Tiếp tục các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội tại Hoa Kỳ
23:38, ngày 02-09-2015
TCCSĐT - Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội lần thứ 4, đêm 1-9, rạng sáng 2-9 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự và đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề "Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình thông qua ngân sách: vượt qua các định kiến; vai trò của Nghị viện trong giám sát ở cấp quốc gia và toàn cầu".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu (Ảnh: TTXVN) |
Đồng chủ trì phiên thảo luận có Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Saber Chowdhury và một số lãnh đạo các tổ chức quốc tế và nghị viện một số quốc gia trên thế giới.
Tại phiên thảo luận, các nghị sỹ đại diện cho các nghị viện trên thế giới bàn thảo về những vấn đề như các nghị sỹ thuộc các đảng phái khác nhau phối hợp với nhau như thế nào để xây dựng các chính sách ủng hộ việc: Biến các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) thành Mục tiêu Quốc gia, sự tham gia của người dân vào quá trình này.
Các ý kiến cho rằng là đại diện của người dân, các nghị sỹ cần quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích công và theo đuổi sự thịnh vượng chung; tập trung xây dựng đồng thuận đối với các giải pháp thực tiễn.
Đây chính là nguyên tắc để đảm bảo cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, là trách nhiệm chung của Nghị viện, cũng như của mỗi nghị sỹ theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội - văn kiện chung của Đại Hội đồng IPU-132 tại Việt Nam tháng 3-2015.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết do đặc thù từ hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam mất một thời gian dài để khắc phục hậu quả chiến tranh. Đến nay, Việt Nam đã giải quyết thành công, hoàn tất việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Sau "Tuyên bố Hà Nội", Việt Nam đang từng bước tái cơ cấu toàn bộ ngành nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho người dân miền núi, dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, đô thị nâng cao đời sống người nông dân chiếm đa số trong các tầng lớp nhân dân.
Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện một cách tốt hơn dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa.
Đặc biệt, là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết vấn đề này với mong muốn có sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực giải quyết vấn đề bình đẳng giới, khoảng cách giàu nghèo, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn, giảm nghèo đa chiều một cách đồng bộ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để thực hiện những mục tiêu phát triển, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân bổ ngân sách, nguồn lực. Việt Nam xác định lấy con người là nguồn lực trung tâm, lấy nội lực là trụ cột trong thực hiện mục tiêu phát triển.
Song song với đó, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm dân chủ và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Những quan điểm này của Việt Nam cũng tương đồng với những mục tiêu phát triển chung mà Liên hợp quốc đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thực hiện các SDGs là trách nhiệm của cả Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cả hệ thống chính trị của mỗi quốc gia.
Khẳng định quyết tâm của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn Quốc hội các quốc gia thành viên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các mục tiêu phát triển bền vững đến tất cả mọi người dân, trên cơ sở đó, đề ra các chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ và Chủ tịch Quốc hội Mozambique.
Tiếp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ, Ngài Zandaakhuu Enkhbold, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Mông Cổ trong hơn 60 năm qua; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng Mông Cổ đưa quan hệ Việt Nam - Mông Cổ phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Chúc mừng Mông Cổ đảm nhận vai trò nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 năm 2016, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm với Mông Cổ để góp phần tổ chức thành công hội nghị này; đồng thời mong muốn Mông Cổ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Zandaakhuu Enkhbold chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Đại Hội đồng IPU- 132 và bày tỏ hài lòng về những bước phát triển giữa hai nước, hai Quốc hội thời gian qua.
Ngài Zandaakhuu Enkhbold khẳng định Mông Cổ sẵn sàng hợp tác và thúc đẩy các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước, đồng thời mong muốn khởi động và thúc đẩy hợp tác đối tác chính trị ở khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam, trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Mông Cổ cũng mong muốn Việt Nam ủng hộ trong việc ứng cử là thành viên của Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp quốc.
Tiếp Chủ tịch Quốc hội Mozambiqua, Bà Veronica Macamo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng được gặp Bà Veronica Macamo nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần thứ tư tại New York.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hai nước; duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước; tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực cũng như trong những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Vui mừng về những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Mozambique, Chủ tịch Veronica Macamo cho rằng đây là cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực là thế mạnh của mỗi nước, cũng như hợp tác nghị viện.
Quốc hội Mozambique mong muốn sớm ký kết thỏa thuận hợp tác với Quốc hội Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện để hai bên chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát cũng như những bài học thực tiễn của mỗi bên.
Chủ tịch Quốc hội Mozambique trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sớm thăm chính thức Mozambique cũng như mong muốn hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Thị trường chứng khoán New York (Ảnh: TTXVN) |
Nhân dịp đến New York (Hoa Kỳ) dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 4, tối 1-9 (theo giờ Việt Nam) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội nước ta đã đến thăm Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và dự phiên giao dịch đầu ngày 1-9 (giờ địa phương) của sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới có trụ sở trên phố Wall ở thành phố New York.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã thăm quan Tòa nhà Trụ sở, hệ thống điều hành và gặp gỡ lãnh đạo Sàn Giao dịch chứng khoán New York. Đúng 9h sáng giờ New York, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã chứng kiến phiên giao dịch mở cửa NYSE; nghe giới thiệu về cách thức vận hành cũng như những tính năng vượt trội của sàn giao dịch tài chính quy mô toàn cầu này, đặc biệt là cách thức tổ chức quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao dịch, tài chính.
Được thành lập vào năm 1792 bởi 24 nhà môi giới cổ phiếu, NYSE ban đầu chỉ niêm yết 5 công ty; hoạt động trong nhiều năm như là một sàn giao dịch đấu giá, nơi các nhà môi giới thành viên sử dụng hình thức đấu giá mở để thực hiện giao dịch. Hiện, NYSE hoạt động theo hình thức giao dịch đấu giá và giao dịch tự động với hàng ngàn công ty niêm yết trên thị trường. NYSE được kiểm soát rất chặt chẽ nhằm duy trì một hệ thống trật tự và công bằng cho các nhà đầu tư dưới sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC).
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội nước ta đã đi thăm Trung tâm Thương mại Một Thế giới tại thành phố New York.
Tòa nhà mới này nằm giữa mảnh đất rộng gần 6,5 ha, nơi trước đây là vị trí tòa tháp đôi hứng chịu vụ khủng bố 11-9 làm hơn 2.700 người chết. Tòa nhà cao 541 m nằm ở trung tâm của mảnh đất, trong đó còn bao gồm một đài tưởng niệm ở chân những tòa tháp cũ và một bảo tàng tưởng niệm những nạn nhân của sự kiện 11-9.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đã đi thăm Bảo tàng 11-9, viết lưu niệm tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng.
Đây là là Bảo tàng đặc biệt, quy mô lớn nhất về sự kiện 11-9, nơi trưng bày hàng ngàn hiện vật, ảnh, phim và video ghi lại những câu chuyện và lưu trữ những tài liệu về sự kiện đau thương này. Bảo tàng được xây dựng ngầm dưới nền của Trung tâm Thương mại thế giới trước đây tại Hạt Manhattan, New York./.
Khánh thành Nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch tại Khu Di tích K9-Đá Chông  (02/09/2015)
Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam tại các nước  (02/09/2015)
Kỷ niệm trọng thể 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9  (02/09/2015)
Lãnh đạo nhiều nước gửi Điện mừng 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (02/09/2015)
Thư cảm ơn của Ban tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn  (02/09/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên