Cần thiết ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 27-5, các đại biểu tiếp tục làm việc, nghe Tờ trình và báo cáo về các dự án luật.
Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Cần thiết ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nêu rõ thực hiện các quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2006, năm 2009 (gọi chung là Pháp lệnh năm 2004), tổ chức của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân) đã đi vào ổn định, hoạt động có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.
Từ khi Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 845.950 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố 733.339 vụ án hình sự với 1.146.865 bị can.
Tuy nhiên, thời gian qua, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như còn nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có các văn bản hướng dẫn thi hành; một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên chưa cụ thể.
Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp; các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự.
Pháp lệnh năm 2004 chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự nên đã có tình trạng bộ, ngành nào tổ chức, quản lý Cơ quan điều tra thì bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, bổ nhiệm, miễn nhiệm Điều tra viên nên thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự.
Để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004, việc xây dựng, ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày khẳng định tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Khắc phục tình trạng nợ đọng những quy định, văn bản
Qua thảo luận, cơ bản các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Các đại biểu đều thống nhất và cho rằng Quốc hội đã có nhiều cố gắng để thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa XIII; đồng thời thực hiện chủ trương một trong ba khâu đột phá chiến lược trong việc hoàn thiện thể chế, để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.
Mặt khác, tỷ lệ các dự án luật, pháp lệnh được thông qua cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần khắc phục những tồn tại, hạn chế do thực hiện không đúng quy trình thủ tục như: thời hạn; nợ đọng những quy định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành...
Cùng quan điểm với một số đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc đối với những cơ quan để tồn tại kéo dài văn bản. Nếu không, tình trạng này sẽ lặp đi lặp lại mãi trong các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự nghiêm khắc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác nâng cao xây dựng luật dù là ở thời điểm cuối nhiệm kỳ không chỉ có tác động đối với công tác xây dựng luật hiện nay, mà còn có ý nghĩa đối với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Góp ý về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Luật Biểu tình, Luật về hội, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, để thực hiện Điều 25 của Hiến pháp 2013.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh ( Đoàn Hải Phòng) cho rằng để bảo đảm tinh thần của Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống, đặc biệt là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân, đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Biểu tình tại Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11.
Cũng thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một số luật, như Luật Dân số, Luật Du lịch, Luật Thể dục - thể thao... Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), Lê Thị Yến (Đoàn Phú Thọ), Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị chuyển dự án Luật Dân số sang nhiệm kỳ sau.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Dân số, Luật Dược, mà cả hai luật này đều do Bộ Y tế - cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban các vấn đề xã hội là cơ quan thẩm tra. Do đó, đề nghị chuyển dự án Luật Dân số sang nhiệm kỳ sau.
Cần ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung
Ngoài quy định phải lập biên bản như hiện nay, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi vừa được trình Quốc hội quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Coi đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.
Thảo luận tại tổ chiều 27-5, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ủng hộ quy định này và cho rằng: “Có lẽ đầu tư không có gì khó. Để bảo đảm khách quan, vì quyền con người thì không có gì tốn kém cả”.
Cho rằng Tòa xét xử công khai, độc lập mà Kiểm sát viên còn có mặt để bảo đảm phiên tòa diễn ra đúng pháp luật, đại biểu đề nghị kiểm sát viên phải có mặt ở trong tất cả hoạt động điều tra, đặc biệt khi diễn ra hoạt động hỏi cung.
Không đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo, Đại biểu Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho rằng không nên quy định trong luật. Nhiều vụ bắt quả tang, chứng cứ rõ, đối tượng nhận tội thì không cần thiết phải ghi âm, ghi hình. Theo đại biểu, thực tế cũng không có đủ điều kiện để sắm phương tiện, cơ sở vật chất khó bảo đảm và đề nghị chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung với trường hợp tội tù chung thân, tử hình.
Ý kiến khác nhau về “quyền im lặng”
Quy định “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” hiện vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ nhấn mạnh đây là quyền và họ là những người bị buộc tội nên không buộc khai báo chống lại mình. Quy định này cũng thể hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan buộc tội trên nguyên tắc suy đoán vô tội.
Về cách diễn đạt, Thiếu tướng Trần Văn Độ cho rằng cách thể hiện của Ban Soạn thảo là “không buộc” chính xác hơn “không bị ép buộc” vì thể hiện quyền chủ quan của bị can, bị cáo.
Đại biểu cũng đánh giá cao quan điểm người không nhận tội hoặc không khai báo thì không được coi là tình tiết tăng nặng trong hình sự. Là quyền nên quy tăng nặng tội khi người ta không thực hiện quyền đó là không phù hợp.
Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho rằng việc bị can, bị cáo tự do trình bày để cán bộ điều tra đấu tranh khai thác làm rõ vấn đề khi thấy mâu thuẫn cũng là nghệ thuật trong điều tra. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định “không buộc” phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc “không buộc” phải nhận tội là chưa chuẩn và đề nghị thay bằng “không bị ép buộc”.
Thiếu tướng Trịnh Xuyên (đoàn Thanh Hóa) cho rằng quy định “quyền im lặng” là rất vô lý, gây khó khăn cho các cơ quan hoạt động tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật không cao, dẫn đến “nhờn” luật và là một nguyên nhân phát sinh tội phạm./.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhất là về tiêu thụ nông sản  (27/05/2015)
Việt Nam mong muốn Quốc hội Hoa Kỳ sớm phê chuẩn Hiệp định TPP  (27/05/2015)
Hoa Kỳ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam  (27/05/2015)
Trao Giải thưởng về thông tin đối ngoại  (27/05/2015)
Việt Nam tổ chức diễn đàn kinh doanh lương thực, nông nghiệp ASEAN  (27/05/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay