từng đơn vị và phân công phụ trách địa bàn. Tăng cường cơ chế để cán bộ phụ trách đề cao trách nhiệm, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng và của cấp ủy, đồng thời nắm chắc tình hình, phát hiện các vấn đề mới nảy sinh, nổi cộm, trước hết là trong phạm vi công tác, ngành và đơn vị phụ trách để chỉ đạo và tham gia giải quyết hoặc đề xuất, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết kịp thời.

5 - Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch số 18-KH/HU, ngày 23-11-2007, của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát; có chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát các TCCSĐ và đảng viên chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, quy định, Điều lệ Đảng. Thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt và khai thác tốt các thông tin, phát hiện, kiểm tra, kết luận và xử lý kịp thời dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước của TCCSĐ và đảng viên.

6 - Thường xuyên sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp ủy, TCCSĐ. Qua đó, xác định rõ những việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân để tiếp tục phát huy ưu điểm và nghiêm khắc sửa chữa khuyết điểm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với những TCCSĐ và cá nhân đạt thành tích xuất sắc./.