Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã chọn chủ đề "An ninh lương thực thế giới trước những thách thức mới" cho Ngày Lương thực Thế giới năm nay (16-10) nhằm nhắc nhở mọi người về những mối đe dọa có thể gây ra đối với an ninh lương thực.

FAO cho rằng nông nghiệp đóng một vai trò kép đối với sự biến đổi khí hậu. Một mặt, hoạt động của ngành này góp phần làm biến đổi khí hậu toàn cầu do sản sinh ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mặt khác lại góp phần làm giảm lượng khí thải đó.

Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy lượng khí thải do hoạt động nông nghiệp và nạn chặt phá rừng gây ra chiếm 30% tổng số khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thế nhưng, nông nghiệp có thể nuôi sống nhiều người hơn nếu áp dụng phương thức vừa sản xuất, vừa giữ gìn môi sinh.

Biến đổi khí hậu đang tác động đến đời sống hàng ngày của tất cả mọi người trong xã hội. Thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu đã làm giảm sản lượng lương thực và đây là một thách thức đối với an ninh lương thực thế giới.

Thêm vào đó, trong những năm gần đây, công nghiệp năng lượng sinh học thế giới đã phát triển nhanh chóng, việc sử dụng năng lượng sinh học đang được coi là một biện pháp nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như giảm tỷ lệ phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.

Trong báo cáo mới đây về "Thực trạng lương thực và nông nghiệp năm 2008", FAO đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại chính sách phát triển năng lượng sinh học nhằm tạo dựng sự phát triển lâu dài. Theo báo cáo, từ năm 2000 - 2007, sản xuất nhiên liệu sinh học đã tăng gấp 4 lần. Loại nhiên liệu này hiện nay chiếm 2% tổng lượng nhiên liệu dùng cho các phương tiện giao thông vận tải trên thế giới.

Báo cáo cho rằng nhu cầu về năng lượng sinh học sẽ tăng đều đặn trong 10 năm tới và sẽ gây áp lực đối với giá lương thực. Điều này tạo ra một thách thức nữa đối với an ninh lương thực thế giới.

Phát biểu nhân Ngày Lương thực Thế giới năm nay, Tổng Giám đốc FAO Giắc-cơ Đi-ốp (Jacques Diouf) nêu rõ, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ tác động tới kinh tế vĩ mô của các nước đang phát triển, và, đặc biệt, sẽ gây những tác động tiêu cực hơn cho an ninh nông nghiệp và lương thực. Trước hết, các khoản tín dụng của ngân hàng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, viện trợ của chính phủ và vốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ bị hạn chế. Tiếp đến, sản lượng các vụ thu hoạch sẽ giảm, gây ra một đợt tăng giá lương thực mới.

Như vậy, ngoài biến đổi khí hậu và sự phát triển của công nghiệp năng lượng sinh học, khủng hoảng tài chính thế giới cũng là một thách thức đối với an ninh lương thực thế giới./.