Sức lan tỏa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
TCCSĐT - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là biểu trưng của lòng thành kính, sự tri ân của nhân dân ta với công đức các Vua Hùng - những người có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ không chỉ hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các vùng, miền của đất nước Việt Nam.
1- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam mà trọng tâm là tỉnh Phú Thọ. Hướng về lịch sử cội nguồn cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, cách ngày nay nhiều nghìn năm, vùng đất trung du - bán sơn địa Phú Thọ đã trở thành một vị trí đặc biệt, có vị thế trung tâm cả về chặng đường khởi nghiệp của cộng đồng dân cư, lẫn địa bàn lịch sử, xã hội, văn hóa, hình thành nên trung tâm của nhà nước Văn Lang do các Vua Hùng giữ quyền khởi lập, làm chủ.
Điều dễ nhận diện qua thực địa là, hướng liên kết theo mạch kiến tạo của đồi núi từ Tây Bắc đến Đông Nam trên mặt bằng bán sơn địa này cũng chính là hướng vận động của 3 dòng chủ lưu lớn: sông Thao, sông Lô, sông Đà, góp phần hợp lực kiến tạo nên những dải đất ven màu mỡ, thành nơi tụ cư và lập nghiệp cho cộng đồng cư dân bản địa, đồng thời cũng dồn tạo ra/hình thành nên vùng đồng bằng châu thổ phía hạ nguồn. Chính vì vậy, mọi hoạt động sinh tồn của cư dân trong phạm vi không gian địa lý này về căn bản, qua nhiều nghìn năm là nông nghiệp lúa nước, chăn nuôi và trồng trọt. Các cứ liệu khảo cổ học có thể thấy, trong phạm vi không gian địa lý này, hiện tồn từ quá khứ nhiều nghìn năm, những di chỉ cư trú, di chỉ công xưởng, di chỉ mộ táng,… dày đặc, góp phần minh chứng cho sự nối kết văn hóa từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn, mà chủ nhân khởi sự của nó là cư dân thời đại các Vua Hùng. Hệ thống các làng, thôn có liên quan đến việc phụng thờ và tham dự lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ các nhân vật thời đại Hùng Vương trong quá khứ trải rộng trên không gian bao trùm gần khắp địa bàn tỉnh Phú Thọ (12/13 huyện, thị, thành phố), đặc biệt tập trung ở 2 vùng trung tâm là các xã thuộc thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao.
Xem xét từ góc độ địa - văn hóa, dân cư của các tộc người Việt - Mường có nguồn gốc hình thành từ lâu đời. Tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng thuộc hình thức đa thần, trong đó tín ngưỡng thờ thần núi, thờ tổ tiên, thờ thành hoàng và Phật giáo rất đậm nét. Nhìn về nguồn gốc lịch sử, vùng đất này nằm trong địa bàn quần cư và giao thoa văn hóa Văn Lang - Âu Lạc - Thăng Long, cửa ngõ giao lưu giữa vùng đồng bằng với các vùng văn hóa Tây Bắc. Các thế hệ dân cư có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do vùng đất này trải qua quá trình hình thành lâu dài và lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn với nhiều nghìn năm cư trú, dựng nước và giữ nước của người Việt cổ, bên cạnh các tộc người khác, nên mật độ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phân bố khá đậm đặc, liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử của tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước (từ thời đại các Vua Hùng đến các triều đại và nhân vật lịch sử đích thực về sau). Nhiều biểu hiện cho thấy những di sản văn hóa lâu đời này được hình thành liên tục, liền mạch qua nhiều thời kỳ lịch sử kế tiếp nhau, đặc biệt từ triều đại nhà Lý đến các triều đại quân chủ phong kiến sau này.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hàng trăm làng, xã còn lưu giữ các di tích tín ngưỡng gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân Việt - Mường xưa sáng tạo và trao truyền qua các thế hệ. Đó là hệ thống các di tích mang danh thờ tự Hùng Vương; thờ tự Cao Sơn Thánh Vương, Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Đông Hải Đại Vương, hệ thống thờ tự con cháu và tướng lĩnh của các Vua Hùng, hệ thống thờ tự Sơn Tinh - Tản Viên, Cao Sơn - Quý Minh, hệ thống thờ tự Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng,… Lần đọc các bản Ngọc phả, Thần tích và Sắc phong hiện đang lưu giữ tại khu vực đền Hùng và các vùng phụ cận, một số bài cúng được chủ tế xướng lên tại các điện thờ thuộc các làng, xã thuộc huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì, cùng tài liệu Hán - Nôm lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), có thể nhận thấy trong nội dung của những nguồn tư liệu này có ghi các tước hiệu, mỹ tự của các Vua Hùng được triều đình nhà nước phong kiến phong tặng. Tìm hiểu di tích tín ngưỡng thờ Vua Hùng tại Nghĩa Lĩnh và sau khi điền dã khảo sát tại gần 200 di tích của 122 làng xã thuộc 12 huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh Phú Thọ, có thể thống kê chỉ có khoảng 40 di tích thờ tự (đình, đền, miếu) được người dân gọi đích danh là nơi thờ phụng các Vua Hùng, còn lại là những di tích mang danh thờ phụng Cao Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương hoặc gọi chung là thờ Đức Vua hay bằng các tự danh khác, như Chàng Cả đại vương, Chàng Hai đại vương, Chàng Ba đại vương, Tam vị Đại Vương, Nhị vị Đại Vương,… Điều đặc biệt là, trong hầu hết các bài văn tế/cúng của các địa phương có di tích, không nơi đâu chủ tế gọi đích danh nhân vật được phụng thờ là Hùng Vương, hoặc tên của một trong các vị Vua Hùng.
Trên cơ sở nguồn thư tịch cổ và thực trạng của sinh hoạt tín ngưỡng tại các di tích thuộc các làng xã Phú Thọ, qua điền dã khảo sát thực tế, có thể nhận diện được một không gian văn hóa đích thực gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương với số lượng 178 đình, đền, miếu thờ tự tại 122 thôn/làng/khu dân cư của 81 xã trong 12 huyện/thị xã/thành phố của Phú Thọ, trong đó, chủ yếu các di tích mật tập tại các thềm đất cao ven các triền sông Lô, sông Thao, sông Đà. Và nơi giao thoa mang vị trí được coi là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - quân sự một thời chính là vùng ngã ba Bạch Hạc, nơi nổi lên miền đất thiêng Nghĩa Lĩnh. Chủ nhân của loại hình sinh hoạt tín ngưỡng trong không gian văn hóa này không chỉ người Việt, mà tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Yên Lập, đã và đang hiện tồn hàng chục di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương do cư dân các bản làng người Mường và người Cao Lan làm chủ. Thực tế này cũng phù hợp với ngọn nguồn thuở còn hợp lưu và cùng tồn tại, phát triển của văn hóa Việt - Mường cổ xưa trong lịch sử văn hóa dân tộc.
2- Từ vùng trung tâm là tỉnh Phú Thọ, tín ngưỡng này lan tỏa ra mọi miền trên đất nước Việt Nam. Có thể thấy quá trình lan tỏa ấy ở hai đợt sóng khác nhau. Từ vùng đất cội nguồn, tín ngưỡng này lan tỏa ra một số địa phương thuộc châu thổ Bắc Bộ. Rồi từ đây, trong hành trang của cư dân Việt mở nước về phương Nam có tâm lý hướng về nguồn cội. Bởi vậy, các lưu dân Việt trên đất Trung Bộ, rồi Nam Bộ đã xây dựng những đền thờ Hùng Vương tại vùng đất cắm chốt, khai phá làm ăn để thực thi tín ngưỡng của mình. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình hội tụ và lan tỏa, trở thành tín ngưỡng của cả một tộc người, lan ra nhiều tộc người/dân tộc khác trong cộng đồng một quốc gia, có sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian.
Có thể thấy, không gian tín ngưỡng ấy phát triển thành hai lớp khác nhau. Đầu tiên là, các di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn các tỉnh nay thuộc châu thổ Bắc Bộ. Vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của các tỉnh châu thổ Bắc Bộ, khiến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa nơi đây. Ở tỉnh Nam Định, có đền Vân Cù thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực có thờ Hùng Vương. Xưa kia ngôi đền được xây dựng với vật liệu tranh tre mái lá. Vào thế kỷ XVII - XVIII, ngôi đền đã được người dân hưng công dựng mới với vật liệu chủ yếu bằng gỗ lim trên một khu đất rộng khoảng 2.000m2. Tại đình Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, một trong 13 vị thần được phối thờ tại đình và phủ trong cùng không gian thiêng, con của Đức Vua Hùng, mà thực ra là một trong số các Vua Hùng đã trở thành Thành hoàng làng và được cộng đồng hương khói từ hàng trăm năm qua. Ở tỉnh Nghệ An, có đền Hồng Sơn, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh được xây dựng từ năm 1831 cũng thờ Hùng Vương.
Thứ hai là, những di tích thờ Hùng Vương được lan tỏa theo hành trình mở nước về phương Nam của người Việt Nam. Hằn trong tâm thức nét tâm lý “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ), những lưu dân Việt đã xây dựng những đền thờ Hùng Vương trên vùng đất mới. Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời vua Minh Mạng, năm 1823, bài vị thờ Hùng Vương được rước vào Huế thờ ở miếu Lịch Đại Đế Vương. Ở tỉnh Khánh Hòa, năm 1970, người dân đứng ra xây dựng đền thờ Hùng Vương và hoàn thành vào ba năm sau đó. Ở tỉnh Lâm Đồng, có nhiều đền thờ Hùng Vương, như: phường Hai, thành phố Đà Lạt; số 91 Ngô Quyền, phường 6, thành phố Đà Lạt; ba ngôi đền Trung, Hạ, Thượng ở khu du lịch Pren, phường 8, thành phố Đà Lạt… Ở tỉnh Bình Phước, đền thờ Vua Hùng được xây dựng tại xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập. Ở tỉnh Đồng Nai, đền thờ Hùng Vương được khởi công xây dựng vào năm 1968, hoàn thành năm 1971 tại khu phố 3, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa. Tỉnh Kiên Giang cũng xây dựng đền thờ Hùng Vương từ năm 1957 tại ấp Đông Bình, xã Thạnh Đông B thuộc huyện Tân Hiệp. Tỉnh Cà Mau, đền thờ Hùng Vương tọa lạc trên đường Quốc lộ 63 cách thành phố Cà Mau hơn 20km, thuộc ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều nơi thờ Vua Hùng nhất, đó là: Đền các Vua Hùng ở công viên văn hóa Tao Đàn (quận 1), đền Hùng Vương (261/3 Cô Giang, quận Phú Nhuận), đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (166/33 Đoàn Văn Bơ nối dài, quận 4), đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), đền thờ Hùng Vương (khu du lịch văn hóa Suối Tiên), đền thờ Hùng Vương (công viên văn hóa Đầm Sen), đền Cửu Tỉnh (96/24 Tôn Đản, quận 4), đình Hòa Thạnh (378 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú), Khu tưởng niệm - đền thờ Hùng Vương nằm trong khuôn viên của Công viên Lịch sử văn hóa (quận 9), đền thờ vua Hùng tại Thảo Cẩm Viên… Trong đó, nổi bật hơn cả là đền thờ Hùng Vương ở Công viên văn hóa lịch sử, được khởi công xây dựng, ngày 21-4-2002, khánh thành vào ngày đúng ngày Giỗ tổ năm 2009. Đây là ngôi đền có quy mô to lớn, xứng đáng là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng đặc biệt thờ Hùng Vương ở Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại ngày nay.
Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến năm 2005, trên địa bàn cả nước có 1.471 địa điểm có di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương. Hiện tại, ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã lập đền thờ cúng Hùng Vương (chẳng hạn ở Ca-li-phoóc-ni-a, Hoa Kỳ).
Như vậy, từ vùng đất cội nguồn của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ được mở rộng trên toàn đất nước Việt Nam và vượt ra ngoài biên giới nước nhà. Trong không gian ấy, nhiều di sản vật thể gắn bó với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được xây dựng trên hầu khắp các địa bàn cả nước. Người dân Việt ở mọi miền đất nước luôn ý thức sâu sắc rằng, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một phần bản sắc văn hóa của dân tộc, được các thế hệ lưu truyền, bảo tồn và không ngừng lan tỏa thêm trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam cùng một số địa danh ở các nước có đông người Việt Nam định cư trong nhiều năm trở lại đây./.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Bộ Khoa học và Công nghệ  (22/04/2015)
Phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị cấp cao Á - Phi  (22/04/2015)
Chủ tịch nước tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao Á - Phi  (22/04/2015)
Thủ tướng gặp mặt đại biểu cựu chiến binh và thanh niên xung phong  (22/04/2015)
Bảo đảm một hiệp định TPP cân bằng lợi ích giữa Việt Nam - Hoa Kỳ  (22/04/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên