Một hướng phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh
TCCSĐT - Thời gian qua, du lịch Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là vấn đề lớn đối với ngành du lịch địa phương và là nguyên nhân chủ yếu tác động tới chất lượng dịch vụ, nhất là các dịch vụ được cung cấp trong các nhà hàng, khách sạn. Do đó, đào tạo thường xuyên trong hoạt động kinh doanh khách sạn đã và đang là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với ngành du lịch Quảng Ninh.
Vai trò của hoạt động đào tạo thường xuyên trong kinh doanh khách sạn
Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 04-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” xác định: giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp; hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lao động ngành du lịch đang là đòi hỏi cấp bách của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có yêu cầu nâng cao chất lượng lao động tại các nhà hàng, khách sạn.
Đào tạo trong khách sạn là một hoạt động liên tục có kế hoạch nhằm tạo ra sự thay đổi về phương pháp, hành vi, thái độ, nâng cao năng lực của cá nhân và tập thể, giúp người lao động chủ động hơn trong công việc, cải thiện hiệu suất và chất lượng lao động, hoàn thành mục tiêu do doanh nghiệp đề ra. Đây cũng chính là biện pháp tích cực giúp các cá nhân phát huy khả năng tiềm ẩn của mình. Quá trình đào tạo này cung cấp những kinh nghiệm và kỹ năng mới cần thiết cho người lao động phát triển đội ngũ lao động có chất lượng cao. Trong chuỗi khách sạn toàn cầu, nó là sự lựa chọn chiến lược trong lĩnh vực đầu tư nguồn nhân lực, là một phương tiện tích cực để nâng cao chất lượng dịch vụ ngành du lịch.
Đào tạo là quá trình không ngừng để đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, đồng thời là nhu cầu cơ bản của bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Đây không phải là một hoạt động ngẫu nhiên, đơn lẻ mà được tích hợp với hệ thống các hoạt động khác trong quản lý nguồn nhân lực, hướng tới trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động (kỹ năng nhận thức, kỹ năng hòa nhập, hành vi ứng xử và các kỹ năng có tính kỹ thuật). Hoạt động đào tạo thường xuyên tại khách sạn cần gắn kết với việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện. Quản lý chất lượng toàn diện được hiểu là việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các khách sạn bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn của các dịch vụ tốt nhất được cung cấp nhằm thoả mãn nhu cầu và mong muốn của khách du lịch. Việc quản lý chất lượng toàn diện giúp tăng cường sự gắn kết, phối hợp giữa các bộ phận khách sạn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, chất lượng của các dịch vụ hỗ trợ và chất lượng hệ thống quản lý. Trên thực tế, đào tạo được xem là bước đầu tiên để thực hiện quản lý chất lượng toàn diện và truyền bá văn hóa chất lượng trong khách sạn.
Đối với hoạt động kinh doanh khách sạn, đào tạo thường xuyên tại khách sạn là một trong những biện pháp quan trọng để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và nâng hạng khách sạn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần dành một phần ngân sách cho quá trình đào tạo tại các khách sạn. Để có được những thành công trong quá trình đào tạo, tất cả các bên (giảng viên, học viên và các cán bộ đào tạo) tham gia phải có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của việc đào tạo, từ đó có sự chuẩn bị tốt cho việc triển khai các chương trình đào tạo, sử dụng các kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Quảng Ninh và yêu cầu đào tạo thường xuyên
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sức lan tỏa trong quá trình phát triển của cả vùng. Là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, với hệ thống cảng biển thuận tiện, nhất là cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cảng nước sâu Cái Lân, Quảng Ninh có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á và các nước thuộc khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, là điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Do đó, tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh là tạo bước phát triển đột phá, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” với việc xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Với nhiều lợi thế so sánh, như vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là vịnh Hạ Long - Di sản thế giới, ngành du lịch Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển và liên tục có tốc độ tăng trưởng khá nhanh cùng hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại. Đến năm 2014, Quảng Ninh có 1.261 cơ sở lưu trú, trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 15 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, 53 khách sạn 2 sao, 56 khách sạn một sao và 1.123 khách sạn đạt chuẩn. Tổng số lao động trực tiếp trong các khách sạn là 32.125 người. Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn hạn chế và là một nguyên nhân quan trọng cản trở việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của Quảng Ninh vẫn chiếm tới 44,75 % tổng số lao động trực tiếp trong các khách sạn.
Khảo sát cho thấy hoạt động đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho đội ngũ lao động làm việc trong các khách sạn tại Quảng Ninh là rất ít. Chỉ có một số ít khách sạn có liên kết với các thương hiệu lớn như Novotel, Sai Gon Tourist có sự đầu tư cho việc đào tạo thường xuyên. Lực lượng lao động có trình độ cao tại các khách sạn hầu như chỉ dịch chuyển từ khách sạn này qua khách sạn khác khi khách sạn mới đi vào hoạt động và đưa ra mức thu nhập hấp dẫn hơn. Sự dịch chuyển này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực trước mắt của doanh nghiệp mới và làm giảm chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp đang hoạt động chứ không làm tăng chất lượng dịch vụ chung của ngành. Sự yếu kém của đội ngũ lao động trong ngành du lịch chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa chú trọng tới khâu đào tạo, hầu như các doanh nghiệp không có khoản đầu tư cho việc đào tạo và đào tạo thường xuyên cho đội ngũ lao động. Điều này tạo ra nhiều bất lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch ở các khách sạn, như chất lượng dịch vụ thấp, doanh thu thấp, chi phí cao. Do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn thực sự thì các doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo và đào tạo thường xuyên để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Mục tiêu đặt ra là xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bền vững và bảo đảm an ninh quốc phòng. Để thực hiện được mục tiêu đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định. Ngày 30-9-2014, Quảng Ninh đã thông qua Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ nhân lực tỉnh Quảng Ninh có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2020 và 2030. Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu: phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá quyết định nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trong đó nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Quảng Ninh cũng xác định ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, chú trọng nhân lực trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi, nhân viên giỏi,… góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh nói chung và của ngành du lịch tỉnh nói riêng, đòi hỏi các cấp chính quyền, các doanh nghiệp cần có cách nhìn nhận đầy đủ hơn và có sự đầu tư thích đáng cho hoạt động đào tạo.
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động đào tạo thường xuyên tại các khách sạn
Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh của Quảng Ninh, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, đến năm 2020, tổng số khách du lịch đạt 10,5 triệu lượt, trong đó có 4 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 30.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 62.000 lao động trực tiếp, Quảng Ninh đã xác định một số nhóm giải pháp cần thực hiện, trong đó có dự án xây dựng và bồi dưỡng nhân lực phục vụ hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế. Nhân lực du lịch của tỉnh cần được tổ chức đào tạo và đào tạo lại về quản lý và chuyên môn theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Đào tạo tại khách sạn trong quá trình hoạt động kinh doanh có tầm quan trọng to lớn trong chiến lược phát triển của hệ thống khách sạn cũng như chiến lược phát triển ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ninh. Do đó, tỉnh xác định những giải pháp quan trọng cần thực hiện là:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiên truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp, các doanh nghiệp và người lao động về tầm quan trọng của hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch nói riêng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó có hoạt động đào tạo thường xuyên tại hệ thống các khách sạn hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Thứ hai, thông qua phân tích nhu cầu thực tế, lập kế hoạch đào tạo, định hướng đào tạo, thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp để nâng cao nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch, nhất là lao động hoạt động trong các khách sạn trên cơ sở đã xác định được những khiếm khuyết trong quá trình kinh doanh, đầu tư ngân sách đào tạo, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện trong hoạt động kinh doanh khách sạn và đào tạo. Bố trí, sắp xếp các chương trình giáo dục đào tạo bảo đảm truyền tải đầy đủ các khái niệm về chất lượng, lan tỏa văn hóa chất lượng trong nhân viên khách sạn. Cần có bộ phận kiểm soát để kiểm soát chất lượng dịch vụ đào tạo khách sạn, đưa ra các biện pháp và xác định sự cần thiết triển khai hệ thống quản lý chất lượng toàn diện.
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Triển khai tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh trong các trường trung học phổ thông, chú trọng các nghề nghiệp theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện và thường xuyên giáo dục người lao động có ý thức tự học, học tập suốt đời, nghiên cứu, gắn bó với nghề nghiệp, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển du lịch Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thứ tư, tăng cường chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực, xã hội hóa công tác giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tự đào tạo nguồn nhân lực. Tìm kiếm các nguồn tài trợ khác để tổ chức đào tạo cho nhiều lao động hơn, thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... Khuyến khích các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, giáo viên để cải thiện chất lượng đào tạo.
Thứ năm, tăng cường hoạt động hợp tác đào tạo, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong nước và nước ngoài có năng lực và uy tín để đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch. Hình thành sự liên kết hợp tác đào tạo giữa hệ thống các khách sạn có uy tín trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế. Mở rộng quy mô đào tạo song song với nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên dạy nghề trong lĩnh vực du lịch, trong đó có kinh doanh khách sạn./.
Người cao tuổi: Vốn quý vô giá cần gìn giữ, phát huy  (05/05/2015)
FTA Việt Nam - Hàn Quốc sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước  (05/05/2015)
Thỏa thuận “lịch sử”  (05/05/2015)
Dư âm Chiến thắng 30-4 trong trái tim những người lao động Italy  (05/05/2015)
Dư âm Chiến thắng 30-4 trong trái tim những người lao động Italy  (05/05/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên