Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ “trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây”
Quan hệ giữa nhân dân Ấn Độ và nhân dân Việt Nam, giữa Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là mối quan hệ tốt đẹp được hình thành từ lâu. Nhìn lại và đánh giá một cách tổng quát mối quan hệ đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói trong dịp đi thăm Ấn Độ năm 1978: mối quan hệ giữa hai nước “trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây”.
Con đường hữu nghị của hai dân tộc Ấn Độ - Việt Nam khởi đầu từ xa xưa bằng sự giao lưu về tôn giáo và văn hóa. Đặc biệt cả hai dân tộc đều chung số phận bị thực dân xâm lược, thống trị hàng trăm năm. Trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ở hai nước sớm xuất hiện các nhà yêu nước cùng đi tìm đường cứu nước, gặp nhau và cùng nhau hoạt động trong “Hội những người bị áp bức ở các thuộc địa”, đó là Motilal Nehru, thân sinh cố Thủ tướng J. Nehru và Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Anh - Pháp, giải phóng dân tộc đã sớm hình thành và phát triển ngay từ đầu thế kỷ XX.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Ấn Độ giành được độc lập dân tộc sau Việt Nam không lâu (năm 1947); khi Ấn Độ chuyển sang thời kỳ xây dựng lại đất nước thì nhân dân Việt Nam lại còn phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, nhân dân Ấn Độ đã tích cực, liên tục ủng hộ. Phong trào ủng hộ Việt Nam không chỉ ở Niu Đê-li mà khắp nơi trên toàn Ấn Độ; không chỉ giai cấp công nhân, các tổ chức công đoàn, các đoàn thể quần chúng thanh niên, phụ nữ, sinh viên, luật gia dân chủ… do Đảng Cộng sản Ấn Độ lãnh đạo mà cả giới nghị sĩ, nhân sĩ trí thức tiến bộ đều tham gia những cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành … chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đòi quân Pháp rút về nước, trả lại độc lập cho nhân dân Việt Nam. Không chỉ ủng hộ bằng chính trị ở trong nước và tại các diễn đàn quốc tế, nhân dân Ấn Độ còn quyên góp, gửi thuốc men, chăn màn… giúp nhân dân Việt Nam. Tại Calcutta, thủ phủ bang Tây Bengal, là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh rất quyết liệt của nhân dân Ấn Độ chống máy bay thực dân Pháp đỗ xuống sân bay quốc tế trên đường chở quân sang Việt Nam.
Chính phủ Ấn Độ là một trong những chính phủ sớm công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đoàn đại biểu Chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng J. Nehru dẫn đầu đến thăm Việt Nam vào những tuần đầu sau khi quân đội nhân dân Việt Nam tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội tháng 10-1954. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm Ấn Độ. Những cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh với J. Nehru, tiếp sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng J. Nehru đã đặt nền tảng đầu tiên mở ra bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Các quan hệ hợp tác giũa hai nước đã được triển khai ngay trong thập niên 50 của thế kỷ XX: lập lãnh sự quán tại hai nước, trao đổi các đoàn thăm quan, ký hiệp định buôn bán giũa hai nước(1). Cũng trong thời kỳ này, Ấn Độ đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban kiểm soát, giám sát quốc tế việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia.
Những năm nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược lại diễn ra mạnh mẽ, liên tục, đều khắp trên toàn Ấn Độ. Khi quân và dân miền Nam Việt Nam nổi dậy tiến hành cuộc tổng tấn công năm 1968 nhằm đánh bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, thì ở Ấn Độ có những đợt đấu tranh chống Mỹ, tập trung vào khẩu hiệu: đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đòi Mỹ chấm dứt tức khắc việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhân dân Ấn Độ vô cùng căm phẫn, mạnh mẽ lên án những tội ác chồng chất của đế quốc Mỹ ở hai miền Nam, Bắc của Việt Nam. Các cuộc thảm sát Phú Lợi, Mỹ Lai, “sự kiện vịnh Bắc Bộ” do Mỹ và tay sai gây ra đều bị nhân dân Ấn Độ kịch liệt lên án. Khi nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trọn vẹn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thì ở Ấn Độ, nhân dân đã biểu thị tình cảm vui mừng chào đón thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Sau chiến thắng giải phóng miền Nam, Việt Nam và Ấn Độ càng có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Năm 1976, để thiết thực giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng lại đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, Chính phủ Ấn Độ thông qua Hội chữ thập đỏ Ấn Độ đã gửi giúp nhân dân Việt Nam 100 con trâu sữa Mu-ra để làm giống gây đàn trâu sữa của Việt Nam.
Năm 1978, đúng 20 sau năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ. Các hiệp định về tín dụng, thương mại, khoa học kỹ thuật, chương trình trao đổi văn hóa được ký kết trong chuyến thăm này, đã mở ra một chương mới hết sức quan trọng trong lịch sử quan hệ truyền thống giữa Việt Nam - Ấn Độ. Từ đó, “cây hữu nghị” Việt Nam - Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru dày công vun đắp đã đơm hoa kết trái. Từ chỗ ủng hộ nhau về mặt chính trị, Việt Nam, Ấn Độ đã nhanh chóng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác: ngành đường sắt với hàng nghìn đầu máy, toa xe lửa nhập từ Ấn Độ; ngành công nghiệp với hai viện nghiên cứu về trâu sữa, lúa nước do Chính phủ Ấn Độ viện trợ cho Việt Nam; ngành địa chất với các công trình phối hợp giữa hai nước; ngành bưu điện với hiệp định trao đổi thư từ, bưu kiện; ngành đại học với việc Ấn Độ đào tạo sinh viên sau đại học cho Việt Nam… Bước đầu, Ấn Độ cũng đã trao đổi với Việt Nam các đoàn đại biểu quân đội và cử đoàn tàu chiến đến thăm Việt Nam.
Quan hệ thương mại và tín dụng giữa hai nước cũng ngày càng tăng. Năm 1982, chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Ấn Độ Narasimha Rao và chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lại góp phần mở rộng, tăng thêm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Việc thành lập Ủy ban hỗn hợp kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt Nam - Ấn Độ là bước phát triển mới tốt đẹp, tạo điều kiện tăng cường, mở rộng và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Ấn Độ. Tháng 12-1982, Ủy ban đã họp phiên đầu tiên ở Niu Đê-li đề ra những chương trình hợp tác ngắn hạn và dài hạn giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 02-1979, nhân dân Ấn Độ đã kịp thời lên án mạnh mẽ, đòi Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xâm lược Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ ra tuyên bố ủng hộ nhân dân Việt Nam và Ngoại trưởng Ấn Độ khi đó đang ở thăm Trung Quốc đã kết thúc cuộc đi thăm trước dự định để phản đối. Vào thời điểm đầy khó khăn thách thức đó của Việt Nam, Bà Thủ tướng Indhira Gandhi đã nói lời tiêu biểu, đầy tình cảm về sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, Chính phủ Ấn Độ đối với Việt Nam: “Chúng ta ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam khi họ chống Pháp và sau đó, khi họ chống Mỹ, và ngày nay trong lúc họ đương đầu với làn sóng xâm lược mới. Chúng ta đã cùng với nhân dân Việt Nam, chúng ta đang cùng với họ, và chúng ta sẽ luôn luôn bên cạnh Việt Nam trong hoạn nạn cũng như trong hòa bình”. Đó là tình cảm đáng quý, đã trải qua thử thách mà nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã giành cho nhân dân Việt Nam.
Sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007, mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam không ngừng phát triển rực rỡ, ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả và mở rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quan hệ chính trị được tăng cường; quan hệ kinh tế, thương mại có bước phát triển đáng ghi nhận(2).
Về các vấn đề quốc tế, Ấn Độ khẳng định ủng hộ việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn và tự do hảng hải và hàng không ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ấn Độ không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng. Tất cả các bất đồng, tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng Narendra Modi đã thể hiện quan điểm này của Ấn Độ trên tất cả các diễn đàn quốc tế. Đồng thời, Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động phương Đông của Ấn Độ.
Ấn Độ - quê hương của “cách mạng xanh”, quê hương của “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Cộng hòa Ấn Độ đã trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP đạt 1.800 tỷ USD (năm 2012), với nền giáo dục hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến. Trong tương lai không xa, Ấn Độ chắc chắn sẽ đứng vào hàng các cường quốc trên thế giới.
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược, hữu nghị truyền thống lâu đời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharla Nehru gây dựng và các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế hiện nay. Chính sách nhất quán của Việt Nam là đặc biệt coi trọng, mong muốn cùng với Ấn Độ làm hết sức mình đưa quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
----------------------------------------------------
(1) Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại Niu Đê-li. Ngày 07-01-1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ.
(2) Tính đến hết tháng 11-2014, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 5,15 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2013 và nhập khẩu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 12,5%. Riêng về đầu tư, đến nay Ấn Độ đã có 84 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 258 triệu USD. Trong đó, đầu tư của Ấn Độ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến nông sản và thực phẩm...
Nhiều nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  (11/08/2015)
Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài số một trong ngành du lịch Việt Nam  (11/08/2015)
Phối hợp công tác thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài  (11/08/2015)
Đàm phán về Hiệp định tàu thuyền đi lại tại cửa sông Bắc Luân  (11/08/2015)
Cho ý kiến dự án Luật Hoạt động giám sát và Luật Trưng cầu ý dân  (11/08/2015)
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam tại Lào  (11/08/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên