Việt Nam - Hy Lạp: mối quan hệ hợp tác hữu nghị và thân thiết
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp Ka-rô-lốt Pa-pao-li-át (Karolos Papoulias) và Phu nhân từ 11-10 đến 16-10 theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã kết thúc tốt đẹp.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ Hy Lạp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (15-4-1975). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân đã đón Tổng thống Hy Lạp và Phu nhân hết sức trọng thị theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia.
Hai Nguyên thủ đã thảo luận những lĩnh vực hợp tác cụ thể mà hai nước có thế mạnh và nhu cầu, có thể bổ sung cho nhau như vận tải biển, du lịch, bảo tồn bảo tàng... Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị Hy Lạp ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với Liên minh châu Âu (EU); ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO khóa 35 và phối hợp với Việt Nam trong khuôn khổ ASEM. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Ka-rô-lốt Pa-pao-li-át đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước: Hiệp định giữa Chính phủ Việt nam và Chính phủ Hy Lạp về khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hy Lạp; Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Hy Lạp.
Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Tổng thống Ka-rô-lốt Pa-pao-li-át đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; thăm tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại đây, Tổng thống Ka-rô-lốt Pa-pao-li-át và Phu nhân đã đến cắt băng khánh thành trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh ở phường Hương Sơ, thành phố Huế, đến các lớp học thăm các em học sinh trong những tiết học đầu tiên tại ngôi trường mới. Đây là ngôi trường do Chính phủ Hy Lạp tài trợ xây dựng với tổng số tiền 20.000 ơ-rô và một phần vốn đối ứng của địa phương để giúp con em dân vạn đò có nơi học khang trang. Dòng chữ mà Tổng thống viết lên bảng đen "Hy Lạp và Việt Nam mãi mãi là bạn" thể hiện tấm lòng, tình cảm của vị Tổng thống vốn là người thuộc thế hệ chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và rất có cảm tình với Việt Nam.
Chia sẻ với nỗi đau da cam của nhân dân Việt Nam, Phu nhân Tổng thống Hy Lạp đã đến thăm, tặng quà trẻ em tàn tật do hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội); Tổ chức hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam; Quỹ “Tình đồng chí” của Báo Quân đội Nhân dân; chứng kiến lễ trao tặng 100 xe lăn cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Quỹ chất độc màu da cam - Nỗi đau dai dẳng” của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 2007, Hy Lạp đã ủng hộ 20.000 ơ-rô cho “Quỹ chất độc màu da cam - Nỗi đau dai dẳng”.
Sự hiểu biết, thông cảm, chia sẻ, ủng hộ và hợp tác vì lợi ích chung của cả hai nước là cơ sở để chuyến thăm của Tổng thống Pa-pao-li-at và Phu nhân thành công tốt đẹp. Có thể nói, sau chuyến thăm này, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển, bởi, thứ nhất, hai Nguyên thủ nhất trí trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hy Lạp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, trên cơ sở lâu dài và cùng có lợi. Trước mắt, hai bên sớm triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận và hiệp định mà hai bên đã ký kết, trong đó có Hiệp định hợp tác về du lịch, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và cộng đồng kinh doanh của hai nước. Việt Nam đang xem xét mở Đại sứ quán thường trú tại A-ten trong thời gian tới.
Thứ hai, Tổng thống Pa-pao-li-át khẳng định, Hy Lạp sẵn sàng trở thành cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào khu vực Ban-căng, Nam Âu, Trung Cận Đông, Địa Trung Hải và Biển Đen. Việc triển khai thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lần này và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Hy Lạp hồi tháng 6 vừa qua của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, sẽ đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Tổng thống Pa-pao-li-át cũng tin tưởng và nhấn mạnh, chuyến thăm này giúp ông hiểu hơn về đất nước Việt Nam, nhất là những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Dân tộc Việt Nam đã trở thành một biểu tượng của thế kỷ XX, đã chứng tỏ cho nhân loại thấy rằng với ý chí kiên cường, bền bỉ và sáng suốt thì những điều không thể sẽ trở thành có thể.
Thứ ba, hai nền kinh tế Việt Nam - Hy Lạp đều phát triển năng động, hai nước đều có nguồn tài nguyên phong phú, đồng thời là cửa ngõ vào các khu vực ASEAN và EU. Điều đó chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội tốt để hai nước tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư. Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Hy Lạp là những doanh nghiệp hàng đầu của Hy Lạp, mong muốn đẩy mạnh đầu tư, giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á. Các doanh nghiệp hai nước đã trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc song phương để tìm hiểu thế mạnh và tiềm năng hợp tác, thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hàng hải, đóng tàu, dầu khí, xây dựng, lương thực, tiến tới ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Chuyến thăm của Tổng thống Ka-rô-lốt Pa-pao-li-át đã mang đến đất nước và nhân dân Việt Nam tình cảm hữu nghị, thân thiết, sự hợp tác nhiều mặt từ phía Nhà nước và nhân dân Hy Lạp. Với những kết quả tốt đẹp có được từ chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Hy Lạp, nhân dân hai nước tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hy Lạp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự phồn vinh của mỗi nước./.
Thông cáo số 2 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (18/10/2008)
Những gương mặt tiêu biểu - những tấm lòng nhân ái  (18/10/2008)
Lại thêm một ngày tồi tệ của chứng khoán thế giới  (18/10/2008)
8 ngân hàng châu Âu thỏa thuận hỗ trợ tài chính lẫn nhau  (18/10/2008)
An ninh lương thực thế giới trước những thách thức mới  (18/10/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên