Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Singapore
Tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp hàng đầu Singapore
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Singapore.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng gặp gỡ lãnh đạo Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cùng các doanh nghiệp hàng đầu của Singapore trong một ngày hết sức trọng đại của Nhà nước và nhân dân Singapore-ngày Quốc khánh; chúc Liên đoàn cùng cộng đồng doanh nghiệp Singapore tiếp tục hoạt động hiệu quả, thành công, góp phần tích cực xây dựng đất nước Singapore phát triển thịnh vượng, tươi đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Singapore có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư,… Singapore luôn là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Singapore tăng mạnh trong những năm gần đây, năm 2014 đạt gần 10 tỷ USD. Đầu tư của Singapore vào Việt Nam cũng liên tục tăng, Singapore hiện có trên 1.400 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 33 tỷ USD. Các Khu Công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP) là biểu tượng sinh động cho sự hợp tác tốt đẹp, hiệu quả của Singapore vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa 2 nước còn rất lớn. Việt Nam luôn hoan nghênh, chào đón và sẽ tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Singapore sang thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại, làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Về đặc điểm, tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, Việt Nam là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, là thành viên của ASEAN, có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế. Dân số Việt Nam hiện nay khoảng trên 90 triệu người, mức tăng dân số trung bình hàng năm khoảng 1 triệu người, trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có dân số 100 triệu dân, cơ cấu dân số của Việt Nam là cơ cấu dân số trẻ, cơ cấu dân số vàng; giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước trong ASEAN và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; sức mua của nền kinh tế ngày càng tăng, với GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 2.200 USD (tính theo ngang giá sức mua PPP đạt trên 5.600 USD).
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn và kiểm soát tốt lạm phát. Năm 2014, GDP tăng gần 6%, trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 6,3%, dự kiến cả năm 2015 tăng 6,5%, mức cao nhất kể từ năm 2011; trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt từ 6,5-7%. Kim ngạch thương mại 2011-2015 tăng bình quân khoảng 15%/năm, phấn đấu năm 2015 đạt 350 tỷ USD. Tỷ giá, lãi suất ổn định; dữ trữ ngoại tệ đảm bảo an toàn ở mức trên 12 tuần nhập khẩu; nợ công ở mức an toàn và được kiểm soát tốt.
Đồng thời, Việt Nam là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới; có quan hệ kinh tế với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, riêng về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hiện có hơn 18.500 dự án đang hoạt động đến từ 103 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư lên tới 260 tỷ USD.
Việt Nam và Singapore đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, với quyết tâm chính trị cao nhất, hai nước đang cùng các đối tác phấn đấu kết thúc đàm phán tiến tới ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian sớm nhất, dự kiến cuối năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc tham gia và thực hiện các Hiệp định FTA đang mở ra quan hệ thương mại tự do của Việt Nam với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Theo đó, sẽ thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
“Tôi nhấn mạnh các điều nói trên để nói lên Việt Nam là một thị trường hết sức rộng lớn và phong phú, có rất nhiều điều kiện thuận lợi, có tiềm năng và lợi thế rất lớn cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, đại diện các doanh nghiệp Singapore bày tỏ niềm vinh dự được gặp gỡ và trực tiếp được trao đổi với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, cho đây là một cơ hội “vàng” để bày tỏ, chia sẻ những ý kiến của mình; tìm hiểu thông tin, các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam cũng như nêu các kiến nghị cụ thể đến Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam.
Trước sự quan tâm của các nhà đầu tư Singapore về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ logistic, dịch vụ tài chính, năng lượng, phát triển hệ thống các khu công nghiệp, vận tải biển, xây dựng cơ sở hạ tầng,… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang tập trung mạnh cho tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu qủa, sức cạnh tranh của nền kinh tế với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó tập trung mạnh vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tài chính; tái cơ cấu đầu tư công. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh để môi trường này ngày càng tương thích với thông lệ, môi trường đầu tư, kinh doanh của khu vực và quốc tế; quyết liệt phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh ngang mức bình quân ASEAN-6 ngay trong năm 2015 và ASEAN-4 trong năm 2016;...
"Với những quyết tâm như trên, tôi tin tưởng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, thông thoáng, minh bạch, đáp ứng các yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế; có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Tôi cũng tin tưởng, trên nền tảng này, quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta sẽ có những bước phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể mà các nhà đầu tư đã đề cập nêu trên, Thủ tướng đánh giá cao, hoan nghênh thiện chí cũng như mong muốn được tìm kiếm cơ hội, hoặc mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam trong các lĩnh vực như logistic, bất động sản, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, phát triển các khu công nghiệp, vận tải biển,... nhấn mạnh đây là những lĩnh vực mà tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và Cộng đồng ASEAN chuẩn bị hình thành vào cuối năm 2015; Chính phủ hai nước đã và đang đẩy mạnh kết nối để thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực này.
Nhấn mạnh Việt Nam luôn hoan nghênh, chào đón; tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Singapore sang thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh và làm ăn hiệu quả, lâu dài, thành công tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định "Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành của Việt Nam sẽ xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất cụ thể của các nhà đầu tư Singapore đã cập tại cuộc Tọa đàm hết sức bổ ích và hiệu quả ngày hôm nay”.
* Cũng trong buổi sáng 09-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Singapore như: Sembcorp, Ascendas, Banyan Tree,...
Thủ tướng tiếp Hoàng tử Andrew
Ngày 09-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Công tước xứ York, Hoàng tử Andrew của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh. Đồng thời đánh giá cao chuyến thăm thành công tốt đẹp tới Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Anh David Cameron, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Anh phát triển tích cực và toàn diện hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, phát triển hạ tầng, giáo dục, đào tạo,… Thủ tướng bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, hai bên sẽ mở rộng, làm sâu sắc và hiệu quả hơn nữa sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, Hoàng tử Andrew với uy tín và với tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào vun đắp và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Anh trên các lĩnh vực, góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng thực chất, sâu rộng và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của cả hai nước, hai dân tộc.
Hoàng tử Andrew nhấn mạnh bản thân cá nhân ông có tình cảm đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam, rất ngưỡng mộ sự phát triển nhanh, năng động của Việt Nam cũng như những thành tựu toàn diện mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng thời, Hoàng tử Andrew đánh giá cao hợp tác giáo dục giữa Anh và Việt Nam, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này còn rất lớn, đề xuất hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác trên lĩnh vực này.
Hoàng tử Andrew cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Anh thúc đẩy hợp tác đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam; cho biết sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước kết nối, trao đổi thông tin để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với toàn cầu qua hệ thống điện tử, tin học hiện nay.
Hoàng tử Andrew cũng cho biết có kế hoạch thăm Việt Nam vào cuối năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Singapore
Thủ tướng nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Singapore.
Ngay sau khi tới Singapore, chiều ngày 08-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Singapore.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Singapore tiếp tục phát triển thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực.
Thủ tướng cho biết chuyến đi tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Độc lập của Singapore của Đoàn đại biểu Việt Nam lần này nhằm tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Gửi lời thăm hỏi thân thiết đến các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt tại Singapore, đồng thời nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Singapore, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, Thủ tướng mong muốn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Singapore tiếp tục góp phần tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và luôn quan tâm, hỗ trợ đồng bào trong làm ăn, sinh sống, có cuộc sống ổn định và phát triển, tất cả vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước tiến cùng thời đại, sánh vai với các nước năm châu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn nữa đồng bào ta tại Singapore trong học tập, làm ăn, sinh sống và hòa nhập tốt với xã hội sở tại; xây dựng cơ quan Đại sứ quán đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn kiều bào ta ở Singapore tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hướng về quê hướng đất nước, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, làm ăn, sinh sống để đạt được những kết quả cao hơn nữa, tốt hơn nữa./.
Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng*  (09/08/2015)
Bộ trưởng Công Thương tọa đàm với doanh nghiệp Việt tại Singapore  (09/08/2015)
100 ứng viên nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc  (09/08/2015)
Nhiều hoạt động trong “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ"  (09/08/2015)
Tổng thống Bangladesh và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (09/08/2015)
Nagasaki tổ chức lễ tưởng niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử  (09/08/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên