Liên hợp quốc 70 năm hình thành và phát triển

Trần Kim Chi ThS, Văn phòng Quốc hội
06:15, ngày 10-10-2015

TCCS - Cách đây 70 năm, ngày 24-10-1945, Liên hợp quốc - tổ chức toàn cầu lớn nhất thế giới ra đời, đánh dấu một bước phát triển lịch sử trong quan hệ quốc tế hiện đại, mở ra một thời kỳ mới trong việc giải quyết, ngăn ngừa xung đột quốc tế, gìn giữ hòa bình. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong tổ chức và hiệu quả hoạt động, cho đến nay, Liên hợp quốc vẫn là một thể chế toàn cầu lớn nhất hiện nay góp phần đáng kể vào việc bảo vệ nền hòa bình thế giới.

Thực hiện sứ mệnh hòa bình cao cả

Hậu quả tàn khốc của Chiến tranh thế giới thứ hai đã thôi thúc các nước Đồng minh nhất trí về nguyên tắc cần phải thành lập một cơ chế mới, một tổ chức quốc tế mới hoạt động hiệu quả hơn so với Hội Quốc liên(1) để đảm nhận sứ mệnh cao cả gìn giữ hòa bình và ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới. Quyết tâm này được thể hiện rất rõ tại Tuyên bố ở Hội nghị Mát-xcơ-va (tháng 10-1943) và ở Hội nghị Tê-hê-ran (tháng 12-1943) giữa Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sau hàng loạt trao đổi trong các năm 1943 - 1944, ngày 25-4-1945, đại biểu của 50 quốc gia đã họp tại Xan Phran-xi-xcô (Hoa Kỳ), soạn thảo và thống nhất thông qua Bản Hiến chương Liên hợp quốc gồm 111 điều vào ngày 25-6-1945. Ngày 24-10-1945 đánh dấu lịch sử của Liên hợp quốc khi bản Hiến chương được 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an cùng hầu hết các quốc gia tham gia ký kết đã phê chuẩn và có hiệu lực. Bốn mục tiêu và bảy nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc có tính chất bao quát, phản ánh mối quan tâm toàn diện của các quốc gia.

Từ con số 51 quốc gia đầu tiên vào năm 1945, Liên hợp quốc ngày nay có 193 thành viên và 2 quan sát viên; trở thành một hệ thống toàn diện gồm các cơ quan, như Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Quản thác, Ban Thư ký và Tòa án Công lý quốc tế, các chương trình, quỹ và các tổ chức chuyên môn có quan hệ đối tác với Liên hợp quốc. Trải qua một chặng đường gian khó 70 năm trong vai trò thiên sứ hòa bình, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nhân loại, Liên hợp quốc có những đóng góp không thể phủ nhận.

Một là, gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên hợp quốc vẫn được duy trì là một diễn đàn hòa bình để các bên đối thoại, góp phần giải tỏa những căng thẳng, ngăn chặn tình trạng leo thang trở thành cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba. Liên hợp quốc tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua thương lượng, sáng kiến giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực.

Phạm vi, quy mô các vấn đề mà Liên hợp quốc giải quyết được mở rộng, không chỉ các cuộc xung đột giữa các quốc gia mà còn quyết định tiến hành chiến tranh trừng phạt (chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích năm 1990), hoặc trực tiếp giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, tham gia xây dựng thể chế sau xung đột, như tại Nam Tư cũ, Đông Ti-mo, I-rắc,... chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai, chống khủng bố, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân đế quốc, giải trừ vũ khí hạt nhân, ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cấm thử và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình, theo dõi các lực lượng tham chiến ở các vùng xung đột rút quân, giám sát bầu cử, hỗ trợ tái thiết. Hiện nay, Liên hợp quốc đã hoàn thành 55 nhiệm vụ và đang triển khai 16 nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Trong nỗ lực bảo đảm an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an có 4 tiểu ban chuyên xử lý khủng bố bằng cách trừng phạt, thông qua báo cáo của các quốc gia thành viên, xác định điểm yếu tồn tại trong các chiến lược, trong hệ thống pháp luật và thực thi chính sách chống khủng bố của những nước này. Đại hội đồng đã thông qua công ước toàn cầu thứ 13 nghiêm cấm một số loại hình hành động khủng bố cụ thể, như khủng bố hạt nhân. Với sự can thiệp của Liên hợp quốc, nhiều cuộc xung đột đã được giải quyết, cứu được sinh mạng của hàng triệu người.

Hai là, thúc đẩy phát triển con người. Nhằm mục tiêu phát triển, Liên hợp quốc luôn ưu tiên tạo dựng môi trường kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế thuận lợi, bình đẳng, đáp ứng được những lợi ích chính đáng của các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phát triển. Việc thúc đẩy vòng Đàm phán Ðô-ha hiện nay về thương mại cho thấy quyết tâm của các nước tăng cường mọi hình thức hợp tác và đối tác thương mại và phát triển cả trong phạm vi quốc gia lẫn quốc tế, tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển vào thương mại quốc tế; tăng cường đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và các hình thức hợp tác, trong đó hợp tác Nam - Nam bổ sung nhưng không thay thế cho hợp tác Bắc - Nam(2). Hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực của giao lưu quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển (năm 1982) đã được ký kết, xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn và đưa ra khuyến nghị định hướng cho luật pháp quốc tế.

Đối với các mục tiêu phát triển, từ năm 1960, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã đề ra các chiến lược cho từng thập niên nhằm huy động hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung. Các tổ chức của Liên hợp quốc đã hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức cho các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế của những quốc gia đang phát triển. Liên hợp quốc hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ các quốc gia trong công cuộc xóa đói nghèo, nâng cao chất lượng phát triển của mỗi nước, thể hiện qua các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) mà Liên hợp quốc đã đề ra trong giai đoạn 2000 - 2015. Năm 2015 là dấu mốc quan trọng khi Liên hợp quốc tiến hành rà soát tiến độ thực hiện MDGs, thống nhất nội dung, thời hạn và định hướng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tiếp theo. SDGs được xem là đích đến quan trọng của mọi nền kinh tế và quốc gia trên thế giới và dự định sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc họp vào tháng 9-2015.

Vấn đề quyền con người đã được đưa vào các nguyên tắc cơ bản của luật pháp và chính trị quốc tế, xác định những chuẩn mực nhân quyền cơ bản trên toàn thế giới. Kể từ năm 1948 đến nay, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua khoảng 80 công ước và tuyên bố về nhân quyền(3). Các cơ chế bảo đảm quyền con người được thiết lập trong Liên hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền, nhiều cơ quan gồm các chuyên gia độc lập với tư cách là thành viên của những cơ chế nhân quyền, báo cáo viên đặc biệt... Cơ quan tư pháp trong gia đình Liên hợp quốc như Tòa án Hình sự quốc tế, một tòa án đặc biệt chỉ dành cho tội phạm chống lại loài người do Hội đồng Bảo an điều hành. Các quốc gia thành viên đã xây dựng, thông qua và tham gia các văn kiện cơ bản nhất trong lĩnh vực nhân quyền là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (năm 1948), Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (năm 1966) làm cơ sở cho hơn 80 công ước, tuyên bố được thông qua sau này về các vấn đề khác nhau về quyền con người.

Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, các vấn đề an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, an ninh mạng, chiến tranh mạng, nạn buôn bán ma túy, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... trở thành một mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới. Liên hợp quốc đã có nhiều biện pháp, như đề cao các công ước, tuyên bố về quyền trẻ em, phụ nữ, về biến đổi khí hậu,... kêu gọi các nước ủng hộ sứ mệnh của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy phát triển con người. Lĩnh vực đặc biệt thể hiện vai trò của Liên hợp quốc trong lịch sử chính trị quốc tế đó là nhân đạo. Các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc hiện nay ở những “điểm nóng” trên thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cơ quan cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc có trách nhiệm ứng phó kịp thời và thúc đẩy các hoạt động nhân đạo. Hằng năm, Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) giúp khoảng 32 triệu người trên 110 quốc gia; Chương trình lương thực thế giới là tổ chức nhân đạo lớn nhất hiện nay, cung cấp lương thực khẩn cấp trên toàn thế giới, trung bình cho 100 triệu người ở trên 80 quốc gia; phòng, chống và giúp khắc phục hậu quả thiên tai quy mô lớn, như trận động đất sóng thần Đại Tây Dương năm 2004, động đất tại Ha-i-ti năm 2010...

Liên hợp quốc trước một số thách thức

Trước tình hình thế giới tiếp tục thay đổi với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Liên hợp quốc đã bộc lộ một số hạn chế và đối mặt với nhiều thách thức cả từ bên trong tổ chức và từ bên ngoài.

Thứ nhất, cải tổ Liên hợp quốc. Những sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc đã được khởi động từ ngay khi tổ chức này ra đời vào năm 1945. Nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký, sự trùng lắp các nhiệm vụ, chương trình hoạt động, sự lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích các nguồn lực của Liên hợp quốc... Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, các thách thức đối với nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường càng đòi hỏi thế giới cần duy trì một cơ chế quản trị toàn cầu bền vững, ổn định như Liên hợp quốc.

Cứ mỗi 5 năm hoặc 10 năm một lần, Liên hợp quốc lại tiến hành những đợt cải tổ, tập trung hoạt động của tổ chức này trong suốt hàng thập niên qua. Nhưng phải tới những năm 90 của thế kỷ trước, Liên hợp quốc mới có một số bước tiến trong đổi mới hoạt động của Ban Thư ký, làm sống động lại Đại hội đồng, tăng cường giám sát nội bộ, cải cách hành chính, nâng cao sự thống nhất hành động, hoạt động của Hội đồng Nhân quyền(4), ECOSOC và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Để nâng cao sự phối hợp và thống nhất trong hệ thống Liên hợp quốc, trong năm 2007, các quốc gia thành viên đã thông qua chương trình “Thống nhất Hành động” (Delivering as One), thí điểm ở 8 quốc gia để lồng ghép các hoạt động của Liên hợp quốc vào các chương trình quốc gia.

Cải tổ Liên hợp quốc là một quá trình lâu dài, vì đây là một tổ chức đa phương, phi tập trung và rất phức tạp, chịu ảnh hưởng lớn của các nước lớn đóng góp nguồn lực tài chính cho hoạt động của Liên hợp quốc(5). Những khó khăn trong việc cải tổ Liên hợp quốc cũng phản ánh bất đồng về chính trị giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế, những căng thẳng, khoảng cách phát triển và bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, những khác biệt về ý thức hệ, về chủ quyền quốc gia...

Thứ hai, hạn chế và thách thức đối với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là cơ quan có quyền lực cao nhất trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế và là cơ quan duy nhất có quyền áp dụng các biện pháp chế tài để thực thi chức năng, tham gia giải quyết xung đột(6). Tuy nhiên, sẽ là một thách thức lớn đối với Liên hợp quốc khi xuất hiện xung đột lợi ích giữa các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, dẫn đến bế tắc trong hoạt động của tổ chức này(7). Điều này thể hiện rõ nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Hội đồng Bảo an dường như bị “tê liệt”, thụ động hoàn toàn trước sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn là thành viên thường trực. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã giảm đối đầu, đối kháng về ý thức hệ, có sự thỏa hiệp và hợp tác, nhưng vẫn đấu tranh nhằm tranh giành ảnh hưởng. Quyền phủ quyết được coi là một công cụ tối thượng để duy trì cân bằng quyền lực quốc tế, hạn chế các nước khác. Chính vì vậy, vấn đề cải tổ và mở rộng Hội đồng Bảo an ngày càng được thảo luận tích cực từ năm 1993 đến nay. Nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Bra-xin, Đức đề nghị mở rộng thành viên, tạo thêm cơ hội cho nhiều quốc gia tham gia cơ quan này của Liên hợp quốc; đề xuất đổi mới quy chế đối với các thành viên thường trực mới, và xem xét nên hay không nên hạn chế quyền phủ quyết. Việc cải tổ Hội đồng Bảo an một cách triệt để sẽ có tác động sâu rộng đến quyền lợi của nhiều nước thành viên và tiến trình cải tổ chung của Liên hợp quốc nên các nước thành viên Hội đồng Bảo an phản ứng còn rất dè dặt, thận trọng.

Thứ ba, hạn chế nguồn lực và ảnh hưởng từ bên ngoài. Một thách thức lớn đối với hoạt động của Liên hợp quốc chính là nguồn lực hạn chế khi tiến hành cải tổ Liên hợp quốc một cách toàn diện và sâu rộng; vấn đề lạm dụng “quyền được điều chỉnh túi tiền”. Hiện nay 82% số nguồn tài trợ cho Liên hợp quốc là của các khối và các nước phát triển, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Ca-na-đa... Những nước này hiện đang bị chỉ trích là lạm dụng quyền để tác động, chi phối chương trình nghị sự cải cách Liên hợp quốc theo hướng có lợi cho mình.

Ngoài ra, quan hệ phức tạp giữa các quốc gia thành viên bên ngoài hệ thống Liên hợp quốc cũng là thách thức lớn bởi tính chất độc lập với Liên hợp quốc, nhưng có thể ảnh hưởng đến cách thức hợp tác giữa các quốc gia này trong khuôn khổ Liên hợp quốc nhằm đạt được mục tiêu chung. Những cuộc xung đột chính trị, quân sự, lợi ích địa chính trị, khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, mâu thuẫn kinh tế thương mại là những thách thức tiềm tàng đối với các ưu tiên hợp tác giữa các nước thành viên Liên hợp quốc và sự nghiệp cải tổ chung của Liên hợp quốc.

Việt Nam và Liên hợp quốc

Ngay sau khi chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20-9-1977, Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động của Liên hợp quốc, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của các nước thành viên để xây dựng và phát triển đất nước(8). Việt Nam luôn coi Liên hợp quốc là một diễn đàn đa phương quan trọng để tăng cường quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới, cùng bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc vì hòa bình, hợp tác và phát triển, bảo đảm những lợi ích cốt lõi của quốc gia và hài hòa với lợi ích chung của quốc tế.

Thứ nhất, là thành viên tích cực, trách nhiệm

Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm của các nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia và được các nước bầu vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, như ECOSOC (1997 - 2000), Ủy ban Nhân quyền (2001 - 2003) và Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), Liên minh Viễn thông quốc tế (2003 - 2007), Phó Chủ tịch Hội đồng chấp hành tổ chức UNDP/UNFPA, phối hợp với Liên hợp quốc triển khai kế hoạch chung của Liên hợp quốc trong phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật nhất là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Trong nhiệm kỳ đó, Việt Nam đã nêu cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan; góp phần giảm căng thẳng và hỗ trợ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới. Trong thời gian là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 7-2008, Việt Nam đã tổ chức và chủ trì thảo luận mở về “Trẻ em và xung đột vũ trang” tại Hội đồng Bảo an. Sáng kiến này đã được các nước đánh giá cao, thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong Liên hợp quốc.

Cùng Liên hợp quốc gánh vác sứ mệnh gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, Việt Nam đã cử người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc làm nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi(9). Việt Nam ủng hộ giải trừ quân bị toàn diện và triệt để do Liên hợp quốc đề ra, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về báo cáo các biện pháp thực hiện các điều ước này, phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và ký Nghị định thư bổ sung cho Hiệp ước Bảo đảm hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, đạt thành tựu trong thực hiện

Trong những năm qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua những khó khăn, thách thức do trình độ phát triển còn thấp, nhưng Việt Nam luôn tích cực triển khai thực hiện MDGs, lồng ghép các mục tiêu này vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã hoàn thành sớm một cách ấn tượng mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói(10), đạt được mục tiêu thứ hai về phổ cập giáo dục tiểu học như tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 88,2% và tỷ lệ người dân từ 15 - 24 tuổi biết đọc biết viết là 97,1%, hoàn thành mục tiêu về tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam đang tích cực triển khai để có thể hoàn thành những mục tiêu phát triển còn lại. Trước tiến độ triển khai MDGs chưa đồng đều và còn chậm ở nhiều nơi trên thế giới, những thành tựu của Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá cao, coi đây là một mô hình tốt cho các nước đang phát triển tham khảo.

Thứ ba, thực hiện mô hình “Một Liên hợp quốc tại Việt Nam”

Việt Nam luôn nhận thức được tầm quan trọng và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, qua đó ủng hộ sự phát triển Liên hợp quốc một cách minh bạch, dân chủ để ứng phó tốt hơn với tình hình mới. Tháng 1-2007, Tổng Thư ký Liên hợp quốc chính thức chọn Việt Nam là một trong 8 nước thí điểm thực hiện sáng kiến “Một Liên hợp quốc tại Việt Nam”. Đây là sự tiếp nối của cả một quá trình cải cách việc quản lý, sử dụng và nâng cao tính hiệu quả của nguồn lực ODA, phản ánh sự chủ động, tính làm chủ của Chính phủ Việt Nam. Ngày 23-5-2015, Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đã được khánh thành, là một trong 6 trụ cột của Sáng kiến cải tổ thống nhất hành động tại Việt Nam (gồm kế hoạch chung, ngân sách chung, lãnh đạo chung, bộ quy tắc thực hành quản lý chung, tiếng nói chung và ngôi nhà xanh - Một Liên hợp quốc).

Những đóng góp của Việt Nam trong Liên hợp quốc đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm lợi ích, lập trường quốc gia trên nhiều vấn đề quốc tế.

Chặng đường hình thành và phát triển của Liên hợp quốc trong 70 năm qua cho thấy Liên hợp quốc sẽ tiếp tục là nền tảng không thể thiếu cho một nền hòa bình bền vững, công bằng và thịnh vượng trên thế giới. Hòa vào dòng chảy của lịch sử, Việt Nam đã và sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, phấn đấu phát huy vai trò của Liên hợp quốc vì lợi ích chung của mọi dân tộc./.

----------------------------------------------

(1) Hội Quốc liên (1920-1946) là tổ chức liên chính phủ quốc tế đầu tiên được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng hoạt động không mang lại hiệu quả thiết thực, dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai

(2) Hội nghị UNCTAD 13 (tháng 4-2012) đã thông qua Văn kiện “Sứ mệnh Đô-ha” và Tuyên bố Đô-ha nhấn mạnh cam kết gắn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, cân bằng và toàn diện với mục tiêu giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia, xóa nghèo đói, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu và nguyên vọng của người dân.

(3) http://www.ohchr.org/EN/AboutUs/Pages FrequentlyAskedQuestions.aspx

(4) Tháng 3-2006, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết thay thế Ủy ban Nhân quyền bằng Hội đồng Nhân quyền

(5) Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, Hoa Kỳ là nước đóng góp tài chính lớn nhất, với tư cách là một quốc gia, đối với hoạt động của Liên hợp quốc

(6) Hiện Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết

(7) Xung đột lợi ích khi một nước thành viên thường trực có liên quan trực tiếp đến một vấn đề có quyền sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn hành động tập thể của Hội đồng Bảo an (như trường hợp chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên năm 1953-1954, vấn đề Trung Đông, chiến tranh I-rắc, vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri...)

(8) Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (năm 1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh

(9) Năm 2014, Việt Nam cử 2 sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi; tháng 4-2015, cử thêm 3 sĩ quan tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại quốc gia này

(10) Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14,5% (năm 2008); thiếu đói giảm xuống còn 6,9% (năm 2008), giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống còn 11,7% (năm 2011)