TCCSĐT - Ngày 30-6-2015, Hội thảo khoa học: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo” được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và PGS. TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì Hội thảo.

Đây là hội thảo khoa học lần thứ hai kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ được Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang khai trương ngày 15-9-2014.

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian gần đây thể hiện rõ trên 5 trụ cột chính: kinh tế, chính trị, văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật, năng lượng và an ninh - quốc phòng. Cả 5 trụ cột có sự liên kết, bổ trợ cho nhau rất mật thiết để đạt kết quả tổng thể tốt đẹp. Từ khi hai nước Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2007) đến nay, mối quan hệ hợp tác chính trị đã phát triển hơn bao giờ hết. Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có các chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Ấn Độ, và Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng Ấn Độ đến thăm Việt Nam. Các chuyến thăm không chỉ tạo nền tảng, động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước, tạo điều kiện quan trọng cho việc mở rộng, phát huy hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ Preeti Saran khẳng định, Ấn Độ và Việt Nam vốn có quan hệ lịch sử, văn hóa từ nhiều thế kỷ trước. Điểm đặc trưng quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai nước là tình hữu nghị liên tục được phát triển thông qua hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, và, cùng có triết lý về sự chung sống hòa bình, phi bạo lực. Đó là nền tảng vững chắc để quan hệ của hai nước không ngừng được bồi đắp qua các thời kỳ và ngày càng vững bền hơn.

Tuy nhiên, bà Preeti Saran nhấn mạnh, hiện nay cả Việt Nam và Ấn Độ đều là những quốc gia có dân số trẻ, vì thế, những gì giới trẻ của hai nước nhận thức được hôm nay sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy, vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai.

Trên 70 tham luận và ý kiến phát biểu của các học giả Việt Nam và Ấn Độ tại Hội thảo tập trung phân tích các nội dung chính: (1) Quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên các bình diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, truyền thông. (2) Nghiên cứu văn hóa Ấn Độ và giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ. (3) Nghiên cứu Ấn Độ cổ đại. (4) Nghiên cứu Ấn Độ đương đại.

Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo” đặt tiền đề cho Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Ấn Độ và ASEAN: Thực trạng và triển vọng” sẽ được tổ chức nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Ấn Độ (15-8-2015) và kỷ niệm 1 năm thành lập Trung tâm./.

Hội thảo khoa học lần thứ nhất “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế” được tổ chức vào ngày 11-5-2015. Tại hội thảo này, các đại biểu khuyến nghị cần xúc tiến nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống tiềm năng phát triển của Ấn Độ, nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều, tích cực khai thác tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực đầu tư, tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực của hai nước. Hiện nay, thương mại song phương đạt 8 tỷ USD, tăng 20 lần trong 10 năm qua, và, chắc chắn sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020 nếu Ấn Độ đầu tư nhiều hơn vào ngành điện, kết cấu hạ tầng, khai thác dầu khí, ... Hiện hai nước hợp tác hiệu quả trong ngành công nghiệp dệt may, dược phẩm, du lịch,...