Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội ở Tuyên Quang

Nguyễn Sáng Vang
15:04, ngày 24-12-2009

TCCS - Tỉnh Tuyên Quang là vùng đất tụ cư lâu đời và gắn bó sâu sắc của 22 dân tộc anh em. Với bản sắc văn hóa vừa độc đáo, vừa đa dạng và thống nhất trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; với truyền thống lịch sử và cánh mạng; với những tiềm năng sẵn có, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã và đang tích cực khai thác mọi lợi thế, phát huy nội lực, tạo sự đồng thuận xã hội cao để nhanh chóng đạt mục tiêu phát triển do Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đề ra, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc và đạt mức trung bình trong cả nước...

“Cận cảnh” bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2009

Là một tỉnh miền núi nên tiềm năng, lợi thế của tỉnh trước hết là tài nguyên đất, với diện tích tự nhiên hơn 5.800 km2, trong đó, hơn 70.000 ha rừng và đất rừng. Độ che phủ rừng ở Tuyên Quang đạt tỷ lệ 62%, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Về tài nguyên khoáng sản, du lịch, tài nguyên nước... tuy hầu hết vẫn là “tiềm lực ngủ yên”, chưa được khai thác nhưng là những lợi thế so sánh trong đầu tư phát triển. Nguồn lao động tại chỗ chiếm 51% tổng số 72,5 vạn người, có thể đáp ứng cao các nhu cầu cung ứng về lao động trồng rừng, khai thác chế biến nông, lâm sản, khai khoáng và một số ngành dịch vụ, kỹ thuật...

Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì bám sát mục tiêu Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh và định hướng của Trung ương Đảng, sau gần bốn năm phấn đấu, nền kinh tế của tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng khá và tương đối toàn diện, văn hóa - xã hội phát triển hài hòa, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế bình quân giai đoạn 2006 - 2009 đạt 13,23%. Riêng năm 2009 ước đạt 14,53%. Thu nhập bình quân năm 2009 ước đạt 9,9 triệu đồng/người. Thực hiện an toàn về an ninh lương thực trên địa bàn, mức bình quân lương thực/đầu người đạt 427kg. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, cân đối trong từng nội bộ ngành, lĩnh vực và trên toàn tỉnh. Năm 2009, dự kiến công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 24%; các ngành dịch vụ chiếm 36,6%; ngành nông, lâm nghiệp chiếm 39,4%.

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2009 đạt 1.402,6 tỉ đồng, bằng 72,3% kế hoạch năm và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2008. Từ năm 2006 đến nay, có 36 dự án công nghiệp được đầu tư với tổng vốn hơn 11.174 tỉ đồng, trong đó, 18 dự án hoàn thành đi vào sản xuất (những dự án lớn như Nhà máy sản xuất Bột giấy và Giấy An Hòa công suất 130.000 tấn nguyên liệu/năm sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất vào cuối năm 2010; Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang với công suất 342mW đã hoàn thành đưa vào vận hành cho sản lượng điện năm 2008 đạt 1.137 triệu kW/h).

Du lịch được xác định là một ngành kinh tế quan trọng nên được tỉnh quy hoạch, đầu tư cả ba loại hình: du lịch lịch sử văn hóa - nghỉ dưỡng - sinh thái. Thực tiễn cho thấy, đây là cách làm đúng hướng. Qua 9 tháng đầu năm 2009, ngành du lịch thu hút 402.000 lượt khách, đạt 83,9% kế hoạch năm.

Mức tăng GDP bình quân của Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2009 đạt 13,23%. Riêng năm 2009 ước đạt 14,53%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 ước đạt 9,9 triệu đồng.

Nông nghiệp đang tích cực chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng một số vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, tỉnh có trên 7.000 ha mía cung ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy đường hoạt động ổn định theo công suất thiết kế; hơn 7.500 ha chè gắn với 4 cơ sở chế biến, hằng năm xuất khẩu được trên 6.000 tấn; chăn nuôi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nâng dần tỷ trọng trong nội bộ ngành nông nghiệp. Tuyên Quang đã hoàn thành quy hoạch, phân định và cắm mốc 3 loại rừng trên thực địa; điều chỉnh, ban hành một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng. Đã trồng mới được 46.914 ha rừng, vượt 156,38% so với mục tiêu của Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, 100% số xã và trên 97,6% số thôn, bản có đường ô-tô đến trung tâm; 100% trung tâm huyện, thị xã có tuyến dẫn cáp quang và được phủ sóng điện thoại di động; 100% số xã, phường, thị trấn có điện thoại, mật độ điện thoại đạt 42,4 máy/100 dân. 97% số dân được nghe phát thanh và 82% được xem truyền hình; 93,66% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều công trình thuộc thiết chế văn hóa quan trọng được đầu tư xây dựng mới. Thị xã Tuyên Quang đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III.

Cùng với nỗ lực trong phát triển kinh tế, Tuyên Quang đã dành sự quan tâm thường xuyên cho phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế và bảo đảm an sinh xã hội. Chất lượng giáo dục - đào tạo ở các bậc học được nâng lên rõ rệt qua từng năm học. Mạng lưới y tế của tỉnh được củng cố, cơ sở vật chất bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được đầu tư nâng cấp, có 5,8 bác sĩ/10.000 dân. Chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 đã đạt được những thành tựu quan trọng hướng tới mục tiêu giảm hộ nghèo xuống dưới 15% vào năm 2010. Số hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 35,64% năm 2006 xuống 18,58% năm 2008. Hằng năm tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Hiện cả tỉnh có trên 7.000 người đang lao động ở nước ngoài.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2006 đến nay, đã kết nạp hơn 6.000 đảng viên mới, trong đó, 41% là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ nữ chiếm 45,94%. Hằng năm, có trên 71% tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh với 99% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ. Công tác quy hoạch cán bộ được chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình và đi vào nền nếp, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ít người, cán bộ trẻ trong quy hoạch đều vượt so với yêu cầu.

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo sự đột phá phát triển bền vững

Tuyên Quang vẫn là một tỉnh nghèo, lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nằm sâu trong nội địa, tỉnh chưa có đường hàng không và đường sắt... hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém. Do những trở ngại về địa hình nên cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ và tiến độ đầu tư xây dựng một số công trình, dự án công nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng chậm. Chất lượng thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu; mạng giao thông liên tỉnh còn hạn chế; chưa có những nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu lớn và đa dạng. Sức cạnh tranh các sản phẩm của doanh nghiệp còn yếu. Một số mặt của lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng giảm nghèo ở một số nơi chưa bền vững, đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang là kiên trì thực hiện mục tiêu Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng, lựa chọn lợi thế, tạo ra sự đột phá để phát triển bền vững. Năm nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ phải thực hiện rất quyết liệt là: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác tư pháp, thanh tra, đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm quốc phòng - an ninh; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng; tích cực xây dựng và củng cố chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Để thực hiện có kết quả cao các nhiệm vụ đó, Tỉnh ủy Tuyên Quang tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ, trước hết là: Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm lãnh đạo, quản lý, điều hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Phương châm của tỉnh là "chớp thời cơ, đột phá mạnh, liên kết rộng, hợp tác sâu" với nền tảng tinh thần, tạo ra động lực là "truyền thống lịch sử văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc".

Tuyên Quang đã hoàn thành “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đang tập trung giải quyết tốt nhiều nhiệm vụ đặt ra trước yêu cầu tăng tốc cho sự phát triển. Về công nghiệp và dịch vụ, hoàn thành quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Long Bình An của tỉnh, 4 cụm công nghiệp ở bốn huyện và một số điểm công nghiệp khác. Hướng tập trung ưu tiên là phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy điện nhỏ, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ; phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông và thông tin.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2006 đến nay, đã kết nạp hơn 6.000 đảng viên mới, trong đó, 41% là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ nữ chiếm 45,94%. Hằng năm, có trên 71% tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh với 99% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ.

Tuyên Quang đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư, thực hiện cải cách hành chính để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các cấp đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và những vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương liên quan đến đầu tư xây dựng. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Lập quy hoạch chi tiết và tích cực huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch theo quy hoạch, trọng tâm là Khu Du lịch lịch sử - văn hóa và Sinh thái quốc gia Tân Trào, Khu Du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu Du lịch sinh thái Nà Hang. Đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh, tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận và trong cả nước để đầu tư và thu hút khách du lịch đến địa phương. Phát triển thêm các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, đăng ký và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh.

Về nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với xây dựng, phát triển nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; tổ chức tốt việc giao đất, giao rừng và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; bảo đảm an ninh lương thực vững chắc; tiếp tục phát triển chăn nuôi gắn với chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Triển khai các đề án, dự án phát triển một số loài cá đặc sản để khai thác tốt lợi thế của hồ thủy điện Tuyên Quang. Thực hiện sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước để kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để đẩy tiến độ đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, hạ tầng thiết yếu khác theo lộ trình, kế hoạch đã xác định. Đẩy nhanh quy hoạch chi tiết thị xã Tuyên Quang, sớm hoàn thành các tiêu chí để đưa thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; quy hoạch huyện lỵ Yên Sơn, quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch của các huyện lỵ, các điểm dân cư... tạo căn cứ cho việc lập dự án và đầu tư xây dựng; tăng cường các hoạt động đối ngoại hợp tác, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế trong nước, trong khu vực và quốc tế./.