TCCSĐT - Trước việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ những ngày qua, các chuyên gia đã có những quan điểm trái chiều.

Các nước châu Âu nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhập cư

 

Người nhập cư trái phép chờ đợi được đăng ký bên ngoài một đồn cảnh sát ở đảo Kos (Hy Lạp) ngày 10/8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nước châu Âu tiếp tục nỗ lực đối phó với làn sóng di cư từ châu Phi và Trung Đông, những người đang chạy trốn chiến tranh, nghèo đói và bất ổn chính trị để tìm kiếm cuộc sống mới ở lục địa già. Truyền thông đảo Kos đưa tin tình hình ở đảo Kos (Hy Lạp), hầu như không thể kiểm soát được nữa do số lượng người nhập cư trái phép và người tị nạn từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đã lên tới hơn 7.000 người. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Hy Lạp đã tiếp nhận hơn 40.000 người nhập cư trái phép, nhiều hơn tổng số người đến nước này trong năm 2014. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Natasha Bertaud cho biết, để giúp Hy Lạp đối phó với dòng người nhập cư trái phép, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua chương trình cứu trợ trị giá 528 triệu USD. Theo đó, Hy Lạp sắp tới sẽ nhận được khoải giải ngân thứ nhất trị giá hơn 33 triệu USD. Ngoài hỗ trợ tài chính, EU còn đề nghị chuyển 16.000 người tị nạn từ Hy Lạp sang các nước thành viên khác.

Italy, quốc gia cũng được cho là cửa ngõ châu Âu của người di cư, tiếp tục phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới - những người di cư từ Italy xin tị nạn ở các nước EU khác bị từ chối và được trả lại nước này, với lý do giấy tờ không hợp lệ. Italy đã ký lệnh trục xuất 18.000 người nhập cư qua đường biển và chi hàng triệu euro để tiến hành trục xuất gần một nửa trong số này do không có giấy tờ hợp lệ để xin tỵ nạn. Một nửa còn lại tiếp tục ở lại trong các trại tiếp nhận và chờ nhận diện xuất thân qua các lãnh sự quán các nước châu Phi và Trung Đông ở Italy.

Nhật Bản lần đầu cấp phát lại điện hạt nhân sau 2 năm “ngủ yên”

 

Nhà máy điện hạt nhân Sendai. Ảnh: vtv.vn

Ngày 13-8-2015, lò phản ứng số 1 tại Tổ hợp hạt nhân Sendai đã chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia lúc 14 giờ 09 phút cùng ngày, với công suất 890.000 kw. Theo đó, máy phát điện và hệ thống truyền tải điện đã được kết nối để đưa dòng điện từ Tổ hợp hạt nhân Sendai đến với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Đây là lần đầu tiên sau gần 2 năm “ngủ yên”, nguồn năng lượng hạt nhân mới được cấp trở lại ở Nhật Bản nhằm giải quyết bài toán giá thành điện và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Lò phản ứng số 1 tại Tổ hợp hạt nhân Sendai được chính thức tái khởi động hôm 11-8 sau gần 2 năm tạm ngừng, bất chấp những quan ngại của dư luận về độ an toàn sau thảm hoạ hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 do thảm họa kép động đất - sóng thần gây ra năm 2011. Đây cũng là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên hoạt động trở lại ở Nhật Bản theo gói các tiêu chuẩn mới, được áp đặt kể từ sau thảm họa gây sự cố nóng chảy nhiên liệu tại 3 lò phản ứng ở nhà máy Fukushima cách đây 4 năm. Việc tái khởi động lò phản ứng trên là cú hích quan trọng cho chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe vốn khẳng định năng lượng hạt nhân là yếu tố thiết yếu để hạ giá thành điện và vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, động thái trên có thể sẽ gây tổn hại hơn nữa cho tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các của Thủ tướng Abe, hiện đang lao dốc do những tranh cãi xung quanh dự luật an ninh.

Quan điểm trái chiều về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ

 

Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ làm là cho phép thị trường tài chính linh hoạt hơn và có quyền can thiệp sâu vào việc xác định tỷ giá đồng nhân dân tệ. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ những ngày qua có thể làm cho hàng hóa của Trung Quốc trên khắp thế giới rẻ hơn rất nhiều và nền kinh tế Trung Quốc sẽ lấy lại được đà tăng trưởng nhờ lợi thế xuất khẩu. Tuy nhiên, mục đích chính của quyết định này là cho phép thị trường tài chính linh hoạt hơn và có quyền can thiệp sâu vào việc xác định tỷ giá đồng nhân dân tệ - vốn được định giá theo đồng USD và bị hạn chế giao dịch tự do trên thị trường, đồng thời thúc đẩy mục tiêu đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền quốc tế Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện có mặt 4 đồng tiền chính là USD, euro, bảng Anh và yen Nhật. Trong khi chờ đợi một hiệu ứng nào đó đối với toàn nền kinh tế, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đứng trước áp lực lớn, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng cao, bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc. Đó là chưa kể việc các nhà máy Trung Quốc thuê hàng triệu nhân công và sự giảm mạnh của đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động, dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt, thậm chí có thể dẫn tới rối loạn xã hội.

Ông Stephen Roach - Cựu Chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á - cảnh báo “nguy cơ ngày càng rõ ràng của một cuộc cạnh tranh hạ giá tiền tệ nghiêm trọng và khó lường hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, các nhà phân tích của HSBC tỏ ra thực tế hơn khi nhận định: “Áp lực giảm giá đối với tiền tệ châu Á phát sinh từ hành động của Trung Quốc sẽ nhanh chóng phai nhạt bởi Trung Quốc sẽ không tiếp tục giảm sâu tỷ giá đồng nhân dân tệ. Nếu làm vậy, họ sẽ tự mình đi ngược lại mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”.

Eurogroup thông qua gói cứu trợ tài chính thứ ba cho Hy Lạp

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, Eurogroup đã nhất trí thông qua gói cứu trợ tài chính thứ ba cho Hy Lạp, để đổi lấy những cải cách kinh tế. Ảnh: TTXVN

Ngày 14-8-2015, các nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết Eurogroup - nhóm các bộ trưởng tài chính các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - cùng ngày đã nhất trí thông qua gói cứu trợ tài chính thứ ba cho Hy Lạp, với trị giá có thể lên tới 86 tỷ euro. Đổi lại, Hy Lạp phải thực hiện các cải cách kinh tế như cam kết, mặc dù những cam kết cải cách này được cho là còn lâu mới đạt được như kỳ vọng.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, quá trình đàm phán trong sáu tháng qua với Chính phủ Hy Lạp là rất khó khăn và sẽ phải được kiểm chứng, song ông vui mừng vì các bên đã thể hiện tôn trọng các cam kết của mình. Ông nhấn mạnh rằng thông điệp của cuộc họp vừa kết thúc là rất rõ ràng và dứt khoát: Hy Lạp đã và chắc chắn vẫn sẽ là một thành viên của khu vực đồng euro. Nguồn tin từ các quan chức EU cho biết đợt dải ngân thứ nhất trong tuần tới của gói cứu trợ cho Hy Lạp có thể lên tới 13 tỷ euro. Điều này có nghĩa là Hy Lạp sẽ có đủ tiền để thanh toán nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào đúng hạn 20-8. Gói cứu trợ này được thông qua sau khi Quốc hội Hy Lạp cùng ngày thông qua dự luật về gói cứu trợ. Sau một đêm tranh luận căng thẳng, với sự ủng hộ của các nghị sĩ đối lập, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nhận được 222 phiếu ủng hộ để thông qua dự luật này tại Quốc hội gồm 300 ghế. Dự luật vừa thông qua sẽ áp đặt những biện pháp khắc nghiệt chưa từng có về cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế mà Athens phải thực thi./.