Những đổi thay trên quê hương Cách mạng
Đổi thay trên quê hương cách mạng Trung Yên
Điều dễ nhận thấy nhất trong những đổi thay của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng khá hoàn chỉnh giúp cho việc đi lại thuận tiện, dễ dàng; các trường học, trạm y tế mọc lên khang trang, hiện đại; đời sống người dân ngày càng được ấm no, cải thiện.
Là xã thuộc trung tâm căn cứ địa cách mạng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Trung Yên là một trong những địa phương có phong trào cách mạng mạnh mẽ nhất trong khu vực. Người dân Trung Yên có tinh thần yêu nước, sớm đi theo cách mạng, giúp đỡ, nuôi dưỡng, chở che cán bộ. Do vậy, Trung Yên được nhiều cơ quan, ban, ngành Trung ương chọn là nơi đặt trụ sở trong những năm kháng chiến.
Xã hiện có 24 di tích lịch sử, tiêu biểu như địa điểm Hồ Chủ tịch ở và làm việc tại thôn Khuân Đào, Nhà ở và hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Phân khu ủy Nguyễn Huệ, Cơ quan Việt Nam Thông tấn xã… Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, ruộng đất của xã chủ yếu nằm trong tay thực dân, địa chủ phong kiến; người dân phải chịu cảnh sưu cao, thuế nặng, cuộc sống vô cùng khổ cực. Đồng bào các dân tộc ở Trung Yên có tinh thần yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng nên nơi đây được Trung ương chọn làm căn cứ xây dựng lực lượng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Tháng 3-1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân xã Trung Yên đã nổi dậy đấu tranh, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền nhân dân, trở thành một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Trung Yên được Trung ương chọn là an toàn khu (ATK) của cuộc kháng chiến. Tại đây, Bác Hồ, Bác Tôn, các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ và các đoàn thể đã ở và làm việc, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Trung Yên tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng khang trang, hiện đại. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn xã đã bê tông hóa gần 27 km đường giao thông. Đến nay, gần 90% các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm được bê tông hóa; cả 7 thôn của xã đều có Nhà văn hóa và xây dựng quy ước, hương ước thôn bản; tất cả trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người dân tộc tiểu số, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế...
Những năm gần đây, Trung Yên được hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án như Chương trình 135, Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn (TNSP) hỗ trợ phát triển sản xuất, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Trung Yên còn được Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống trường học, đảm bảo trang thiết bị cho việc dạy và học với số vốn gần 13,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, người dân Trung Yên còn được hỗ trợ cung ứng giống chè và lợn giống trị giá gần 400 triệu đồng cho 90 hộ nghèo trong xã.
Trước đây, kinh tế của người dân Trung Yên chủ yếu là làm nông nghiệp manh mún nên gặp nhiều khó khăn, vất vả mà cũng chỉ đủ ăn. Giờ đây, các gia đình trong xã đã thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở xã Trung Yên ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như: Mô hình trang trại tổng hợp của anh Trịnh Viết Dương, ở thôn Trung Long; Cơ sở sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của anh Nguyễn Mạnh Thắng, ở thôn Trung Long; mô hình trồng rừng của gia đình ông Nguyễn Thái Lan, ở thôn Khuân Đào...
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong thời gian tới, Trung Yên tiếp tục khai thác các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế với cơ cấu nông - lâm nghiệp và dịch vụ; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống, tinh thần nhân dân. Đồng thời, tích cực tham gia gìn giữ, bảo vệ và tổ chức hoạt động tham quan, tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của các điểm di tích, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tháng Tám về ATK Định Hóa
Vùng đất ATK Định Hóa (Thái Nguyên) năm xưa nay ngập tràn sức sống mới, đời sống đồng bào các dân tộc đang đổi thay từng ngày.
Với địa thế hiểm yếu về mặt quân sự lại là nơi những người yêu nước và lực lượng cách mạng sớm gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, từ những năm 1936-1939 nhiều xã trong vùng Định Hóa đã hình thành đội ngũ cốt cán giác ngộ cách mạng. Đầu năm 1942, một bộ phận của Cứu quốc quân II đã mở rộng địa bàn sang Định Hóa hoạt động. Đầu năm 1943, Định Hóa trở thành địa bàn của Cứu Quốc quân do đồng chí Tân Hồng (Chu Văn Tấn) chỉ huy mở đường Bắc tiến từ Chợ Chu lên Cao Bằng, thâm nhập sang Chợ Đồn (Bắc Kạn). Phong trào cách mạng ở Định Hóa lớn mạnh không ngừng. Đỉnh điểm vào cuối tháng 3-1945, lực lượng Cứu quốc quân và tự vệ chiến đấu đã tấn công chiếm đốn lính khố xanh ở Chợ Chu. Định Hóa trở thành huyện giành chính quyền sớm nhất ở tỉnh Thái Nguyên. Trên mảnh đất lịch sử này, tháng 5-1945, Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân tại Làng Quặng, xã Định Biên với 13 đại đội trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở khắp vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng nền độc lập tự do của đất nước lại bị đe dọa bởi chủ nghĩa thực dân xâm lược, vùng đất "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" Định Hóa lại tiếp tục được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của ATK Việt Bắc. Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ (1946-1954), núi rừng ATK Định Hóa và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều cơ quan của Trung ương cũng ra đời trên chính mảnh đất này như: Ủy ban kiểm tra Trung ương (1948), Hội Nhà báo Việt Nam (1950), Ủy ban hòa bình Việt Nam, Ngành điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng (1953)... Ở căn lán Khau Tý, xóm Nạ Tra, xã Điềm Mặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước suốt từ tháng 2 đến tháng 10-1947. Tại đồi Pụ Đồn, dưới chân đèo De, núi Hồng (xã Phú Đình ngày nay) vào ngày 28-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, tại căn lán Tỉn Keo (xã Phú Đình), vào cuối tháng 9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh "Trần Đình" và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng quân ủy. Dưới ánh sáng tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ núi rừng ATK Định Hóa, toàn quân, toàn dân ta đã giành thắng lợi "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" trong trận đánh cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ghi nhận những công lao to lớn của đồng bào các dân tộc và giá trị lịch sử của ATK Định Hóa, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho huyện danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời xếp hạng ATK Định Hòa là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Phát huy truyền thống anh hùng, đồng bào các dân tộc Định Hóa ngày nay lại ra sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Là huyện có thế mạnh về nông, lâm nghiệp, 5 năm qua (2011-2015), Định Hóa đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội khi cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tốc độ tăng trường GDP khoảng 13,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm nay ước đạt trên 24,5 triệu đồng, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp đạt hơn 70 triệu đồng/ha, cơ giới hóa 70% diện tích đất gieo trồng lúa hàng năm, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp mỗi năm đạt khoảng 95 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 33% (năm 2011) hiện xuống còn dưới 16%... Xác định công nghiệp trong nông nghiệp là lợi thế của vùng đất chiến khu, Định Hóa đã thu hút đầu tư vào các làng nghề tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách thăm quan Khu du lịch lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa. Huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng Nhà máy chế biến chè Sơn Phú, trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại xã Phượng Tiến, duy trì và phát triển 13 làng nghề dệt mành cọ, hơn 200 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông lâm sản, xây dựng vùng sản xuất lúa Bao Thai đặc sản hàng hóa. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã có 3 xã: Phương Tiến, Đồng Thịnh và Bảo Cường đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Huyện cũng đang xây dựng mô hình "Làng mới" tại xã Phượng Tiến với sự giúp đỡ của tỉnh Gyeongsangbokdo (Hàn Quốc)… Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào Định Hóa cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo cẩn trọng 27 điểm di tích quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, huyện đã xây dựng đề án, triển khai việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa rối Tày tại thôn Thẩm Rộc xã Bình Yên và Ru Nghệ xã Đồng Thịnh, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, hiện toàn huyện đã có trên 50% số thôn, bản đạt danh hiệu "Làng văn hóa", gần 70% số trường học đạt chuẩn quốc gia, trên 50% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động. Từ nay đến năm 2020, Định Hóa phấn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt 1.900 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2% trở lên, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới... Để đạt được những mục tiêu này, hiện huyện đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hệ số sử dụng đất, đưa 60% diện tích gieo trồng sử dụng các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao, mỗi năm trồng mới, thay thế khoảng 1.200 ha rừng. Trong giai đoạn phát triển mới, Định Hóa cũng tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là các tuyến du lịch ATK Phú Đình và thắng cảnh Chùa Hang - di tích nhà thù Chợ Chu - hồ Bảo Linh, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng ATK… Với những chương trình, dự án cụ thể phù hợp với đặc thù địa phương và được nhân dân các dân tộc đồng tình, ủng hộ cao chắc chắn những mục tiêu đó sẽ sớm trở thành hiện thực, đưa ATK Định Hóa tiếp tục phát triển, xứng danh miền đất lịch sử anh hùng./.
Kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào  (16/08/2015)
Kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào  (16/08/2015)
Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ an ninh quốc gia  (16/08/2015)
Việt Nam đề nghị Liên bang Nga sớm phê chuẩn FTA Việt Nam-EAEU  (16/08/2015)
TP. Hồ Chí Minh kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng  (16/08/2015)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên